Tháng 10/2022, Kayla Kirby và Taran Anderson, đều 24 tuổi, cùng 7 tình nguyện viên khác tới Việt Nam. Nhiệm vụ của họ là giảng dạy tiếng Anh cùng với giáo viên người Việt tại 9 trường THPT công lập ở Hà Nội.
Sau khi được tập huấn khoảng 10 tuần, từ tháng 1 năm nay, Kayla bắt đầu công việc ở một trường THPT của huyện Ba Vì. Cựu sinh viên Đại học California Santa Barbara đi chợ địa phương mua đồ mỗi tuần và tự nấu cơm.
Cô gái người Mỹ nói bất ngờ trước sự chào đón của thầy trò và người dân. Sau 5 tháng, Kayla có thể nói những câu tiếng Việt đơn giản, biết luộc rau muống, tước rau bí, làm nem, nặn bánh trôi. Kayla cũng mê phở, bún chả và lẩu.
“Mọi người không còn lạ lẫm với tôi. Giờ mỗi lần thấy tôi, họ thường ‘Hello’ (xin chào)”, Kayla kể.
Kayla được phân công dạy tiếng Anh cho ba lớp khối 10, mỗi tuần 13 tiết. Dù đã được các giáo viên trong tổ tiếng Anh hướng dẫn chuẩn bị bài kỹ lưỡng, cô vẫn không khỏi hồi hộp khi lần đầu đứng lớp.
“Tôi rất run, lo các em sợ và không hiểu những gì tôi nói”, Kayla nói.
Nhưng ngược lại, học sinh đồng loạt đứng dậy, cười và vẫy tay chào cô. Các em đặt nhiều câu hỏi, tò mò muốn biết thêm về cô giáo nước ngoài. Nhờ sự hỗ trợ của các giáo viên người Việt, Kayla tương tác với học sinh dễ dàng hơn.
Những buổi đầu tại một trường THPT ở huyện Thạch Thất cũng là kỷ niệm khó quên với Taran. Anh tham gia giảng dạy cho học sinh lớp 10 và 11 với 16 tiết một tuần. Dù thường xuyên dùng Google dịch, rào cản ngôn ngữ vẫn khiến anh không ít lần hiểu nhầm.
Một lần, Taran giải thích cụm từ “superstructure” có nghĩa là một cấu trúc, tòa nhà khổng lồ. “Nhưng thực tế, cô giáo dạy cùng tôi đang nhắc đến một học thuyết. Cô ấy thắc mắc: Cậu nói gì vậy?, còn học sinh cũng không hiểu tôi đang giải thích gì'”, Taran nhớ lại.
Từng đi qua hơn 10 quốc gia và dạy tiếng Anh cho học sinh bản địa, Taran đã đưa những trải nghiệm đa dạng của mình vào bài học, trò chơi, tạo hứng thú cho học trò.
Theo hai tình nguyện viên, họ thường có màn khởi động bằng các trò chơi dưới dạng hỏi, đáp kiến thức, từ vựng nhằm tăng sự tương tác, giúp học sinh nhớ từ và bài học nhanh hơn.
Giáo viên Việt Nam sẽ đảm nhiệm dạy ngữ pháp, còn Kayla và Taran tập trung hướng dẫn học sinh kỹ năng nghe, nói và học từ vựng. Theo Kayla, các học sinh chăm chỉ, yêu thích tiếng Anh nhưng phần lớn mắc lỗi phát âm.
“Khi nói, học sinh hay quên hoặc phát âm âm cuối không rõ ràng khiến người nghe khó nhận ra được đó là từ gì. Với kỹ năng nghe, các em nhầm lẫn các từ”, Kayla cho biết.
Để giúp học sinh cải thiện, Kayla tập trung vào phát âm, cố gắng nói chậm từng từ sau đó yêu cầu các em nhắc đi nhắc lại. Một số học sinh ngại nói, Taran dùng vài câu tiếng Việt để khuyến khích các em vượt qua ngại ngần.
Sau mỗi buổi học, tình nguyện viên và giáo viên phụ trách sẽ họp để rút kinh nghiệm. “Chúng tôi đánh giá hiệu quả bài học bằng cách quan sát xem học sinh có hứng thú hay không; các em có muốn thêm trò chơi ở những buổi tiếp theo không”, Kayla nói.
Ngoài giờ học, Kayla và Taran tham gia sinh hoạt với câu lạc bộ tiếng Anh của trường, giúp học sinh phát triển kỹ năng nói và thuyết trình. Kayla còn tập yoga, chơi bóng chuyền cùng thầy, cô và người dân địa phương. Taran học thêm tiếng Việt với gia sư qua mạng và tự luyện ở nhà. Thỉnh thoảng học sinh cũng dạy anh tiếng Việt.
“Nhưng cũng phải cẩn thận với những từ các em dạy”, Taran cười.
Các trường tiếp nhận hai tình nguyện viên đánh giá cao sự thân thiện, hòa đồng và chịu khó học hỏi của họ. Thầy Nguyễn Lễ, Phó hiệu trưởng nơi Taran đang giảng dạy, nhận xét anh có tác phong đĩnh đạc, vui vẻ khi tiếp xúc với học trò. Taran không ngại tiếp thu các kỹ năng, phương pháp giảng dạy sau những buổi dự giờ.
“Chúng tôi cũng học được từ cách tổ chức trò chơi cho học sinh của Taran. Cậu ấy có trải nghiệm và kiến thức phong phú”, thầy Lễ nói. Theo thầy Lễ, không chỉ học sinh, giáo viên trong trường cũng vui khi có tình nguyện viên quốc tế về dạy.
Còn thầy Phan Lạc Dương, Hiệu trưởng ngôi trường tiếp nhận Kayla, đánh giá cô năng động và nhiệt tình. Vì thế, Kayla chiếm được cảm tình của các thầy cô và học sinh trong trường.
Nguyễn Thị Thủy, học sinh lớp 12 của trường, nói luôn chờ đợi để được nói chuyện với cô Kayla ở câu lạc bộ tiếng Anh, mỗi hai tuần.
“Cô ấy nhiệt tình chỉnh cho chúng em cách phát âm và hướng dẫn nghe”, nữ sinh cho hay.
Những lúc rảnh rỗi, Kayla bắt xe buýt từ Ba Vì vào nội đô thăm bạn bè. Cô đang háo hức đón gia đình sang du lịch Việt Nam. Sau khi kết thúc hai năm tình nguyện, Kayla sẽ về Mỹ và theo đuổi chương trình thạc sĩ.
Trong khi đó, Taran chuẩn bị về thăm bố mẹ. Ước mơ của anh là trở thành một nhà ngoại giao.
“Trải nghiệm dạy tiếng Anh ở Việt Nam, ngoài giúp tôi có cơ hội du lịch, còn khiến tôi tự hào vì làm công việc ý nghĩa”, Taran nói.
Bình Minh
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/tinh-nguyen-vien-my-day-tieng-anh-cho-hoc-sinh-ha-noi-4613981.html