Các loại chiến hạm bạn cần biết: tàu sân bay, tàu khu trục, tàu tuần dương, tàu hộ tống, tàu hộ vệ, tàu ngầm, tàu đổ bộ, thiết giáp hạm.
Cùng khám phá về tàu chiến và phân biệt các loại chiến hạm trên thế giới hiện nay.
Chúng ta đều biết, một đất nước có sức mạnh quân sự không thể thiếu hải quân, và một lực lượng hải quân mạnh không thể thiếu các hạm đội tàu chiến. Vậy tàu chiến là gì? Có các loại chiến hạm nào trên thế giới? Hãy cùng chúng mình phân biệt các loại tàu chiến và tìm hiểu tất cả những kiến thức đó trong bài viết này nhé.
Khám phá: Bí mật về Hạm đội tàu nguyên tử của Nga
Tàu chiến là gì?
Tàu chiến là các loại tàu dùng cho mục đích quân sự (theo nghĩa rộng) hoặc các loại tàu dùng cho mục đích chiến đấu, theo nghĩa hẹp hơn. Như vậy theo nghĩa rộng, các con tàu vận tải dùng để chở vũ khí cũng có thể được coi là tàu chiến, nhưng ở nghĩa hẹp, tàu chiến chỉ bao gồm các con tàu được vũ trang. Đặc điểm nổi bật của tàu chiến là được trang bị vũ khí, có thể chạy với tốc độ cao và có thiết kế bền bỉ, khả năng chịu đựng thiệt hại cao khi chiến đấu. (Theo Wikipedia)
Phân biệt các loại tàu chiến
Tàu chiến đã xuất hiện từ rất lâu, kể từ khi con người xảy ra xung đột và chiến đấu trên các vùng sông nước, biển cả, tàu chiến đã được sử dụng. Ở thời cổ đại và trung cổ, tàu chiến di chuyển bằng cách chèo tay, sau đó là tàu chiến sử dụng buồm. Sau khi động cơ hơi nước được phát minh, đến thế kỷ 19, những con tàu chiến chạy động cơ đầu tiên mới ra đời.
Tàu tuần dương mang tên lửa hạt nhân hạng nặng Peter Đại đế. Ảnh: RIA.
Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, ngày nay, có 7 loại tàu chiến được hải quân các nước sử dụng trên toàn thế giới, bao gồm: tàu sân bay, tàu tuần dương, tàu khu trục, tàu hộ tống, tàu hộ vệ, tàu ngầm, tàu đổ bộ.
Ngoài ra, một loại tàu chiến từng rất nổi tiếng nửa đầu thế kỷ 20 là thiết giáp hạm, loại tàu chiến cỡ lớn được bọc thép và trang bị vũ khí vô cùng mạnh mẽ, nhưng hiện nay thiết giáp hạm gần như không còn được các nước sử dụng. Bên cạnh đó, một số loại tàu hỗ trợ và phụ trợ cho lực lượng hải quân được vũ trang nhẹ như tàu rà mìn, tàu tuần tra,…
Hãy cùng chúng mình tìm hiểu chi tiết các chiến hạm và phân biệt các loại tàu chiến trên thế giới ngay sau đây.
Tàu sân bay (aircraft-carrier)
Tàu sân bay hay còn được gọi là hàng không mẫu hạm là một loại tàu chiến được thiết kế để triển khai và thu hồi lại máy bay – trên thực tế hoạt động như một căn cứ không quân trên biển. Vì vậy, các tàu sân bay cho phép lực lượng hải quân triển khai không lực ở các khoảng cách lớn không phụ thuộc vào các căn cứ ở gần đó để làm căn cứ trên mặt đất cho máy bay.
Tàu sân bay USS Constellation CV-64 của hải quân Hoa Kỳ. Ảnh: Wikipedia.
Các lực lượng hải quân hiện đại với những con tàu như vậy coi chúng là trung tâm của hạm đội, vai trò trước đó do thiết giáp hạm đảm nhận. Sự thay đổi này diễn ra do sự phát triển của chiến tranh trên không ngay trước Chiến tranh thế giới thứ hai, khi các loại máy bay ngày càng trở nên nguy hiểm và có tầm bay xa hơn.
Các tàu sân bay không có hộ tống được coi là dễ bị các tàu khác, máy bay, tàu ngầm hay phi đạn tấn công và vì thế chúng phải di chuyển trong một đội tàu sân bay. Trong lực lượng hải quân của nhiều nước, đặc biệt là Hải quân Hoa Kỳ, một tàu sân bay được coi là tàu chủ lực. Cùng với tàu ngầm hạt nhân, tàu sân bay được xem là có vai trò trọng yếu trong sức mạnh hải quân của 1 cường quốc.
Tàu khu trục (destroyer)
Tàu khu trục hay còn gọi là khu trục hạm là một tàu chiến chạy nhanh và cơ động, có khả năng hoạt động lâu dài bền bỉ dùng cho mục đích hộ tống các tàu chiến lớn hơn trong một hạm đội, đoàn tàu vận tải hoặc một chiến đoàn, và bảo vệ chúng chống lại những đối thủ nhỏ tầm gần nhưng mạnh mẽ, thoạt tiên là những tàu phóng lôi, và sau này là tàu ngầm và máy bay.
Tranh vẽ mô tả tàu khu trục USS Zumwalt của Hải quân Mỹ. Ảnh: Wikipedia.
Ngày nay, các tàu khu trục là các hạm tàu nổi lớn nhất được sử dụng thường xuyên, khi chỉ còn hải quân của ba nước Hoa Kỳ, Nga và Peru còn sử dụng tàu tuần dương hạng nặng và không còn nước nào sử dụng thiết giáp hạm.
Các tàu khu trục hiện đại, còn được gọi là tàu khu trục tên lửa, có trang bị tên lửa điều khiển, thì tương đương về trọng tải nhưng có hỏa lực vượt trội hơn các tàu tuần dương thời Thế Chiến II, với khả năng mang tên lửa hạt nhân.
Tàu tuần dương (cruiser)
Tàu tuần dương hay còn được gọi là tuần dương hạm là một loại tàu chiến lớn, có vai trò nổi bật từ cuối thế kỷ 19 cho đến khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Những chiếc tàu tuần dương đầu tiên được giao các nhiệm vụ tấn công hay bảo vệ độc lập trên biển. Tàu tuần dương rất linh hoạt, chúng có thể bảo vệ chống lại tàu ngầm, máy bay hay tàu nổi đối phương.
Tàu tuần dương Frunze thuộc lớp Kirov của Hải quân Nga. Ảnh: Wikipedia.
Tàu tuần dương giữ vai trò hầu như độc lập khỏi hạm đội; mang ý nghĩa tuần tiễu độc lập, thường là kèm theo những nhiệm vụ như là cướp phá tàu bè thương mại đối phương. Các vai trò khác bao gồm trinh sát, và hộ tống các tàu sân bay hay các đoàn tàu vận tải. Tàu tuần dương thường được cho tháp tùng hạm đội thiết giáp hạm, và là lực lượng mũi nhọn trong các cuộc đối đầu trên mặt biển vốn được xem là không đủ quan trọng để bố trí thiết giáp hạm. Tuy nhiên, hiện nay vai trò của tàu tuần dương ngày càng thiên về vai trò hỗ trợ phòng không cho hạm đội hơn là chiến tranh tuần dương độc lập.
Tàu ngầm
Tàu ngầm thực tế được phát triển cuối thế kỷ 19. Nhưng chỉ đến khi hoàn thiện ngư lôi thì tàu ngầm mới trở thành mỗi nguy thật sự (và có tác dụng thực tế). Cuối Chiến tranh thế giới thứ nhất tàu ngầm thể hiện năng lực tiềm tàng. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai các tàu ngầm của Hải quân Đức làm Anh khổ sở vì thiếu thốn, tấn công đánh chìm một số lượng lớn tàu ven biển Mỹ.
Tàu ngầm Kilo tên Varshavyanka của Hải quân Nga. Ảnh: Wikipedia.
Hiện nay, tàu ngầm là một loại tàu chiến nguy hiểm và hiệu quả nhất, nổi tiếng nhất là tàu ngầm lớp Kilo. Lớp Kilo là tên định danh của NATO chỉ một loại tàu ngầm quân sự chạy bằng diesel-điện cỡ lớn được chế tạo tại Nga. Tên gọi chính thức của Nga đặt cho lớp tàu ngầm này là Project 636 (Đề án 636). Phiên bản gốc của những tàu ngầm này được gọi ở Nga là Dự án 877 Paltus (Turbot). Có 1 phiên bản tối tân hơn, được gọi ở phương Tây là Kilo cải tiến và ở Nga là Dự án 636 Varshavyanka. Lớp Kilo sẽ được kế tiếp bởi lớp Lada, bắt đầu thử trên biển vào năm 2005.
Tàu ngầm Project 636 được thiết kế nhằm tiêu diệt các loại tàu ngầm, tàu nổi cũng như các phương tiện thủy của đối phương, nó có thể hoạt động độc lập hoặc theo các yêu cầu nhiệm vụ khác nhau. Tàu ngầm lớp Kilo có thể vận hành rất êm. Dự án 636, đôi khi được Hải quân Mỹ gọi là “Lỗ Đen” vì khả năng “biến mất” của nó, được cho là một trong những loại tàu ngầm chạy bằng diesel và điện êm nhất trên thế giới.
Tàu hộ tống (frigate)
Trong hải quân hiện đại, tàu frigate được sử dụng để bảo vệ các tàu chiến khác và các tàu buôn, đặc biệt là như những tàu chống tàu ngầm cho những lực lượng đổ bộ viễn chinh, các đội tiếp liệu dọc đường, và các đoàn tàu vận tải (vì vậy tiếng Việt dịch tàu frigate là tàu hộ tống). Nhưng những lớp tàu được gọi tên là “frigate” đồng thời cũng tương tự như tàu corvette (tàu hộ tống nhỏ), tàu khu trục, tàu tuần dương, và thậm chí là với cả thiết giáp hạm.
Tàu hộ tống HMS Somerset của Hải quân Hoàng gia Anh, một tàu frigate chống tàu ngầm hàng đầu. Ảnh: Wikipedia.
Tàu hộ vệ (corvette)
Tàu hộ vệ (corvette) là một kiểu tàu chiến nhỏ, cơ động, trang bị vũ khí nhẹ, thường nhỏ hơn một chiếc tàu hộ tống (khoảng trên 2.000 tấn) và lớn hơn một tàu tuần duyên hoặc khinh tốc đỉnh (500 tấn hay nhẹ hơn).
Tàu hộ vệ Magdeburg của Hải quân Đức. Ảnh: Wikipedia.
Hiện nay, tàu hộ vệ của hải quân các nước thường được trang bị pháo cỡ trung và cỡ nhỏ, tên lửa đất-đối-đất và đất-đối-không cùng vũ khí chống tàu ngầm dưới mặt nước. Nhiều chiếc có khả năng mang theo một máy bay trực thăng chống tàu ngầm cỡ trung và cỡ nhỏ.
Tàu đổ bộ (Landing craft)
Tàu đổ bộ là một loại tàu được sử dụng để đổ bộ một lực lượng quân sự (bộ binh và thiết giáp), thường là từ biển vào bờ trong một cuộc tấn công đổ bộ.
Tàu đổ bộ LCU (Landing Craft Utility) của Hải quân Hoa Kỳ. Ảnh: Wikipedia.
Thiết giáp hạm (battleship)
Thiết giáp hạm là loại tàu chiến to lớn nhất, được trang bị vũ khí mạnh hơn và có vỏ giáp tốt hơn so với tàu tuần dương và tàu khu trục. Là những tàu chiến vũ trang lớn nhất của hạm đội, thiết giáp hạm thường được sử dụng để chiếm lấy quyền kiểm soát mặt biển và là đại diện cho đỉnh cao sức mạnh hải quân của một quốc gia trong giai đoạn từ thế kỷ XIX cho đến giữa chiến tranh thế giới thứ hai.
Chiếc thiết giáp hạm USS Iowa (BB-61) của Hoa Kỳ đang khai hỏa đồng thời (salvo) tất cả 9 khẩu pháo 406 mm của nó. Ảnh chụp năm 1984. Wikipedia.
Tuy nhiên, do sự phát triển vượt bậc của các loại vũ khí tác chiến tầm xa trên biển như máy bay, ngư lôi và nhất là tên lửa có điều khiển sau Thế chiến 2 đã khiến các khẩu pháo siêu lớn của thiết giáp hạm ngày càng trở nên lạc hậu và không còn hữu dụng như trước. Điều này khiến cho thiết giáp hạm mất đi vai trò trong tác chiến hải quân và dần bị thải loại theo thời gian.
Đến cuối thế kỷ 20 thì không còn chiếc thiết giáp hạm nào được sử dụng chính thức trong biên chế của các lực lượng hải quân trên toàn thế giới.
Đăng bởi: Nguyễn Thị Ngọc Mai
Từ khoá: Tìm hiểu và phân biệt các loại tàu chiến trên thế giới
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Tìm hiểu và phân biệt các loại tàu chiến trên thế giới của Pgdphurieng.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.