Người phụ nữ ngoài 30 tuổi, nằm trên giường bệnh, trên tay cắm ống truyền dịch, yếu ớt hỏi bác sĩ: “Tôi còn bao nhiêu thời gian?”. Bác sĩ Hà Hải Nam, Phó trưởng Khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K (Hà Nội), động viên: “Chị yên tâm, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để chị được sống khỏe”.
Bệnh nhân này được bác sĩ Nam nhớ mãi, bởi chị ra đi sau cuộc đối thoại trên chỉ một tháng. Bác sĩ nói rằng chị đã dự liệu được tình trạng sức khỏe của mình nhưng vẫn nuôi hy vọng, muốn ra nước ngoài điều trị cầm cự đến cuối năm kịp làm đám giỗ con trai.
Người phụ nữ phát hiện ung thư máu vào tháng 6/2022, giai đoạn cuối, thời gian sống tính bằng tháng. Phác đồ điều trị là dùng thuốc nhắm trúng đích, tốn khoảng 100 triệu đồng một tháng, không được bảo hiểm chi trả. Sau hai tháng, đau nhiều, chị phải sử dụng miếng dán giảm đau tác dụng mạnh hơn morphine 100 lần.
Ba năm trước con trai chị mất do ung thư xương. Vợ chồng ly hôn. Chăm sóc chị ở bệnh viện là người giúp việc. Chị muốn sống thêm đến cuối năm để làm đám giỗ lần cuối cho con, rồi mới buông tay.
“Bệnh nhân có thể ra đi bất cứ lúc nào, trụ thêm 6 tháng nữa là quá khó khăn”, bác sĩ Nam chia sẻ, thêm rằng trước ước nguyện của chị, báo tin xấu nhất là việc không dễ dàng.
Theo bác sĩ Nam, cuộc nói chuyện khó khăn nhất là khi bác sĩ lần đầu báo tin “anh/chị/ông/bà đã bị K”. Tiếp theo là trao đổi về tiên lượng sống của người bệnh. Cuối cùng là tình trạng bệnh quá nặng, không còn khả năng cứu chữa, bệnh viện buộc phải “trả về”.
Nhiều người quan niệm mắc ung thư là án tử, không có khả năng cứu chữa. Do đó, không ít người sốc, chấn thương tâm lý, trầm cảm, thậm chí muốn chết khi nhận tin K.
Nghiên cứu của Bệnh viện Quân y 103 (Hà Nội) thực hiện trong 9 tháng, trên 264 bệnh nhân ở khoa Ung bướu, kết quả gần 58% người bệnh bị trầm cảm. Một bệnh nhân có thể cảm thấy mất kiểm soát cuộc sống do những thay đổi trong cơ thể. Họ đau khổ, lo sợ, nghĩ đến cái chết, hoặc những điều chưa biết phía trước, theo nhóm nghiên cứu của Bệnh viện 103.
Nghiên cứu của các nhà khoa học Anh, Mỹ, Đức trên quy mô toàn cầu, được NY Times trích dẫn, cho thấy tỷ lệ tự tử ở người mắc bệnh ung thư cao hơn 85% so với dân số chung. Trong đó bệnh nhân ung thư dạ dày và tuyến tụy có tỷ lệ tự tử cao nhất.
Bác sĩ Nam cho hay, quá trình điều trị, người bệnh thường thấp thỏm về khả năng đáp ứng thuốc và tiên lượng bệnh của mình. Lúc này, bác sĩ cần tìm thời gian và địa điểm phù hợp để thông báo, giúp bệnh nhân đưa ra những quyết định có tính chất bước ngoặt với mạng sống của họ.
Như bệnh nhân nữ 49 tuổi, được chẩn đoán ung thư dạ dày giai đoạn hai, chỉ định mổ. Tuy nhiên, quá trình mổ, bác sĩ phát hiện di căn đã lan xa không thể phẫu thuật tiếp. Để bệnh nhân không bị sốc, bác sĩ chờ người bệnh hồi phục mới thông báo ca mổ không thành, chỉ có thể dùng thuốc kéo dài sự sống.
“Lời nói dối có lẽ là lựa chọn phù hợp nhất lúc này”, bác sĩ Nam nói, giải thích ai cũng có quyền được biết tình trạng sức khỏe của mình, song giảm nhẹ đi phần nào đau đớn cho người bệnh thì nhân đạo phần đấy.
Cùng quan điểm, chuyên gia Lê Văn Thành, Khoa Ngoại tiêu hóa, Bệnh viện K, cho rằng trong cuộc nói chuyện với bác sĩ, hầu hết người bệnh chỉ quan tâm đến thời gian sống. Tuy nhiên, bác sĩ không phải là thầy tiên tri, không thể tiên đoán được chính xác sinh tử của một người. “Tiên lượng không phải con số tuyệt đối”, ông nói.
Trên thế giới, các bác sĩ thường tra cứu dữ liệu từ các viện, hiệp hội ung thư uy tín, hoặc sử dụng chuyên môn để đưa ra dự đoán lâm sàng. Tiên lượng đưa ra dưới dạng trung vị, khác với mức trung bình.
Trung vị là khoảng giữa của phạm vi nào đó. Ví dụ, nếu một bệnh nhân ung thư được thông báo tiên lượng là một năm, khoảng một nửa số bệnh nhân có tình trạng tương tự sẽ sống được đến cuối năm, nửa còn lại tử vong trước đó. Trong một số trường hợp, ung thư tiến triển nhanh chóng, bệnh nhân có thời gian sống ngắn hơn tiên lượng. Nếu người bệnh có sức khỏe tốt và được tiếp cận với phương pháp điều trị mới nhất, họ sẽ sống lâu hơn, đôi khi là nhiều năm.
Theo tiến sĩ Tomer Levin, Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering, các bác sĩ coi tiên lượng là tương đối, nhưng bệnh nhân thường hiểu nó theo nghĩa tuyệt đối. Ông cho rằng đây là sự hiểu nhầm trong giao tiếp giữa hai bên khi thảo luận về tiên lượng.
Do đó, trong quá trình chữa bệnh, bác sĩ Nam thường dành thời gian để chia sẻ với người bệnh. Với anh, nhiệm vụ của bác sĩ là giúp bệnh nhân hiểu về bệnh, ổn định tâm lý, từ đó tuân thủ phác đồ. Thông thường, anh sẽ thông báo những thông tin quan trọng trước, rồi chia sẻ dần dần để bệnh nhân cảm thấy dễ dàng, thoải mái. Anh thường mời cả bệnh nhân và người nhà cùng lắng nghe, giúp họ hiểu đầy đủ thông tin về bệnh và cùng nhau chiến đấu.
Còn cách của bác sĩ Thành là cố giúp họ bình thản chấp nhận “sự sống là hữu hạn”. Thay vì buông xuôi, người bệnh vẫn cần được chăm sóc tinh thần vì tâm lý là vũ khí quan trọng nhất trong cuộc chiến ung thư.
Mỗi bệnh nhân có kỳ vọng sống khác nhau. Bác sĩ thường nghiên cứu tình trạng bệnh lý và hoàn cảnh người bệnh để đưa ra phác đồ phù hợp, giảm tối đa biến chứng, cũng như tiết kiệm chi phí.
Bác sĩ Thành cũng khuyên nhân viên y tế không nên giấu diếm hoặc nói sai sự thật về tiên lượng của bệnh nhân. Thay vào đó, nên lựa chọn cách phù hợp để người bệnh đón nhận thông tin trong trạng thái tinh thần tốt nhất. Nếu người bệnh không tỉnh táo, bác sĩ sẽ trao đổi với người thân.
Gần đây, lĩnh vực điều trị ung thư đã phát triển vượt bậc, áp dụng nhiều phương pháp điều trị như hóa chất, miễn dịch, điều trị đích. Từ quan điểm “ung thư là án tử”, ung thư nếu phát hiện và điều trị sớm có thể khỏi bệnh hoàn toàn.
“Quan trọng nhất là bệnh nhân tin vào y học và giữ tinh thần lạc quan mới có nghị lực để chiến thắng bệnh tật”, bác sĩ Nam chia sẻ.
Minh An – Thục Linh
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/tien-luong-su-song-voi-nguoi-ung-thu-4583881.html