Vị khách khiến Thảo bất ngờ khi đặt hàng viết một lá thư tỏ tình chính mình.
“Vẫn là tình cảm của họ nhưng tôi có nhiệm vụ biến nó thành một phiên bản ngọt ngào hơn bằng con chữ hoặc âm thanh”, Thảo, 22 tuổi, chủ nhân của “Tiệm tỏ tình” giải thích thêm về dịch vụ.
Ý tưởng của tiệm tỏ tình xuất phát từ câu hỏi của một người bạn Thảo hồi tháng 3 năm ngoái: Sẽ thế nào nếu người mình thầm thương trộm nhớ nhưng không đủ dũng khí nói ra?.
Sau lần làm “quân sư tình yêu” đó, Thảo nhận thấy có nhiều bạn khác gặp trường hợp tương tự. Họ yêu nhưng không dám bày tỏ vì thiếu tự tin vào khả năng thuyết phục bằng ngôn từ của mình.
Tháng 7/2022, Thảo đăng bài nhận viết thư, làm audio tỏ tình hộ lên các hội nhóm sinh viên trên mạng xã hội. Sau 12 giờ, bài đăng thu hút hơn 700 lượt tương tác và 130 bình luận của các bạn trẻ. Đơn hàng liên tiếp đổ về.
Thảo giải thích thêm, “Tiệm tỏ tình” không phải là một dịch vụ mai mối hay bày tỏ tình cảm hộ. Sau khi khách hàng chia sẻ về tình cảm của họ với một người khác, Thảo sẽ giúp họ chuyển thành một lá thư tình ngọt ngào, những lời bày tỏ chân thành đầy thuyết phục hay một đoạn audio (radio) được thiết kế đặc biệt. Giá dịch vụ dao động trong khoảng 70.000 – 160.000 đồng tùy loại hình.
Mục tiêu ban đầu của tiệm là giúp các khách hàng tránh được sự căng thẳng, bối rối và tự tin bày tỏ lời yêu khi bắt đầu một mối quan hệ.
Hơn một năm làm dịch vụ này, Thảo nhận thấy những người tìm đến tiệm không dừng lại ở việc bày tỏ tình yêu đôi lứa. Đôi khi có người đặt hàng gửi gắm cảm xúc với người yêu cũ, bạn thân hay thậm chí là cho chính mình.
“Dịch vụ tỏ tình với người cũ hiện rất sốt ở tiệm”, Thảo nói. Đó là lý do cô quyết định mở rộng đối tượng khách hàng.
Thời gian đầu khi đăng bài rao tìm khách, Thảo nhận không ít lời trêu đùa. Có người tưởng cô bày trò, làm chuyện nhảm nhí, thậm chí nhắn tin tỏ tình với chính cô.
“Tôi mất 1-2 tháng để lấy được niềm tin của mọi người và chứng minh việc mình là thực sự nghiêm túc”, Thảo nói.
Sau một năm Thảo đã chốt đơn hơn 100 khách. Cô cho biết tiệm không chủ động hỏi khách về kết quả, trừ khi chính họ tự phản hồi.
Ở Việt Nam có một số người từng làm dịch vụ tỏ tình hộ, nhưng chủ yếu là viết thư tình. Cô muốn xây dựng theo chất riêng của mình và muốn nó mang nhiều giá trị hơn. Ngoài làm dịch vụ se duyên, tiệm sẽ là nơi giúp mọi người giãi bày và chữa lành những tổn thương. “Có những khách nhắn tin tâm sự rất nhiều nhưng không đặt dịch vụ tôi vẫn thức đêm lắng nghe và cho lời khuyên”, cô cười nói.
Thảo nhớ sự ngại ngùng xen chút e thẹn của vị khách đầu tiên khi muốn tỏ tình vợ mình. Đó là chàng trai sống nội tâm, muốn viết một lá thư hâm nóng tình cảm và bày tỏ sự biết ơn vợ đã mang thai đứa con đầu tiên của hai người. Đơn đó Thảo chốt trọn gói viết thư kèm radio với giá 250.000 đồng.
Gần đây nhất vào ngày 8/3 Thảo nhận viết một bức thư của chàng sinh viên gửi mẹ. Cô đã bật khóc khi đọc lại những lời tâm sự của khách. Chàng trai chia sẻ với Thảo, bố bỏ rơi hai mẹ con khi anh mới chào đời. Những năm tháng tuổi trẻ anh thường quậy phá và không nghe lời mẹ. Khi vào đại học, anh nhận ra sự hy sinh của mẹ và hối hận vì không biết trân trọng tình yêu này. Lần đầu tiên trong đời anh mạnh dạn tìm đến tiệm muốn viết thư tặng mẹ.
“Tôi nhớ hôm đó khách khá đông nên đã từ chối bạn ấy, không nhận đơn. Nhưng bạn vẫn kiên trì nhắn tin mong được giãi bày nên tôi nhận lời và hoàn thành ngay trong buổi chiều hôm ấy”, Thảo kể.
Sau ngày hôm đó, Thảo nhận tin nhắn phản hồi. “Mẹ đã xúc động và khóc rất nhiều. Cảm ơn bạn đã nói hộ những nỗi niềm mình đã kìm nén suốt 23 năm qua”, chàng trai viết. Điều đó khiến Thảo cảm thấy công việc mình làm có ý nghĩa hơn.
Đến bây giờ, “Tiệm tỏ tình” của cô gái quê An Giang đã trở nên quen thuộc đối với nhiều người. Khách đặt hàng ngày càng đông nhưng Thảo nói để đảm bảo chất lượng dịch vụ cô chỉ nhận 3-4 khách mỗi tuần. Hiện tiệm có ba thành viên gồm Nguyên Thảo và hai bạn nữ học chung lớp.
Là người từng sử dụng dịch vụ, anh Nguyễn Luân Sơn ở quận 3 (TP HCM) cho hay lúc đầu thấy lời rao trên mạng anh tưởng là trò đùa. Nhưng sau khi nghe bạn bè chia sẻ anh đã mạnh dạn tìm đến tiệm. Sơn đã hai lần tỏ tình thất bại. “Tôi không bỏ cuộc, sau lời động viên của Thảo, tiếp tục bày tỏ và cuối cùng đã được bạn gái nhận lời yêu”, anh bày tỏ.
Đọc bài đăng của Thảo, Hoàng Gia Nghi, sinh viên Đại học Bách Khoa TP HCM đã để lại bình luận ngỏ ý đặt hàng. Nghi cho biết không riêng anh, nhiều bạn trẻ khác cũng muốn tỏ tình người mình thích nhưng không biết phải thể hiện sao cho đúng. Đã có nhiều mối tình đơn phương kết thúc trong lặng lẽ, điều ấy rất đáng tiếc. “Tôi thấy dịch vụ này rất thú vị và cần thiết cho những người rụt rè như tôi”, anh nói.
Sau khoảng thời gian gắn bó với khách hàng, điều Thảo nhận về không phải là lợi nhuận mà chính là giá trị về tình yêu. Thảo nhận ra rằng tình yêu không phải là một bài toán. Nó không có đáp số cũng không có đúng sai. “Chúng ta cứ yêu, đơn giản là yêu vậy thôi. Một ngày nào đó yêu sai, ta vẫn sẽ yêu lại. Tình yêu như một liều thuốc, chữa lành mọi vết thương”, cô chia sẻ.
Việc mở tiệm tỏ tình không phải là nguồn thu nhập chính cho Thảo. Cô đang cộng tác cho đài truyền hình Đồng Tháp và nhận show dẫn chương trình ở các sự kiện ngoài.
Thảo cho biết nhóm sẽ trích 10% lợi nhuận từ tiệm tỏ tình mỗi tháng để thực hiện những dự án cộng đồng. Tới đây, cô dự định sẽ nâng cấp dịch vụ tỏ tình hộ ra ngoài đời thực.
Minh Tâm
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/tiem-to-tinh-4589800.html