Cristóbal Eyzaguirre, 27 tuổi, đang theo học chương trình tiến sĩ về trí tuệ nhân tạo tại Đại học Stanford, lấy ra chiếc ôtô đồ chơi Hot Wheels khắc chữ “Tesla Model X”. Đây là món đồ anh được tặng khi tham gia hội chợ việc làm và được Tesla mời chào với mức lương cao.
Giống như anh, hàng chục người đang theo học chương trình liên quan đến trí tuệ nhân tạo được Business Insider phỏng vấn cho biết họ nhận sự quan tâm lớn từ các doanh nghiệp AI với mức lương sáu con số cùng cơ hội được làm việc với các chuyên gia đầu ngành.
“Việc tuyển dụng rầm rộ đến mức một số trường phải cân nhắc thu gọn chương trình đào tạo sau đại học do thiếu học viên”, Kavita Bala, trưởng khoa Khoa học máy tính và thông tin tại Đại học Cornell, cho biết. “Họ vung rất nhiều tiền để lôi kéo”.
Theo Kilian Weinberger, giáo sư khoa học máy tính tại Đại học Cornell và cũng làm tại một công ty chuyên về tự động hóa, các doanh nghiệp sẵn sàng để ứng viên làm việc bán thời gian. Trong khi đó, Michael Shamos, Giám đốc chương trình thạc sĩ AI và đổi mới tại Đại học Carnegie Mellon, cho biết một số sinh viên của ông nhận được lời đề nghị làm bán thời gian với thu nhập năm 350.000 USD.
Tuy nhiên, con số trên được đánh giá chỉ là “cơ bản” đối với những người theo học chương trình sau đại học. Theo Ilyas Bankole-Hameed, đang học chương trình thạc sĩ AI tại Đại học Carnegie Mellon, anh và bạn bè từng nhận được lời đề nghị làm toàn thời gian với lương trên nửa triệu USD mỗi năm. Ngoài tiền lương, một điểm hấp dẫn khác là cơ hội cho phép các nghiên cứu được áp dụng trong thế giới thực.
“Các công ty AI đều có vị trí dành cho những người có và không có bằng tiến sĩ. Muốn sống như thế nào trong 5 năm tới là do bạn quyết định”, Nithya Attaluri, đang theo học chương trình thạc sĩ kỹ thuật tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Cô nói mình cũng đã chọn gia nhập DeepMind.
Hugging Face, công ty khởi nghiệp chuyên về mô hình máy học, là một trong những doanh nghiệp sớm nhận thấy tiềm năng từ sinh viên. Từ 2022, công ty tài trợ một loạt bài giảng cho các trường đại học, cũng như tổ chức lớp học ảo trên toàn cầu. Các bài học chủ yếu về công nghệ AI của công ty, cũng như cho phép sinh viên truy cập phòng thí nghiệm ảo AI hiện đại tự xây dựng.
“Chúng tôi hy vọng đào tạo một thế hệ nhà khoa học dữ liệu mới, những người đủ kỹ năng khi chưa rời ghế giảng đường”, Jeff Boudier, đứng đầu bộ phận sản phẩm của Hugging Face, nói.
Tribe AI, nền tảng việc làm chuyên kết nối doanh nghiệp với chuyên gia máy học, cho biết giai đoạn từ tháng 12/2022 tới tháng 3/2023, số lượng công ty liên hệ để tìm nhân sự về AI đã tăng gấp đôi. Nhu cầu tuyển dụng cũng đa dạng hơn, thay vì yêu cầu ứng viên có bằng cấp cao, nhiều năm kinh nghiệm như trước đó.
Lĩnh vực khởi nghiệp AI hiện nay gồm hai loại. Một số công ty như Jasper hay Copy.ai đang phát triển ứng dụng dựa trên các mô hình ngôn ngữ lớn bên thứ ba như GPT-4 của OpenAI. Phần còn lại gọi là full-stack – xây dựng mọi thứ từ mô hình, nền tảng cơ sở cho đến sản phẩm cuối cùng. Full-stack hiện được đánh giá cao hơn do tự chủ với công nghệ phức tạp, đòi hỏi tài năng AI kỹ thuật cao.
Trong khi đó, tuyển dụng không phân chia theo hai cách trên. Saam Motamedi, thuộc quỹ đầu tư Greylock Partners, cho biết số nhà khoa học máy tính trên thế giới có khả năng xây dựng các mô hình AI hiện rất ít, chỉ ở mức hàng chục. Do đó, nhiều doanh nghiệp ở Thung lũng Silicon quyết định tuyển nhân sự AI với số lượng lớn, sau đó đào thải dần nếu không phù hợp.
Trong khi đó, Eyzaguirre quyết định từ chối lời đề nghị của Tesla cùng một số công ty khác để để tiếp tục việc học. “Việc theo đuổi nghiên cứu sẽ nhàm chán, chậm chạp, khối lượng công việc sẽ nặng nề và mức lương bèo bọt”, Eyzaguirre nói. “Nhưng nghiên cứu cũng có những thú vị riêng và có thể tạo nên điều kỳ diệu”.
Bảo Lâm (theo Business Insider)
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/thung-lung-silicon-san-nhan-tai-ai-4598429.html