Thủ tục đăng ký, quản lý cư trú:
1. Đăng ký thường trú:
a. Đối tượng đăng ký thường trú: Công dân có chỗ ở hợp pháp. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.
b. Hồ sơ đăng ký thường trú bao gồm:
– Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu (mẫu HK02 ban hành theo QĐ số 698/2007/QĐ-BCA(C11) ngày 01/7/2007);
– Bản khai nhân khẩu (Mẫu HK01 ban hành theo QĐ số 698/2007/QĐ-BCA(C11) ngày 01/7/2007);
– Giấy chuyển hộ khẩu (đối với các trường hợp phải cấp giấy chuyển hộ khẩu quy định tại khoản 2 Điều 28 Luật Cư trú);
– Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp theo quy định tại Điều 5, Nghị định 107/2007/NĐ-CP (trừ trường hợp được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình).
* Lưu ý:
+ Đối với trường hợp chỗ ở hợp pháp là nhà ở do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân hoặc được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình thì người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ nhà ở của mình hoặc người có sổ hộ khẩu phải ghi rõ ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, ký, ghi rõ họ, tên và ngày, tháng, năm.
+ Đối với trường hợp có quan hệ gia đình là ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con và anh, chị, em ruột, cháu ruột quy định tại khoản 1 Điều 25 của Luật Cư trú chuyển đến ở với nhau thì không phải xuất trình giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp, nhưng phải xuất trình giấy tờ chứng minh mối quan hệ nêu trên để làm căn cứ ghi vào sổ hộ khẩu.
c. Hồ sơ đăng ký thường trú đối với một số trường hợp cụ thể:
Ngoài các giấy tờ chung có trong hồ sơ đăng ký thường trú hướng dẫn tại điểm b nêu trên, các trường hợp dưới đây phải có thêm các giấy tờ sau:
– Người chưa thành niên nếu không đăng ký cùng cha và mẹ; cha hoặc mẹ mà đăng ký thường trú cùng với người khác thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của cha và mẹ; cha hoặc mẹ.
– Người sống độc thân được cơ quan, tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc tập trung khi đăng ký thường trú thì cơ quan, tổ chức đó có văn bản đề nghị. Trường hợp được cá nhân chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung thì cá nhân đó có văn bản đề nghị có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã. Văn bản đề nghị cần nêu rõ các thông tin cơ bản của từng người như sau: Họ và tên, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, quê quán, dân tộc, tôn giáo, số chứng minh nhân dân, nơi thường trú trước khi chuyển đến, địa chỉ chỗ ở hiện nay.
– Trẻ em khi đăng ký thường trú phải có giấy khai sinh (bản chính hoặc bản sao có công chứng hoặc chứng thực).
– Người sống tại cơ sở tôn giáo khi đăng ký thường trú phải có giấy tờ chứng minh là chức sắc tôn giáo, nhà tu hành hoặc người khác chuyên hoạt động tôn giáo theo quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.
– Người Việt Nam định cư ở nước ngoài vẫn còn quốc tịch Việt Nam trở về nước sinh sống có một trong các giấy tờ sau:
+ Hộ chiếu Việt Nam hoặc giấy tờ thay hộ chiếu Việt Nam có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của lực lượng kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu;
+ Giấy tờ chứng minh còn quốc tịch Việt Nam do cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cấp, kèm theo giấy tờ chứng minh được về Việt Nam thường trú của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;
+ Giấy tờ chứng nhận có quốc tịch Việt Nam do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, kèm theo giấy tờ chứng minh được về nước thường trú của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
2. Cấp giấy chuyển hộ khẩu:
a) Các trường hợp chuyển nơi thường trú sau đây được cấp giấy chuyển hộ khẩu:
– Chuyển đi ngoài phạm vi xã, thị trấn của huyện thuộc tỉnh.
– Chuyển đi ngoài phạm vi thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
b) Hồ sơ đề nghị cấp giấy chuyển hộ khẩu bao gồm:
– Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu (mẫu HK02 ban hành theo QĐ số 698/2007/QĐ-BCA(C11) ngày 01/7/2007).
– Sổ hộ khẩu gia đình hoặc giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể đã được cấp trước đây.
3. Cấp sổ hộ khẩu:
a) Sổ hộ khẩu được cấp cho cá nhân hoặc hộ gia đình đã đăng ký thường trú theo quy định tại Điều 24, Điều 25 và Điều 26 của Luật Cư trú.
Công dân thay đổi nơi thường trú ngoài phạm vi xã, thị trấn của huyện thuộc tỉnh, ngoài phạm vi thị xã, thành phố thuộc tỉnh thì được cấp sổ hộ khẩu mới; các trường hợp đã cấp sổ hộ khẩu gia đình, giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể theo quy định trước đây vẫn tiếp tục có giá trị sử dụng, từ ngày 01/7/2007 nếu có nhu cầu đổi sang sổ hộ khẩu theo mẫu mới thì được đổi lại.
b) Trường hợp sổ hộ khẩu bị hư hỏng thì được đổi, bị mất thì được cấp lại. Sổ hộ khẩu được đổi, cấp lại có số, nội dung như sổ hộ khẩu đã cấp. Hồ sơ bao gồm:
– Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu (mẫu HK02 ban hành theo QĐ số 698/2007/QĐ-BCA(C11) ngày 01/7/2007);
– Sổ hộ khẩu (đối với trường hợp đổi sổ hộ khẩu do bị hư hỏng) hoặc sổ hộ khẩu gia đình, giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể (đối với trường hợp đổi từ mẫu sổ cũ đổi sang mẫu sổ mới).
c) Người có nhu cầu tách sổ hộ khẩu quy định tại điểm b khoản 1 Điều 27 của Luật Cư trú thì chủ hộ phải ghi vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu đồng ý cho tách sổ hộ khẩu, ký, ghi rõ họ tên và ngày, tháng, năm. Khi tách sổ hộ khẩu không cần xuất trình giấy tờ về chỗ ở hợp pháp.
4. Xóa đăng ký thường trú
Thủ tục xóa đăng ký thường trú đối với các trường hợp thuộc các điểm a, b, c, d khoản 1 Điều 22 của Luật Cư trú.
Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày có người thuộc diện xóa đăng ký thường trú thì đại diện hộ gia đình có trách nhiệm đến làm thủ tục xóa đăng ký thường trú; hồ sơ bao gồm:
– Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;
– Sổ hộ khẩu.
5. Điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu
Thủ tục điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu thực hiện theo Điều 29 của Luật Cư trú.
6. Thủ tục đăng ký tạm trú
a. Người đang sinh sống, làm việc, lao động, học tập tại một địa điểm nhưng không thuộc trường hợp đăng ký thường trú thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày đến phải đăng ký tạm trú.
b. Hồ sơ đăng ký tạm trú:
– Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu ;
– Giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp theo quy định tại Điều 5, Nghị định 107/2007/NĐ-CP (trừ trường hợp được chủ hộ có sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú đồng ý cho đăng ký tạm trú thì không cần xuất trình giấy tờ về chỗ ở). Đối với trường hợp thuê, mượn, ở nhờ chỗ ở hợp pháp thì khi đăng ký tạm trú phải có ý kiến đồng ý cho đăng ký tạm trú của người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, ký, ghi rõ họ, tên và ngày, tháng, năm.
Xuất trình chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn nơi người đó đăng ký thường trú.
7. Lưu trú và thông báo lưu trú
a. Lưu trú là việc công dân ở lại trong một thời gian nhất định tại địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn ngoài nơi cư trú của mình và không thuộc trường hợp phải đăng ký tạm trú.
b. Gia đình, nhà ở tập thể, cơ sở chữa bệnh, khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở khác khi có người từ đủ 14 tuổi trở lên đến lưu trú có trách nhiệm thông báo việc lưu trú với Công an xã, phường, thị trấn. Người đến lưu trú có trách nhiệm xuất trình với người có trách nhiệm thông báo lưu trú một trong các loại giấy tờ sau: chứng minh nhân dân, hộ chiếu Việt Nam còn giá trị sử dụng; giấy tờ tuy thân có ảnh do cơ quan có thẩm quyền cấp; giấy tờ do cơ quan cử đi công tác; xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú, giấy tờ khác chứng minh cá nhân.
c. Việc thông báo lưu trú được thực hiện trực tiếp hoặc bằng điện thoại.
8. Nơi tiếp nhận hồ sơ
Căn cứ theo luật cư trú, nơi tiếp nhận hồ sơ bao gồm Công an các xã, phường, thị trấn, Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an các huyện, thị xã.
9. Căn cứ pháp lý
Luật cư trú;
Nghị định số 107/2007/NĐ-CP ngày 25/6/2007 của Chính phủ;
Thông tư số 06/TT-BCA-C11 ngày 01/7/2007 của Bộ Công an;
Thông tư số 77/2001/TT-BTC ngày 10/9/2002 của Bộ Tài chính và các văn bản pháp lý có liên quan.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Thủ tục đăng ký, quản lý cư trú của Pgdphurieng.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.