Huỳnh Ngọc Tuyên, 22 tuổi, nhận bằng tốt nghiệp cử nhân ngành Công nghệ thông tin, trường Đại học RMIT Việt Nam, hôm 17/4. Với điểm trung bình học tập đạt 3.9/4, Ngọc Tuyên là thủ khoa ngành học này năm nay.
Sáu ngày sau lễ tốt nghiệp, Tuyên bắt đầu chương trình tiến sĩ tại Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng của Đại học Oxford theo học bổng 100% học phí trong ba năm, tương đương khoảng 2,2 tỷ đồng. Đây là ngôi trường đứng đầu bảng xếp hạng đại học thế giới của Times Higher Education.
“Ngày nhận thông báo trúng tuyển, mình thấy bất ngờ, may mắn và tự hào về bản thân”, chàng trai TP HCM nói, cho hay trước đó không nghĩ sẽ được chọn vì nộp hồ sơ khi chưa tốt nghiệp, lại không có thành tích về mảng y sinh.
Từng là một đứa trẻ nhút nhát và rụt rè, suốt những năm trung học, Tuyên không chủ động tiếp cận, kết bạn hay thể hiện mình với người khác, dù trong lòng rất muốn. Nam sinh nhìn nhận điều này khiến mình ít bạn bè và khó phát triển bản thân. Vì vậy, Tuyên quyết tâm thay đổi khi vào đại học.
Trong học kỳ đầu tiên, khi giảng viên yêu cầu từng sinh viên tự giới thiệu và lập nhóm để làm bài tập, Tuyên đã đăng một bản sơ yếu lý lịch dài, chia sẻ nhiều khía cạnh của bản thân. Cậu cũng đăng ký vào nhóm gia sư của trường để hỗ trợ các sinh viên khác, coi đây là cơ hội để tăng giao tiếp, khắc phục tính rụt rè của mình.
Điểm sáng đầu tiên trong hành trình làm mới bản thân của Tuyên đến vào cuối kỳ một của năm thứ nhất. Tuyên và ba sinh viên lập trình sản phẩm đèn LED khi học Nhập môn Công nghệ thông tin. Sản phẩm này được các giảng viên khoa Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ đánh giá có quy mô tương đương với trình độ sinh viên năm cuối và cho đặt ngay lối đi vào văn phòng khoa.
“Sự tự tin vừa tìm thấy đã củng cố niềm tin rằng mình có thể làm được nhiều hơn”, Tuyên nói.
Tháng 2/2022, trong quá trình chọn đề tài đồ án cuối khoá, Tuyên tham gia dự án DART – hệ thống kỹ thuật số tích hợp dùng để dự báo và theo dõi dịch sốt xuất huyết, thực hiện cùng Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU). Lúc mới được giảng viên giới thiệu dự án, Tuyên lo lắng vì thấy khó, lại không có nền tảng về y sinh. Sau đó, nam sinh tự động viên rằng cơ hội để làm việc với các chuyên gia, tiếp cận kiến thức mới không phải lúc nào cũng có, nên cần biết nắm bắt.
DART sử dụng các trường thông tin về thời tiết, thói quen di chuyển của con người, côn trùng học… ở một khu vực, rồi đưa ra dự báo về tình hình dịch sốt xuất huyết tại đó. Tuyên cho biết nhóm nghiên cứu đặt mục tiêu tạo ra nền tảng thông tin chính xác tới cấp độ phường, xã, nhằm giúp hệ thống y tế khoanh vùng và dập dịch tốt hơn.
Không có nền tảng y sinh, Tuyên phải tự học nhiều. Cậu đọc các bài báo, dự án và nghiên cứu tương tự, tìm những chuyên gia, nghiên cứu sinh trong ngành để hỏi trực tiếp. Tuyên còn đăng ký khoá học về thống kê y sinh, được tổ chức tại Thái Lan, để hiểu cách vận hành lĩnh vực này.
Nhận thấy tiềm năng của DART, cuối năm 2022, Tuyên làm hồ sơ xin học bổng của Đại học Oxford để tiếp tục theo đuổi dự án này. Trong thư, nam sinh cho biết sốt xuất huyết là căn bệnh theo mùa, năm nào cũng xảy ra tại Việt Nam và có ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ con người. Bố của Tuyên cũng từng bị sốt xuất huyết nặng, nên cậu muốn góp phần tạo ra một công cụ ngăn ngừa và giảm tối đa hậu quả của dịch bệnh.
Thời điểm làm hồ sơ xin học bổng, Tuyên đã gắn bó với DART được khoảng nửa năm. Cậu cho rằng ngoài bảng điểm tốt cùng tinh thần không ngại thử sức với lĩnh vực mới, việc có thời gian dài nghiên cứu DART là điểm sáng của hồ sơ. Yếu tố này cho thấy Tuyên có sự kiên trì, hiểu dự án và có khả năng tiếp thu kiến thức mới.
Là người hướng dẫn Tuyên làm đồ án tốt nghiệp, tiến sĩ Đinh Ngọc Minh, giảng viên cấp cao khoa Khoa Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ, đánh giá cậu học trò có thể biến trí tò mò thành thế mạnh của bản thân, không ngại học hỏi để thử nghiệm các giải pháp mới.
Còn chủ nhiệm Trung tâm Mô hình toán học về Y học nhiệt đới tại OUCRU, cũng là người hướng dẫn luận án tiến sĩ cho Tuyên – Tiến sĩ Marc Choisy, nhìn nhận Tuyên chín chắn và khiên tốn, dù ít tuổi nhất trong 350 nhân viên tại OUCRU. Tiến sĩ Choisy nói trong 20 năm hướng dẫn sinh viên, ông chưa từng gặp ai học về ngôn ngữ lập trình R (dùng cho tính toán và đồ họa thống kê) nhanh như Tuyên.
“Tôi rất bất ngờ với năng lực kỹ thuật của Tuyên”, ông nói.
Hiện, Tuyên là nhân viên chính của OUCRU, đồng thời theo đuổi chương trình tiến sĩ của mình tại đây. Tuyên hy vọng sau bốn năm, ngoài việc lấy bằng tiến sĩ ở tuổi 26, cậu sẽ hoàn thiện DART để dự án này không chỉ được ứng dụng tại Việt Nam mà còn nhiều nước trên thế giới.
Nhìn lại những năm học đại học, Tuyên nói nhiều lúc cảm thấy mình như một người khác.
“Hy vọng hành trình của mình có thể truyền cảm hứng cho những sinh viên nhút nhát và rụt rè. Chúng ta nên nhắm tới mục tiêu lớn, những thứ tưởng chừng không bao giờ đạt được, nhưng trên hành trình chinh phục mục tiêu đó, bạn sẽ làm được rất nhiều thứ khác”, Tuyên chia sẻ.
Thanh Hằng
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/thu-khoa-cong-nghe-thong-tin-gianh-hoc-bong-dai-hoc-oxford-4600166.html