Từ ngày 27/02/2018 Thông tư 54/2017/TT-BYT do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành ngày 29/12/2017 chính thức có hiệu lực. Thông tư quy định về Bộ tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Mời các bạn cùng tham khảo nội dung chi tiết tại đây.
BỘ Y TẾ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 54/2017/TT-BYT |
Hà Nội, ngày 29 tháng 12 năm 2017 |
THÔNG TƯ
BAN HÀNH BỘ TIÊU CHÍ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TẠI CÁC CƠ SỞ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH
Căn cứ Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin,
Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư ban hành Bộ tiêu chí về ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này ban hành Bộ tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin và hướng dẫn xác định mức ứng dụng công nghệ thông tin tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
2. Thông tư này áp dụng cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. HIS là chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Hospital Information System” được dịch sang tiếng Việt là “Hệ thống thông tin bệnh viện”.
2. LIS là chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Laboratory Information System” được dịch sang tiếng Việt là “Hệ thống thông tin xét nghiệm”.
3. RIS là chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Radiology Information System” được dịch sang tiếng Việt là “Hệ thống thông tin chẩn đoán hình ảnh”.
4. PACS là chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Picture Archiving and Communication System” được dịch sang tiếng Việt là “Hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh”.
5. EMR là chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Electronic Medical Record” được dịch sang tiếng Việt là “Bệnh án điện tử”.
6. CDR là chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Clinical Data Repository” được dịch sang tiếng Việt là “Kho dữ liệu lâm sàng”.
7. CDSS là chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Clinical Decision Support System” được dịch sang tiếng Việt là “Hệ thống hỗ trợ quyết định lâm sàng”.
8. Tiêu chuẩn HL7 là chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Health Level 7 Standard” là tiêu chuẩn quốc tế cung cấp giao thức về quản lý, trao đổi và tích hợp thông tin y tế điện tử giữa các hệ thống thông tin y tế.
9. Tiêu chuẩn HL7 CDA chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Health Level 7 Clinical Document Architecture” là tài liệu có cấu trúc dựa trên định dạng XML quy định cấu trúc và ngữ nghĩa dữ liệu lâm sàng phục vụ mục tiêu trao đổi dữ liệu giữa các bên liên quan.
10. CCD là chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Continuity of Care Document” được dịch sang tiếng Việt là tập tin điện tử về tài liệu chăm sóc sức khỏe liên tục.
11. DICOM là chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Digital Imaging Communication in Medicine” là tiêu chuẩn quốc tế để truyền tải, lưu trữ, truy xuất, in ấn, xử lý và hiển thị thông tin hình ảnh y khoa.
Điều 3. Ban hành Bộ tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
Bộ tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bao gồm 08 nhóm tiêu chí về: Hạ tầng, phần mềm quản lý điều hành, HIS, RIS- PACS, LIS, phi chức năng, bảo mật và an toàn thông tin, EMR được quy định tại Phụ lục I Thông tư này.
Điều 4. Nguyên tắc xác định mức ứng dụng công nghệ thông tin
1. Mức ứng dụng công nghệ thông tin tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được xác định theo bảng tổng hợp tiêu chí để đánh giá mức ứng dụng công nghệ thông tin tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Phụ lục II Thông tư này.
2. Bảo đảm nguyên tắc khách quan, chính xác và trung thực.
3. Phải đạt tất cả tiêu chí ở mức đánh giá. Nếu có ít nhất 01 tiêu chí không đạt thì xếp ở mức thấp hơn liền kề.
Điều 5. Hướng dẫn việc xác định mức ứng dụng công nghệ thông tin
1. Căn cứ vào quy định tại Điều 3 và Điều 4 Thông tư này, người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quyết định đầu tư theo thẩm quyền và ban hành quyết định xác định mức ứng dụng công nghệ thông tin tại cơ sở phụ trách. Trong trường hợp cần thiết, người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thành lập Hội đồng chuyên môn hoặc thuê tổ chức độc lập để tư vấn việc xác định mức ứng dụng công nghệ thông tin tại cơ sở phụ trách.
2. Quyết định xác định mức ứng dụng công nghệ thông tin của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải được gửi báo cáo cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp và gửi Cục Công nghệ thông tin – Bộ Y tế.
3. Người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chịu trách nhiệm trước pháp luật và cơ quan quản lý cấp trên về việc xác định mức ứng dụng công nghệ thông tin tại cơ sở phụ trách; có trách nhiệm xác định lại mức ứng dụng công nghệ thông tin nếu cơ quan quản lý y tế cấp trên kiểm tra phát hiện mức ứng dụng công nghệ thông tin tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa phù hợp với văn bản báo cáo.
Điều 6. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 27 tháng 02 năm 2018.
Điều 7. Tổ chức thực hiện
1. Các Vụ, Cục, Tổng cục, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ thuộc Bộ Y tế có trách nhiệm:
a) Cục Công nghệ thông tin chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý Khám, chữa bệnh chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra và kiểm tra việc thực hiện Thông tư này; công bố mức ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc trên Trang thông tin điện tử tổng hợp của Cục Công nghệ thông tin (http://ehealth.gov.vn).
b) Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ, các Vụ, Cục, Tổng cục thuộc Bộ Y tế phối hợp với Cục Công nghệ thông tin tham gia công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
2. Sở Y tế và Y tế Bộ, ngành có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Thông tư này theo thẩm quyền quản lý; định kỳ vào tháng 12 hằng năm tổng hợp báo cáo Cục Công nghệ thông tin – Bộ Y tế về tình hình ứng dụng công nghệ thông tin của các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý.
3. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm xác định mức ứng dụng công nghệ thông tin và có văn bản báo cáo (mẫu quy định tại Phụ lục III Thông tư này) cơ quan quản lý y tế cấp trên trực tiếp, cụ thể như sau:
a) Đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế: Văn bản báo cáo mức ứng dụng công nghệ thông tin gửi về Cục Công nghệ thông tin – Bộ Y tế.
b) Đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Quốc phòng, văn bản báo cáo mức ứng dụng công nghệ thông tin gửi về Cục Quân Y – Bộ Quốc phòng; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công an, văn bản báo cáo mức ứng dụng công nghệ thông tin gửi về Cục Y tế – Bộ Công an; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Giao thông vận tải, văn bản báo cáo mức ứng dụng công nghệ thông tin gửi về Cục Y tế Giao thông vận tải – Bộ Giao thông Vận tải.
c) Đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý của Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trụ sở tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (trừ các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định tại điểm a và điểm b khoản 3 Điều này): Văn bản báo cáo mức ứng dụng công nghệ thông tin gửi về Sở Y tế nơi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đặt trụ sở.
d) Định kỳ vào tháng 12 hằng năm báo cáo cơ quan quản lý y tế cấp trên trực tiếp về tình hình ứng dụng công nghệ thông tin.
Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Y tế (Cục Công nghệ thông tin) để xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG |
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Thông tư 54/2017/TT-BYT Bộ tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở khám chữa bệnh của Pgdphurieng.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.