Ngày 18/8/2017, Bộ Giáo dục & Đào tạo ban hành Thông tư 20/2017/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập. Theo đó, ngoài việc phải đạt được những tiêu chuẩn về nghiệp vụ, giáo viên dự thi còn phải đáp ứng được một số điều kiện khác.
Thông tư 20/2017/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho giáo viên từ hạng IV lên hạng III, hạng III lên hạng II và hạng II lên hạng I. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 03/10/2017, thay thế Thông tư 34/2010/TT-BGDĐT.
Bên cạnh đó, các bạn có thể tham khảo thêm bài thu hoạch bồi dưỡng giáo viên Tiểu học hạng II, hạng III, giáo viên THCS hạng II, giáo viên THPT hạng II.
Nội dung Thông tư 20/2017/TT-BGDĐT về thăng hạng giáo viên
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 20/2017/TT-BGDĐT |
Hà Nội, ngày 18 tháng 8 năm 2017 |
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH TIÊU CHUẨN, ĐIỀU KIỆN, NỘI DUNG, HÌNH THỨC THI THĂNG HẠNG CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP GIÁO VIÊN MẦM NON, PHỔ THÔNG CÔNG LẬP
Căn cứ Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 69/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức;
Sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Nội vụ tại Công văn số 3474/BNV- CCVC ngày 3 tháng 7 năm 2017 về việc ban hành các Thông tư quy định tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức thi/xét và quy chế xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục,
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư quy định tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập (sau đây gọi chung là kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên).
2. Thông tư này áp dụng đối với giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục (sau đây gọi chung là giáo viên) đang làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục chuyên biệt công lập hoặc đang giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên trong các trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh/cấp huyện, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên cấp huyện (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục) và đã được xếp hạng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên; các tổ chức, cá nhân có liên quan.
3. Giáo viên dự bị đại học được áp dụng Thông tư này để tham dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp sau khi được chuyển xếp hạng theo mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học.
Điều 2. Nguyên tắc thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên
1. Việc cử giáo viên dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải căn cứ vào vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp, nhu cầu của các cơ sở giáo dục công lập và tình hình thực tế của địa phương.
2. Giáo viên được tham dự thi thăng hạng từ hạng thấp lên hạng cao hơn liền kề cùng chức danh nghề nghiệp đang giữ.
3. Giáo viên dự thi thăng hạng phải có đủ hồ sơ và các minh chứng theo quy định. Đối với các tiêu chuẩn, tiêu chí không có minh chứng là văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận thì minh chứng là xác nhận của cơ quan sử dụng giáo viên về năng lực của giáo viên đáp ứng các tiêu chuẩn, tiêu chí đó.
4. Việc tổ chức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải bình đẳng, công khai, minh bạch, khách quan và đúng quy định của pháp luật.
Điều 3. Tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên
Giáo viên dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện sau:
1. Cơ sở giáo dục có nhu cầu về vị trí việc làm của chức danh nghề nghiệp ở hạng đăng ký dự thi và được cấp có thẩm quyền cử đi dự thi.
2. Được cấp có thẩm quyền đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong thời gian công tác 03 (ba) năm liên tục tính đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ dự thi; có đủ phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp; không trong thời gian bị thi hành kỷ luật hoặc đã có thông báo về việc xem xét xử lý kỷ luật của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền.
3. Có đủ trình độ đào tạo, bồi dưỡng, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp ở hạng đăng ký dự thi theo quy định tại Thông tư liên tịch số 20/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 14 tháng 9 năm 2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên Mầm non; Thông tư liên tịch số 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16 tháng 9 năm 2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên Tiểu học công lập; Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16 tháng 9 năm 2015 của Sở Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên Trung học cơ sở công lập; Thông tư liên tịch số 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16 tháng 9 năm 2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên Trung học phổ thông công lập.
Giáo viên dự bị đại học khi áp dụng Thông tư này để dự thi thăng hạng phải có đủ trình độ đào tạo, bồi dưỡng, năng lực chuyên môn nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp ở hạng đăng ký dự thi theo quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Chương II
NỘI DUNG, HÌNH THỨC THI THĂNG HẠNG CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP GIÁO VIÊN
Điều 4. Đối với kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên từ hạng II lên hạng I
1. Môn thi kiến thức chung
a) Hình thức thi:
Người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tổ chức thi thăng hạng quyết định lựa chọn một trong ba hình thức sau: Tự luận hoặc trắc nghiệm hoặc kết hợp giữa tự luận và trắc nghiệm.
b) Thời gian thi: Thi tự luận 150 phút; thi trắc nghiệm 45 phút; thi kết hợp giữa tự luận và trắc nghiệm 120 phút.
c) Nội dung thi: Kiểm tra kiến thức, năng lực hiểu biết của giáo viên về Luật Viên chức, pháp luật chuyên ngành, quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục đào tạo nói chung và giáo dục cấp học hiện đang giảng dạy nói riêng; xu hướng quốc tế, định hướng chiến lược phát triển của Ngành và chiến lược, chính sách phát triển giáo dục của cấp học hiện đang giảng dạy. Vận dụng các kiến thức, hiểu biết về các vấn đề nêu trên để đưa ra giải pháp đối với các vấn đề nảy sinh trong thực tế của cấp học phù hợp với tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng I.
Dung lượng kiến thức của đề thi và nội dung thi về pháp luật viên chức là 30%; về lĩnh vực giáo dục và đào tạo là 70%.
2. Môn thi chuyên môn, nghiệp vụ
a) Hình thức thi: Thuyết trình và phỏng vấn trực tiếp
b) Thời gian thi
– Chuẩn bị: giáo viên dự thi chuẩn bị báo cáo theo hướng dẫn về nội dung thi tại điểm c khoản này.
– Thuyết trình: tối đa 15 phút/giáo viên dự thi.
– Phỏng vấn trực tiếp: tối đa 15 phút/giáo viên dự thi.
c) Nội dung thi: Giáo viên dự thi trình bày báo cáo tổng quan về kết quả dạy học và giáo dục học sinh, kết quả công tác quản lý, chỉ đạo (đối với giáo viên làm công tác quản lý) từ khi được bổ nhiệm vào hạng chức danh đang giữ cho đến thời điểm đăng ký dự thi thăng hạng; phỏng vấn các vấn đề về chuyên môn thuộc lĩnh vực đảm nhiệm, các giải pháp giải quyết các vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn giáo dục gắn với tiêu chuẩn về trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng I.
3. Môn thi Ngoại ngữ
a) Hình thức thi: Trắc nghiệm
b) Thời gian thi: 45 phút
c) Nội dung thi: Kiểm tra các kỹ năng đọc hiểu, viết ở trình độ ngoại ngữ bậc 3 theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (sau đây viết tắt là Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT).
d) Ngoại ngữ dự thi: giáo viên dự thi đăng ký thi một trong các ngoại ngữ: Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc.
Đối với giáo viên dạy một trong các ngoại ngữ nêu trên thì phải thi ngoại ngữ thứ 2 ở trình độ bậc 3 theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT.
4. Môn thi tin học
a) Hình thức thi:
Người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tổ chức thi thăng hạng quyết định lựa chọn một trong hai hình thức sau: Trắc nghiệm hoặc thực hành trên máy vi tính.
b) Thời gian thi: 45 phút
c) Nội dung thi: Kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng I.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Thông tư 20/2017/TT-BGDĐT Quy định mới về thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên của Pgdphurieng.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.