Ngày 05/4/2022, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư 05/2022/TT-BLĐTBXH quy định về liên kết tổ chức thực hiện chương trình đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, liên kết đào tạo được tổ chức theo 2 hình thức sau:
- Liên kết phối hợp đào tạo, đơn vị phối hợp liên kết đào tạo trực tiếp tham gia giảng dạy, phối hợp quản lý quá trình đào tạo và đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị để thực hiện liên kết đào tạo hoặc chỉ tham gia vào hoạt động giảng dạy trong chương trình liên kết đào tạo;
- Liên kết đặt lớp đào tạo, đơn vị phối hợp liên kết đào tạo không tham gia giảng dạy, chỉ phối hợp quản lý và đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị để thực hiện liên kết đào tạo.
BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 05/2022/TT-BLĐTBXH |
Hà Nội, ngày 05 tháng 4 năm 2022 |
THÔNG TƯ 05/2022/TT-BLĐTBXH
QUY ĐỊNH VỀ LIÊN KẾT TỔ CHỨC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO TRONG GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP
Căn cứ Luật Giáo dục nghề nghiệp ngày 27 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Nghị định số 14/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;
Căn cứ Nghị định số 15/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 02 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Giáo dục nghề nghiệp;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp,
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư Quy định về liên kết tổ chức thực hiện chương trình đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về liên kết tổ chức thực hiện chương trình đào tạo (sau đây gọi là liên kết đào tạo) bao gồm: Đối tượng, hình thức liên kết đào tạo, tổ chức liên kết thực hiện chương trình đào tạo, quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia liên kết đào tạo.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Thông tư này áp dụng cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân có nhu cầu liên kết đào tạo.
2. Thông tư này không áp dụng với đối tượng liên kết đào tạo nước ngoài.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Liên kết đào tạo là sự hợp tác giữa đơn vị chủ trì liên kết đào tạo với đơn vị phối hợp liên kết đào tạo để tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp và chứng chỉ sơ cấp nhưng không hình thành pháp nhân mới.
2. Liên kết đào tạo trong nước là hình thức hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong nước với nhau hoặc giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong nước với các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu liên kết đào tạo.
3. Đơn vị chủ trì liên kết đào tạo là cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên và doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức liên kết đào tạo.
4. Đơn vị phối hợp liên kết đào tạo là cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhu cầu liên kết đào tạo, tham gia hoạt động đào tạo với vai trò phối hợp với đơn vị chủ trì liên kết đào tạo trong quản lý đào tạo, tham gia giảng dạy lý thuyết, thực hành và đảm bảo các điều kiện thực hiện liên kết đào tạo hoặc chỉ đảm bảo các điều kiện thực hiện liên kết đào tạo.
Điều 4. Mục tiêu và hình thức liên kết đào tạo
1. Liên kết đào tạo nhằm mục tiêu khai thác, phối hợp và huy động các nguồn lực xã hội để đào tạo nhân lực lao động trong giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo.
2. Liên kết đào tạo được tổ chức theo 2 hình thức sau:
a) Liên kết phối hợp đào tạo: Đơn vị phối hợp liên kết đào tạo trực tiếp tham gia giảng dạy, phối hợp quản lý quá trình đào tạo và đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị để thực hiện liên kết đào tạo hoặc chỉ tham gia vào hoạt động giảng dạy trong chương trình liên kết đào tạo;
b) Liên kết đặt lớp đào tạo: Đơn vị phối hợp liên kết đào tạo không tham gia giảng dạy, chỉ phối hợp quản lý và đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị để thực hiện liên kết đào tạo.
Chương II
TỔ CHỨC LIÊN KẾT ĐÀO TẠO VÀ QUYỀN, NGHĨA VỤ CỦA CÁC BÊN THAM GIA LIÊN KẾT ĐÀO TẠO
Điều 5. Tổ chức liên kết đào tạo
1. Đơn vị chủ trì liên kết đào tạo: Chủ trì, phối hợp với đơn vị liên kết đào tạo chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, đội ngũ nhà giáo theo quy định trong chương trình đào tạo và chuẩn cơ sở vật chất, thiết bị tối thiểu để tổ chức đào tạo theo các hình thức liên kết đảm bảo chất lượng đào tạo.
2. Đơn vị phối hợp liên kết đào tạo: Tham gia giảng dạy chương trình đào tạo tùy thuộc vào điều kiện và hình thức liên kết đào tạo. Kế hoạch, thời gian, khối lượng nội dung giảng dạy do hai bên thống nhất và được thể hiện trong hợp đồng liên kết đào tạo theo quy định tại Điều 6 của Thông tư này.
3. Chỉ tiêu tuyển sinh liên kết đào tạo nằm trong tổng chỉ tiêu được cấp theo đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp của đơn vị chủ trì liên kết.
4. Việc quản lý người học trong quá trình đào tạo được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 17/2017/TT-BLĐTBXH ngày 30 tháng 6 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành quy chế công tác học sinh, sinh viên trong trường trung cấp, trường cao đẳng.
5. Việc liên kết theo hình thức đào tạo vừa làm vừa học được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 31/2017/TT-BLĐTBXH ngày 28 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định về đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp theo hình thức đào tạo vừa làm vừa học.
Điều 6. Hợp đồng liên kết đào tạo
Hợp đồng liên kết đào tạo quy định cụ thể về các nội dung thực hiện liên kết đào tạo; quyền, trách nhiệm của đơn vị chủ trì và đơn vị phối hợp liên kết đào tạo. Nội dung hợp đồng liên kết đào tạo bao gồm những nội dung chính sau:
1. Tên ngành nghề, trình độ đào tạo hoặc nội dung đào tạo; thời gian, địa điểm đào tạo, quy mô và hình thức liên kết đào tạo.
2. Chương trình đào tạo, các điều kiện đảm bảo chất lượng về cơ sở vật chất, thiết bị cho đào tạo.
3. Kế hoạch và tiến độ đào tạo. Trường hợp đơn vị phối hợp liên kết đào tạo là doanh nghiệp cần ghi rõ địa điểm, thời gian đào tạo tại doanh nghiệp, thời gian đào tạo tại đơn vị chủ trì liên kết đào tạo.
4. Nhà giáo tham gia giảng dạy, hướng dẫn; chế độ hoặc tiền lương cho nhà giáo và người học nếu làm ra sản phẩm đạt quy cách trong quá trình thực hành, thực tập (nếu có).
5. Thời hạn thực hiện của hợp đồng liên kết đào tạo.
6. Quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên tham gia liên kết đào tạo.
7. Tài chính thực hiện hợp đồng liên kết đào tạo.
8. Các nội dung khác có liên quan.
Điều 7. Quyền của các bên tham gia liên kết đào tạo
1. Thống nhất mức thu lệ phí tuyển sinh, học phí theo quy định. Trường hợp cơ sở giáo dục nghề nghiệp liên kết đào tạo với doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp liên kết với cơ sở giáo dục nghề nghiệp thì hai bên thỏa thuận mức lương, tiền công cho người học, nhà giáo trực tiếp hoặc tham gia hoạt động làm ra sản phẩm trong thời gian đào tạo, thực hành, thực tập tại doanh nghiệp.
2. Thỏa thuận, ký kết hợp đồng thực hiện liên kết đào tạo theo quy định tại Điều 6 của Thông tư này.
Điều 8. Nghĩa vụ của các bên tham gia liên kết đào tạo
1. Đơn vị chủ trì liên kết đào tạo
a) Đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp hoặc đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với ngành, nghề dự định liên kết đào tạo theo quy định tại Nghị định số 143/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ quy định điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; Nghị định số 140/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 10 năm 2018 sửa đổi, bổ sung các nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Trường hợp việc liên kết chỉ thực hiện đào tạo một hoặc một số nội dung học tập trong chương trình đào tạo thì không cần phải đăng ký hoặc đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp;
b) Chủ trì thực hiện công tác tuyển sinh theo quy định tại Thông tư số 05/2021/TT-BLĐTBXH ngày 07 tháng 7 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định quy chế tuyển sinh và xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng;
c) Chủ trì tổ chức đào tạo, quản lý chất lượng, đánh giá và công nhận kết quả học tập cho người học theo quy định tại Thông tư số 04/2022/TT-BLĐTBXH ngày 30 tháng 3 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định việc tổ chức đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng theo niên chế hoặc theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ; Thông tư số 42/2015/TT-BLĐTBXH ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định về đào tạo trình độ sơ cấp và Thông tư số 34/2018/TT-BLĐTBXH ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 42/2015/TT-BLĐTBXH ngày 20 tháng 10 năm 2015; Thông tư số 43/2015/TT-BLĐTBXH ngày 20 tháng 10 năm 2015 quy định về đào tạo thường xuyên; Thông tư số 07/2017/TT-BLĐTBXH ngày 10 tháng 3 năm 2017 quy định chế độ làm việc của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp; Thông tư số 08/2017/TT-BLĐTBXH ngày 10 tháng 3 năm 2017 quy định chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ đối với nhà giáo giáo dục nghề nghiệp và Thông tư số 21/2020/TT-BLĐTBXH ngày 30 tháng 12 năm 2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2017/TT-BLĐTBXH ngày 10 tháng 3 năm 2017; Thông tư số 31/2017/TT-BLĐTBXH ngày 28 tháng 12 năm 2017 quy định về đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp theo hình thức đào tạo vừa làm vừa học;
d) Tổ chức quản lý, cấp phát văn bằng, chứng chỉ cho người học sau khi tốt nghiệp chương trình liên kết đào tạo theo quy định tại Thông tư số 10/2017/TT-BLĐTBXH ngày 13 tháng 3 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định mẫu bằng tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng; in, quản lý, cấp phát, thu hồi, hủy bỏ bằng tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và Thông tư số 24/2020/TT-BLĐTBXH ngày 30 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 10/2017/TT-BLĐTBXH ngày 13 tháng 3 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Thông tư số 42/2015/TT-BLĐTBXH ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định về đào tạo trình độ sơ cấp và Thông tư số 34/2018/TT-BLĐTBXH ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 42/2015/TT-BLĐTBXH ngày 20 tháng 10 năm 2015;
đ) Người đứng đầu đơn vị chủ trì liên kết đào tạo ban hành quyết định tuyển sinh liên kết đào tạo khi đảm bảo các yêu cầu thực hiện liên kết đào tạo. Quyết định tuyển sinh liên kết đào tạo phải nêu rõ tên ngành, nghề, trình độ và hình thức đào tạo, đối tượng và hình thức tuyển sinh.
2. Đơn vị phối hợp liên kết đào tạo chịu trách nhiệm:
a) Phối hợp với đơn vị chủ trì liên kết đào tạo chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đảm bảo chất lượng để tham gia tổ chức hoạt động liên kết đào tạo theo thỏa thuận trong hợp đồng liên kết đào tạo giữa hai đơn vị;
b) Phối hợp theo dõi, giám sát việc thực hiện kế hoạch đào tạo, việc tổ chức dạy, học và phản ánh kịp thời với đơn vị chủ trì đào tạo những biểu hiện sai phạm để kịp thời chấn chỉnh.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 9. Trách nhiệm của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội
1. Hướng dẫn việc thực hiện tổ chức liên kết đào tạo đối với các đơn vị thuộc phạm vi quản lý theo quy định tại Thông tư này.
2. Hằng năm, tổng hợp tình hình liên kết đào tạo của các đơn vị trên địa bàn báo cáo về Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội theo chế độ báo cáo quy định tại Thông tư số 04/2022/TT-BLĐTBXH ngày 30 tháng 3 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định việc tổ chức đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng theo niên chế hoặc theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ.
3. Báo cáo với cơ quan có thẩm quyền về hoạt động liên kết đào tạo và các vấn đề khác có liên quan theo quy định của pháp luật hoặc báo cáo đột xuất khi có yêu cầu.
Điều 10. Trách nhiệm của đơn vị chủ trì, phối hợp liên kết đào tạo
1. Ban hành quy định về liên kết đào tạo của đơn vị, cơ quan, tổ chức và cá nhân phù hợp với các quy định tại Thông tư này.
2. Hằng năm, báo cáo bằng văn bản tình hình liên kết đào tạo của đơn vị tính đến ngày 31 tháng 12 về cơ quan chủ quản, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố nơi đặt trụ sở chính theo chế độ báo cáo quy định tại Thông tư số 04/2022/TT-BLĐTBXH ngày 30 tháng 3 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định việc tổ chức đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng theo niên chế hoặc theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ.
3. Lưu trữ hồ sơ liên kết đào tạo theo quy định hiện hành về chế độ lưu trữ.
Điều 11. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 5 năm 2022. Thông tư số 29/2017/TT-BLĐTBXH ngày 15 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định về liên kết tổ chức thực hiện chương trình đào tạo hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.
2. Các khóa học theo hình thức liên kết đào tạo được thực hiện trước khi Thông tư này có hiệu lực thi hành thì áp dụng theo quy định tại Thông tư số 29/2017/TT-BLĐTBXH.
3. Trường hợp các văn bản viện dẫn tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì thực hiện theo văn bản mới ban hành.
4. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tổ chức Chính trị – Xã hội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố, các đơn vị và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.
Nơi nhận: – Ban Bí thư Trung ương Đảng; |
KT. BỘ TRƯỞNG |
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Thông tư 05/2022/TT-BLĐTBXH Quy định hình thức liên kết đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp của Pgdphurieng.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.