Ngày 20/4/2022 Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư 03/2022/TT-BKHCN quy định về giám định tư pháp trong hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN).
Theo quy định mới, Bộ Khoa học và Công nghệ, cơ quan chuyên môn về khoa học và công nghệ từ chối giám định tư pháp trong 04 trường hợp sau:
- Thứ nhất, nội dung giám định không thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của mình.
- Thứ hai, trưng cầu, yêu cầu giám định không thuộc lĩnh vực: Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa; công nghệ, thiết bị, máy móc; sở hữu công nghệ; năng lượng nguyên tử.
- Thứ ba, không có tổ chức, cá nhân đủ năng lực, điều kiện cần thiết cho việc thực hiện giám định.
- Thứ tư, đối tượng giám định, tài liệu liên quan được cung cấp không đầy đủ hoặc không có giá trị để kết luận giám định tư pháp sau khi đã đề nghị người trưng cầu, người yêu cầu giám định bổ sung, làm rõ nhưng không được đáp ứng.
BỘ KHOA HỌC VÀ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03/2022/TT-BKHCN |
Hà Nội, ngày 20 tháng 4 năm 2022 |
THÔNG TƯ 03/2022/TT-BKHCN
QUY ĐỊNH VỀ GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP TRONG HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Căn cứ Luật Giám định tư pháp ngày 20 tháng 6 năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp ngày 10 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp; Nghị định số 157/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp;
Căn cứ Nghị định số 95/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế;
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư quy định về giám định tư pháp trong hoạt động khoa học và công nghệ.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc, thực hiện giám định tư pháp trong hoạt động khoa học và công nghệ.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Đơn vị trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, cơ quan chuyên môn về khoa học và công nghệ thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là cơ quan chuyên môn về khoa học và công nghệ).
2. Các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan.
Điều 3. Lĩnh vực giám định tư pháp
Giám định tư pháp trong hoạt động khoa học và công nghệ được quy định tại Thông tư này bao gồm giám định tư pháp thuộc các lĩnh vực: tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa (sau đây gọi tắt là tiêu chuẩn đo lường chất lượng); công nghệ, thiết bị, máy móc; sở hữu công nghiệp; năng lượng nguyên tử.
Chương II
GIÁM ĐỊNH VIÊN TƯ PHÁP, NGƯỜI GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP THEO VỤ VIỆC, TỔ CHỨC GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP THEO VỤ VIỆC TRONG HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Điều 4. Tiêu chuẩn bổ nhiệm giám định viên tư pháp trong hoạt động khoa học và công nghệ
1. Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam có đủ các tiêu chuẩn sau đây có thể được xem xét, bổ nhiệm giám định viên tư pháp trong hoạt động khoa học và công nghệ:
a) Có sức khỏe, phẩm chất đạo đức tốt;
b) Có trình độ đại học trở lên và đã qua thực tế hoạt động chuyên môn ở lĩnh vực được đào tạo từ đủ 05 (năm) năm trở lên.
2. Người thuộc một trong các trường hợp sau đây không được bổ nhiệm giám định viên tư pháp trong hoạt động khoa học và công nghệ:
a) Mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
b) Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đã bị kết án mà chưa được xóa án tích về tội phạm do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng do cố ý; đã bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;
c) Đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc.
3. Ngoài quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, giám định viên tư pháp trong lĩnh vực công nghệ, thiết bị, máy móc, năng lượng nguyên tử, sở hữu công nghiệp (đối với các đối tượng sáng chế, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn) phải có bằng tốt nghiệp trình độ đại học trở lên thuộc các ngành sau:
a) Ngành khoa học kỹ thuật và công nghệ đối với giám định tư pháp trong lĩnh vực công nghệ, thiết bị, máy móc;
b) Một trong các ngành vật lý hạt nhân, công nghệ hạt nhân, hóa phóng xạ đối với giám định tư pháp trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử;
c) Một trong các ngành khoa học kỹ thuật và công nghệ, khoa học vật lý, hóa học hoặc sinh học đối với giám định tư pháp đối tượng sở hữu công nghiệp là sáng chế, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn.
Điều 5. Bổ nhiệm, miễn nhiệm, đăng tải danh sách giám định viên tư pháp trong hoạt động khoa học và công nghệ
1. Căn cứ vào nhu cầu thực tiễn của hoạt động tố tụng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) xem xét, bổ nhiệm giám định viên tư pháp trong hoạt động khoa học và công nghệ.
2. Trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp trong hoạt động khoa học và công nghệ được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 9 và các khoản 3, 4 Điều 10 Luật Giám định tư pháp (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 và khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp):
a) Thủ trưởng đơn vị liên quan trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ chuẩn bị hồ sơ theo quy định, gửi Vụ Pháp chế tổng hợp;
b) Cơ quan chuyên môn về khoa học và công nghệ tổng hợp hồ sơ của người thuộc thẩm quyền quản lý hoặc theo đề nghị của cơ quan liên quan tại địa phương.
3. Đăng tải danh sách giám định viên tư pháp:
a) Vụ Pháp chế có trách nhiệm lập danh sách giám định viên tư pháp trong hoạt động khoa học và công nghệ do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ bổ nhiệm.
Danh sách giám định viên tư pháp của Bộ Khoa học và Công nghệ được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Khoa học và Công nghệ, đồng thời gửi đến Bộ Tư pháp để lập danh sách chung;
b) Cơ quan chuyên môn về khoa học và công nghệ có trách nhiệm lập danh sách giám định viên tư pháp trong hoạt động khoa học và công nghệ do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm.
Danh sách giám định viên tư pháp trong hoạt động khoa học và công nghệ tại địa phương được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đồng thời gửi Bộ Tư pháp để lập danh sách chung.
Điều 6. Tiêu chuẩn lựa chọn người giám định tư pháp theo vụ việc trong hoạt động khoa học và công nghệ
Người giám định tư pháp theo vụ việc trong hoạt động khoa học và công nghệ là công dân Việt Nam, thường trú tại Việt Nam đáp ứng quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 18 Luật Giám định tư pháp và không thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư này.
Điều 7. Tiêu chuẩn lựa chọn tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc trong hoạt động khoa học và công nghệ
Tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc trong hoạt động khoa học và công nghệ phải có đủ điều kiện sau:
1. Có tư cách pháp nhân;
2. Có hoạt động chuyên môn phù hợp với lĩnh vực giám định tư pháp quy định tại Điều 3 Thông tư này;
3. Có cán bộ chuyên môn, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện để bảo đảm cho việc thực hiện giám định tư pháp trong các lĩnh vực quy định tại Điều 3 Thông tư này.
Điều 8. Công nhận và đăng tải danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc
1. Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ căn cứ tiêu chuẩn quy định tại Điều 6 và Điều 7 Thông tư này để lựa chọn người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc gửi Vụ Pháp chế tổng hợp, lập danh sách chung.
Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan trình Bộ trưởng quyết định công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc.
Danh sách quy định tại khoản này và các thông tin công bố quy định tại Điều 24 Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp (sau đây gọi tắt là Nghị định số 85/2013/NĐ-CP) được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Bộ Khoa học và Công nghệ, đồng thời gửi Bộ Tư pháp để lập danh sách chung.
2. Cơ quan chuyên môn về khoa học và công nghệ căn cứ tiêu chuẩn quy định tại Điều 6 và Điều 7 Thông tư này để lựa chọn, lập danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc trong hoạt động khoa học và công nghệ thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương.
Theo phân công nhiệm vụ, cơ quan chuyên môn về khoa học và công nghệ chủ trì hoặc phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc.
Danh sách quy định tại khoản này và các thông tin công bố quy định tại Điều 24 Nghị định số 85/2013/NĐ-CP được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đồng thời gửi Bộ Tư pháp để lập danh sách chung.
Điều 9. Điều chỉnh danh sách, hủy bỏ công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc
1. Việc điều chỉnh danh sách, hủy bỏ công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc thực hiện theo quy định tại khoản 3 và khoản 5 Điều 23 Nghị định số 85/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 6 Điều 1 Nghị định số 157/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 85/2013/NĐ-CP).
2. Vụ Pháp chế tổ chức thực hiện việc điều chỉnh danh sách, hủy bỏ công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc trên cơ sở đề xuất của Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ.
3. Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện việc điều chỉnh danh sách, hủy bỏ công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc trong hoạt động khoa học và công nghệ theo phân công nhiệm vụ.
Chương III
THỰC HIỆN GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP TRONG HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Điều 10. Cử tổ chức, cá nhân tham gia giám định tư pháp trong hoạt động khoa học và công nghệ
1. Tại Bộ Khoa học và Công nghệ:
a) Khi nhận được trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp hoặc đề nghị giới thiệu tổ chức, cá nhân giám định tư pháp, Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với đơn vị liên quan lựa chọn giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc có kinh nghiệm, chuyên môn phù hợp nội dung cần giám định, đề xuất hình thức giám định là giám định cá nhân hoặc giám định tập thể trình Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định cử tổ chức, cá nhân tham gia giám định tư pháp;
b) Trường hợp đơn vị trực thuộc Bộ nhận được trưng cầu, yêu cầu giám định hoặc đề nghị giới thiệu tổ chức, cá nhân giám định tư pháp, Thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm tiếp nhận, phân công hoặc trình cấp có thẩm quyền phân công tổ chức, cá nhân thực hiện giám định, đồng thời thông báo cho Vụ Pháp chế để phối hợp.
2. Tại địa phương:
Khi nhận được trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp hoặc đề nghị giới thiệu tổ chức, cá nhân giám định tư pháp, cơ quan chuyên môn về khoa học và công nghệ chủ trì hoặc phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện theo phân công nhiệm vụ.
3. Bộ Khoa học và Công nghệ, cơ quan chuyên môn về khoa học và công nghệ từ chối giám định tư pháp trong trường hợp sau đây:
a) Nội dung giám định không thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình;
b) Trưng cầu, yêu cầu giám định không thuộc lĩnh vực quy định tại Điều 3 Thông tư này;
c) Không có tổ chức, cá nhân đủ năng lực, điều kiện cần thiết cho việc thực hiện giám định;
d) Đối tượng giám định, tài liệu liên quan được cung cấp không đầy đủ hoặc không có giá trị để kết luận giám định tư pháp sau khi đã đề nghị người trưng cầu, người yêu cầu giám định bổ sung, làm rõ nhưng không được đáp ứng.
4. Việc cử tổ chức, cá nhân tham gia giám định tư pháp; từ chối giám định tư pháp theo quy định tại Điều này phải được thực hiện bằng văn bản, bảo đảm đáp ứng đúng thời hạn theo trưng cầu, yêu cầu giám định.
Điều 11. Quy trình giám định tư pháp
Giám định tư pháp trong hoạt động khoa học và công nghệ được thực hiện theo quy trình gồm 04 bước (Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư này):
1. Tiếp nhận đối tượng giám định và tài liệu, đồ vật có liên quan (trường hợp phải lập biên bản thực hiện theo Mẫu số 01, Mẫu số 02 tại Phụ lục 02 ban hành kèm theo Thông tư này);
2. Chuẩn bị giám định;
3. Thực hiện giám định;
4. Bàn giao kết luận giám định.
Điều 12. Thành lập Hội đồng giám định tư pháp trong hoạt động khoa học và công nghệ
1. Hội đồng giám định tư pháp do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định thành lập trong trường hợp quy định tại Điều 30 Luật Giám định tư pháp.
2. Thành lập Hội đồng giám định tư pháp:
a) Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với đơn vị liên quan lựa chọn giám định viên, người giám định tư pháp theo vụ việc, người có kinh nghiệm, chuyên môn phù hợp với nội dung cần giám định, hoàn thiện hồ sơ trình Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định thành lập Hội đồng;
b) Thành phần, số lượng thành viên và cơ chế hoạt động của Hội đồng giám định tư pháp thực hiện theo Điều 30 Luật Giám định tư pháp.
Điều 13. Căn cứ thực hiện giám định tư pháp, chi phí và chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp trong hoạt động khoa học và công nghệ
1. Căn cứ thực hiện giám định tư pháp trong hoạt động khoa học và công nghệ:
a) Tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong lĩnh vực khoa học và công nghệ;
b) Yêu cầu kỹ thuật đo lường;
c) Quy định pháp luật về lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng;
d) Quy định pháp luật về lĩnh vực sở hữu công nghiệp;
đ) Quy định pháp luật về lĩnh vực năng lượng nguyên tử;
e) Các văn bản pháp luật có liên quan đến nội dung cần giám định.
2. Chi phí giám định tư pháp trong hoạt động khoa học và công nghệ được thực hiện theo quy định của Pháp lệnh số 02/2012/UBTVQH13 ngày 28/3/2012 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng; các văn bản quy định chi tiết thi hành và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp trong hoạt động khoa học và công nghệ được thực hiện theo Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg ngày 01/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp.
Điều 14. Thực hiện giám định tư pháp trong hoạt động khoa học và công nghệ
1. Giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc triển khai thực hiện giám định như sau:
a) Lập đề cương giám định với các nội dung cơ bản sau: căn cứ thực hiện giám định theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Thông tư này; thời gian dự kiến hoàn thành giám định; các điều kiện theo quy định của pháp luật để thực hiện giám định.
Đối với tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc, ngoài những nội dung trên, đề cương giám định của tổ chức phải bao gồm danh sách nhân sự thực hiện giám định, người được phân công chủ trì thực hiện giám định, thông tin về năng lực của các cá nhân thực hiện giám định;
b) Trường hợp cần thiết, cá nhân, tổ chức thực hiện giám định đề nghị với người trưng cầu, yêu cầu giám định về việc khảo sát đối tượng giám định để phục vụ công tác lập kế hoạch và thực hiện giám định, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
c) Thu thập thông tin, tài liệu có liên quan đến nội dung cần giám định;
d) Thực hiện giám định;
đ) Xây dựng kết luận giám định theo hướng dẫn tại Thông tư này.
2. Trường hợp có thay đổi về cá nhân, tổ chức giám định tư pháp, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị cử cá nhân, tổ chức thực hiện giám định có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho người trưng cầu, yêu cầu giám định.
3. Trong quá trình thực hiện, người giám định phải lập văn bản ghi nhận quá trình thực hiện giám định theo Mẫu số 04 tại Phụ lục 02 ban hành kèm theo Thông tư này.
4. Giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc khi thực hiện giám định tư pháp có quyền sử dụng kết quả thực nghiệm, xét nghiệm bổ sung hoặc kết luận chuyên môn do cá nhân, tổ chức khác có đủ điều kiện, năng lực phù hợp theo quy định tại Thông tư này thực hiện nhằm phục vụ cho việc giám định.
Điều 15. Thời hạn giám định
1. Thời hạn giám định tư pháp trong hoạt động khoa học và công nghệ tối đa là 03 tháng. Trường hợp vụ việc giám định các thiết bị, máy móc, công nghệ mới, phức tạp hoặc khối lượng công việc lớn thì thời hạn giám định tối đa là 04 tháng. Thời hạn giám định này có thể được gia hạn theo quyết định của cơ quan trưng cầu giám định nhưng không quá một phần hai thời hạn giám định tối đa theo quy định tại khoản này.
Giám định tư pháp trong hoạt động khoa học và công nghệ đối với các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định tư pháp được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.
2. Trường hợp có vấn đề phát sinh hoặc có cơ sở cho rằng vụ việc giám định không thể hoàn thành đúng thời hạn thì cá nhân, tổ chức thực hiện giám định phải kịp thời thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho người trưng cầu giám định và thời gian dự kiến hoàn thành, ra kết luận giám định.
Điều 16. Kết luận giám định tư pháp
Giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc phải lập kết luận giám định theo Mẫu số 03a, 03b, 03c tại Phụ lục 02 ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 17. Hồ sơ giám định tư pháp
1. Hồ sơ giám định tư pháp bao gồm đầy đủ các nội dung quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Giám định tư pháp.
2. Cá nhân, tổ chức thực hiện giám định tư pháp chịu trách nhiệm về tính chính xác của hồ sơ được lập và phải xuất trình hồ sơ giám định tư pháp khi có yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng có thẩm quyền giải quyết các vụ án theo quy định của pháp luật tố tụng.
3. Hồ sơ giám định tư pháp của người thực hiện giám định được bàn giao cho cơ quan, đơn vị, tổ chức quản lý trực tiếp.
4. Cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ nhận bàn giao hồ sơ giám định tư pháp có trách nhiệm bảo quản, lưu trữ theo quy định của pháp luật về lưu trữ và quy chế công tác lưu trữ của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
Cơ quan, đơn vị, tổ chức tại địa phương nhận bàn giao hồ sơ giám định tư pháp có trách nhiệm bảo quản, lưu trữ theo quy định của pháp luật về lưu trữ và quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan chuyên môn về khoa học và công nghệ.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 18. Trách nhiệm thi hành
1. Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.
2. Thủ trưởng đơn vị liên quan trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thủ trưởng cơ quan chuyên môn về khoa học và công nghệ và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
Điều 19. Điều khoản thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 6 năm 2022 và thay thế Thông tư số 35/2014/TT-BKHCN ngày 11/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về giám định tư pháp trong hoạt động khoa học và công nghệ.
2. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật được viện dẫn trong Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng các văn bản quy phạm pháp luật mới thì áp dụng theo các văn bản quy phạm pháp luật mới.
3. Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Khoa học và Công nghệ để xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận: – Thủ tướng Chính phủ; |
KT. BỘ TRƯỞNG |
…………………….
Mời các bạn tải File tài liệu để xem thêm nội dung Thông tư
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Thông tư 03/2022/TT-BKHCN Thời hạn giám định tư pháp trong hoạt động khoa học công nghệ của Pgdphurieng.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.