Ngày 24/04/2018, Tòa án nhân dân tối cao ban hành Thông tư 01/2018/TT-TANDTC quy định về công tác thi đua, khen thưởng của Tòa án nhân dân. Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 08/06/2018. Theo đó, đối tượng thi đua tại Thông tư này là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (kể cả đang trong thời gian tập sự, thử việc) làm việc trong các cơ quan, đơn vị sau đây:
- Các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao, Học viện Tòa án.
- Các Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án quân sự các cấp.
- Các Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
- Các Tòa án nhân dân cấp huyện.
TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/2018/TT-TANDTC |
Hà Nội, ngày 24 tháng 04 năm 2018 |
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH CÔNG TÁC THI ĐUA, KHEN THƯỞNG CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN
Căn cứ Luật tổ chức Tòa án nhân dân ngày 24 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật thi đua, khen thưởng ngày 26 tháng 11 năm 2003; Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật thi đua, khen thưởng ngày 14 tháng 6 năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật thi đua, khen thưởng ngày 16 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật thi đua, khen thưởng; Thông tư số 08/2017/TT-BNV ngày 27 tháng 10 năm 2017 của Bộ Nội vụ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật thi đua, khen thưởng;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Thi đua – Khen thưởng Tòa án nhân dân tối cao;
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành Thông tư quy định công tác thi đua, khen thưởng của Tòa án nhân dân.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi Điều chỉnh
1. Thông tư này quy định công tác thi đua, khen thưởng của Tòa án nhân dân, bao gồm: đối tượng, nguyên tắc thi đua, khen thưởng; Cụm thi đua; tổ chức thi đua, danh hiệu và tiêu chuẩn danh hiệu thi đua; loại hình, hình thức, tiêu chuẩn khen thưởng; thẩm quyền, thủ tục, hồ sơ xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng; Hội đồng Thi đua – Khen thưởng, Hội đồng Khoa học – Sáng kiến, Quỹ thi đua, khen thưởng.
2. Đối với Tòa án quân sự các cấp, Thông tư này chỉ quy định việc xét tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng:“Cờ thi đua Tòa án nhân dân”, Kỷ niệm Chương “Vì sự nghiệp Tòa án”, “Bằng khen của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao”, danh hiệu vinh dự Tòa án nhân dân cho tập thể, cá nhân.
Điều 2. Đối tượng thi đua
1. Các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao, Học viện Tòa án.
2. Các Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án quân sự các cấp.
3. Các Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Tòa án nhân dân cấp tỉnh).
4. Các Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương (sau đây gọi chung là Tòa án nhân dân cấp huyện).
5. Các tập thể nhỏ thuộc các cơ quan, đơn vị quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4 Điều này.
6. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (kể cả đang trong thời gian tập sự, thử việc) làm việc trong các cơ quan, đơn vị quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều này.
Điều 3. Đối tượng khen thưởng
1. Các đối tượng quy định tại Điều 2 Thông tư này.
2. Tập thể, cá nhân không thuộc Tòa án nhân dân, Hội thẩm nhân dân, Hội thẩm quân nhân có công lao, thành tích xuất sắc đóng góp vào quá trình xây dựng và phát triển của Tòa án nhân dân.
Điều 4. Nguyên tắc thi đua
1. Tự nguyện, tự giác, công khai, dân chủ.
2. Đoàn kết, hợp tác và cùng phát triển.
3. Việc xét tặng các danh hiệu thi đua phải căn cứ vào phong trào thi đua và thành tích công tác.
Tập thể, cá nhân tham gia phong trào thi đua phải đăng ký thi đua; xác định Mục tiêu, chỉ tiêu thi đua.
Không đăng ký thi đua thì không được xét tặng danh hiệu thi đua.
Điều 5. Nguyên tắc khen thưởng
1. Dân chủ, chính xác, công khai, công bằng, kịp thời.
2. Một hình thức khen thưởng có thể tặng nhiều lần cho một đối tượng; không tặng nhiều hình thức khen thưởng cho một thành tích đạt được.
3. Trong một năm, không trình hai hình thức khen thưởng cấp Nhà nước cho một đối tượng (đối với cá nhân chỉ đề nghị một hình thức khen thưởng cấp Nhà nước hoặc danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”); trừ trường hợp đạt thành tích đặc biệt xuất sắc đột xuất, khen thưởng quá trình cống hiến, khen thưởng theo niên hạn trong lực lượng vũ trang (nếu có).
4. Bảo đảm thống nhất giữa tính chất, hình thức và đối tượng khen thưởng.
5. Kết hợp chặt chẽ động viên tinh thần với khuyến khích bằng lợi ích vật chất.
6. Khen thưởng phải căn cứ vào thành tích đạt được. Thành tích đạt được trong Điều kiện khó khăn và có phạm vi ảnh hưởng lớn được khen thưởng mức cao hơn. Chỉ lấy kết quả khen thưởng về thành tích cuối năm để làm căn cứ xét khen thưởng hoặc đề nghị khen thưởng (kết quả khen thưởng phong trào thi đua theo đợt hoặc chuyên đề được ghi nhận và ưu tiên khi xét khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng). Không cộng dồn thành tích đã khen của lần trước để đề nghị nâng mức khen thưởng lần sau. Chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, cá nhân là người trực tiếp lao động, công tác, chiến đấu và có nhiều sáng tạo trong lao động, công tác.
7. Khi xét khen thưởng đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải căn cứ vào thành tích của tập thể do cá nhân đó lãnh đạo.
8. Chưa khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng tập thể, cá nhân đang trong thời gian cơ quan có thẩm quyền đang xem xét thi hành kỷ luật hoặc đang Điều tra, thanh tra, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm hoặc có đơn thư khiếu nại, tố cáo đang được xác minh làm rõ.
9. Tập thể, cá nhân không được xét khen thưởng vì có bản án, quyết định bị hủy, sửa, nhưng sau đó Hội đồng xét xử giám đốc thẩm kết luận việc hủy, sửa đó là chưa chính xác thì được xem xét, đề nghị khen thưởng bổ sung.
10. Không xét khen thưởng đối với tập thể có cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên hoặc đang bị khởi tố hình sự. Các tập thể có cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị xử lý kỷ luật khiển trách vẫn có thể được xét đề nghị khen thưởng, nhưng danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng của tập thể đó phải thấp hơn một bậc so với các tập thể khác có cùng thành tích.
11. Đối với nữ là cán bộ lãnh đạo, quản lý, thời gian giữ chức vụ để xét khen thưởng quá trình cống hiến được giảm 1/3 thời gian so với quy định chung (trường hợp quy định tuổi nghỉ hưu cao hơn thì thời gian giữ chức vụ để xét khen thưởng quá trình cống hiến được thực hiện theo quy định chung).
Khi có nhiều cá nhân, tập thể cùng đủ Điều kiện, tiêu chuẩn của một hình thức khen thưởng thì ưu tiên khen thưởng cá nhân nữ, tập thể có tỉ lệ nữ cao hơn.
12. Thời gian đề nghị khen thưởng cho lần tiếp theo được tính theo thời gian lập được thành tích ghi trong quyết định khen thưởng lần trước. Đối với quyết định khen thưởng không ghi thời gian lập được thành tích thì thời gian đề nghị khen thưởng lần sau được tính theo thời gian ban hành quyết định khen thưởng lần trước.
13. Trường hợp tính số người, số tập thể kết quả là số thập phân thì được làm tròn số: Dưới 0,5 được tính là 0, từ 0,5 trở lên được tính là 1.
14. Cấp nào chủ trì phát động thi đua theo đợt hoặc theo chuyên đề, khi tổng kết lựa chọn các điển hình, thì cấp đó khen thưởng hoặc trình cấp trên khen thưởng (đối với trường hợp thành tích xuất sắc, tiêu biểu, phạm vi ảnh hưởng rộng hơn cấp đó).
Điều 6. Cụm thi đua
1. Các Cụm thi đua của Tòa án nhân dân, gồm:
a) Cụm thi đua số I, Tòa án nhân dân hai cấp thuộc 14 tỉnh (thành phố) khu vực đồng bằng và trung du Bắc bộ: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.
b) Cụm thi đua số II, Tòa án nhân dân hai cấp thuộc 14 tỉnh miền núi phía Bắc: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hòa Bình, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ.
c) Cụm thi đua số III, Tòa án nhân dân hai cấp thuộc 12 tỉnh (thành phố) khu vực duyên hải miền Trung và Tây nguyên: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Phú Yên, Khánh Hòa.
d) Cụm thi đua số IV, Tòa án nhân dân hai cấp thuộc 10 tỉnh (thành phố) khu vực miền Đông Nam bộ: Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Đắk Nông, Lâm Đồng, thành phố Hồ Chí Minh.
đ) Cụm thi đua số V, Tòa án nhân dân hai cấp thuộc 13 tỉnh (thành phố) khu vực miền Tây Nam bộ: Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Hậu Giang, Cần Thơ.
e) Cụm thi đua số VI, gồm 12 đơn vị (thuộc Tòa án nhân dân tối cao, Học viện Tòa án): Văn phòng, Cục Kế hoạch – Tài chính, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, Ban Thanh tra, Vụ Tổ chức – Cán bộ, Vụ Tổng hợp, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Thi đua – Khen thưởng, Vụ Công tác phía Nam, Báo Công lý, Tạp chí Tòa án nhân dân, Học viện Tòa án.
g) Cụm thi đua số VII, gồm 06 đơn vị: các Tòa án nhân dân cấp cao tại (Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh) và các Vụ Giám đốc kiểm tra (I, II, III) thuộc Tòa án nhân dân tối cao.
h) Cụm thi đua số VIII, gồm: Tòa án quân sự các cấp.
2. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cụm thi đua được thực hiện theo Quy chế hoạt động của các Cụm thi đua trong Tòa án nhân dân do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành.
3. Trưởng Cụm và Phó Trưởng Cụm thi đua hàng năm do Cụm thi đua bầu và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Thi đua – Khen thưởng Tòa án nhân dân tối cao.
Trưởng Cụm thi đua tổ chức, chỉ đạo hoạt động của Cụm thi đua và chịu trách nhiệm trước Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về mọi hoạt động của Cụm thi đua.
Chương II
TỔ CHỨC THI ĐUA, DANH HIỆU VÀ TIÊU CHUẨN DANH HIỆU THI ĐUA
Điều 7. Hình thức tổ chức thi đua
1. Thi đua thường xuyên là hình thức thi đua căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao của tập thể, cá nhân để tổ chức phát động, nhằm thực hiện tốt công việc hàng ngày, hàng tháng, hàng quý, hàng năm của cơ quan, đơn vị.
Đối tượng thi đua thường xuyên là các cá nhân trong một tập thể; các tập thể trong cùng một cơ quan, đơn vị; các cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ, tính chất công việc giống nhau hoặc gần giống nhau.
Tổ chức thi đua thường xuyên phải xác định rõ Mục đích, yêu cầu, Mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể và được triển khai thực hiện tại cơ quan, đơn vị hoặc theo Cụm thi đua để phát động phong trào thi đua, ký kết giao ước thi đua, đăng ký thi đua.
Kết thúc năm công tác, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, Trưởng Cụm thi đua tiến hành tổng kết và xét tặng các danh hiệu thi đua.
2. Thi đua theo đợt hoặc theo chuyên đề là hình thức thi đua nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm được xác định trong Khoảng thời gian nhất định hoặc tổ chức thi đua để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ đột xuất, cấp bách của cơ quan, đơn vị.
Cơ quan, đơn vị chỉ phát động thi đua theo đợt hoặc theo chuyên đề khi đã xác định rõ Mục đích, yêu cầu, chỉ tiêu, nội dung, giải pháp và thời gian thực hiện.
Thi đua theo đợt hoặc theo chuyên đề được tổ chức trong phạm vi cơ quan, đơn vị hoặc trong Tòa án nhân dân.
Khi tổ chức phong trào thi đua theo đợt hoặc theo chuyên đề có phạm vi toàn hệ thống Tòa án nhân dân trong thời gian từ 03 năm trở lên, Tòa án nhân dân tối cao gửi kế hoạch tổ chức phát động phong trào thi đua về Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương để tổng hợp và hướng dẫn xét khen thưởng.
……….
Download file tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Thông tư 01/2018/TT-TANDTC Quy định công tác thi đua khen thưởng của Tòa án nhân dân của Pgdphurieng.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.