Anh cho biết mình đã chợp mắt khoảng 40 phút sau ca làm việc tại một trung tâm chăm sóc trẻ em ngày 19/12/2022 trong trạng thái vẫn đeo kính áp tròng. Khi tỉnh dậy, anh đi tắm, tháo kính và đi ngủ.
Một tháng sau, Krumholz có biểu hiện đau, cộm, mờ, chảy nước mắt và nhạy cảm với ánh sáng. Ban đầu anh nghĩ rằng mình dị ứng với những chú cún của gia đình và đã tự uống thuốc, nhưng các triệu chứng không giảm bớt.
Ngày hôm sau, anh quyết định đi khám nhãn khoa và được chẩn đoán bị viêm giác mạc do Acanthamoeba, một loại nhiễm trùng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng, có thể gây mù lòa. Acanthamoeba là sinh vật đơn bào (amoeba) có nhiều trong không khí, đất, nước nguồn tự nhiên, tồn tại ở hai dạng: dạng hoạt động (gây viêm loét giác mạc) và dạng nang.
Dù đã được điều trị, mắt của Krumholz vẫn viêm đến mức không thể mở, đồng tử chuyển thành màu trắng đục khiến anh phải la hét trong đau đớn. “Tôi thấy những vệt sáng dữ dội như thể đang ở hộp đêm khi ngồi trong phòng tối”, anh nói.
Để điều trị, các bác sĩ đã thực hiện liệu pháp ánh sáng nhằm ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn, củng cố collagen giác mạc, đồng thời lấy mô khỏe mạnh từ lòng trắng để chữa lành phần giác mạc bị nhiễm trùng. Sau khoảng một tuần, bác sĩ cho biết mắt anh bắt đầu lành lại.
Các triệu chứng khiến anh phải ở trong phòng ngủ nhiều tuần, đóng cửa, kéo rèm để đảm bảo ánh sáng không lọt vào.
Đến nay, Krumholz vẫn gặp những cơ đau dữ dội “như tia sét” chạy từ sau gáy lên đỉnh đầu, vào mắt trái, kéo dài khoảng 30 phút. Sau đó, anh sẽ có cảm giác khó chịu như bị cát bay vào mắt.
Bác sĩ cho biết trong trường hợp khả quan nhất, mắt anh sẽ sạch ký sinh trùng trong vòng 6 tháng. Khi đó, anh có thể cấy ghép giác mạc để loại bỏ phần mắt nhiễm trùng.
Krumholz quyết định chia sẻ câu chuyện của mình để nâng cao nhận thức. Anh cho biết: “Có thể tôi đã nhiễm vi khuẩn khi tắm. Nhưng bác sĩ cho rằng khả năng vi khuẩn lọt vào khi tôi ngủ là cao hơn. Tôi biết rằng mình sẽ không bao giờ hồi phục thị lực hoàn toàn nữa”.
Tiến sĩ Anat Galor, người phát ngôn của Học viện Nhãn khoa Mỹ, cho biết nhìn chung, kính áp tròng an toàn khi được vệ sinh và xử lý đúng cách. Tuy nhiên, vi khuẩn, nấm hoặc ký sinh trùng sống trong môi trường có thể phát triển trên kính, gây nhiều bệnh về mắt.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), viêm giác mạc Acanthamoeba rất khó chẩn đoán và điều trị, phổ biến nhất ở những người đeo kính áp tròng. Ngủ mà vẫn đeo kính tạo điều kiện cho Acanthamoeba siêu nhỏ lây nhiễm vào lớp giác mạc. Trung bình, cứ 500 người sử dụng loại kính này thì một người nhiễm trùng mắt nghiêm trọng dẫn đến mù lòa mỗi năm.
CDC khuyến nghị mọi người tháo kính áp tròng trước bất kỳ hoạt động nào liên quan đến nước như tắm vòi sen, sử dụng bồn nước nóng hoặc bơi lội để ngăn ngừa viêm giác mạc do Acanthamoeba. Cơ quan cũng cảnh báo mọi người không nên đeo kính khi ngủ vì có thể làm tăng cơ hội nhiễm trùng.
Thục Linh (Theo Insider)
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/thanh-nien-my-mu-mot-mat-do-deo-kinh-ap-trong-khi-ngu-4589685.html