Bạn đang xem bài viết Thai ngoài tử cung: Nguyên nhân, dấu hiệu, cách phòng ngừa biến chứng tại Pgdphurieng.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Thai ngoài tử cung là một trong những nguyên nhân gây chấm dứt thai kỳ sớm cũng như gây đe dọa tính mạng của sản phụ trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ. Cùng Nhà thuốc An Khang tìm hiểu về thai ngoài tử cung qua bài viết sau nhé!
Thai ngoài tử cung là gì?
Thai ngoài tử cung hay còn gọi là thai lạc chỗ hoặc chửa ngoài dạ con. Đây là một biến chứng thai kỳ, trong đó trứng được thụ tinh, làm tổ và phát triển ở ngoài buồng tử cung.
Thai ngoài tử cung gặp chủ yếu ở vòi trứng (khoảng 95 – 98%). Ngoài ra, có thể gặp ở buồng trứng, trong ống cổ tử cung, sẹo mổ lấy thai cũ hoặc trong ổ bụng. Thai ở buồng trứng và trong ổ bụng rất hiếm gặp.
Thai ngoài tử cung gặp ở 1,3 – 2,4% các trường hợp mang thai và có xu hướng ngày càng tăng. Đây cũng là nguyên nhân gây chảy máu dẫn đến tử vong hàng đầu trong 3 tháng đầu của thai kỳ (khoảng 4 – 10%).[1]
Thai ngoài tử cung là hiện tượng phôi thai làm tổ ở vị trí bên ngoài buồng tử cung
Nguyên nhân gây mang thai ngoài tử cung
Mang thai ngoài tử cung xảy ra khi trứng đã thụ tinh bị kẹt trên đường đến tử cung, thường là do:
- Viêm nhiễm phụ khoa ảnh hưởng đến vòi trứng (đây là nguyên nhân thường gặp nhất): đặc biệt do viêm nhiễm Chlamydia trachomatis. Sau viêm nhiễm có thể để lại xơ, sẹo trong tử cung hoặc tại vòi trứng, ống cổ tử cung làm tăng nguy cơ mắc thai ngoài tử cung.
- Có vật cản ống dẫn trứng: ngăn chặn sự di chuyển của hợp tử vào buồng tử cung khiến thai phải làm tổ tại ống dẫn trứng gây chửa ngoài tử cung. Thường gặp trong các trường hợp có lạc nội mạc tử cung hoặc thắt ống dẫn trứng,…
- Hình dạng tử cung bất thường: những bất thường tử cung như tử cung quá nhỏ hoặc tử cung đôi khiến cho quá trình di chuyển của hợp tử vào tử cung làm tổ trở nên khó khăn dẫn đến thai ngoài tử cung.
- Công nghệ hỗ trợ sinh sản: các phương pháp hỗ trợ sinh sản như bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) hay thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) thường dùng thuốc kích trứng cũng như các dụng cụ can thiệp vào ống dẫn trứng. Qua đó có thể làm tăng tỷ lệ mắc thai ngoài tử cung.
- Tiền sử mang thai ngoài tử cung: có thể làm tăng nguy cơ mắc thai ngoài tử cung ở vị trí khác. Với trường hợp này, cần được thăm khám để tìm nguyên nhân do bất thường hình dạng hoặc viêm nhiễm sinh dục mạn tính.
- Phẫu thuật ống dẫn trứng: phẫu thuật thông ống dẫn trứng trong điều trị bệnh ứ dịch vòi trứng có thể làm tăng khả năng chửa ngoài tử cung.
- Sử dụng thuốc tránh thai chỉ chứa progestin có nhiều khả năng dẫn đến thai ngoài tử cung.
- Một số biện pháp tránh thai: phẫu thuật thắt ống dẫn trứng hoặc đặt dụng cụ tử cung để tránh thai cũng là yếu tố nguy cơ gây ra thai ngoài tử cung.
- Hút thuốc: trong thuốc lá có nhiều chất độc gây hại cho cơ thể, nhất là nicotine có thể làm giảm khả năng thụ thai, gây thai ngoài tử cung hoặc sảy thai,… ngay cả khi bạn hít khói thuốc lá thụ động.
Tắc ống dẫn trứng có thể là nguyên nhân của thai ngoài tử cung
Dấu hiệu thai ngoài tử cung
Dấu hiệu sớm mang thai ngoài tử cung
Đa số các dấu hiệu của thai ngoài tử cung khá giống với triệu chứng thai nghén thông thường như chậm kinh, đau tức đầu vú hoặc ốm nghén,… xuất hiện trong 4 – 12 tuần đầu tiên của thai kỳ. Tuy nhiên, người bệnh có thể xuất hiện thêm những triệu chứng khác như:
- Đau vùng bụng dưới, cơn đau âm ỉ, tăng dần, thường lệch sang bên có khối chửa ngoài tử cung.
- Chảy máu âm đạo, thường là máu màu nâu sẫm nên dễ nhầm với máu kinh, lượng máu chảy phụ thuộc vào mức độ bệnh.
- Số ít người bệnh có thể kèm theo đau vùng trực tràng, táo bón hoặc đau vùng vai gáy.
Chảy máu âm đạo có thể là dấu hiệu sớm mang thai ngoài tử cung
Dấu hiệu nguy cấp mang thai ngoài tử cung
Khi vỡ khối thai ngoài tử cung (nhất là ở đoạn vòi trứng) có thể gây mất máu số lượng lớn và có thể đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh. Các dấu hiệu nguy hiểm gồm:
- Đau bụngdưới tăng lên, dữ dội sau đó có thể giảm hẳn.
- Bụng người bệnh chướng to dần.
- Chóng mặt, choáng váng đầu óc, da xanh xao, tay chân lạnh.
- Nếu mất máu quá nhiều có thể dẫn đến sốc mất máu: mạch nhanh, huyết áp giảm, người bệnh kích thích hoặc hôn mê,..
Thai phụ đau bụng dưới dữ dội có thể là dấu hiệu nguy cấp mang thai ngoài tử cung
Biến chứng của mang thai ngoài tử cung
- Đe dọa tính mạng người mang thai: thai ngoài tử cung vỡ có thể gây mất máu số lượng lớn trong một khoảng thời gian tương đối ngắn. Nếu không kịp thời phát hiện và xử lý có thể đe dọa tính mạng của sản phụ.
- Chảy máu trong: triệu chứng chảy máu âm đạo trong vỡ khối thai ngoài tử cung có thể không tương xứng với mức độ mất máu của người bệnh do có chảy máu trong ổ bụng. Các triệu chứng có thể gặp như bụng chướng, đau vùng bụng dưới, cơn đau tăng khi hít thở hoặc ho,…
- Tổn thương ống dẫn trứng: khối chửa ngoài tử cung ở vòi trứng khi vỡ có thể làm tổn thương hoặc thậm chí rách ống dẫn trứng làm giảm khả năng thụ thai sau này.
Tổn thương ống dẫn trứng là một trong những biến chứng nguy hiểm của bệnh
Chẩn đoán thai ngoài tử cung
Khi đến phòng khám phụ khoa vì nghi ngờ thai ngoài tử cung, đầu tiên bác sĩ khai thác tiền căn và các dấu hiệu lâm sàng. Sau đó, bác sĩ có thể yêu cầu một số xét nghiệm hoặc chẩn đoán hình ảnh dưới đây để xác định chính xác tình trạng bệnh.
Siêu âm qua âm đạo
Đây là một phương pháp chẩn đoán phổ biến, có thể được thực hiện trong giai đoạn sớm từ 4 – 6 tuần đầu.
Siêu âm qua ngã âm đạo giúp bác sĩ chẩn đoán được tình trạng thai nghén, vị trí thai nằm ngoài buồng tử cung, các biến chứng có thể gặp cũng như tìm ra được một số nguyên nhân gây bệnh.
Siêu âm qua âm đạo giúp chẩn đoán thai ngoài tử cung
Xét nghiệm máu (đo nồng độ Beta hCG huyết thanh)
Ngoài siêu âm qua ngã âm đạo thì xét nghiệm định lượng nồng độ beta – hCG và theo dõi biến thiên nồng độ beta-hCG cũng có giá trị trong chẩn đoán thai ngoài tử cung.
Beta – hCG được phát hiện trong máu từ ngày thứ 11 sau khi thụ tinh và tăng lên gấp đôi sau mỗi 36 – 48 giờ. Tuy nhiên, trong thai ngoài tử cung thì nồng độ hormone này thường thấp hơn so với tuổi thai bình thường.
Các bác sĩ sẽ dựa vào tương quan giữa nồng độ beta – hCG và hình ảnh siêu âm qua ngã âm đạo để quyết định phác đồ điều trị cho từng người bệnh cụ thể.
Đo nồng độ hCG huyết thanh giúp chẩn đoán thai ngoài tử cung
Khi nào cần gặp bác sĩ
Các dấu hiệu nguy cấp cần cấp cứu
Thai ngoài tử cung không thể tự điều trị tại nhà nên khi phát hiện bất kỳ triệu chứng nghi ngờ bệnh đều cần đến thăm khám bác sĩ để điều trị sớm nhất có thể, tránh những biến chứng nguy hiểm. Dưới đây là một số dấu hiệu của thai ngoài tử cung cần được cấp cứu ngay:
- Bụng chướng căng, cơn đau vùng bụng dưới liên tục.
- Người bệnh có biểu hiện mất máu nghiêm trọng như người nhợt nhạt, nhịp tim đập nhanh hoặc có thể li bì, hôn mê.
Bụng dưới chướng căng và đau là dấu hiệu cần thăm khám bác sĩ sớm
Nơi khám và điều trị thai ngoài tử cung
Nếu có các dấu hiệu nghi ngờ thai ngoài tử cung, bạn nên thăm khám tại khoa Sản của cơ sở y tế địa phương sớm để được chẩn đoán và điều trị đúng phác đồ. Bạn có thể tham khảo một số địa chỉ khám sản phụ khoa uy tín dưới đây:
- Tp. Hồ Chí Minh: BV Hùng Vương, BV Từ Dũ, BV Đại học Y dược TP.HCM,…
- Hà Nội: BV Phụ sản Hà Nội, Khoa sản – BV Bạch Mai, BV Phụ sản Trung Ương,…
Nơi khám và điều trị thai ngoài tử cung uy tín
Điều trị mang thai ngoài tử cung
Thai nhi ngoài tử cung không thể cứu được. Các phương pháp điều trị thường là loại bỏ thai trước khi thai phát triển quá lớn để tránh gây nguy hiểm cho sản phụ.
Dùng thuốc
Với những khối thai ngoài tử cung chưa có biến chứng đe dọa tính mạng người bệnh như:
- Thai ngoài tử cung chưa vỡ hoặc thai có kích thước nhỏ dưới 5 cm, chưa có tim thai.
- Lượng dịch trong ổ bụng của người bệnh ít (dưới 100ml), tình trạng huyết động học của người bệnh ổn định.
- Nồng độ beta – hCG dưới 5000 mIU/ml.
- Người bệnh còn trẻ, mong muốn có con những lần tiếp theo.
- Không có chống chỉ định dùng Methotrexate.
Các trường hợp trên có thể được bác sĩ cân nhắc sử dụng methotrexat để điều trị khối chửa ngoài tử cung. Tuy nhiên, cần được kiểm tra định kỳ để đảm bảo loại bỏ hoàn toàn được thai ngoài tử cung.
Lưu ý, sau điều trị bằng thuốc trong vòng 3 tháng, người bệnh không nên mang thai lại để tránh tác dụng phụ của methotrexate có thể gây dị tật cho thai nhi.
Có thể dùng thuốc để điều trị thai ngoài tử cung
Phẫu thuật
Đa phần các trường hợp thai ngoài tử cung kích thước lớn hoặc có biến chứng điều sẽ được chỉ định phẫu thuật lấy bỏ khối thai. Có hai phương thức phẫu thuật chủ yếu gồm:
- Phẫu thuật bảo tồn: bác sĩ sẽ lấy khối thai ngoài tử cung ra ngoài, cầm máu nhưng vẫn giữ lại vòi tử cung. Tuy nhiên, việc này có thể làm tăng khả năng thai ngoài tử cung trong lần tiếp theo nên thường được dùng với người có bất thường vòi tử cung còn lại hoặc phụ nữ trẻ.
- Phẫu thuật triệt để: cắt bỏ khối chửa cùng và cả vòi tử cung, giữ lại buồng trứng của người bệnh. Phương pháp này thường áp dụng với sản phụ đã đủ con hoặc mắc thai ngoài tử cung nhiều lần.
Việc lựa chọn phương pháp phẫu thuật nào sẽ tuỳ vào tình trạng của bệnh nhân và tình trạng của khối thai.
Với những trường hợp thai ngoài tử cung vỡ gây chảy máu số lượng lớn trong ổ bụng thì cần phẫu thuật cấp cứu để lấy khối chửa, cầm máu cũng như hồi sức tích cực để đảm bảo tính mạng của người bệnh.
Thai ngoài tử cung lớn hoặc có biến chứng cần điều trị bằng phẫu thuật
Cách phòng ngừa mang thai ngoài tử cung
Không thể phòng ngừa thai ngoài tử cung hoàn toàn nhưng bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh bằng cách:
- Thường xuyên vệ sinh vùng kín, đặc biệt trong kỳ kinh nguyệt, sau quan hệ tình dục và sau sinh nở để phòng tránh viêm nhiễm âm đạo và đường sinh dục.
- Tích cực điều trị viêm nhiễm phụ khoa.
- Hạn chế nạo phá thai.
- Phòng ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục thông qua việc quan hệ tình dục an toàn và sử dụng bao cao su.
- Đi khám phụ khoa định kỳ hoặc khi có dấu hiệu bất thường để sớm phát hiện và điều trị sớm các bệnh viêm nhiễm hoặc bất thường đường sinh dục.
- Xây dựng chế độ sống lành mạnh, hạn chế uống rượu bia, hút thuốc lá.
- Nên thử thai sớm khoảng 2 tuần sau khi chậm kinh để có thể kịp thời phát hiện thai ngoài tử cung, xử trí kịp thời làm giảm nguy cơ tử vong mẹ và biến chứng.
Thử thai sau 1 tuần chậm kinh là cách phòng ngừa mang thai ngoài tử cung sớm
- Polyp Cổ tử cung
- Những lưu ý mẹ bầu cần biết khi đi khám thai
- 13 biến chứng thai kỳ mẹ bầu cần lưu ý trong thời gian mang thai
Nhà thuốc An Khang hi vọng bài viết trên đã đem đến cho bạn những kiến thức bổ ích về nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa thai ngoài tử cung. Hãy chia sẻ bài viết đến bạn bè và người thân xung quanh bạn nhé!
Nguồn: Cleveland Clinic, Mayo Clinic, Healthline, Medical News Today, NCBI, WebMD, NHS.
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Thai ngoài tử cung: Nguyên nhân, dấu hiệu, cách phòng ngừa biến chứng tại Pgdphurieng.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.