Hakuto-R phóng trên tên lửa Falcon 9 của SpaceX hôm 11/12/2022, bắt đầu chuyến bay thử nghiệm tới Mặt Trăng. Trạm đổ bộ này đang bay theo hành trình tiết kiệm nhiên liệu tới vệ tinh tự nhiên của Trái Đất. Nếu tất cả theo đúng kế hoạch, Hakuto-R sẽ tới quỹ đạo Mặt Trăng vào nửa cuối tháng 3/2023 và hạ cánh vào cuối tháng 4/2023.
Một tàu thăm dò Mặt Trăng tư nhân là vệ tinh CAPSTONE đã bay 1.531.948 km từ Trái Đất trước khi tới quỹ đạo Mặt Trăng vào tháng 11 năm ngoái. CAPSTONE được vận hành bởi công ty Advanced Space ở Colorado nhưng thực hiện nhiệm vụ cho NASA, vì vậy, đây không phải là tàu thương mại.
Hạ cánh thành công trên Mặt Trăng sẽ là thành tựu lớn đối với Nhật Bản nói chung và tàu vũ trụ tư nhân nói riêng. Theo Ryo Ujiie, giám đốc kỹ thuật của ispace, nhiệm vụ đầu tiên của công ty này tới Mặt Trăng đang diễn ra suôn sẻ.
Dù đây là chuyến bay thử nghiệm, Hakuto-R mang theo nhiều thiết bị, bao gồm robot tự hành nhỏ Rashid của cơ quan vũ trụ Các tiểu vương quốc Arab thống nhất. Công ty hướng tới phóng các nhiệm vụ hạ cánh tự động trong năm 2024 và 2025, cùng nhiều nhiệm vụ khác trong nỗ lực giúp nhân loại xây dựng nền tảng kinh tế bền vững trong không gian giữa Trái Đất và Mặt Trăng.
Đại diện của ispace tiết lộ một số chi tiết mới về hai chuyến bay tiếp theo mang tên Mission 2 và Mission 3. Ví dụ, trạm đổ bộ Mission 2 sẽ mang một thí nghiệm để tách nước trên bề mặt Mặt Trăng và một module được thiết kế để thực hiện thí nghiệm sản xuất thức ăn đầu tiên tại đây, sử dụng vi tảo Euglena. Cả hai thiết bị đều do các công ty Nhật Bản cung cấp. Nhiệm vụ Mission 3 vào năm 2025 sẽ triển khai hai vệ tinh chuyển tiếp liên lạc có thể ở trên quỹ đạo Mặt Trăng nhiều năm.
An Khang (Theo Space)
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/tau-nhat-ban-lap-ky-luc-bay-xa-nhat-tu-trai-dat-4575964.html