Chúc Dung, robot tự hành của Trung Quốc chạy bằng năng lượng Mặt Trời, chuyển sang trạng thái ngủ đông vào tháng 5/2022 do bão bụi và điều kiện lạnh giá trên sao Hỏa. Các nhà khoa học Trung Quốc hồi tháng 1 cho biết, robot đáng lẽ lúc này đã phục hồi, nhưng vẫn chưa gửi tín hiệu liên lạc về Trái Đất. Những hình ảnh mới do Tàu quỹ đạo Trinh sát Sao Hỏa (MRO) của NASA chụp cho thấy Chúc Dung không di chuyển ít nhất từ đầu tháng 9/2022.
Nhóm chuyên gia tại Đại học Arizona, phụ trách camera HiRise của MRO, hôm 21/2 công bố 3 bức ảnh về Chúc Dung. Trong ảnh, robot này trông giống một chấm nhỏ màu xanh, nổi bật giữa cảnh quan sao Hỏa với những đụn cát và hố trũng xung quanh Utopia Planitia.
3 bức ảnh được MRO chụp lần lượt vào ngày 11/3/2022, 8/9/2022 và 7/2/2023. Chúc Dung vẫn đứng nguyên tại chỗ trong hai bức ảnh sau. Trong khi đó, Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) chưa đưa ra thêm thông tin cập nhật nào về robot.
Robot Chúc Dung hạ cánh vào ngày 15/5/2021 tại vùng đồng bằng rộng lớn Utopia Planitia ở bán cầu bắc sao Hỏa. Robot nằm trong nhiệm vụ Thiên Vấn 1, nghĩa là “những câu hỏi tới thiên đường”, bao gồm cả một trạm đổ bộ và một tàu quỹ đạo. Robot 6 bánh này nặng 240 kg, mang theo 6 công cụ khoa học để nghiên cứu địa chất và khí hậu ở khu vực Utopia Planitia. Với nhiệm vụ này, Trung Quốc trở thành quốc gia thứ hai trên thế giới vận hành thành công robot trên sao Hỏa, chỉ sau Mỹ.
Môi trường sao Hỏa rất khắc nghiệt với robot, đặc biệt là những robot phụ thuộc vào năng lượng Mặt Trời. Cả trạm đổ bộ InSight lẫn robot Opportunity của NASA đều kết thúc nhiệm vụ sau khi bụi phủ đầy các tấm pin Mặt Trời của chúng. Có thể Chúc Dung đã trải qua vấn đề tương tự. Dù vậy, robot này cũng đã hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ chính và vượt xa tuổi thọ dự kiến là ba tháng.
Thu Thảo (Theo Cnet)
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/tau-nasa-chup-anh-robot-trung-quoc-bat-dong-tren-sao-hoa-4573452.html