Luyện tập miêu tả đồ vật giúp các em học sinh lớp 4 biết cách lập dàn ý cho bài văn miêu tả chiếc áo em mặc đến lớp hôm nay thật chi tiết, đầy đủ những ý quan trọng, làm nền tảng triển khai thành bài văn hoàn chỉnh.
Nhờ đó, các em dễ dàng trả lời câu hỏi SGK Tiếng Việt Lớp 4 tập 1 trang 150, 151. Đồng thời, cũng giúp thầy cô tham khảo để soạn giáo án Tập làm văn tuần 15 cho học sinh của mình. Mời thầy cô và các em tham khảo bài viết để học tốt phân mônTập làm văn lớp 4:
Hướng dẫn giải Tập làm văn SGK Tiếng Việt 4 tập 1 trang 150, 151
Câu 1
Đọc bài văn sau và trả lời câu hỏi:
Chiếc xe đạp của chú Tư
Trong làng tôi, hầu như ai cũng biết chú Tư Chia, không chỉ vì chú là chủ trại xuồng, mà còn vì chiếc xe đạp của chú.
Ở xóm vườn, có một chiếc xe đã là trội hơn người khác rồi, chiếc xe của chú lại là chiếc xe đẹp nhất, không có chiếc nào sánh bằng. Xe màu vàng, hai cái vành láng bóng, khi chú ngừng đạp, chiếc xe cứ ro ro thật êm tai. Ngay giữa tay cầm, chú gắn hai con bướm bằng thiếc với hai cánh vàng lấm tấm đỏ. Có khi chú cắm cả một cành hoa. Bao giờ dừng xe, chú cũng rút cái giẻ dưới yên, lau, phủi sạch sẽ rồi mới bước vào nhà, vào tiệm. Chú âu yếm gọi chiếc xe của mình là con ngựa sắt.
– Coi thì coi, đừng đụng vào con ngựa sắt của tao nghe bây.
Ấy là chú dặn sắp nhỏ đứng vây quanh chiếc xe của chú.
– Ngựa chú biết hí không chú?
Chú đưa tay bóp cái chuông kính coong:
– Nghe ngựa hí chưa?
– Nó đá được không chú?
Chú đưa chân đá ngược ra sau:
– Nó đá đó.
Đám con nít cười rộ, còn chú thì hãnh diện với chiếc xe của mình.
Theo Nguyễn Quang Sáng
– Trại xuồng: xưởng đóng xuồng.
– Xóm vườn: xóm quê, nơi dân cư sống bằng nghề trồng trọt.
– Tiệm: cửa hàng.
– Hãnh diện: tự hào ra mặt vì cho là mình hơn người khác.
a) Tìm các phần mở bài, thân bài và kết bài trong bài văn trên.
b) Ở phần thân bài, chiếc xe đạp được tả theo trình tự như thế nào?
c) Tác giả quan sát chiếc xe đạp bằng những giác quan nào?
d) Tìm lời kể chuyện xen lẫn lời miêu tả trong bài. Lời kể nói lên điều gì về tình cảm của chú Tư với chiếc xe?
Trả lời:
Đọc bài văn Chiếc xe đạp của chú Tư và trả lời câu hỏi
a. Các phần mở bài, thân bài và kết bài trong bài văn.
– Mở bài: Trong làng tôi… vì chiếc xe đạp của chú
Giới thiệu trực tiếp chiếc xe đạp là đồ vật cần miêu tả.
– Thân bài: Ở xóm vườn… Nó đá đó: Tả chiếc xe đạp và tình cảm yêu quý chiếc xe hãnh diện vì nó của chú Tư.
– Kết bài: Câu còn lại: Niềm vui của đám con nít và của cả chú Tư bên chiếc xe.
b. Trình tự miêu tả chiếc xe đạp: (Thân bài):
– Bao quát: đẹp nhất, không có chiếc nào sánh bằng.
– Những bộ phận nổi bật: xe màu vàng, hai cái vành láng bóng, hai con bướm bằng thiếc với hai cánh vàng lấm tấm đỏ gắn ngang giữa tay cầm, có khi cả một cành hoa.
– Tình cảm của chú Tư đối với chiếc xe đạp của mình: Bao giờ dừng xe, chú cũng rút cái giẻ dưới yên, lau, phủi sạch sẽ. Coi thì coi đừng đụng vào con ngựa sắt của tao nghe bây.
c. Tác giả quan sát chiếc xe đạp bằng mắt nhìn (hình dáng màu sắc…) tai nghe (tả âm thanh ro ro thật êm tai)
d. Trong bài, lời kể chuyện xen lẫn lời miêu tả:
Chú gắn hai con bướm bằng thiếc với hai cánh vàng lấm tấm đỏ, có khi chú cắm cả một cành hoa. Bao giờ dừng xe, chú cũng rút cái giẻ dưới yên, lau, phủi sạch sẽ. Chú âu yếm gọi chiếc xe của mình là con ngựa sắt. Chú dặn sắp nhỏ: – Coi thì coi, đừng đụng vào con ngựa sắt của tao nghe bây/Chú hãnh diện với chiếc xe của mình.
Nhằm thể hiện tình cảm của chú Tư đối với “con ngựa sắt của mình”: Chú yêu quý chiếc xe đạp và rất hãnh diện về nó.
Câu 2
Lập dàn ý cho bài văn tả chiếc áo em mặc đến lớp hôm nay.
Trả lời:
Dàn ý 1
a) Mở bài: Giới thiệu về chiếc áo em mặc đến lớp hôm nay (có thể là áo sơ mi trắng, áo khác, áo Hoodie, áo nỉ, áo phông, áo đồng phục… tùy vào mục đích tả)
b) Thân bài:
- Chiếc áo đó được may từ loại vải gì? Loại vải đó khi mặc đem lại cảm giác như thế nào?
- Áo được may gồm bao nhiêu lớp? Đó là những lớp nào?
- Màu sắc chủ đạo của chiếc áo đó là gì? Nếu có nhiều màu sắc, thì những màu nào xuất hiện trên chiếc áo đó?
- Chiếc áo có những họa tiết gì? Đâu là điểm nhấn đặc biệt cho chiếc áo?
- Phần cổ áo có dáng như thế nào? Công dụng của cổ áo?
- Phần cổ tay, vạt áo được may với kiểu dáng gì? Công dụng của kiểu thiết kế đó?
- Áo là kiểu chui đầu, hay có cúc, phéc kéo? Đặc điểm của phéc kéo hoặc cúc áo?
- Vạt áo được may suông hay bo chun, thắt dây? Em có thích kiểu thiết kế này không?
- Áo có mũ hay túi áo không? Đặc điểm và cách em sử dụng chúng?
c) Kết bài:
- Tình cảm của em dành cho chiếc áo?
- Cách em giữ gìn, làm sạch áo?
Dàn ý 2
a. Mở bài: Giới thiệu đồ vật cần tả: chiếc áo em mặc đến lớp hôm nay: áo sơ mi đã cũ, mặc hơn sáu tháng.
b. Thân bài:
Tả bao quát:
- Màu trắng, vải cô tông.
- Dáng rộng, tay vừa vặn, mặc thoải mái.
Tả từng bộ phận:
- Cổ lót cồn mềm
- Áo có hai túi trước ngực, có thể cài bút
- Hàng khuy trắng bóng xinh xắn và chắc chắn.
c. Kết bài:
- Tình cảm của em với chiếc áo:
- Tuy đã cũ nhưng em rất thích mặc. Chiếc áo gợi tình yêu mến, âu yếm của mẹ đối với em.
>> Tham khảo: Dàn ý tả chiếc áo em mặc đến lớp hôm nay
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Tập làm văn lớp 4: Luyện tập miêu tả đồ vật Giải bài tập trang 150 SGK Tiếng Việt 4 tập 1 – Tuần 15 của Pgdphurieng.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.