Bạn đang xem bài viết Tăng huyết áp tại Pgdphurieng.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Tăng huyết áp là gì?
Huyết áp (HA) là một chỉ số cho biết áp lực bơm máu trong cơ thể. Số đo HA được biểu diễn bằng đơn vị mmHg (hay cmHg) bao gồm 2 thành phần: Trị số HA tâm thu (số ở trên) nói lên khả năng bơm máu của tim, trị số HA tâm trương (số ở dưới) nói lên trương lực của động mạch để duy trì dòng máu chảy trong hệ thống mạch máu.
Tăng huyết áp là sự gia tăng dai dẳng huyết áp động mạch với trị số huyết áp tâm thu thường xuyên lớn hơn hoặc bằng 140 mm Hg hoặc huyết áp tâm trương lớn hơn hoặc bằng 90 mm Hg.
Nguyên nhân tăng huyết áp?
90 – 95% trường hợp là tăng huyết áp vô căn, 5% là tăng huyết áp thứ cấp.
– Tăng huyết áp nguyên phát (vô căn): khoảng 90% trường hợp và hầu như không tìm được nguyên nhân đặc biệt nào.
– Tăng huyết áp thứ phát: huyết áp gia tăng do hậu quả của những tổn thương ở cơ quan như thận, nội tiết, tim mạch, não,…
Triệu chứng tăng huyết áp
Những dấu hiệu hay gặp của tăng huyết áp là:
– Choáng váng, nhức đầu.
– Mất ngủ, chóng mặt, ù tai, hoa mắt.
– Khó thở, đau tức ngực, hồi hộp.
– Đỏ mặt, buồn nôn.
Khi có các dấu hiệu kể trên cần nhanh chóng kiểm tra huyết áp tại nhà và đến các cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị kịp thời.
Tuy nhiên đa số người mắc bệnh tăng huyết áp không có triệu chứng gì và phần lớn thậm chí còn không biết mình bị bệnh. Các triệu chứng kể trên thường chỉ xuất hiện khi bệnh đã tiến triển nặng.
Phân loại tăng huyết áp:
Theo Phân hội Tăng huyết áp/ Hội tim mạch Việt Nam (2016) tăng huyết áp được phân loại theo mức huyết áp đo được như các loại: tối ưu; bình thường; bình thường cao; tăng huyết áp độ 1,2,3; tăng huyết áp tâm thu đơn độc.
Hậu quả của tăng huyết áp?
Tăng huyết áp nếu không được điều trị đúng và đầy đủ sẽ có rất nhiều biến chứng nặng nề, thậm chí có thể gây tử vong hoặc để lại các di chứng ảnh hưởng đến sức khỏe, sức lao động của người bệnh và trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Các biến chứng thường gặp của THA đã được đề cập đến là:
– Các biến chứng tim mạch: Nhồi máu cơ tim, bệnh động mạch vành, suy tim…
– Các biến chứng về não: Tai biến mạch não (bao gồm cả xuất huyết não và nhũn não); bệnh não do THA…
– Các biến chứng về thận: Đái ra protein; suy thận…
– Các biến chứng về mắt: Tiến triển theo các giai đoạn, thậm chí có thể dẫn đến mù lòa.
– Các biến chứng về mạch ngoại vi: Trong đó đặc biệt nguy hiểm là biến chứng tách thành động mạch chủ có thể dẫn đến chết người…
Đại đa số các bệnh nhân bị THA (trên 90%) thường không có các dấu hiệu nào cảnh báo trước. Quan điểm trước đây cho rằng cứ THA là phải có đau đầu, mặt bừng đỏ, béo… là hết sức sai lầm. Nhiều khi, sự xuất hiện triệu chứng đau đầu đã có thể là sự kết thúc của người bệnh THA do đã bị tai biến mạch não. Do vậy, việc kiểm tra huyết áp thường xuyên, nhất là những người có nguy cơ cao là hết sức cần thiết và quan trọng.
THA ở người lớn đại đa số là không có căn nguyên, chỉ một số nhỏ dưới 5% là THA có căn nguyên (tức là do hậu quả của một số bệnh lí khác). Vì thế, những dấu hiệu thể hiện bệnh THA không có gì khác biệt so với người bình thường. Do vậy, rất nhiều người bệnh cho đến khi bị các biến chứng của THA, thậm chí tử vong mới biết mình bị THA hoặc mới hiểu rõ việc khống chế tốt THA là quan trọng như thế nào.
Điều trị tăng huyết áp
Mục tiêu của điều trị hạ áp:
– Huyết áp nhỏ hơn 140 / 90 mmHg đối với bệnh nhân tăng huyết áp không có biến chứng.
– Huyết áp nhỏ hơn 130 / 80 mmHg đối với bệnh nhân tiểu đường, suy tim, suy thận mãn tính.
– Huyết áp nhỏ hơn 125 / nhỏ hơn 75 mmHg đối với những người có protein niệu.
Những mục tiêu này không phụ thuộc vào tuổi, giới tính, hoặc bệnh đi kèm.
Nguyên tắc điều trị:
– Điều trị sớm và lâu dài.
– Kết hợp thuốc và điều chỉnh sinh hoạt.
– Từ từ đưa về huyết áp mục tiêu.
– Chọn thuốc ít tác dụng phụ, phù hợp đối tượng bệnh nhân.
Các thuốc dùng trong điều trị tăng huyết áp:
– Nhóm thuốc lợi tiểu, nhóm thuốc lợi beta, nhóm thuốc ức chế men chuyển,… dùng để điều trị tăng huyết áp.
– Nhóm thuốc lợi tiểu gồm có hydroclorothiazide, indapamide, furosemide, sprironolactone, amiloride, triamteren… Cơ chế của thuốc là làm giảm sự ứ nước trong cơ thể, tức làm giảm sức cản của mạch ngoại vi đưa đến làm hạ huyết áp.
– Nhóm thuốc tác động lên thần kinh trung ương có reserpin, methyldopa, clonidine… Cơ chế của thuốc là hoạt hóa một số tế bào thần kinh gây hạ huyết áp. Hiện nay ít dùng do tác dụng phụ gây trầm cảm, khi ngừng thuốc đột ngột sẽ làm tăng vọt huyết áp.
– Nhóm thuốc chẹn beta gồm có propranolol, pindolol, nadolol, timolol, metoprolol, bisoprolol, atenolol… Cơ chế của thuốc là ức chế thụ thể beta-giao cảm ở tim, mạch ngoại vi, do đó làm chậm nhịp tim và hạ huyết áp. Thuốc dùng thuốc cho bệnh nhân có kèm đau thắt ngực hoặc nhức nửa đầu. Chống chỉ định đối với người có kèm hen suyễn, suy tim, nhịp tim chậm.
– Nhóm thuốc đối kháng canxi gồm có nifedipine, nicardipine, amlodipine, felidipine, isradipine, verapamil, diltiazem…
– Nhóm thuốc ức chế men chuyển gồm có captopril, enalapril, benazepril, lisinopril…, cơ chế của thuốc là ức chế một enzyme có tên là men chuyển angiotensin (angiotensin converting enzyme, viết tắt ACE). Chính nhờ men chuyển angiotensic xúc tác mà chất sinh học angiotensin I biến thành angiotensin II và chính chất sau này gây co thắt mạch làm tăng huyết áp (THA).
– Nếu men chuyển ACE bị thuốc ức chế tức làm cho không hoạt động được sẽ không sinh ra angiotensin II, sẽ có hiện tượng giãn mạch và làm hạ huyết áp. Là thuốc được chọn khi người bị kèm hen suyễn (chống chỉ định với chẹn beta), đái tháo đường (lợi tiểu, chẹn beta). Tác dụng phụ làm tăng kali huyết và gây ho khan.
Những lưu ý khi đo huyết áp:
– Tư thế: Người được đo huyết áp phải ngồi đúng tư thế. Chân đặt trên sàn nhà, tay đặt lên bàn ngang mức tim.
– Không được sử dụng thuốc trước khi đo huyết áp 2 giờ. Người được đo huyết áp không sử dụng các chất làm tăng, hạ huyết áp trước khi đo ít nhất là 2 giờ đồng hồ. Cà phê làm tăng huyết áp, trà khổ qua làm hạ huyết áp,…
– Tuyệt đối không nói chuyện khi đang đo huyết áp.
– Cần chỉnh lại huyết áp kế ít nhất sau mỗi 3 tháng sử dụng để đảm bảo độ chính xác. Băng quấn tay phải quấn được ít nhất 80% cánh tay.
– Đo huyết áp ít nhất là 2 – 3 lần, mỗi lần cách nhau 3 phút. Trị số huyết áp chính xác là trung bình cộng của 2, 3 lần đo.
– Cần đo tay đổi bên để đối chiếu mức huyết áp của hai tay.
– Chỉ số huyết áp chỉ đánh giá được tình trạng sức khỏe lúc đo. Huyết áp có sự thay đổi theo nhịp sinh học, trạng thái tâm lý, vận động thể lực, chịu ảnh hưởng của các chất kích thích làm hạ hoặc tăng huyết áp nhanh chóng.
Phòng chống tăng huyếp áp
Điều chỉnh lối sống của chính bạn để ổn định huyết áp:
– Ngưng hút thuốc lá.
– Giảm cân nặng nếu bạn thừa cân.
– Tiết chế rượu bia.
– Hạn chế ăn mặn.
– Tăng cường luyện tập thể dục.
Xem thêm: Những điều cần biết về bệnh tăng huyết áp
(Hình ảnh tổng hợp từ vnexpress, ybacsi.com, hellodoctors.vn, google,…)
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Hữu Ngọc
Bệnh viện Chợ Rẫy
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Tăng huyết áp tại Pgdphurieng.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.