Bạn đang xem bài viết Tâm thần phân liệt tại Pgdphurieng.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Tâm thần phân liệt là gì?
– Tâm thần phân liệt là một bệnh nghiêm trọng có rối loạn hoạt động chức năng não. Tâm thần phân liệt có thể gây ra ảo giác, hoang tưởng và các rối loạn về tư duy (suy nghĩ) và hành vi.
Khả năng hoạt động bình thường và có thể tự chăm sóc cho bản thân của người có bệnh tâm thần phân liệt có xu hướng xấu dần đi theo thời gian.
– Trái ngược với niềm tin phổ biến, tâm thần phân liệt là không phải đa nhân cách. Tâm thần phân liệt dùng để chỉ một sự chia cắt sự cân bằng thông thường của cảm xúc và tư duy, nó dẫn đến tan rã nhân cách.
– Tâm thần phân liệt là một bệnh mạn tính, cần điều trị suốt đời.
Triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt
Tâm thần phân liệt có thể biểu hiện các hội chứng, triệu chứng về tâm thần như:
– Rối loạn tư duy: Người mắc bệnh tâm thần phân liệt thường có triệu chứng rối loạn tư duy. Họ cho rằng ý nghĩ của họ có khả năng vang lên thành tiếng nên tất cả mọi người đều có thể biết được, còn gọi là tư duy bộc lộ, tư duy bị phát thanh hoặc có ai đó đã đọc được ý nghĩ của họ mặc dù họ không nói ra, gọi là tư duy bị đánh cắp hay có ai đó đã áp đặt ý nghĩ vào đầu của họ gọi là tư duy bị áp đặt. Do đó, người bệnh tách dần ra khỏi với cuộc sống xung quanh, để thu hẹp vào thế giới bên trong của họ.
– Bị hoang tưởng: Hoang tưởng là những ý tưởng phán đoán sai lầm, không phù hợp với thực tế mà người bệnh tâm thần phân liệt vẫn cho là đúng; người khác không thể phê phán hay giải thích khác được. Thực tế bệnh tâm thần phân liệt thường có hoang tưởng bị kiểm tra, bị theo dõi, bị hại.
– Rối loạn hành vi: Rối loạn hành vi thường xảy ra với tình trạng kích động vô cớ, có biểu hiện đập phá, hò hét hay trái lại có các hành vi bất động, giữ nguyên tư thế; không nói, không ăn. Tình trạng hoang tưởng có thể chi phối hành vi như trong ghen tuông, hoặc kiện cáo kéo dài.
– Có các ảo giác: Thường bệnh nhân có ảo thanh với cảm nhận, nghe thấy những lời bình luận về hành vi hoặc thảo luận với nhau về người bệnh hay những tiếng nói khác xuất phát từ một bộ phận nào đó trong cơ thể của họ. Ngoài ra, họ có thể nhìn thấy, ngửi thấy, cảm thấy những gì mà người khác không thấy gọi là ảo thị, ảo khứu.
– Các dấu hiệu khác: Người bệnh tâm thần phân liệt còn có biểu hiện của những dấu hiệu âm tính như cảm xúc bị cùn mòn, lạnh lẽo; các đáp ứng cảm xúc không thích hợp, có biểu hiện xa lánh hay hằn học với mọi người, sống cô độc, đi lang thang hoặc có những nỗi lo sợ, giận dữ vô cớ.
Nguyên nhân của bệnh tâm thần phân liệt
– Yếu tố di truyền: Con của người bố hoặc người mẹ bị bệnh tâm thần phân liệt có 10% nguy cơ mắc bệnh tâm thần phân liệt và 90% không mắc bệnh này. Như vậy, nguy cơ mắc bệnh ở những người này cao gấp 10 lần tỉ lệ trong dân số nói chung.
– Yếu tố sinh hoá: Người ta tin rằng có một số chất, đặc biệt là chất dẫn truyền thần kinh trung gian được gọi là Dopamin, có liên quan tới căn bệnh này. Sự mất cân bằng hoá học có thể do ảnh hưởng trực tiếp của yếu tố di truyền.
– Các mối quan hệ gia đình: Chưa có bằng chứng nào cho rằng các mối quan hệ gia đình gây ra bệnh. Tuy nhiên, một số người bệnh tâm thần phân liệt nhạy cảm với bất kỳ sự căng thẳng nào trong quan hệ gia đình mà đối với họ có thể liên quan tới sự tái phát của bệnh.
– Môi trường: Người ta nhận thấy rất rõ rằng những mâu thuẫn gây sang chấn thường đóng vai trò như các sự kiện gây áp lực ở những người kém chịu đựng. Người bệnh tâm thần phân liệt trở nên lo âu, cáu kỉnh và không thể tập trung chú ý trước bất kỳ một triệu chứng cấp tính rõ rệt nào. Điều này làm cho các mối quan hệ xấu đi, có thể dẫn tới li dị hoặc thất nghiệp, những hiện tượng này sau đó thường bị đổ lỗi cho sự thúc đẩy bệnh, khi mà thực tế chính các biểu hiện bệnh lý đã gây ra sự khủng hoảng này. Bởi vậy, không phải bao giờ cũng xác định rõ ràng stress là yếu tố thúc đẩy hay là hậu quả của bệnh.
Điều trị bệnh tâm thần phân liệt
Tâm thần phân liệt là một bệnh mạn tính cần điều trị suốt đời, ngay cả khi triệu chứng đã giảm bớt. Điều trị bằng thuốc và liệu pháp tâm lý xã hội có thể giúp cải thiện các triệu chứng bệnh.
Thuốc là nền tảng của điều trị tâm thần phân liệt. Thuốc chống loạn thần là phổ biến nhất theo quy ước để điều trị tâm thần phân liệt. Chúng dùng để kiểm soát các triệu chứng ảnh hưởng đến chất dẫn truyền thần kinh dopamine và serotonin. Mức độ hợp tác của người bệnh có thể ảnh hưởng đến sự lựa chọn thuốc. Một người kích động có thể cần phải làm cho êm dịu ban đầu với benzodiazapine như lorazepam (ATIVAN), kết hợp với thuốc chống loạn thần.
Thuốc chống loạn thần thế hệ mới bao gồm:
– Aripiprazole (Abilify).
– Clozapine (Clozaril).
– Olanzapine (Zyprexa).
– Paliperidone (Invega).
– Quetiapine (Seroquel).
– Risperidone (Risperdal).
– Ziprasidone (Geodon).
Thuốc chống loạn thần thế hệ cũ, bao gồm: Chlorpromazin (THORAZINE); Fluphenazine; Haloperidol; Perphenazine.
Các thuốc chống loạn thần thế hệ cũ thường rẻ hơn so với các thuốc mới, do có nhiều tác dụng phụ.
Phòng ngừa tâm thần phân liệt
Không thể phòng ngừa được bệnh tâm thần phân liệt vì không rõ nguyên nhân và bệnh có liên quan đến yếu tố di truyền. Nên phòng ngừa stress và đến bác sĩ điều trị khi thấy có dấu hiệu xáo trộn về tư duy, cảm xúc, hay ảo giác, nhất là ảo thanh nghe tiếng nói.
Khi gia đình có người bị tâm thần phân liệt, cần lưu ý:
– Không đưa người bệnh đến thầy cúng, thầy bùa.
– Không tranh luận với người bệnh.
– Không nên xiềng xích, trói hay nhốt người bệnh.
– Cần đưa người bệnh đi khám bác sĩ chuyên khoa tâm thần.
– Chỉ có thể xoa dịu tình trạng bệnh bằng thuốc chống loạn thần theo đơn bác sĩ.
– Không tự ý cho người bệnh ngừng uống thuốc hoặc tự ý thay thuốc khi không có ý kiến của bác sĩ.
– Có thái độ dung nạp, kiên nhẫn giúp đỡ, hướng dẫn khuyến khích người bệnh làm các công việc thích hợp nếu họ mất khả năng nghề nghiệp cũ.
– Tạo điều kiện cho họ được tham gia các hoạt động phục hồi chức năng tâm lý xã hội tại bệnh viện và cộng đồng.
(Hình ảnh tổng hợp từ indiatoday.in, Pinterest, vestea.net, google,…)
Bác sĩ chuyên khoa 1 Lê Hiếu
Bệnh viện Tâm Thần TP. HCM
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Tâm thần phân liệt tại Pgdphurieng.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.