Bão giống như một turbine quay khổng lồ lấy năng lượng từ không khí ấm và ẩm. Chúng có xu hướng hình thành ở các vùng biển nhiệt đới có nước ấm trên 26 độ C. Bị nước làm nóng, không khí trên mặt biển bốc lên cao rồi nguội đi, tạo thành mây và giông bão. Lượng khí này bốc lên cũng tạo ra một vùng áp suất thấp bên dưới, khiến không khí tràn vào.
Cùng với sự trợ giúp của gió, những điều kiện này có thể khiến một cơn bão bắt đầu hình thành. Cuối cùng, những đám mây phía trên giải phóng mưa và nhiệt xuống bề mặt, tiếp tục cung cấp năng lượng cho cơn bão bên dưới.
Hướng gió và chiều quay của bão được quyết định bởi lực Coriolis – lực quay quán tính của một vật thể do chuyển động xoay của Trái Đất gây ra. Ở Bắc bán cầu, Trái Đất xoay khiến không khí bị kéo ngược chiều kim đồng hồ, dẫn đến bão cũng quay ngược chiều kim đồng hồ. Ở Nam bán cầu, điều ngược lại xảy ra nên bão quay theo chiều kim đồng hồ.
Dù hoành hành trên vùng biển nhiệt đới ấm áp, bão hiếm khi hình thành trong phạm vi 300 km quanh đường xích đạo. Năm 2003, bão Vamei hoạt động cách xích đạo chỉ 150 km về phía bắc, nhưng đó thực sự là một ngoại lệ với tỷ lệ xảy ra chưa đến một lần trong một thế kỷ.
Bão không xuất hiện gần xích đạo vì không có hiệu ứng Coriolis tại đây, nghĩa là các yếu tố thời tiết không có xu hướng “xoay tròn” thành bão. Tương tự, bão không đi qua đường xích đạo vì điều đó đồng nghĩa chúng phải ngừng quay, đảo ngược hướng và quay theo hướng khác để tiếp tục hoạt động.
Về mặt lý thuyết, một “cơn bão phát triển tốt” có thể đủ mạnh để tiếp tục đà quay, vượt qua lực Coriolis tương đối yếu và đi tới xích đạo, theo Gary Barnes, giáo sư khí tượng tại Đại học Hawaii. Tuy nhiên, Barnes cùng những chuyên gia khác cho biết, họ chưa từng bắt gặp ví dụ thực tế nào về trường hợp này.
Thu Thảo (Theo IFL Science)
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/tai-sao-bao-khong-bao-gio-vuot-qua-xich-dao-4584057.html