Mới đây Bộ TT&TT đã công bố phát hành Tài liệu những điều cần biết về nghề CNTT với mong muốn các bạn trẻ hiểu rõ hơn về nghề CNTT bằng các mô tả chi tiết về công việc chuyên môn của từng vị trí cụ thể, những đòi hỏi về kiến thức, kỹ năng và những tố chất cá nhân tương ứng để nhanh chóng thành công trong công việc.
Với bộ tài liệu này các em học sinh hay những người đang muốn theo đuổi đam mê của mình với ngành Công nghệ thông tin sẽ có thêm động lực, sẵn sàng đối đầu với những khó khăn sẽ gặp phải trên chặng đường chinh phục ước mơ. Khi tất cả chúng ta đang sống trong thời kỳ của kỷ nguyên kỹ thuật số gắn liền với những đột phá về công nghệ, trong đó CNTT đóng vai trò là công nghệ cốt lõi. CNTT không chỉ là một ngành kinh tế mà còn là động lực quan trọng để giúp các ngành khác phát triển.
Tài liệu những điều cần biết về nghề CNTT
Chương I: Giới thiệu nhóm tác giả
- Giám đốc Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) Lâm Nguyễn Hải Long;
- Tổng Thư ký Hội Tin học TP.HCM Vũ Anh Tuấn;
- Phó Tổng Giám đốc Công ty CyberSoft Việt Nam, thành viên tập đoàn HITACHI Consulting Ngô Văn Toàn;
- Phó Tổng Giám đốc Công ty TMA Solutions Trần Phúc Hồng;
- Chủ tịch HĐQT Công ty IMT Solutions Mai Hoài An;
- Giám đốc Nhân sự Công ty LogiGear Việt Nam Vương Bảo Long;
- Chủ tịch HĐQT Công ty Kyanon Digital Huỳnh Lê Tấn Tài;
- Tổng Giám đốc Công ty KMS Technology Trần Trọng Đại;
- Hiệu trưởng trường SaigonTech Nguyễn Thị Anh Thư;
- Giám đốc Điều hành Navigos Search Nguyễn Phương Mai.
Chương II: Tổng quan về ngành CNTT Việt Nam
Trong khoảng ba năm trở lại đây, nhu cầu tuyển dụng các kỹ sư CNTT luôn nằm trong nhóm dẫn đầu các ngành nghề tuyển dụng (theo Navigos Search).
1. Một số thành tựu của ngành CNTT Việt Nam trong những năm gần đây
Ngành CNTT Việt Nam đã trở thành một ngành kinh tế chủ lực, đóng vai trò hết sức quan trọng cho sự phát triển bền vững của kinh tế – xã hội. Ngành luôn duy trì tốc độ phát triển khá tốt, tăng trưởng ổn định và liên tiếp đạt được đánh giá cao của các tổ chức lớn trên thế giới. Toàn ngành hiện có khoảng 922 ngàn lao động tại doanh nghiệp, hàng năm có trên 50.000 sinh viên tốt nghiệp đại học và cao đẳng mới. Ngoài ra còn có lực lượng lao động làm việc tại các đơn vị chuyên trách về CNTT tại các cơ quan nhà nước.
Việt Nam đã hình thành một số doanh nghiệp tiêu biểu được cộng đồng CNTT thế giới ghi nhận như: Viettel, VNPT, FPT, TMA, CMC, BKAV,… và một số startups Kyber Network, VP9, Elsa,…
Mặc dù vậy, so với các nước trong khu vực và trên thế giới thì ngành CNTT ở Việt Nam vẫn đang ở quy mô nhỏ; công nghệ phần mềm, nội dung số mặc dù phát triển nhanh nhưng còn manh mún, thiếu tập trung nguồn lực; năng lực nghiên cứu và phát triển đội ngũ chưa cao, đội ngũ nhân lực còn thiếu về số lượng và yếu về kỹ năng chuyên sâu; công nghệ phần cứng, điện tử nặng về lắp ráp, sức cạnh tranh còn yếu.
2. Đánh giá của các tổ chức quốc tế về CNTT Việt Nam
Trong thời gian qua, thứ hạng của Việt Nam trên bản đồ CNTT thế giới đã có nhiều bước tiến đáng kể. Năm 2016, Việt Nam đứng đầu về chỉ số kinh tế ứng dụng di động trong 6 nước phát triển khu vực ASEAN. Chỉ số chính phủ điện tử của Việt Nam năm 2016 được Liên hợp quốc xếp hạng thuộc nhóm các nước có chỉ số phát triển cao, đứng thứ 89/193, tăng 10 bậc so với năm 2015. Theo báo cáo CNTT toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), chỉ số sẵn sàng kết nối của Việt Nam năm 2016 xếp thứ 79/139, tăng 6 bậc. Trong đánh giá này, xếp hạng về đánh giá khả năng tiếp cận các dịch vụ CNTT, Việt Nam được đánh giá rất cao, đứng thứ 3/139. Giá cước dịch vụ Internet băng rộng cố định tại Việt Nam ở mức thấp nhất thế giới.
Theo báo cáo năm 2016 do Tholons – tổ chức quốc tế hàng đầu chuyên về tư vấn đánh giá xếp hạng về gia công phần mềm – TP. Hồ Chí Minh (hạng 18) và Hà Nội (hạng 20) đều lọt vào Top 100 địa điểm hấp dẫn hàng đầu về gia công xuất khẩu phần mềm (ITO).
Vào tháng 02 năm 2016, Tập đoàn Gartner đã công bố bản báo cáo: “Đánh giá các quốc gia về dịch vụ Gia công Công nghệ thông tin tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2016”, trong đó Việt Nam được xếp hạng 1 trong 6 địa điểm hàng đầu về chuyển giao công nghệ toàn cầu tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. 5 quốc gia còn lại là Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Philippines và Sri Lanka.
Việt Nam cũng đã tiến 5 bậc để xếp vị trí thứ 6 về gia công phần mềm toàn cầu (2017 Global Services Location Index, GSLI) của hãng tư vấn AT Kearney, vượt cả Thái Lan ở vị trí thứ 8. Đây cũng là thứ hạng cao nhất mà Việt Nam đạt được trong Chỉ số GSLI mà hãng AT Kearney công bố. Theo báo cáo của Cushman & Wakefield (C&W) trong các năm 2016 và 2017, Việt Nam đứng vị trí số 1 trong số các điểm đến hấp dẫn về dịch vụ gia công quy trình doanh nghiệp (BPO) trên toàn thế giới.
Trong một cuộc khảo sát của Resorz Nhật Bản vào năm 2016, Việt Nam được đánh giá là điểm đến gia công CNTT yêu thích nhất của các công ty Nhật Bản. Nghiên cứu của WEF (2015) đã liệt kê Việt Nam trong Top 10 quốc gia có số lượng kỹ sư tốt nghiệp nhiều nhất. Tổ chức Chỉ số Thành thạo Anh ngữ (EPI) (2014) xếp Việt Nam trong Top 2 quốc gia trên thế giới có nguồn nhân lực CNTT thông thạo tiếng Anh nhất.
3. Nguồn nhân lực CNTT Việt Nam
Tại nhiều nước trên thế giới cũng như tại Việt Nam, để thúc đẩy phát triển, sản xuất và ứng dụng CNTT, ngoài các nhân tố như đầu tư, công nghệ, thị trường thì yếu tố gốc rễ là nhân lực CNTT. Phát triển nhân lực CNTT với các kiến thức, kỹ năng hướng chuẩn quốc tế đóng vai trò quyết định trong việc nghiên cứu – sản xuất và phát triển các sản phẩm, dịch vụ CNTT mang thương hiệu quốc gia và có tính cạnh tranh cao.
Trong những năm gần đây, nhu cầu nhân lực cho ngành CNTT tăng đáng kể. Theo số liệu báo cáo từ các địa phương, số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phần mềm, nội dung số, phần cứng điện tử và dịch vụ CNTT năm 2017 tăng 16% so với năm 2016. Thêm vào đó, Việt Nam đã và đang là điểm đến của các công ty đa quốc gia lớn như Samsung, LG, Intel… đây là yếu tố thúc đẩy nhu cầu về nhân lực CNTT. Cùng với đòi hỏi về phát triển các hệ thống giao thông thông minh, thành phố thông minh, an toàn thông tin mạng, yêu cầu đối với chuyển đổi số nhu cầu nhân lực CNTT sẽ tiếp tục tăng.
Năm 2018, trong 235 trường Đại học trên cả nước có 131 trường đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực CNTT với tổng số chỉ tiêu hơn 47.000 sinh viên, 213 trường cao đẳng trên cả nước có đào tạo CNTT. Hiện nay, ngành CNTT có số lượng chỉ tiêu tuyển sinh cao nhất trong các ngành tuyển sinh Đại học.
Tuy đã có sự tăng đáng kể về số lượng trong những năm gần đây, nhưng nhu cầu nhân lực CNTT vẫn còn thiếu rất nhiều, đặc biệt là kỹ sư CNTT chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu thị trường. Thật dễ hiểu vì sao kỹ sư CNTT là “con cưng” của các nhà tuyển dụng đúng không!
Nhấn Tải về để tải toàn bộ Tài liệu những điều cần biết về nghề CNTT
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Tài liệu những điều cần biết về nghề CNTT Cẩm nang về ngành Công nghệ thông tin của Pgdphurieng.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.