Bạn đang xem bài viết Suy thượng thận tại Pgdphurieng.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Suy thượng thận là gì?
Suy thượng thận nguyên phát là tình trạng rối loạn xảy ra khi tuyến thượng thận hoạt động không hiệu quả và không sản xuất đủ lượng hormone cần thiết cho cơ thể. Một trong những hệ quả của suy thượng thận là khiến cho muối và nước sẽ bị đào thải quá mức theo đường tiểu gây ra tụt huyết áp, đôi khi huyết áp giảm thấp quá mức dẫn đến tử vong.
Suy thượng thận thứ phát xảy ra khi cơ thể thiếu ACTH (ACTH là hormone do tuyến yên tiết ra, kích thích tuyến thượng thận tiết cortisol). Một trong những nguyên nhân thường gặp làm giảm tiết ACTH là nồng độ cortisol trong máu quá cao. Cortisol là hormone quan trọng giúp cơ thể điều hòa huyết áp và đối phó với stress. Tuy nhiên, quá nhiều cortisol lại gây ra những biến đổi bất lợi cho cơ thể. Chẳng hạn như làm tăng nguy cơ mắc tăng huyết áp, đái tháo đường, loãng xương và béo phì.
Triệu chứng suy thượng thận
Biểu hiện lâm sàng của hội chứng suy thượng thận có thể khác nhau tùy nguyên nhân và phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ và tốc độ suy giảm chức năng tuyến thượng thận. Bệnh nhân có thể không được chẩn đoán cho đến khi có tác nhân stress (chấn thương, nhiễm trùng…) làm khởi phát cơn suy thượng thận cấp.
Triệu chứng của suy thượng thận nguyên phát (Addison)
Triệu chứng hay gặp của người bị Addison là mệt mỏi, khó chịu, yếu toàn thân, hoặc rối loạn tiêu hóa (đau bụng, buồn nôn, nôn); các triệu chứng khác bao gồm yếu cơ, đau cơ, đau khớp, sụt cân, biếng ăn, huyết áp thấp, trầm cảm, có thể có sự biến đổi ở tóc và da.
Tuy nhiên, triệu chứng tiêu biểu của suy thượng thận nguyên phát là sạm da. Sạm da thường ở vùng tiếp xúc ánh nắng mặt trời, vùng da hay cọ sát, hoặc ở nơi có sẹo mới. Nếp gấp bàn tay bàn chân, gối, ngón chân, khớp khuỷu có màu đen. Niêm mạc má, lợi, sàn miệng có những đốm màu đen.
Ở một số bệnh nhân, Addison có thể biểu hiện đột ngột bằng cơn suy thượng thận cấp, với các triệu chứng như tụt huyết áp, đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, sốt, lú lẫn, hôn mê, rối loạn điện giải. Biểu hiện các triệu chứng còn tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe trước đó của người bệnh. Cơn suy thượng thận cấp là một tình huống cấp cứu cần được phát hiện và điều trị kịp thời.
Triệu chứng của suy thượng thận thứ phát:
Triệu chứng tương tự trường hợp suy thượng thận nguyên phát nhưng không có sạm da.
Nguyên nhân thường gặp ở Việt Nam của suy thượng thận thứ phát là sử dụng cortisol hoặc steroid tổng hợp giống cortisol trong thời gian dài. Lúc này ngoài biểu hiện suy thượng thận, người bệnh còn có biểu hiện triệu chứng của hội chứng Cushing như: Béo phì trung tâm (mặt tròn, bướu mỡ quanh vùng cổ, trong khi cánh tay và cẳng chân thì gầy); rối loạn tâm thần kinh như dễ xúc động, chán nản, mất ngủ, lo lắng… ; bề mặt da của người bệnh có những vết rạn màu đỏ tía, da mỏng, dễ bị bầm và vết thương khó lành; yếu cơ, xương giòn dễ gãy; phụ nữ còn biểu hiện sự phát triển lông quá mức ở mặt, cổ, ngực và rối loạn kinh nguyệt, nam giới có thể giảm ham muốn, rối loạn cương. Đa số trẻ em khi mắc bệnh này thường chỉ biểu hiện béo phì và chậm phát triển.
Nguyên nhân suy thượng thận
Nguyên nhân suy thượng thận nguyên phát (Addison):
Suy thượng thận nguyên phát có thể do nhiều nguyên nhân: tự miễn (do hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công và làm tổn thương các tế bào vỏ thượng thận); các bệnh nhiễm trùng như lao, HIV hoặc nhiễm nấm; khối u hoặc xuất huyết ở tuyến thượng thận. Những nguyên nhân này gây rối loạn chức năng của tuyến thượng thận dẫn đến giảm tiết các hormone cortisol và aldosterone.
Ngoài ra, bệnh có thể liên quan đến đái tháo đường type 1, bệnh Grave, hay việc sử dụng thuốc chống đông.
Addison có thể xuất hiện ở bất kỳ độ tuổi hay giới tính nào. Tuy nhiên, bệnh thường gặp ở độ tuổi từ 30 đến 50, nữ giới mắc nhiều hơn nam giới.
Nguyên nhân suy thượng thận thứ phát:
Nguyên nhân thường gặp ở Việt Nam gây ra suy thượng thận thứ phát là do sử dụng quá nhiều thuốc hoặc chế phẩm chứa corticosteroid. Nồng độ cortisol trong máu cao làm cho hoạt động của tuyến thượng thận bị rối loạn.
Ngoài ra, có thể kể đến các nguyên nhân khác như U tuyến yên gây chèn ép, phẫu thuật thùy trước tuyến yên, chấn thương đầu, đột quỵ tuyến yên…
Ngoài ra có một số bệnh lý liên quan như: hội chứng đa u tuyến nội tiết type 1), hội chứng NAME (Nevi, Atrial myxoma, Myxoid neurofibromata, Ephelides) hoặc bệnh Carney complex.
Bệnh thường ở nữ giới hơn nam giới.
Điều trị suy thượng thận
Điều trị suy thượng thận nguyên phát (Addison):
Người bệnh nên có lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng nên cung cấp đủ muối và uống nhiều nước (2 lít/ngày). Thường xuyên tập thể dục nhưng không nên quá sức, luôn giữ tinh thần thoải mái, tránh stress…
Suy thượng thận nguyên phát hầu hết là không chữa khỏi được. Tuy nhiên, bệnh có thể được kiểm soát tốt bằng thuốc và phải điều trị suốt đời. Một số thuốc dùng trong bệnh Addison như: Hydrocortison, prednison, nhiều trường hợp phải thêm fludrocortison hoặc ăn thêm muối vì tác dụng giữ muối của hydrocortison không đủ.
Trong trường hợp người bệnh gặp chấn thương, phẫu thuật hay stress thì cần tăng liều glucocorticoid, có thể bổ sung bằng đường tĩnh mạch hoặc tiêm bắp. Nếu bị stress nhẹ thì người bệnh được chỉ định liều thấp hơn, dùng đường uống hoặc đường ngoài ruột.
Điều trị suy thượng thận thứ phát:
Với hội chứng Cushing, việc điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân của hội chứng này. Điều trị tùy chọn bao gồm:
Nếu nguyên nhân là do sử dụng các thuốc corticosteroid kéo dài, bác sĩ có thể kiểm soát bệnh bằng cách giảm dần liều corticosteroid trong một khoảng thời gian. Nếu đáp ứng tốt bác sĩ có thể cho ngưng sử dụng corticosteroid hoàn toàn.
Trong trường hợp bệnh do khối u, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật để loại bỏ khối u. Có thể sử dụng các kỹ thuật phẫu thuật xâm lấn tối thiểu với đường mổ rất nhỏ. Nếu phẫu thuật không loại bỏ hoàn toàn được khối u, thường bệnh nhân sẽ được chỉ định thêm xạ trị. Kèm theo đó là phối hợp với thuốc hay sử dụng hormone thay thế. Nếu các quá trình điều trị trên không hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật cắt bỏ tuyến thượng thận.
Sau khi phẫu thuật, người bệnh sẽ phải uống glucocorticoid để cung cấp cho cơ thể lượng cortisol cần thiết trong lúc đợi tuyến thượng thận được phục hồi. Quá trình này có thể mất đến một năm hoặc lâu hơn.
Theo dõi người bệnh mắc suy thượng thận
Theo dõi khi mắc suy thượng thận nguyên phát (Addison):
Nên tái khám đúng hẹn và uống thuốc theo sự hướng dẫn của bác sĩ, tham khảo ý kiến tư vấn của bác sĩ trước và sau khi phẫu thuật.
Nên giữ tinh thần luôn thoải mái, có lối sống lành mạnh. Chế độ dinh dưỡng cân bằng hợp lý, cung cấp đủ lượng nước, muối và các khoáng chất theo đúng sự hướng dẫn của bác sĩ.
Nên tập thể dục nhưng không quá sức, thường là đi bộ hoặc tập yoga…
Nên đến bác sĩ nếu cảm thấy không khỏe (buồn nôn, nôn mửa, sốt) hoặc cảm thấy yếu ớt, mệt mỏi và sụt cân.
Không được tự ý ngưng thuốc đột ngột mà phải theo chỉ định của bác sĩ.
Theo dõi khi mắc suy thượng thận thứ phát:
Khi mắc suy thượng thận thứ phát do dùng corticoid kéo dài:
Tái khám bác sĩ đều đặn để kiểm tra tình trạng đường huyết, huyết áp, mật độ xương,..Phải thông báo với bác sĩ nếu bệnh nhân đã từng mắc trầm cảm hoặc uống rượu mỗi ngày.
Chế độ ăn hạn chế calories và chất béo, thay vào đó nên ăn nhiều rau củ quả. Sử dụng thực phẩm giàu canxi và vitamin D để bù đắp lại tình trạng mất xương, giúp ngăn ngừa loãng xương.
Nếu thấy có những triệu chứng như: sốt, nhiễm trùng, tình trạng bầm máu nặng hơn hoặc tăng cân quá nhiều bạn nên đến ngay bác sĩ để có chẩn đoán lâm sàng cụ thể.
Không nên tự ý mua thuốc chứa corticoid mà không có chỉ định của bác sĩ. Trong quá trình điều trị, người bệnh tuyệt đối không được tự ý ngưng thuốc mà chưa có sự đồng ý của bác sĩ.
(Hình ảnh tổng hợp từ Springer Science “Skin changes in Addison Disease, google,…)
Bác sĩ Nội Trú Nguyễn Trúc Dung
Bệnh viện Đại học Y Dược
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Suy thượng thận tại Pgdphurieng.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.