Bạn đang xem bài viết Suy thận mạn là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng ngừa tại Pgdphurieng.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Suy thận mạn tính là bệnh lý thận gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng đặc điểm chung là đều gây ảnh hưởng đến chức năng thận và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Cùng tìm hiểu về bệnh suy thận mạn qua bài viết sau nhé!
Chức năng của thận
Thận là cơ quan quan trọng trong cơ thể, có nhiệm vụ đào thải các chất độc hại ra ngoài cơ thể và giúp cân bằng nội môi.
Khi thận bị suy khiến việc đào thải các chất thải và các sản phẩm chuyển hóa bị ngưng trệ, dẫn đến việc tích tụ chúng lại trong cơ thể gây bệnh đến các cơ quan khác như não, gan, tim,… Ngoài ra, nồng độ kali trong máu tăng cao khi suy thận có thể dẫn đến rối loạn nhịp tim.
Suy thận mãn là gì?
Bệnh suy thận mạn hay suy thận mạn tính là quá trình chức năng lọc máu của thận giảm dưới mức bình thường tồn tại kéo dài trên 3 tháng. Quá trình này trải qua từ từ theo thời gian (từ nhiều tháng đến nhiều năm) và sau đó bị mất chức năng vĩnh viễn và không hồi phục.
Bệnh suy thận mạn tính được chia thành 5 giai đoạn theo mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng.
- Giai đoạn 1: thận bị hư hại rất nhẹ với mức lọc cầu thận eGFR lớn hơn 90.
- Giai đoạn 2: chức năng thận giảm nhẹ, mức lọc cầu thận khoảng 60-89.
- Giai đoạn 3: chức năng thận giảm ở mức độ trung bình, mức lọc cầu thận eGFR 30-59.
- Giai đoạn 4: chức năng thận giảm ở mức độ nghiêm trọng, mức lọc cầu thận eGFR 15-29.
- Giai đoạn 5: suy thận giai đoạn cuối với mức lọc cầu thận eGFR thấp hơn 15. Thận gần như mất hoàn toàn chức năng và bệnh nhân cần lọc máu hoặc ghép thận để duy trì.
Giá trị cho biết mức độ thận lọc chất thải ra khỏi máu eGFR (đơn vị: ml/phút/1.73m2).
Nguyên nhân bệnh suy thận mạn
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng suy thận mạn do những tổn thương thận hoặc là biến chứng do các bệnh lý toàn thân khác gây ra như:
- Tổn thương tại thận: thường là tổn thương tại các mao mạch cầu thận như viêm cầu thận, viêm thận kẽ, viêm thận sau nhiễm liên cầu tan huyết nhóm A,… gây ra.
- Bất thường cấu trúc thận: bệnh thận đa nang, thận hình móng ngựa hoặc thận lạc chỗ,… cũng làm tăng nguy cơ mắc suy thận mạn tính.
- Các bệnh lý tắc nghẽn đường tiểu: sỏi thận, sỏi niệu quản, chít hẹp niệu quản hoặc phì đại tiền liệt tuyến,… làm giảm khả năng bài tiết nước tiểu của thận, nếu không điều trị sớm có thể dẫn đến suy thận.
- Nhiễm trùng tiết niệu: thường kéo dài, hay tái phát hoặc bệnh lý trào ngược bể thận – niệu quản.
- Bệnh lý toàn thân khác như: tăng huyết áp, đái tháo đường, suy tim,… gây ảnh hưởng đến khả năng lọc máu của cầu thận và gây suy thận mạn tính.
- Sử dụng thường xuyên và lâu dài các thuốc gây độc thận mà không kiểm tra chức năng thận định kỳ như kháng sinh vancomycin, gentamycin, kháng viêm NSAIDs.. gây nên tổn thương thận cấp, lâu dài dẫn đến suy thận mạn không hồi phục.
Triệu chứng của bệnh suy thận mạn
Một số triệu chứng gợi ý suy thận mạn tính như:
- Hoa mắt, chóng mặt và nhìn mờ, da niêm nhợt nhạt.
- Huyết áp cao trên 140/90 mmHg.
- Người mệt mỏi, ăn uống kèm, thường xuyên nôn mửa hoặc cảm thấy buồn nôn.
- Đi tiểu ít, nước tiểu sẫm màu và đôi khi có lẫn máu.
- Thường xuyên bị chuột rút.
- Phù quanh mi mắt và bàn chân hoặc tăng cân nhanh chóng.
- Bụng chướng tăng dần hoặc khó thở do tích tụ dịch thừa trong ổ bụng và khoang màng phổi, màng tim.
Huyết áp tăng cao có thể là biểu hiện của suy thận mạn
Biến chứng nguy hiểm
Rối loạn nhịp tim: ở người bệnh suy thận mạn tính, nồng độ các ion như natri, clo và đặc biệt là kali thường tăng bất thường. Khi nồng độ kali tăng cao có thể dẫn đến loạn nhịp tim và tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Suy tim: suy thận mạn tính là giảm khả năng đào thải lượng dịch dư thừa ra khỏi cơ thể khiến tăng khối lượng tuần hoàn cho tim. Theo thời gian, chức năng của tim không thể đáp ứng được nhu cầu của cơ thể và dẫn đến suy tim.
Phù phổi cấp: Dịch thừa tích tụ trong các phế nang của phổi dẫn đến khả năng hô hấp giảm, khó thở và khạc ra bọt hồng, có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Thiếu máu: ngoài chức năng lọc máu, thận còn đóng vai trò sản xuất erythropoietin giúp kích thích tủy xương sản sinh hồng cầu. Do đó, khi chức năng thận suy giảm sẽ dẫn đến thiếu máu.
Cách chẩn đoán
Dựa vào tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh thận mạn theo Hiệp hội thận học Hoa Kỳ 2012
Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh thận mạn theo Hiệp hội thận học Hoa Kỳ 2012 dựa vào 1 trong 2 tiêu chuẩn sau tồn tại kéo dài trên 3 tháng:
Dấu hiệu tổn thương thận
- Có Albumin trong nước tiểu (Albumin niệu > 30mg/24h hoặc albumin niệu/creatinin niệu > 30mg/g).
- Bất thường cặn lắng nước tiểu.
- Rối loạn chức năng ống thận (bất thường ion đồ máu, nước tiểu).
- Bất thường cấu trúc thận phát hiện qua hình ảnh học, sinh thiết thận.
- Ghép thận.
Độ lọc cầu thận (GFR)
Độ lọc cầu thận (GFR) giảm dưới 60ml/ph/1.73m2 da kèm hoặc không kèm bằng chứng của tổn thương thận (G3a-G5) kéo dài trên 3 tháng.
Các xét nghiệm
- Xét nghiệm máu: nhằm định lượng các chỉ số về chức năng thận như ure và creatinin. Từ đó có thể tính được mức lọc cầu thận và giai đoạn của suy thận mạn.
- Xét nghiệm nước tiểu: giúp định lượng thành phần các chất có trong nước tiểu như bạch cầu, hồng cầu hoặc protein niệu,… từ đó có thể đánh giá được chức năng của cầu thận cũng như chẩn đoán nguyên nhân gây suy thận mạn tính.
- Chẩn đoán hình ảnh: bác sĩ có thể siêu âm bụng đánh giá cấu trúc thận, chụp X – quang thận, tiết niệu để đánh giá được hình thái của thận, các nguyên nhân gây tắc nghẽn đường niệu như sỏi hoặc chít hẹp,…
- Sinh thiết thận: đây là phương pháp dùng để chẩn đoán nguyên nhân gây suy thận mạn tính. Bác sĩ sẽ dùng một cái kim nhỏ và lấy một mẫu mô thận nhỏ sau đó gửi sang phòng giải phẫu bệnh.
Khi nào cần gặp bác sĩ
Các dấu hiệu cần gặp bác sĩ
Bạn nên đến gặp bác sĩ sớm để được chẩn đoán và điều trị bệnh suy thận mạn tính kịp thời nếu phát hiện những triệu chứng sau:
- Huyết áp tăng cao đột ngột và khó kiểm soát.
- Phù chân tăng dần hoặc khó thở.
- Tiểu ít hơn bình thường hoặc nước tiểu có màu đỏ.
- Ăn uống kém, người mệt mỏi, xanh xao, thường xuyên buồn nôn.
Đau đầu kèm theo nhìn mờ là dấu hiệu cần đến khám bác sĩ sớm
Nơi khám chữa suy thận
Nếu nghi ngờ mắc bệnh thận mạn tính, bạn nên đến thăm khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa thận tiết niệu càng sớm càng tốt. Ngoài ra, bạn có thể tham khảo một số địa chỉ sau:
- Tp. Hồ Chí Minh: bệnh viện Nhân dân 115, bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM,…
- Hà Nội: bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Thận Hà Nội, bệnh viện Quân đội Trung Ương 108,…
Các cách điều trị bệnh suy thận mạn
Điều trị nguyên nhân
Đây là phương pháp điều trị giúp ngăn chặn sự tiến triển của bệnh hiệu quả nhất, với mỗi nguyên nhân gây bệnh khác nhau sẽ có những phương pháp điều trị riêng:
- Kiểm soát huyết áp dưới 120/80 mmHg với người tăng huyết áp theo phác đồ của bác sĩ.
- Kiểm soát đường huyết thông qua chế độ ăn uống, tập luyện, thuốc uống hạ đường huyết hoặc tiêm insulin,…
- Điều trị viêm đường tiết niệu bằng kháng sinh thích hợp.
Điều trị biến chứng
Bác sĩ sẽ dựa vào các biến chứng khác nhau để tìm phương pháp điều trị thích hợp. Bác sĩ có thể kê một số loại thuốc như thuốc huyết áp, thuốc lợi tiểu, thuốc tạo máu để kiểm soát huyết áp, giảm triệu chứng phù và bổ sung dinh dưỡng cần thiết cho bệnh nhân mắc thận mạn tính.
Người mắc bệnh giai đoạn cuối có hội chứng ure máu cao sẽ thực hiện chế độ ăn hạn chế protein nhằm giảm áp lực cho thận và bảo vệ não bộ.
Có thể sử dụng thuốc để điều trị biến chứng của suy thận mạn
Điều trị bệnh thận giai đoạn cuối
Chức năng thận ở người suy thận giai đoạn cuối gần như suy giảm hoàn toàn và không thể tham gia vào quá trình lọc máu cũng như điều hòa môi trường bên trong cơ thể. Do đó, cần phải thực hiện các biện pháp thay thế để hỗ trợ người bệnh như:
- Lọc máu: có thể thực hiện phương pháp thẩm phân phúc mạc hoặc chạy thận nhân tạo chu kỳ nhờ hệ thống lọc bỏ, thải trừ các chất độc hại ra khỏi tuần hoàn bằng các máy móc và hóa chất nằm ngoài cơ thể.
- Ghép thận: phương pháp này đòi hỏi phải có quả thận tương thích với cơ thể, kỹ thuật cao và chi phí cao.
Biện pháp phòng ngừa
Bạn có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh suy thận mạn tính đơn giản và có thể thực hiện ngay tại nhà như:
Uống nhiều nước (khoảng 2 lít nước) mỗi ngày để tránh sỏi thận, qua đó hạn chế nguyên nhân gây suy thận. Tuy nhiên, nếu bạn đã được chẩn đoán suy thận mạn, lượng nước nhập vào cơ thể mỗi ngày phụ thuộc vào hướng dẫn của bác sĩ.
Thực hiện chế độ ăn ít đạm, ít kali, phospho, giảm muối để không khiến thận làm việc nhiều hơn và hạn chế mắc bệnh tăng huyết áp.
Kiểm soát huyết áp và đường huyết, cần tuân thủ theo liệu trình của bác sĩ.
Khi nhận thấy các dấu hiệu như nước tiểu đục, tiểu đêm thường xuyên, tiểu ra máu, đau lưng thì nên đến khám bác sĩ ngay lập tức.
Xét nghiệm máu và thử nước tiểu định kỳ để tầm soát bệnh suy thận mạn.
- Cảnh báo 16 dấu hiệu suy thận có thể bạn chưa biết
- Cảnh báo 8 dấu hiệu sỏi thận có thể bạn chưa biết
- Suy thận cấp tính
Bài viết trên đã đem đến cho bạn những thông tin bổ ích về bệnh suy thận mạn tính. Hãy xây dựng cho mình lối sống lành mạnh, ăn uống khoa học để hạn chế nguy cơ mắc bệnh nhé!
Nguồn: Mayo Clinic, Medical News Today, NHS.
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Suy thận mạn là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng ngừa tại Pgdphurieng.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.