Xác ướp nằm trong đền Enju-in ở thành phố Asakuchi, Nhật Bản, suốt nhiều năm, dài khoảng 30 cm, có thân trên nhiều lông giống khỉ, phần đuôi cá nhiều vảy và hàm răng nhọn. Theo ghi chép trong hộp chứa xác ướp, sinh vật bị bắt ở vùng ven biển Kochi vào năm 1740.
Một nhóm nhà nghiên cứu ở Đại học Khoa học và Nghệ thuật Kurashiki (KUSA) sử dụng quan sát bề mặt cũng như kết quả chụp X quang và chụp cắt lớp vi tính xác ướp người cá để phân tích sinh vật và xác định đó có phải động vật thật sự hay không mà không phá hủy mẫu vật, Newsweek hôm 22/2 đưa tin. Họ cũng tiến hành quan sát bằng kính hiển vi quang học và kính hiển vi điện tử, phân tích X quang huỳnh quang, phân tích ADN, xác định niên đại bằng đồng vị carbon với vi khuẩn lấy từ xác ướp người cá.
Xác ướp “tiên cá” kỳ lạ được gọi là “ningyo”, loài lai giữa người và cá trong thần thoại Nhật Bản. Một số mẫu vật tương tự trên khắp Nhật Bản đang được lưu giữ ở các bảo tàng và đền thờ khác nhau trên cả nước. Theo nhóm nghiên cứu, xác ướp người cá có hai tư thế chính là tư thế la hét và tư thế bò. Mẫu vật trong nghiên cứu nằm trong nhóm trước.
Theo kết quả chụp cắt lớp vi tính, các nhà nghiên cứu nhận thấy sinh vật không có xương, trừ phần xương hàm. Nửa thân trên bọc bằng da cá nóc trong khi đuôi cá ở phía dưới là da cá đỏ dạ. Phần lông trên đầu sinh vật là lông động vật có vú, còn xương hàm của nó đến từ một loài cá ăn thịt chưa thể xác định rõ. Móng trên ngón tay xác ướp là keratin động vật, có thể mài từ loại sừng nào đó. Bên trong cơ thể xác ướp chỉ có vải, giấy và bông. Thân xác ướp được xoa một hợp chất tạo bằng cách trộn bột than đá hoặc cát với bột nhão và thạch cao.
Dữ liệu xác định niên đại bằng đồng vị carbon hé lộ sinh vật được tạo ra vào cuối thế kỷ 19, dù ghi chép trong hộp chứa khẳng định sinh vật bị bắt vào năm 1740. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu vẫn chưa biết chính xác bối cảnh xác ướp được tạo ra và làm thế nào nó xuất hiện ở Enju-in.
An Khang (Theo Newsweek)
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/su-that-ve-xac-uop-tien-ca-300-tuoi-4573858.html