Câu chuyện thực sự về gấu ăn ma túy bắt đầu từ một người đàn ông tên Andrew Carter Thornton II. Sinh năm 1944, ông là con trai của một người nuôi ngựa nổi tiếng ở Kentucky và trở thành lính nhảy dù trong quân đội Mỹ, thậm chí được tặng thưởng huân chương Trái tim Tím khi Mỹ xâm chiếm Cộng hòa Dominica vào năm 1965. Thornton xuất ngũ cùng năm và quay trở lại Kentucky, nơi ông gia nhập đội phòng chống ma túy của sở cảnh sát Lexington.
Tuy nhiên, Thornton nhanh chóng hứng thú với buôn bán ma túy hơn là truy quét tội phạm. Bản tính ham mạo hiểm thôi thúc ông dấn sâu hơn vào nghề buôn lậu ma túy. Năm 1981, Thornton bị buộc tội do điều khiển một chiếc máy bay chở cần sa từ Nam Mỹ tới Lexington, Kentucky cùng với 24 người khác. Sau đó, vào tháng 9/1985, Thornton cất cánh trong phi vụ buôn lậu ma túy cuối cùng, nhảy từ một chiếc máy bay ở Knoxville, Tennessee, với chiếc túi trống đựng cocaine trị giá 15 triệu USD. Ông chết do dù bị trục trặc.
Hai tháng sau cái chết của kẻ buôn lậu, một thợ săn ở Georgia tìm thấy xác gấu với chiếc túi trống bị rách ở gần đó. Sau này, các điều tra viên xác nhận đó chính là chiếc túi của Thornton. Nhân viên y tế kết luận con gấu nặng hơn 90 kg chết do ngộ độc sau khi ăn khoảng 3 – 4 g cocaine. “Liều lượng đó đủ để giết chết bất cứ ai”, điều tra viên cho biết.
Giới khoa học không biết chắc liệu động vật có phê thuốc giống con người khi sử dụng chất gây nghiện như cần sa hoặc cocaine hay không. Dù động vật ăn hợp chất như cỏ bạc hà mèo, nấm gây ảo giác, rượu, không có cách nào để biết liệu chúng có tìm kiếm các hợp chất vì tác dụng tiêu khiển. Nhưng chất kích thích gây ra một số tác động đến động vật. Ví dụ, tuần lộc hành động điên cường sau khi ăn nấm và nhiều động vật hoang dã say ngủ sau khi uống rượu.
Khi gấu cocaine được tìm thấy trong rừng, nó đã chết khoảng một tháng. Trái với hành vi tàn phá trên phim ảnh, điều tra viên không báo cáo bất kỳ hoạt động phá phách hoặc đe dọa nào trước cái chết của nó. Con gấu cũng không ăn toàn bộ số cocaine mà Thornton buôn lậu. Nhà chức trách kết luận có người đã sử dụng phần còn lại.
Theo nhà mộng học Chris Morgan, dù nhiều khả năng con gấu trải qua phản ứng sinh lý sau khi ăn cocaine, cái chết của nó không phải câu chuyện về một con gấu nghiện ma túy mà là minh chứng phản ánh rác thải của con người có thể gây nguy hiểm cho động vật hoang dã như thế nào. Nhiều trường hợp động vật ăn ma túy có thể giải thích do tò mò hoặc đói bụng. Tuy việc tình cờ tiếp xúc với chất gây nghiện rất phổ biến, đó thường là kết quả do sự bất cẩn hoặc tàn ác của con người.
Các nghiên cứu cho thấy khi con người ngày càng dùng nhiều chất kích thích, động vật càng có khả năng tiêu thụ chúng hơn. Một nhóm nghiên cứu phát hiện chó có nguy cơ ngộ độc opioid cao hơn ở những nơi kê đơn opioid nhiều. Ngộ độc cần sa thậm chí có thể khiến chó mèo tàn tật hoặc chết.
Gấu ăn cocaine không phải con vật duy nhất bị đe dọa bởi hoạt động buôn lậu của Thornton. Đó chỉ là một trong số những chiếc túi chứa đầy ma túy mà Thornton vứt khắp vùng hẻo lánh ở Georgia và Tennessee trước chuyến nhảy dù chí mạng. Vào thời điểm ông ta chết, điều tra viên tìm thấy bằng chứng Thornton và đồng phạm đã thả gần 400 kg cocaine ở Mỹ. Tuy nhiên, họ không ghi nhận thêm bất kỳ trường hợp gấu chết hoặc phá phách do ăn cocaine nào nữa.
An Khang (Theo National Geographic)
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/su-that-ve-gau-an-cocaine-4580914.html