Trong phiên thảo luận dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) tại Quốc hội sáng 22/6, ông Vương Quốc Thắng, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp – Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng tình trạng đứt cáp khiến kết nối Internet bị chậm và là kết quả của việc cơ quan chức năng chưa thực sự đảm bảo được an ninh hạ tầng số. Trong khi đó, tốc độ kết nối Internet của Việt Nam chỉ ở mức độ trung bình so với khu vực, chưa đáp ứng kịch bản cho một quốc gia phát triển với kinh tế số đóng vai trò quan trọng.
Việc thiếu hụt điện nghiêm trọng những tuần qua càng cho thấy tầm quan trọng của hạ tầng phải đi trước một bước và hơn hết cần chuẩn bị hạ tầng cho tương lai. “Đầu tư và phát triển hạ tầng số vừa phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, vừa phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia là đặc biệt quan trọng”, ông nói. Theo ông, sửa đổi Luật Viễn thông cần có chính sách giúp thị trường viễn thông vận hành minh bạch, cạnh tranh cao hơn và trong dài hạn sẽ giúp doanh nghiệp viễn thông hướng tới đầu tư tốt hơn cho nhu cầu hạ tầng số tương lai.
Cùng quan tâm đến an ninh hạ tầng số, đại biểu Trần Thị Thu Phước, Phó giám đốc Công an tỉnh Kon Tum, cho biết thời gian qua, hành vi lợi dụng mạng viễn thông, Internet để lừa đảo, tấn công mạng, xâm phạm quyền riêng tư, tuyên truyền, chống phá nhà nước ngày càng phức tạp và diễn biến khó lường.
Bà cho rằng dự thảo cần bổ sung quy định các doanh nghiệp viễn thông có nghĩa vụ kết nối, chia sẻ thông tin thuê bao với cơ sở dữ liệu quốc gia do Bộ Công an quản lý để phục vụ công tác đảm bảo an ninh và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Việc này cũng khuyến khích doanh nghiệp viễn thông cải tiến công nghệ và dịch vụ để bảo vệ quyền và lợi ích của người sử dụng.
Giải trình về nội dung này, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nói cơ quan soạn thảo coi hạ tầng viễn thông là hạ tầng thiết yếu được Nhà nước ưu tiên xây dựng và bảo vệ. Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp viễn thông triển khai hạ tầng trên đất công, tài sản công và ban hành quy hoạch, quy định, quy chuẩn về sử dụng chung hạ tầng giữa doanh nghiệp viễn thông với các ngành khác để đảm bảo hiệu quả đầu tư và mỹ quan đô thị.
“Đặc biệt, khi chuyển sang 5G, 6G tần số cao và phủ sóng hẹp, cần nhiều trạm phát sóng phục vụ không chỉ con người mà còn là vạn vật cần dung lượng lớn. Do vậy, hạ tầng sẽ tăng gấp bội”, Bộ trưởng nói, cho rằng việc chia sẻ, dùng chung hạ tầng là rất cần thiết trong tương lai.
Ông cho biết dự thảo sẽ quy định rõ ràng hơn về thẩm quyền của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Xây dựng và UBND cấp tỉnh về quy hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn và về xử lý tranh chấp đối với xây dựng hạ tầng viễn thông.
Sơn Hà
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/su-co-cap-quang-bien-cho-thay-an-ninh-ha-tang-so-chua-dam-bao-4620466.html