Trong chương trình môn Ngữ văn lớp 9, các bạn học sinh sẽ được hướng dẫn để ôn tập kiến thức phần Văn học.
Hôm nay, Pgdphurieng.edu.vn sẽ cung cấp bài Soạn văn 9: Tổng kết phần Văn học (tiếp theo). Mời bạn đọc cùng tham khảo nội dung chi tiết ngay dưới đây.
Soạn bài Tổng kết phần Văn học (tiếp theo) – Mẫu 1
A. Nhìn chung về nền văn học Việt Nam
– Trong quá trình hình thành và phát triển, trải qua nhiều thời kỳ với bao thăng trầm của lịch sử, nền văn học Việt Nam đã ra đời, tồn tại, phát triển cùng với sự vận động của lịch sử dân tộc.
– Nền văn học Việt Nam không chỉ có lịch sử dài lâu mà còn phong phú về số lượng tác phẩm, tác giả, đa dạng về thể loại, mặc dù do những tác động của lịch sử và hạn chế của điều kiện bảo tồn, lưu giữ mà một khối lượng không nhỏ tác phẩm đã mất mát, thất truyền.
I. Các bộ phận hợp thành nền văn học Việt Nam
1. Văn học dân gian: nằm trong tổng thể văn hóa dân gian, được hình thành từ thời viễn cổ, trong xã hội thị tộc, bộ lạc và tiếp tục phát triển, được bổ sung những thể loại mới trong các thời đại tiếp theo.
2. Văn học viết: trong thời Bắc thuộc, chữ Hán được đưa vào nước ta. Từ chỗ là văn tự dùng cho bộ máy cai trị của phong kiến Trung Hoa, chữ Hán đã dần được phổ biến Trung Hoa, chữ Hán đã dần được phổ biến trong giới quý tộc và tu hành. Một số tác phẩm đầu tiên của văn học viết Việt Nam, phải kể đến bài thơ Vận nước (Quốc tộ) của nhà sư Đỗ Pháp Thuận, Sông núi nước Nam (Nam quốc sơn hà) tương truyền của Lý Thường Kiệt, bài Chiếu dời đô của vua Lý Thái Tổ.
II. Tiến trình lịch sử của văn học Việt Nam
– Lịch sử văn học Việt Nam được chia thành ba thời kỳ lớn: từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX, từ đầu thế kỉ XX đến năm 1945, từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945.
– Từ thế kỉ X đến thế kỉ XIX: nước ta cơ bản giữ vững được nền độc lập, tự chủ. Văn học vẫn trong điều kiện xã hội phong kiến, người ta gọi đó là thời kì văn học trung đại.
– Từ thế kỉ XIX (năm 1858) đến năm 1945: với nhiều biến động lịch sử đã có tác động đến nền văn học nước ta. Công cuộc hiện đại hóa văn học diễn ra trên mọi bình diện và cấp độ của nền văn học đến phương thức thể hiện, ngôn ngữ văn học và hệ thống thể loại.
– Từ sau cách mạng tháng Tám năm 1945: Đảng Cộng sản đã lãnh đạo nhân dân ta giành được độc lập. Cùng với đó là đánh bại hai kẻ thù là thực dân Pháp và đế quốc Mĩ, mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử dân tộc. Văn học Việt Nam trong giai đoạn này đã gắn bó mật thiết với sự nghiệp cách mạng và vận mệnh của dân tộc, nhân dân và đã sáng tạo nhiều hình tượng cao đẹp về Tổ quốc và con người Việt Nam thuộc nhiều tầng lớp, thế hệ trong chiến đấu, lao động và sinh hoạt, trong mối quan hệ gắn bó với cộng đồng.
III. Mấy nét đặc sắc nổi bật của văn học Việt Nam
– Văn học Việt Nam, cả văn học dân gian và văn học viết, là sản phẩm tinh thần quý báu của dân tộc, phản ánh tâm hồn và tính cách Việt Nam với những nét bền vững đã thành truyền thống và có sự vận động trong trường hợp lịch sử.
– Văn học Việt Nam từ xưa đến nay đã thể hiện sinh động sức sống bền bỉ, tinh thần lạc quan và niềm vui sống của nhân dân.
– Văn học Việt Nam cũng như nhiều ngành nghề nghệ thuật khác đã thể hiện những đặc điểm trong thẩm mĩ của dân tộc: ít hướng tới sự bề thế, phi thường mà thường là các tác phẩm bình dị, có quy mô vừa và nhỏ, chú trọng cái đẹp tinh tế, hài hòa và giản dị.
IV. Trả lời câu hỏi
Câu 1. Ghi lại tên tác phẩm, tác giả, thể loại của tác phẩm (hoặc đoạn trích) văn học Việt Nam trung đại, được học và đọc thêm trong sách giáo khoa Ngữ văn THCS theo hai bộ phận văn học chữ Hán và chữ Nôm.
a. Văn học chữ Hán
STT |
Tác phẩm (Đoạn trích) |
Tác giả |
Thể loại |
1 |
Con hổ có nghĩa |
Vũ Trinh |
Truyện |
2 |
Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng |
Hồ Nguyên Trừng |
Truyện |
3 |
Sông núi nước Nam |
Lý Thường Kiệt |
Thơ |
4 |
Phò giá về kinh |
Trần Quang Khải |
Thơ |
5 |
Thiên Trường vãn vọng |
Trần Nhân Tông |
Thơ |
6 |
Côn Sơn ca |
Nguyễn Trãi |
Thơ |
7 |
Chiếu dời đô |
Lý Công Uẩn |
Chiếu |
8 |
Hịch tướng sĩ |
Trần Quốc Tuấn |
Hịch |
9 |
Nước Đại Việt ta |
Nguyễn Trãi |
Cáo |
10 |
Bàn luận về phép học |
Nguyễn Thiếp |
Tấu |
11 |
Chuyện người con gái Nam Xương |
Nguyễn Dữ |
Truyền kì |
12 |
Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh |
Phạm Đình Hổ |
Tùy bút |
13 |
Hoàng Lê nhất thống chí |
Ngô gia văn phái |
Tiểu thuyết lịch sử |
b. Văn học chữ Nôm
STT |
Tác phẩm (Đoạn trích) |
Tác giả |
Thể loại |
1 |
Sau phút chia li |
Đoàn Thị Điểm |
Thơ song thất lục bát |
2 |
Bánh trôi nước |
Hồ Xuân Hương |
Thơ tứ tuyệt |
3 |
Qua Đèo Ngang |
Bà Huyện Thanh Quan |
Thơ song thất lục bát |
4 |
Bạn đến chơi nhà |
Nguyễn Khuyến |
Thơ song thất lục bát |
5 |
Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác |
Phan Bội Châu |
Thơ song thất lục bát |
6 |
Đập đá ở Côn Lôn |
Phan Châu Trinh |
Thơ song thất lục bát |
7 |
Muốn làm thằng Cuội |
Tản Đà |
Thơ song thất lục bát |
8 |
Hai chữ nước nhà |
Trần Tuấn Khải |
Thơ song thất lục bát |
9 |
Chị em Thúy Kiều |
Nguyễn Du |
Truyện thơ |
10 |
Cảnh ngày xuân |
Nguyễn Du |
Truyện thơ |
11 |
Kiều ở lầu Ngưng Bích |
Nguyễn Du |
Truyện thơ |
12 |
Mã Giám Sinh mua Kiều |
Nguyễn Du |
Truyện thơ |
13 |
Thúy Kiều báo ân báo oán |
Nguyễn Du |
Nguyễn Du |
14 |
Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga |
Nguyễn Đình Chiểu |
Truyện thơ |
15 |
Lục Vân Tiên gặp nạn |
Nguyễn Đình Chiểu |
Truyện thơ |
Câu 2. Nêu những điểm phân biệt văn học dân gian với văn học viết.
Tiêu chí so sánh |
Văn học dân gian |
Văn học viết |
Tác giả |
vô danh, mang tính tập thể |
cá nhân |
Thời điểm sáng tác |
Khó xác định |
Dễ xác định |
Phương thức lưu truyền |
Truyền miệng, sau này được ghi chép lại |
Văn tự (văn bản) |
Dị bản |
có |
không |
Hệ thống thể loại |
Đa dạng, đặc trưng, văn học viết không lặp lại |
Phong phú |
Câu 3. Hãy tìm những ví dụ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, thơ Hồ Xuân Hương hoặc sáng tác của một tác giả hiện đại để thấy ảnh hưởng của văn học dân gian đến văn học viết.
Bài thơ Bánh trôi nước:
“Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non.
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son”
=> Sử dụng thành ngữ (một thể loại văn học dân gian): bảy nổi ba chìm
Câu 4. Nêu và phân tích một số dẫn chứng cho thấy tinh thần yêu nước là một nội dung nổi bật trong văn học Việt Nam qua các thời kỳ.
Gợi ý:
– Thời kì Trung đại (thế kỉ X – XIX) : Sông núi nước Nam, Phò giá về kinh, Bình Ngô đại cáo, Hịch tướng sĩ…
– Đầu thế kỉ XX – cách mạng tháng Tám 1945: Lưu biệt khi xuất dương (Phan Bội Châu), Ngắm trăng (Hồ Chí Minh)…
– Sau Cách mạng tháng Tám 1945: Làng, Lặng lẽ Sa Pa, Đoàn thuyền đánh cá…
Câu 5. Nêu những biểu hiện của tư tưởng nhân đạo trong một tác phẩm tiêu biểu của văn học trung đại (ví dụ: Truyện Kiều của Nguyễn Du, Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ) và một tác phẩm văn học hiện đại (ví dụ: Lão Hạc của Nam Cao, Tắt đèn của Ngô Tất Tố).
– Sự đồng cảm, xót xa cho số phận con người.
– Trân trọng vẻ đẹp của con người.
– Tố cáo xã hội phong kiến đương thời.
…
Tổng kết:
– Văn học Việt Nam xuất hiện từ thời dựng nước và gắn liền với lịch sự lâu dài của dân tộc. Nền văn học ấy gồm hai bộ phận là văn học dân gian và văn học viết. Văn học viết ra đời từ thế kỉ X, bao gồm các thành phần: văn học chữ Hán và văn học chữ Nôm. Từ cuối thế kỉ XIX, chữ quốc ngữ được dùng để sáng tác thay thế dần cho chữ Hán và chữ Nôm.
– Văn học Việt Nam đã phát triển qua ba thời kì lớn: từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX, từ đầu thế kỉ XX đến năm 1945 và từ sau Cách mạng tháng Tám 1945.
Tư tưởng yêu nước, tinh thần nhân đạo, sức sống bền bỉ và tinh thần lạc quan là những giá trị nổi bật của văn học Việt Nam. Nền văn học ấy cũng thường kết tinh ở những tác phẩm có quy mô không lớn, có vẻ đẹp hài hòa, trong sáng.
– Văn học Việt Nam là bộ phận quan trọng của văn hóa tinh thần các dân tộc, thể hiện những nét tiêu biểu của tâm hồn, lối sống, tính cách và tư tưởng của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam.
B. Sơ lược về một số thể loại văn học
I. Một số thể loại văn học dân gian
– Gồm 3 nhóm chính: các thể tự sự dân gian gồm thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện cười, truyện ngụ ngôn, truyện thơ; trữ tình dân gian gồm ca dao – dân ca; sân khấu dân gian gồm chèo, tuồng.
– Ngoài ra còn có thành ngữ, tục ngữ.
II. Một số thể loại văn học trung đại
1. Các thể thơ có nguồn gốc thơ ca Trung Quốc: thể cổ phong và thể Đường luật
– Thể cổ phong tương đối tự do, chỉ cần có vần, vần cũng không chặt chẽ, không tuân theo niêm luật, không hạn chế số câu trong bài, số chữ trong câu.
– Thể Đường luật là thể thơ được viết theo luật đặt ra từ thời nhà Đường, có luật định chặt chẽ về vần, thanh, đối, số câu, số chữ, cấu trúc bài thơ.
2. Các thể truyện, kí
– Nội dung: có loại đậm yếu tố tưởng tượng, hoang đường, kì ảo; lại có loại kể về các nhân vật lịch sử, các anh hùng, nghĩa sĩ, vua chúa hoặc kể lại lịch sử triều đại.
3. Truyện thơ Nôm
– Là loại truyền được viết bằng thơ, chủ yếu là thơ lục bát.
– Gồm hai loại: bình dân và bác học.
4. Một số thể văn nghị luận
Bao gồm: cáo, hịch, chiếu, biểu…
III. Một số thể loại văn học hiện đại
– Văn xuôi: truyện ngắn, tiểu thuyết, tùy bút, bút kí…
– Thơ hiện đại: thơ bốn chữ, năm chữ, lục bát..
IV. Trả lời câu hỏi
Câu 1. Kể tên các thể loại chính của văn học dân gian được học trong chương trình Ngữ Văn THCS, nêu định nghĩa ngắn gọn về từng thể loại.
– Truyền thuyết là loại truyện dân gian, kể về các nhân vật và sự kiện có liên quan đến lịch sử thời quá khứ, có yếu tố tưởng tượng, kì ảo. Truyền thuyết thể hiện thái độ và cách đánh giá của nhân dân đối với các nhân vật và sự kiện lịch sử được kể đến.
– Truyện cổ tích là loại truyện dân gian kể về cuộc đời của một số kiểu nhân vật quen thuộc:
- Nhân vật bất hạnh (như: người mồ côi, người con riêng, người em út, người có hình dạng xấu xí…)
- Nhân vật dũng sĩ và nhân vật có tài năng kì lạ
- Nhân vật thông minh và nhân vật ngốc nghếch
- Nhân vật là động vật (con vật biết nói năng, hoạt động, tính cách như con người)
– Truyện cười là loại truyện kể về những hiện tượng đáng cười trong cuộc sống nhằm tạo ra tiếng cười mua vui hoặc phê phán những thói hư tật xấu trong xã hội.
– Truyện ngụ ngôn là loại truyện kể bằng văn xuôi hoặc văn vần, mượn truyện về loài vật, đồ vật hoặc về chính con người để nói bóng gió, kín đáo chuyện con người nhằm khuyên nhủ, răn dạy người ta bài học nào đó trong cuộc sống.
– Ca dao, dân ca là những khái niệm tương đương, chỉ các thể loại trữ tình dân gian, kết hợp lời và nhạc, diễn tả đời sống nội tâm của con người.
– Tục ngữ là những câu nói dân gian ngắn gọn, ổn định, có nhịp điệu, hình ảnh, thể hiện những kinh nghiệm của nhân dân về mọi mặt (tự nhiên, lao động, sản xuất, xã hội).
– Chèo là loại kịch hát, múa dân gian, kể chuyện, diễn tích bằng hình thức sân khấu và trước kia được diễn ở sân đình nên được gọi là chèo sân đình.
Câu 2. Tìm trong các truyện cổ tích mà em được học (hoặc đã đọc) những nhân vật thuộc các loại sau: nhân vật dũng sĩ, nhân vật có tài năng đặc biệt, nhân vật xấu xí, nhân vật ngốc nghếch.
- Nhân vật dũng sĩ: Thạch Sanh
- Nhân vật có tài năng đặc biệt: Mã Lương
- Nhân vật xấu xí: Sọ Dừa
- Nhân vật ngốc nghếch: chàng ngốc
Câu 3. Lấy bài thơ Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan để minh họa các quy tắc về niêm luật của thơ thất ngôn bát cú Đường luật (vần, thanh bằng trắc trong từng câu; đối, niêm giữa các câu).
– Luật bằng – trắc:
– Đối:
- Câu 1 và câu 2: đối nhau về thanh điệu (khác nhau bằng trắc ở các chữ thứ 2, 4, 6)
- Cặp câu 3 và 4; câu 5 và 6: đối nhau về âm thanh (khác bằng trắc ở các tiếng thứ 2, 4, 6) và hình ảnh.
– Niêm: câu 2 và 3 (giống nhau về bằng, trắc ở các chữ thứ 2, 4, 6)
– Vần: được gieo ở cuối câu 1, 2, 4, 6, 8.
Câu 4. Em đã học những truyện thơ Nôm nào? Tóm tắt thật ngắn gọn cốt truyện của những truyện thơ ấy và nhận xét xem có gì giống nhau trong các cốt truyện đó.
* Truyện thơ Nôm: Truyện Kiều, Truyện Lục Vân Tiên.
* Tóm tắt:
– Truyện Kiều: Thúy Kiều, một cô gái tài sắc vẹn toàn, gặp gỡ và đính ước với Kim Trọng. Gia đình Kiều bị oan. Kiều phải bán mình chuộc tội cho cha và em trai: Nàng trải qua 15 năm tủi nhục, rơi vào nhà chứa Tú Bà, mắc lừa Sở Khanh, làm lẽ Thúc Sinh, lại vào lầu xanh lần thứ hai và được làm vợ Từ Hải. Nhờ Từ Hải, Kiều báo ân báo oán nhưng sau đó lại mắc lừa Hồ Tôn Hiến. Từ Hải chết, nàng quyên sinh nhưng được cứu sống. Cuối cùng Kim Trọng, Thúy Kiều gặp lại nhau, cả nhà đoàn tụ.
– Truyện Lục Vân Tiên: Ở quận Đông Thành, có một chàng trai khôi ngô tuấn tú, văn võ toàn tài, tên là Lục Vân Tiên. Triều đình mở khoa thi, Vân Tiên từ giã thầy xuống núi để dự thi. Trên đường trở về nhà thăm mẹ, chàng một mình đánh tan bọn cướp do Phong Lai, cứu được Kiều Nguyệt Nga. Mến mộ tài đức, Kiều Nguyệt Nga nguyện gắn bó suốt đời với Vân Tiên. Từ biệt Nguyệt Nga, chàng tiếp tục hành trình, gặp gỡ và kết bạn với Hớn Minh – một sĩ tử khác. Trên đường đi thi, Vân Tiên nghe tin mẹ mất thì bỏ thi trở về chịu tang. Dọc đường về chàng bị đau mắt nặng, rồi mù cả hai mắt lại bị kẻ xấu lừa đẩy xuống sông. Vân Tiên được gia đình Ngư ông cưu mang. Sau đó chàng lại bị cha con Võ Công hãm hại đem chàng vào rừng. Nhưng chàng may mắn gặp lại Hớn Minh. Kiều Nguyệt Nga vì nghe tin Lục Vân Tiên đã chết nên lập lời thề thủ tiết suốt đời. Bị kẻ giam hãm hại, nàng phải chạy trốn vào rừng, nương nhờ một bà lão dệt vải. Sau khi được tiên ông cho thuốc chữa sáng mắt, Lục Vân Tiên đi thi và đỗ Trạng Nguyên. Chàng được vua cử đi đánh giặc Ô Qua. Đánh tan quân giặc nhưng lại bị lạc vào rừng, tình cờ đến nhà bà lão bán vảo hỏi thăm đường thì gặp lại Kiều Nguyệt Nga. Sau khi về triều tâu hết sự tình, kẻ gian bị trừng trị, Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga được đoàn tụ.
Câu 5. Hãy lấy một số câu ca dao và vài đoạn thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du để minh họa cho khả năng phong phú của thể thơ lục bát trong việc biểu hiện tâm trạng và kể chuyện, thuật việc.
Ví dụ:
“Buồn trông ngọn nước mới sa,
Hoa trôi man mác, biết là về đâu
Buồn trông nội cỏ rầu rầu,
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh”
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”
=> Bút pháp tả cảnh ngụ tình đặc sắc cho thấy nỗi buồn cũng như những dự cảm của Kiều trước tương lai.
Câu 6. Đọc lại một truyện ngắn hiện đại (ví dụ: Lão Hạc của Nam Cao, Bến quê của Nguyễn Minh Châu) và một truyện thời trung đại (ví dụ: Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng của Hồ Nguyên Trừng, người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ), rồi nhận xét về sự khác nhau trong cách trần thuật, xây dựng nhân vật.
– Giống: đều là hình tự sự.
– Khác:
Truyện ngắn hiện đại: các cách trần thuật di chuyển điểm nhìn được sử dụng đa dạng hơn.
Nhân vật truyện trung đại” thường xuất hiện qua lời kể qua hành động, qua đối thoại và ít được thể hiện trực tiếp nội tâm. Trong truyện hiện đại, nhân vật được chú ý khắc họa từ ngoại hình, hành động nhất là nội tâm, qua lời trần thuật, lời đối thoại, độc thoại của nhân vật…
Tổng kết:
– Thể loại văn học là sự thống nhất giữa một loại nội dung với một dạng hình thức văn bản và phương thức chiếm lĩnh đời sống. Nhìn trên tổng thể, sáng tác văn học thuộc ba loại (hay loại hình) là tự sự, trữ tình và kịch. Ngoài ra còn có loại nghị luận, chủ yếu sử dụng phương thức lập luận.
– Thể là dạng thức tồn tại của tác phẩm văn học. Loại rộng hơn thể, bao gồm nhiều thể, nhưng cũng có những thể ở chỗ tiếp giáp của hai loại, mang những đặc điểm của cả hai loại.
– Văn học dân gian gồm một hệ thống thể loại khá phong phú, gồm 3 nhóm: tự sự, trữ tình và sân khấu dân gian.
– Văn học trung đại đã hình thành một hệ thống thể loại khá hoàn chỉnh và chặt chẽ. Thơ Việt Nam trung đại phổ biến các thể thơ có nguồn gốc từ Trung Quốc. Văn xuôi trung đại có nhiều thể truyện, kí.
– Văn học hiện đại, các thể loại có nhiều biến đổi sâu sắc. Một số thể loại mới xuất hiện như: kịch nói, phóng sự.
Soạn bài Tổng kết phần Văn học (tiếp theo) – Mẫu 2
Câu 1. Giá trị nội dung và nghệ thuật của Truyện Kiều (Nguyễn Du).
Gợi ý:
– Giá trị nội dung:
- Truyện Kiều là bức tranh hiện thực về một xã hội bất công, tàn bạo cũng như là tiếng nói thương cảm trước số phận bi kịch của con người.
- Truyện Kiều là tiếng nói khẳng định đề cao tài năng, nhân phẩm và khát vọng chân chính của con người.
– Giá trị nghệ thuật:
- Đỉnh cao của ngôn ngữ dân tộc và thể thơ lục bát.
- Nghệ thuật tự sự có bước phát triển vượt bậc.
- Nghệ thuật dẫn chuyện đến miêu tả thiên nhiên, khắc họa tính cách và miêu tả tâm lí con người.
Câu 2. Tóm tắt hồi 14 Hoàng Lê nhất thống chí (Ngô gia văn phái).
Gợi ý:
Lo sợ quân Tây Sơn kéo quân ra Bắc để bắt Vũ Văn Nhậm, vua Lê Chiêu Thống cầu cứu quân Thanh. Triều đình nhà Thanh nhân cơ hội đó kéo quân sang với mong muốn thôn tính nước ta. Được tin, Quang Trung bàn bạc với tướng sĩ, chuẩn bị kế sách tiến đánh quân Thanh.
Quang Trung mở tiệc khao quân, chia quân thành 5 đạo, thân hành cầm quân ra trận, tối 30 tết lên đường, hẹn ngày mồng 7 tết sẽ mở tiệc ăn mừng thắng lợi ở kinh thành Thăng Long. Quân Tây Sơn ra đến sông Gián, quân giặc trấn thủ ở đó tan vỡ, toán quân Thanh đi do thám bị bắt sống hết. Nửa đêm mùng 3 tết Kỷ Dậu (1789), vua Quang Trung tới Hà Hồi, Thượng Phúc, lặng lẽ vây kín thành. Quân giặc bấy giờ mới biết, rụng rời sợ hãi xin hàng.
Tờ mờ sáng mùng 5 Tết, nghĩa quân tiến đánh đồn Ngọc Hồi. Quân Thanh không chống cự nổi, bỏ chạy toán loạn. Tướng giặc là Sầm Nghi Đống phải thắt cổ tự vẫn. Giữa trưa hôm ấy, nghĩa quân đã tiến đánh thành Thăng Long. Tổng đốc của giặc là Tôn Sĩ Nghị nghe tin cấp báo liền tìm cách trốn về nước. Vua Lê đang ở trong điện, nghe tin vội vã cùng tùy tùng đưa Thái Hậu ra ngoài thì gặp Tôn Sĩ Nghị cũng đang chạy trốn trong tình cảnh thê thảm. Nghĩa quân Tây Sơn đại thắng trước quân Thanh.
Câu 3. Phân tích tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương (Nguyễn Dữ)
Gợi ý:
“Chuyện người con gái Nam Xương” thuộc tác phẩm “Truyền kì mạn lục” (ghi chép tản mạn những điều kỳ lạ vẫn được lưu truyền), được viết ở thế kỉ XVI. Tác phẩm này có nguồn gốc từ truyện cổ dân gian “Vợ chàng Trương”. Nhưng điều làm nên sự khác biệt cho tác phẩm chính là tư tưởng mà nhà văn muốn gửi gắm trong câu chuyện.
Vũ Nương vốn là một người phụ nữ “người đã thùy mị nết na, lại thêm có tư dung tốt đẹp”. Những tưởng con người ấy sẽ có được cuộc sống hạnh phúc nhưng nàng lại gặp phải nhiều bất hạnh. Tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương” đã thể hiện tấm lòng trân trọng của tác giả đối với những vẻ đẹp dung dị, cao cả của người phụ nữ cũng như đồng cảm với những bất hạnh mà cuộc đời họ phải hứng chịu.
Người phụ nữ Việt Nam muôn đời nay được ngợi ca bởi vẻ đẹp dịu dàng, kín đáo và tâm hồn đôn hậu bao dung. Người phụ nữ hiện lên trong “Chuyện người con gái Nam Xương” cũng vậy. Đó là nàng Vũ Nương đẹp nết đẹp người và đầy tự trọng.
Nàng có một “tư dung tốt đẹp” nức tiếng xa gần. Chẳng vậy mà Trương Sinh – một người “con nhà hào phú” phải xin mẹ trăm lạng vàng rước nàng về làm vợ. Chẳng những vậy, nàng còn là người phụ nữ hiền hậu nết na, người vợ hiền, dâu thảo, người mẹ thương con.
Trong mối quan hệ vợ chồng hằng ngày, biết chồng “có tính đa nghi, đối với vợ phòng ngừa quá sức”. Vũ Nương đã luôn “giữ gìn khuôn phép, không lần nào vợ chồng phải đến nỗi thất hoà”. Hai vợ chồng chia ly, Vũ Nương một lòng nghĩ đến sự an nguy của chồng “Chàng đi chuyến này, thiếp chẳng dám mong đeo được ấn phong hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ, chỉ xin ngày về mang theo được hai chữ bình yên, thế là đủ rồi. […] Nhìn trăng soi thành cũ, lại sửa soạn áo rét, gửi người ải xa, trông liễu rủ bãi hoang, lại thổn thức tâm tình, thương người đất thú! Dù có thư tín nghìn hàng, cũng sợ không có cánh hồng bay bổng”. Như vậy là nàng không hề nghĩ đến vinh hoa phú quý, chỉ nghĩ đến chân thành với tình vợ chồng keo sơn. Xa chồng, Vũ Nương thuỷ chung, tấm lòng luôn tha thiết hướng về chồng: “Ngày qua tháng lại, thoắt đã nửa năm, mỗi khi thấy bướm lượn đầy vườn, mây che kín núi, thì nỗi buồn góc bể chân trời không thể nào ngăn được”.
Trương Sinh trở về, nghi cho Vũ Nương một cái oan thảm khốc và dùng những lời lẽ tàn nhẫn mà nhiếc móc nàng. Nhưng ngay cả khi ấy, Vũ Nương vẫn nói năng đúng mực, tha thiết bày tỏ nỗi niềm và ước mong về cuộc sống gia đình hạnh phúc.
Trong mối quan hệ với mẹ chồng, nàng hết lòng chăm sóc mẹ chồng lúc ốm đau: “Nàng hết sức thuốc thang lễ bái thần phật và lấy lời ngọt ngào khôn khéo khuyên lơn”. Khi mẹ chồng mất, nàng thương yêu, lo lắng chu toàn: “Nàng hết lời thương xót, phàm việc ma chay tế lễ, lo liệu như đối với cha mẹ đẻ mình”. Tấm lòng nàng dành cho mẹ chồng khiến bà cảm động để khi mất, những lời cuối cùng thiêng liêng của cuộc đời bà dành để chúc phúc cho con dâu. Xưa nay, trong dân gian vẫn lưu truyền câu nói “mẹ chồng con dâu” để chỉ mối quan hệ vốn không yên ấm giữa hai đối tượng này nhưng qua thái độ của người mẹ chồng đối với Vũ Nương người đọc thấu hiểu tấm lòng chân thành, sâu sắc đối với mẹ chồng của nàng.
Với con, Vũ Nương đã hết sức nuôi dạy, bảo ban, thương yêu và chiều chuộng con (để đến nỗi một trong những hành động vô tư của nàng đã trở thành nguyên nhân buộc nàng tự vẫn…).
Không chỉ vậy, với tư cách là một cá nhân trong xã hội, ở Vũ Nương còn nổi bật lên lòng tự trọng đầy cảm động. Bị chồng hiểu lầm, bị hàm oan tức tưởi, dẫu vẫn còn khao khát hạnh phúc trần gian nhưng Vũ Nương đã chọn cái chết để chứng minh phẩm tiết trong sạch của mình. Hành động này cho thấy lòng tự trọng, ý thức giữ gìn danh dự, tiết hạnh ở người phụ nữ đáng trân trọng này.
Ngợi ca vẻ đẹp của “người con gái Nam Xương”, Nguyễn Dữ đã góp tiếng nói chung vào cảm hứng ngợi ca người phụ nữ đầy nhân văn của văn học trung đại. Bên cạnh Vũ Nương của Nguyễn Dữ ta còn có thể kể đến chị em Thúy Kiều, Thúy Vân của Nguyễn Du, người chinh phụ trong thơ của Đặng Trần Côn và Đoàn Thị Điểm…
Nhưng trong xã hội phong kiến thời kỳ suy sụp, thối nát, cái đẹp thường đi liền với nỗi bất hạnh và những tai họa khôn lường: “Chữ tài liền với chữ tai một vần”. Khi ấy, văn học lại cất lên tiếng nói đồng cảm với những thân phận bị “gió dập sóng vùi” chẳng biết “tấp vào đâu”. Nàng Vũ Nương của Nguyễn Dữ cũng phải hứng chịu nhiều bất hạnh.
Trước hết, nàng có một cuộc hôn nhân không được lựa chọn. Với vẻ đẹp vốn có, đáng ra nàng phải được kén một tấm chồng đức tài tương xứng. Nhưng đáng tiếc thay, cuộc đời lại chỉ dành cho nàng một gã Trương Sinh. Đó là một kẻ vô học nhưng giàu có “con nhà hào phú” đã “xin mẹ trăm lạng vàng” lấy nàng về làm vợ. Người phụ nữ vẹn toàn này không có quyền lựa chọn cho mình một người chồng tương xứng. Cuộc hôn nhân của nàng do vàng bạc mở đường, đó như một cuộc trao đổi, mua bán đầy tính thương mại.
Về đến nhà chồng, Vũ Nương phải hết sức giữ gìn trước con người rất mực đa nghi của Trương Sinh: “Đối với vợ phòng ngừa quá sức”. Nhưng hạnh phúc phải do cả hai bên vợ chồng cùng đắp vun gìn giữ. Sau mấy năm dài đằng đẵng mong ngóng chồng về, cái giá Vũ Nương nhận được thật quá chua xót.
Khi chồng đi lính, đêm đêm để con đỡ tủi và lòng mình đỡ nhớ, Vũ Nương chỉ bóng mình trên vách rồi bảo con đó là cha nó. Nhưng thiện ý của nàng đã bị hiểu lầm. Nghe con nói kể về người cha đêm đêm vẫn đến của nó, Trương Sinh với tính đa nghi sẵn có đã hiểu oan cho tấm lòng thủy chung của Vũ Nương. Chàng ta vội nghe lời con trẻ mà không suy xét đúng sai: “Tính chàng hay ghen, nghe con nói vậy, đinh ninh là vợ hư, mối nghi ngờ ngày càng sâu, không có gì gỡ ra được”. Rồi hồ đồ, độc đoán không đếm xỉa đến những lời thanh minh của vợ, đối xử tệ bạc, vũ phu với Vũ Nương: “Chỉ lấy chuyện bóng gió này nọ mà mắng nhiếc nàng, và đánh đuổi đi”.
Trước nỗi oan không gì giãi bày được (vì Trương Sinh không nói rõ nguyên cớ việc nổi giận của mình), cuộc đời Vũ Nương bế tắc: Nếu sống thì phải mang cái tiếng phản chồng đầy ô nhục. Bởi vậy, dẫu vẫn còn khao khát vương vấn hạnh phúc trần gian, nàng đành chấp nhận cái chết, trầm mình xuống sông Hoàng Giang.
Thân phận nhỏ nhoi, bèo bọt của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến là vậy, họ không được làm chủ cuộc sống của mình, luôn luôn là kẻ bị động, hứng chịu những oan khiên, cay đắng. Số phận bất hạnh của Vũ Nương gợi đến bao phong ba bão táp đã đi qua cuộc đời của những Đạm Tiên, Thúy Kiều, Tiểu Thanh, người cung nữ, người chinh phụ… trong văn học trung đại.
Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó, tác phẩm của Nguyễn Dữ không tiến xa hơn câu chuyện dân gian là mấy. Nguyễn Dữ đã vô cùng trăn trở với số phận của người con gái đa đoan trong tác phẩm của mình. Tin tưởng và yêu mến nhân vật, nhà văn đã để nàng gửi mình chốn cung mây dưới nước của Linh Phi. Chốn ấy dẫu chẳng được sum vầy cùng con trẻ, người thân song vẫn là nơi biết trọng những tâm hồn trong đẹp. Vũ Nương trở về nhân gian trong ánh sáng lung linh kì ảo của ánh nến, mặt nước diệu kỳ.
Ngoài nhân vật Vũ Nương, ta cũng không thể quên một Trương Sinh hồ đồ đã đẩy người đầu gối tay ấp với mình đến chỗ chết. Trương Sinh là con nhà trọc phú, lại ít học cũng như đa nghi. Do ít học nên khi chiến tranh xảy ra tuy nhà giàu có nhưng Trương Sinh vẫn phải đi lính. Do đa nghi, hay ghen đã làm cho Trương Sinh mờ mắt, chỉ nghe lời từ đứa con ngây thơ không chịu nghe lời phân trần của vợ. Trương Sinh là người trực tiếp đẩy Vũ Nương vào bi kịch và phải tìm đến cái chết. Đến khi hiểu ra và hối hận thì đã quá muộn màng.
Bên cạnh nội dung, tác phẩm đã xây dựng được tình huống truyện độc đáo, chi tiết mang tính thắt nút, đẩy câu chuyện lên cao trào, đỉnh điểm: cái bóng trở thành chi tiết thắt nút cũng như cởi nút cho diễn biến tác phẩm. Nghệ thuật kể chuyện đặc sắc: việc dẫn dắt tình huống hợp lý. Nghệ thuật xây dựng nhân vật cũng là một điểm nhấn. Bước đầu nhà văn đã miêu tả nội tâm nhân vật khá phong phú.
Qua phân tích trên, có thể thấy “Chuyện người con gái Nam Xương” là một tác phẩm giàu giá trị của nhà văn Nguyễn Dữ.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Soạn bài Tổng kết phần Văn học (tiếp theo) Soạn văn 9 tập 2 bài 34 (trang 186) của Pgdphurieng.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.