Hôm nay, Pgdphurieng.edu.vn sẽ cung cấp tài liệu Soạn văn 8: Thuyết minh về một thể loại văn học.
Với tài liệu này, hy vọng các em học sinh lớp 8 cũng sẽ có thêm những kiến thức cần thiết về văn thuyết minh.
Soạn bài Thuyết minh về một thể loại văn học – Mẫu 1
I. Từ quan sát đến mô tả, thuyết minh đặc điểm một thể loại văn học
Đề bài: Thuyết minh về đặc điểm thể thơ thất ngôn bát cú
1. Quan sát
Đọc kĩ hai bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác và đập đá ở Côn Lôn rồi trả lời câu hỏi:
a.
– Mỗi bài thơ có 8 dòng, mỗi dòng có 7 chữ (tiếng).
– Số dòng, số chữ là quy định bắt buộc, không thể tùy ý thêm bớt được.
b.
* Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác:
- Vẫn là hào kiệt, vẫn phong lưu: T – B – B – T – T – B – B
- Chạy mỏi chân thì hãy ở tù: T – T – B – B – T – T – B
- Đã khách không nhà trong bốn biển: T – T – B – B – B – T – T
- Lại người có tội giữa năm châu: T – B – T – T – T – B – B
- Bủa tay ôm chặt bồ kinh tế: T – B – B – T – B – B – T
- Mở miệng cười tan cuộc oán thù: T – T – B – B – T – T – B
- Thân ấy hãy còn, còn sự nghiệp: B – T – T -B – B – T – T
- Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu: B – B – B – T – T – B – B
* Đập đá ở Côn Lôn:
- Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn: B – B – T – T – T – B – B
- Lừng lẫy làm cho lở núi non: B – T – B – B – T – T – B
- Xách búa đánh tan năm bảy đống: T – T – T – B – B – T – T
- Ra tay đập bể mấy trăm hòn: B – B – T – T – T – B – B
- Tháng ngày bao quản thân sành sỏi: T – B – B – T – B – B – T
- Mưa nắng càng bền dạ sắt son: B – T – B – B – T – T – B
- Những kẻ vá trời khi lỡ bước: T – T – T – B – B – T – T
- Gian nan chi kể việc con con: B – B – B – T – T – B – B
c.
* Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác:
– Dòng 1 và 2 đối nhau (tiếng “là” bằng, tiếng “mỏi” trắc)
– Dòng 2 và 3 niêm nhau (tiếng “mỏi” trắc, tiếng “khách” trắc)
– Dòng 3 và 4 đối nhau (tiếng “khách” trắc, tiếng “người” bằng)
– Dòng 4 và 5 niêm nhau (tiếng “người” bằng, tiếng “tay” bằng)
– Dòng 5 và 6 đối nhau (tiếng “tay” bằng, tiếng “miệng” trắc)
– Dòng 6 và 7 niêm nhau (tiếng miệng trắc, tiếng ấy trắc)
– Dòng 7 và 8 đối nhau (tiếng “ấy” trắc, tiếng “nhiều” bằng)
– Dòng 1 và 8 niêm nhau (tiếng “là” bằng, tiếng “nhiêu” bằng).
=> Hệ thống bằng – trắc được tính từ âm tiết thứ hai của mỗi dòng thơ. Âm tiết thứ hai ở dòng thứ nhất của bài thơ này là bằng cho nên bài thơ thuộc thể bằng.
* Đập đá ở Côn Lôn: Tương tự như bài “Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác” – bài thơ thuộc thể bằng.
d.
– Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác: vần chân, tiếng cuối của câu 2 với câu 6 (tù – thù), tiếng cuối của câu 3 với câu 5 (bể – tế), tiếng cuối của câu 4 với câu 8 (châu – đâu).
– Đập đá ở Côn Lôn: vần chân ở tiếng cuối các câu 2, 4, 6, 8 (non, hòn, son, con).
e. Cả hai bài thơ đều ngắt nhịp 4/3
2. Lập dàn bài
a. Mở bài
Nêu một định nghĩa chung về thể thơ thất ngôn bát cú
b. Thân bài
* Nêu các đặc điểm của thể thơ:
– Số câu, số chữ trong mỗi bài
– Quy luật bằng trắc của thể thơ
– Cách gieo vần của thể thơ
– Cách ngắt nhịp phổ biến của mỗi dòng thơ
c. Kết bài
Cảm nhận của em về vẻ đẹp, nhạc điệu của thể thơ.
Tổng kết:
– Muốn thuyết minh đặc điểm một thể loại văn học (thể thơ hay văn bản cụ thể), trước hết phải quan sát, nhận xét, sau đó khái quát thành những đặc điểm.
– Khi nêu đặc điểm, cần lựa chọn những đặc điểm tiêu biểu, quan trọng và cần có những ví dụ cụ thể để làm sáng tỏ các đặc điểm ấy.
II. Luyện tập
Hãy thuyết minh đặc điểm chính của truyện ngắn trên cơ sở các truyện ngắn: Tôi đi học, Lão Hạc, Chiếc lá cuối cùng.
Gợi ý:
1. Mở bài
Giới thiệu đôi nét về thể loại truyện ngắn – một trong những thể loại văn học quan trọng của nền văn học Việt Nam.
2. Thân bài
a. Khái niệm
– Truyện ngắn là một thể loại văn học. Nó thường là các câu truyện kể bằng văn xuôi và có xu hướng ngắn gọn, súc tích và hàm nghĩa hơn các câu truyện dài như tiểu thuyết.
– Thông thường truyện ngắn có độ dài chỉ từ vài dòng đến vài chục trang, trong khi đó tiểu thuyết rất khó dừng lại ở con số đó. Vì thế, tình huống truyện luôn là vấn đề quan trọng bậc nhất của nghệ thuật truyện ngắn.
b. Đặc điểm chính của truyện ngắn
– Về dung lượng: số trang viết ít, không dài.
– Về sự kiện, nhân vật: ít nhân vật và sự kiện vì dung lượng truyện ngắn không lớn. Thường chỉ vài nhân vật và sự kiện nhỏ.
– Về cốt truyện:
- Diễn ra trong một khoảng thời gian và không gian hẹp
- Không diễn đạt trọn vẹn cuộc đời mà diễn đạt theo từng khoảng thời gian
c. Ý nghĩa
– Gửi gắm tư tưởng của nhà văn.
– Chứa đựng những ý nghĩa nhân sinh, ý nghĩa xã hội…
3. Kết bài
– Tầm quan trọng cũng như vẻ đẹp, sức hấp dẫn của truyện ngắn
– Loại hình văn học phù hợp với cuộc sống của xã hội hiện đại.
(Chứng minh đặc điểm của thể loại văn học thông qua các truyện ngắn trên)
Soạn bài Thuyết minh về một thể loại văn học – Mẫu 2
I. Luyện tập
Hãy thuyết minh đặc điểm chính của truyện ngắn trên cơ sở các truyện ngắn: Tôi đi học, Lão Hạc, Chiếc lá cuối cùng.
Gợi ý:
Truyện ngắn là một trong những thể loại văn học vô cùng quan trọng. Đây cũng là thể loại được nhiều bạn đọc yêu thích. Khi tìm hiểu về thể loại này, chúng ta có thể thấy được những đặc điểm riêng để phân biệt với các thể loại khác.
Trước hết, về khái niệm truyện ngắn, sẽ có rất nhiều cách định nghĩa khác nhau. Nhưng hiểu đơn giản thì đúng như tên gọi của nó, truyện ngắn là một thể loại văn học, với các câu truyện được kể bằng văn xuôi. Có dung lượng ngắn gọn, súc tích và hàm nghĩa hơn các câu truyện dài như tiểu thuyết. Thông thường truyện ngắn có độ dài chỉ từ vài dòng đến vài chục trang, trong khi đó tiểu thuyết rất khó dừng lại ở con số đó. Vì thế, tình huống truyện luôn là vấn đề quan trọng bậc nhất của nghệ thuật truyện ngắn.
Trước hết về hình thức, truyện ngắn có dung lượng ngắn, số trang viết ít. Truyện ngắn thường chỉ tập trung vào một tình huống, một chủ đề nhất định. Trong khi đó, nếu là thể loại tiểu thuyết chứa được nhiều vấn đề, phủ sóng được một diện rộng lớn của đời sống. Do đó, truyện ngắn thường hết sức hạn chế về nhân vật, thời gian và không gian trong truyện ngắn cũng không trải dài như tiểu thuyết. Đôi khi truyện ngắn chỉ là một khoảnh khắc của cuộc sống. Truyện gây cho người đọc một cái nút, một khúc mắc cần giải đáp. Cái nút đó càng ngày càng thắt lại đến đỉnh điểm thì đột ngột cởi tung ra, khiến người đọc hả hê, hết băn khoăn. Truyện ngắn cũng có tính cô đọng và mở rộng, súc tích và ngắn. Dĩ nhiên đây không phải là truyện dài ngắn đơn thuần, vì một truyện ngắn mười hai trang có thể chứa đựng nhiều ý nghĩa hơn là một cuốn tiểu thuyết bốn trăm trang. Chúng ta đang nói đến một phạm trù khác của các tác phẩm hư cấu nói chung. Truyện ngắn cũng chứa đựng tất cả các nguồn lực y như tiểu thuyết: ngôn ngữ, nội dung, nhân vật và phong cách. Tiểu thuyết gia có thể sử dụng phương tiện nghệ thuật nào thì nhà văn viết truyện ngắn cũng có thể sử dụng các phương tiện đó. Có thể nói, truyện ngắn là bản tình ca viết bằng văn xuôi.
Về lịch sử hình thành, trên thế giới, ở Trung Quốc và Nhật Bản, trước đây người ta vẫn coi truyện ngắn thuộc thể loại tiểu thuyết, được gọi là “tiểu thuyết đoản thiên” để phân biệt với loại tiểu thuyết chương hồi dài tập hay “tiểu thuyết trường thiên”. Người Việt Nam ngày nay dùng từ truyện ngắn để chỉ “tiểu thuyết đoản thiên” và tiểu thuyết để chỉ “tiểu thuyết trường thiên”. Còn ở phương Tây, thể loại truyện ngắn ra đời tương đối muộn, xuất hiện trên một tạp chí xuất bản đầu thế kỷ 19, phát triển lên đến đỉnh cao nhờ những sáng tác xuất sắc của văn hào E.T.A. Hoffmann và Anton Chekhov, sau đó trở thành một hình thức nghệ thuật lớn của văn học thế kỷ XX. Mặc dù, trước đó, truyện ngắn đã tồn tại dưới hình thức truyền miệng truyền thống trong dân gian như các truyện ngụ ngôn, nhưng chỉ đến khi có sự xuất hiện ồ ạt của một tầng lớp độc giả biết đọc biết viết ở thế kỷ XIX ở phương Tây.
Cuối cùng, mỗi một tác phẩm truyện ngắn đều gửi gắm một nội dung tư tưởng nào đó của nhà văn. Có thể kể đến một số tác phẩm thuộc thể loại truyện ngắn đã được học trong chương trình như: Tôi đi học (Thanh Tịnh), Lão Hạc (Nam Cao), Chiếc lá cuối cùng (O.Henry)…
Tóm lại, đây là một thể loại văn học vô cùng quan trọng không chỉ của nền văn học Việt Nam mà còn đối với văn học thế giới.
II. Bài tập ôn luyện
Hãy thuyết minh về một thể loại văn học mà em yêu thích.
Gợi ý:
Trong nền thơ ca phong phú của dân tộc, lục bát chính là thể thơ tiêu biểu nhất – một thể thơ cách luật cổ điển thuần túy Việt Nam.
Về nguồn gốc, thể thơ lục bát vốn rất phổ biến trong ca dao dân ca và lời ăn tiếng nói của dân tộc. Bởi thê mà, nhiều người nhầm lẫn thể thơ này có từ lâu đời. Thực tế, thể thơ lục bát có thể xuất hiện vào khoảng trước thế kỉ XVI đến thế kỉ XVII. Từ một loại hình nghệ thuật dân gian, lục bát trở thành một kiểu loại của văn học viết và bắt đầu phát triển mạnh mẽ ở các thế kỉ sau đó.
Thể thơ này gắn bó với cuộc sống văn hóa tinh thần của dân tộc. Từ lối nói vần nói vè đến đối đáp giao duyên, than thân trách phận, tranh đấu tuyên truyền đều dùng thể thơ lục bát. Thơ lục bát rất giản dị về quy luật, dễ làm, thường dùng để diễn tả những cung bậc cảm xúc khác nhau trong tâm hồn con người.
Một bài lục bất phải bao gồm từ hai câu trở lên. Trong đó thì cứ hai câu ghép lại thành một cặp câu. Các cặp câu gồm có một câu 6 tiếng (câu lục) và một câu 8 tiếng (câu bát) và xen kẽ cứ câu lục là câu bát rồi đến cặp câu khác, số câu trong bài không giới hạn. Chính đặc điểm này có thể xem lục bát là một thể loại đoản thiên hay trường thiên đều được.
Đơn vị cơ bản của thể thơ này là một tổ hợp gồm hai câu sáu tiếng và tám tiếng. Số câu không hạn định, về gieo vần, chủ yếu là vần bằng, cứ mỗi cặp hai câu mới đổi vần. Tiếng cuối câu sáu vần với tiếng thứ sáu câu tám, rồi tiếng cuối câu tám lại vần với tiếng cuối câu sáu sau. Như thế ngoài vần chân có cả ở hai câu sáu và tám, lại có cả vần lưng trong câu tám. Ví dụ như trong bài ca dao sau:
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”
(Ca dao)
Luật thanh trong thơ lục bát; Thơ lục bát có hai câu chuẩn là câu lục và câu bát, cũng như thơ Đường luật, nó tuân thủ quy tắc nhất, tam, ngũ bất luận; nhị, tứ, lục phân minh. Nghĩa là các tiếng thứ 1, 3, 5 trong câu có thể tự do về thanh, nhưng các tiếng thứ 2, 4, 6 thì phải theo luật chặt chẽ. Luật như sau:
Về phối thanh, chỉ bắt buộc các tiếng thứ tư phải là trắc, các tiếng thứ hai, thứ sáu, thứ tám phải là bằng. Nhưng trong câu tám, hai tiếng thứ sáu và thứ tám phải khác dấu. Nếu trước là dấu huyền thì sau phải là không dấu, hoặc ngược lại:
“Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”
(Truyện Kiều)
Cách gieo vần trong thơ lục bát: Thơ lục bát có cách gieo vần khác với các thơ khác. Có nhiều vần được gieo trong thơ nhiều câu chứ không phải là một vần, điều này tạo cho thơ lục bát tính linh hoạt về vần. Thể thơ lục bát thường được gieo vần bằng; tiếng cuối của câu lục hiệp với tiếng thứ sáu của cậu bát, tiếng thứ sáu của câu bát hiệp với tiếng của câu lục tiếp; cứ như thế đến hết bài lục bát:
“Tà tà bóng ngả về tây
Chị em thơ thẩn dang tay ra về
Bước dần theo ngọn tiểu khê
Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh
Nao nao dòng nước uốn quanh
Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang”
(Truyện Kiều)
Ngoài vần chân có cả ở hai câu 6, 8 lại có cả vần lưng trong câu tám. Tiểu đối trong thơ lục bát: Đó là đối thanh trong hai tiếng thứ 6 (hoặc thứ 4) của câu bát với tiếng thứ 8 câu đó. Nếu tiếng này mang thanh huyền thì tiếng kia bắt buộc là thanh ngang và ngược lại:
“Người lên ngựa, kẻ chia bào
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san”
(Chinh phụ ngâm khúc)
Cách ngắt nhịp trong thơ lục bát: Thơ lục bát thông thường ngắt nhịp chẵn, là nhịp 2/2/2, hoặc 4/4 hoặc để diễn tả những tình cảm thương yêu, buồn đau…
“Một mình một ngọn đèn khuya
Áo đầm giọt tủi tóc se mái đầu”
(Chinh phụ ngâm khúc)
Khi cần diễn đạt những điều trắc trở, khúc mắc, mạnh mẽ, đột ngột hay tâm trạng bất thường, bất định thì có thể chuyển sang nhịp lẻ 3/3, 1/5, 3/5…
“Trăm nghìn gửi lạy tình quân
Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi
Phân sao phận bạc như vôi?
Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng.
Ôi Kim Lang! Hỡi Kim lang!
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!”
(Truyện Kiều)
Ngoài ra, còn có thể loại lục bát biến thể. Luật thơ vẫn tuân thủ luật thơ lục bát nhưng số chữ hoặc cách gieo vần có thể thay đổi. Kiểu biến thể vốn phổ biến trong ca dao:
“Thương nhau ba bốn núi cũng trèo
Năm sáu sông cũng lội, bảy tám đèo cũng qua”
(Ca dao)
Thơ lục bát diễn đạt tâm trạng nhiều chiều của nhân vật trữ tình. Thông thường người bình dân hay mượn thể loại văn vần này để bày tỏ nỗi lòng, tâm trạng của mình trong cuộc sống, sinh hoạt, tình yêu… Do vậy thể thơ chủ yếu của ca dao vẫn là thể lục bát vì nó có khả năng diễn đạt tất thảy những cung bậc cảm xúc như: tình yêu trai gái, tình yêu gia đình, xóm làng, yêu đồng ruộng, đất đai, yêu lao động, yêu thiên nhiên…
Ở xã hội hiện đại, việc con người dành thời gian để thưởng thức một tác phẩm thơ ca đã ngày càng ít đi. Vì vậy, việc bảo tồn và phát triển sẽ vô cùng quan trọng, cần thiết đối với con người.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Soạn bài Thuyết minh về một thể loại văn học Soạn văn 8 tập 1 bài 15 (trang 153) của Pgdphurieng.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.