Đoạn trích Thề nguyền (trích Truyện Kiều của Nguyễn Du) được hướng dẫn tìm hiểu trong chương trình Ngữ Văn lớp 10.
Pgdphurieng.edu.vn sẽ cung cấp tài liệu Soạn văn 10: Thề nguyền, mời bạn đọc tham khảo nội dung chi tiết dưới đây.
Soạn văn Thề nguyền chi tiết
I. Tác giả
– Nguyễn Du (1765 – 1820), tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên.
– Quê gốc làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, nhưng sinh và trải qua thời niên thiếu ở Thăng Long.
– Ông sinh trưởng trong một gia đình đại quý tộc, nhiều đời làm quan và có truyền thống về văn học.
– Cuộc đời ông gắn bó sâu sắc với những biến cố lịch sử của giai đoạn cuối thế kỉ XVIII – đầu thế kỉ XX.
– Nguyễn Du là người có kiến thức sâu rộng, am hiểu văn hóa dân tộc và văn chương Trung Quốc.
– Sự nghiệp văn học của Nguyễn Du gồm nhiều tác phẩm có giá trị bằng chữ Hán và chữ Nôm.
– Một số tác phẩm như:
- Tác phẩm bằng chữ Hán (3 tập thơ, gồm 243 bài): Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục.
- Tác phẩm chữ Nôm: Đoạn trường tân thanh (Truyện Kiều)…
II. Tác phẩm
1. Vị trí đoạn trích
– Đoạn trích “Thề nguyền” được trích từ câu 431 đến câu 452.
– Nội dung: Một hôm nọ, cả gia đình sang chơi bên ngoại, Kiều đã tìm gặp Kim Trọng. Chiều tà, nàng trở về nhà thì được tin cả nhà vẫn chưa về. Kiều quay lại gặp Kim Trọng. Hai người đã làm lễ thề nguyền trước ánh trăng.
2. Bố cục
Gồm 2 phần:
- Phần 1. Từ đầu đến “Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao”: Cảnh Kiều trở lại nhà Kim Trọng.
- Phần 2. Còn lại. Cảnh thề nguyền của Kim Trọng và Thúy Kiều.
III. Đọc – hiểu văn bản
1. Cảnh Kiều trở lại nhà Kim Trọng
– Hoàn cảnh: Kiều quay lại tìm Kim Trọng lần hai điều này chứng tỏ tình yêu của nàng đang ở độ mặn nồng và sâu sắc nhất.
– Các từ “vội”, “xăm xăm”, “băng lối”, “một mình”: hành động mạnh mẽ, quyết đoán của Kiều trong tình yêu. Nàng không quan tâm đến những lễ giáo phong kiến.
– Khung cảnh thiên nhiên thơ mộng:
- “Nhặt thưa gương dọi đầu cành”: ánh trăng chiếu xuyên qua lá cây tạo thành những khoảng sáng không đều nhau, chỗ sáng ít chỗ sáng nhiều, gợi tả khung cảnh yêu đương nồng nàn.
- “Ngọn đèn trông lọt trướng huỳnh”: nhìn từ bên ngoài vào thấy ánh sáng đèn từ phòng học của Kim Trong lọt ra dìu dìu. Từ đỏ thể hiện ánh nhìn trông mong, thương nhớ luôn hướng về nơi tình lang ở của nàng Kiều, và tinh thần hiếu học của Kim Trọng trong việc đèn sách
- “Tiếng sen đã động giấc hòe”: tiếng bước chân nhẹ nhàng của người đẹp. Thể hiện phong thái dù vội vã nhưng vẫn uyển chuyển, thanh khiết nhẹ nhàng của Thúy Kiều thông qua “tiếng sen”.
- Hình ảnh “giấc hòe”: trích từ điển cố Thuần Vu Phần ngủ dưới gốc hòe mơ thấy vinh hoa phú quý, thể hiện lý tưởng và khát vọng của Kim Trọng vào việc tạo lập công danh, sự nghiệp
- “Bóng trăng đã xế hoa lê lại gần”: Tăng thêm sự thi vị và lãng mạn cho công cuộc gặp gỡ của Kiều và Kim Trọng.
– Lời bộc bạch của Thúy Kiều: “Vì hoa nên phải trổ đường tìm hoa/Bây giờ rõ mặt đôi ta/Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao?” gợi nỗi nhớ mong tình quân, cũng như sự lo lắng rằng tình yêu của mình sẽ giống như đóa hoa kia, đẹp nhưng sớm nở tối tàn hoặc giống như một giấc chiêm bao.
2. Cảnh thề nguyền của Kim Trọng và Thúy Kiều
– Không gian: nhà Kim Trọng
– Thời gian: một đêm trăng sáng tạo nên không gian thơ mộng trữ tình.
– Cảnh vật xung quanh: “đài sen”, “lò đào”: khiến không khí trở nên thập phần lãng mạn, tinh tế và thiêng liêng vô cùng.
– Hành động: cả hai đã cùng nhau viết “tiên thề”, cùng nhau cắt tóc mây bằng “dao vàng”, thể hiện thái độ trân trọng và nâng niu vô cùng ước nguyện cùng nhau kết tóc, bạc đầu trăm năm, quyết tâm không đổi dời.
– Lời thề:
- “Đinh ninh hai miệng một lời song song”: sự đồng lòng sắt son, là tình yêu chân thành sâu sắc đến từ cả hai phía.
- Ước hẹn “Trăm năm tạc một chữ đồng đến tâm”: suốt kiếp chỉ chung tình với đối phương, mà chữ “đồng” trong đồng lòng đã ghi tạc vào sâu trong trái tim mãi mãi không bao giờ phai mờ.
=> Ca ngợi tình cảm thủy chung, son sắc của Thúy Kiều và Kim Trọng.
Tổng kết:
- Nội dung: Đoạn trích Thề nguyền đã thể hiện một quan niệm mới mẻ trong tình yêu của Nguyễn Du.
- Nghệ thuật: Cách sử dụng từ ngữ độc đáo, các đoạn đối thoại…
Soạn văn Thề nguyền ngắn gọn
Hướng dẫn trả lời câu hỏi:
Câu 1. Nêu nhận xét về hàm nghĩa của các từ “vội, xăm xăm, băng”.
– “Vội”: tâm trạng háo hức, nóng lòng muốn gặp Kim Trọng.
– Xăm xăm: tâm thế chủ động, quyết đoán.
– Băng: sự mạnh mẽ, nhanh nhẹn của Kiều trong hành trình tìm đến với tình yêu.
Câu 2. Không gian thơ mộng và thiêng liêng của cuộc thề nguyền được Nguyễn Du tả như thế nào?
– Không gian: nhà Kim Trọng, bên ngoài có ánh trăng chiếu rọi.
– Thời gian: một đêm trăng sáng tạo nên không gian thơ mộng trữ tình.
– Cảnh vật xung quanh: “đài sen”, “lò đào”: khiến không khí trở nên thập phần lãng mạn, tinh tế và thiêng liêng vô cùng.
– Vật đính ước và thề nguyền: tiên thề (tờ giấy để viết lời thề), tóc mây và dao vàng.
=> Không gian thiêng liêng nhưng cũng không kém phần thơ mộng.
Câu 3. Liên hệ với trích đoạn Trao duyên để chỉ ra tính chất lôgíc nhất quán trong quan niệm về tình yêu của Kiều.
– Cảnh thề nguyền diễn ra trước, sau đó mới đến cảnh trao duyên.
– Quan niệm tình yêu của Thúy Kiều: dám sống dám yêu hết mình, chân thành và thủy chung.
– Sự nhất quán: Kiều muốn giữ trọn lời thề nguyện với Kim Trọng. Nhưng trong hoàn cảnh phải bán mình chuộc cha, Kiều đành trao duyên cho Thúy Vân và nhờ Vân trả nợ tình nghĩa cho Kim Trọng.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Soạn bài Thề nguyền Soạn văn 10 tập 2 tuần 30 (trang 115) của Pgdphurieng.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.