Trong chương trình Ngữ văn lớp 11, học sinh sẽ được hướng dẫn tiếp tục tìm hiểu về phong cách ngôn ngữ chính luận.
Chính vì vậy, Pgdphurieng.edu.vn sẽ giới thiệu bài Soạn văn 11: Phong cách ngôn ngữ chính luận (tiếp theo), được đăng tải sau đây.
Soạn văn Phong cách ngôn ngữ chính luận (tiếp theo)
I. Các phương tiện diễn đạt và đặc trưng của phong cách ngôn ngữ chính luận
1. Các phương tiện diễn đạt
a. Về từ ngữ
– Văn bản chính luận thường sử dụng nhiều từ ngữ chính trị: đồng bào, bình đẳng, độc lập, tự do…
– Nhiều từ ngữ thuộc văn bản chính luận nhưng được sử dụng trong sinh hoạt chính trị nên được sử dụng rộng rãi như từ ngữ toàn dân, không còn quan niệm đó là từ ngữ lí luận: đa số, thiểu số, phát xít…
b. Về ngữ pháp
– Câu văn trong văn bản chính luận có kết cấu chuẩn mực, gần với phán đoán logic trong một hệ thống lập luận, các câu có sự liên kết với nhau.
– Các câu văn thường dùng các từ liên kết: vì… nên…, bởi vì… nên, tuy… nhưng…
c. Về biện pháp tu từ:
– Có thể sử dụng biện pháp tu từ một cách hợp lí.
– Cần diễn đạt sao cho khúc triết, rõ ràng.
2. Đặc trưng của phong cách ngôn ngữ chính luận
- Tính công khai về quan điểm chính trị
- Tính chặt chẽ trong diễn đạt và suy luận
- Tính truyền cảm, thuyết phục
Tổng kết: Phong cách ngôn ngữ chính luận có ba đặc trưng cơ bản: Tính công khai về quan điểm chính trị; tính chặt chẽ trong diễn đạt và suy luận; tính truyền cảm, thuyết phục. Các đặc trưng đó thể hiện ở những phương tiện diễn đạt nhằm đạt mục đích trình bày ý kiến hoặc bình luận, đánh giá vấn đề theo một quan điểm chính trị nhất định.
II. Luyện tập
Câu 1. Chỉ ra biện pháp tu từ trong đoạn văn chính luận trong SGK:
Các biện pháp tu từ là:
– Điệp cú pháp: Ai có… dùng ….
– Liệt kê: cuốc, thuổng, gậy gộc…
=> Hồ Chí Minh muốn kêu gọi toàn thể nhân dân đoàn kết chống lại kẻ thù, tận dụng sức mạnh và vũ khí tự có của chính mình.
Câu 2. Viết một đề cương bài nói để chứng minh cho câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh:
“Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.
(Hồ Chí Minh, Thư gửi các học sinh)
Gợi ý:
– Thanh niên Việt Nam có vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
– Dẫn chứng:
- Từ quá khứ: Thế hệ trẻ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
- Đến hiện tại: Thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng CNXH, hội nhập với thế giới trong mọi lĩnh vực.
– Trách nhiệm của mỗi thanh niên Việt Nam: cần tích cực học tập, rèn luyện đạo đức để xây dựng đất nước văn minh, tiến bộ.
Câu 3. Viết một đoạn văn để chứng minh nhận định sau:
“Lòng yêu nước bắt nguồn từ tình yêu những người thân, yêu nơi chôn nhau cắt rốn với những kỉ niệm tuổi thơ không bao giờ quên”.
Gợi ý:
– Lòng yêu nước là gì?
– Lòng yêu nước xuất phát từ:
- Yêu người thân: cha mẹ, ông bà, anh chị em…
- Yêu làng quê, phố nhỏ và những kỉ niệm thời thơ ấu.
– Truyền thống yêu nước của nhân dân ta: quá khứ đến hiện tại.
– Vai trò của lòng yêu nước: giúp con người sống có trách nhiệm, ý thức hơn.
Ví dụ:
Lòng yêu là tình cảm yêu mến và gắn bó sâu sắc, chân thành đối với đất nước. Nó bắt nguồn từ tình yêu người thân, yêu nơi chôn rau cắt rốn và những kỉ niệm tuổi thơ. Nhờ có tình yêu đó mà con người không ngừng cố gắng để xây dựng và phát triển quê hương, dựng xây đất nước. Một thứ tình cảm đầy thiêng liêng luôn thường trực trong trái tim mỗi con người. Dân tộc Việt Nam có một lòng yêu nước nồng nàn. Điều đó được thể hiện từ những buổi đầu dựng nước và giữ nước. Lịch sử dân tộc chứng kiến hơn một nghìn năm Bắc thuộc với biết bao mất mát, đau thương. Nhưng không thời nào là không có anh hùng đứng lên lãnh đạo nhân dân chống lại kẻ thù. Không thời nào là nhân dân không chung lòng đấu tranh để bảo vệ đất nước. Nhưng những năm tháng hào hùng nhất có lẽ phải kể đến cuộc đấu tranh kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ. Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam – Người cũng là tấm gương sáng ngời cho lòng yêu nước thương dân sâu sắc, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết một lòng đánh bại kẻ thù xâm lược. Biết bao nhiêu chàng trai, cô gái – họ ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ, mang trong trái tim mình tình yêu với mảnh đất quê hương, để rồi không ngại hy sinh thân mình vì chính mảnh đất ấy. Ngày hôm nay, khi nhân loại được hưởng nền hòa bình hiếm hoi. Tình yêu quê hương, đất nước có lẽ xuất phát từ những điều thật bình dị. Đó có thể là lòng biết ơn, yêu mến những người đã sinh ra, dạy dỗ chúng ta. Hay là mong muốn học tập để mai này trở về xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp. Cũng có thể đến từ sự bảo vệ và phát huy những nét văn hóa truyền thống của quê hương. Đặc biệt là lòng quyết tâm chiến đấu bảo vệ đất nước của mỗi con người trong những lúc gian nguy rình rập (chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh…). Chính vì vậy, thế hệ trẻ hôm nay được sống trong một thế giới hòa bình, cần phải ý thức giữ gìn tình yêu quê hương, đất nước.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Soạn bài Phong cách ngôn ngữ chính luận (tiếp theo) Soạn văn 11 tập 2 tuần 31 (trang 105) của Pgdphurieng.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.