Mỗi tác phẩm đều có những giá trị về nội dung và nghệ thuật. Chính vì vậy, Pgdphurieng.edu.vn sẽ cung cấp tài liệu Soạn văn 10: Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của một truyện kể.
Mời các bạn học sinh lớp 10 cũng tham khảo nội dung chi tiết được chúng tôi đăng tải ngay sau đây.
Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật
1. Chuẩn bị nói
a. Xác định tác phẩm truyện
– Bạn có thể sử dụng đề tài là truyện kể đã phân tích, đánh giá trong đề tài hoặc bài viết là một truyện kể khác.
– Xác định mục đích nói: Thể hiện nhận thức của bạn, chia sẻ với người nghe về chủ đề, những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm truyện kể mà mình đã chọn…
– Xác định đối tượng người nghe: Thầy cô giáo, bạn bè…
– Xác định không gian và thời gian nói: không gian ở lớp học, thời gian khoảng bao nhiêu lâu?
b. Tìm ý và lập dàn ý
– Tìm ý: Nếu đề tài nói cũng là đề tài của bài viết, có thể sử dụng lại các ý tưởng, thông tin, tư liệu đã có trong phần viết. Nếu đề tài nói khác đề tài bài viết, cần đọc kĩ tác phẩm và chú ý một số nội dung: tên truyện kể, thể loại, nội dung, chủ đề, thông điệp tác giả muốn gửi gắm, ý kiến và đánh giá về nội dung của truyện kể…
– Lập dàn ý: Dàn ý của bài nói cơ bản là dàn ý đã chuẩn bị cho bài viết.
c. Luyện tập
- Tìm những câu mở đầu, kết thúc bài nói phù hợp với, hấp dẫn, tạo ấn tượng với người nghe.
- Sử dụng kết hợp các phương tiện phi ngôn ngữ như hình ảnh, video, sơ đồ, bảng biểu…
- Luyện tập bằng cách đứng trước gương hoặc với bạn bè, người thân.
- Điều chỉnh giọng nói, ngôn ngữ, cử chỉ…
2. Trình bày bài nói
– Tạo không khí và quan hệ giao tiếp như: tự giới thiệu họ tên, sử dụng ngôi phù hợp trong giao tiếp.
– Sử dụng diễn đạt phù hợp, linh hoạt.
– Đáp ứng được yêu cầu về tính mạch lạc, thuyết phục, truyền cảm…
3. Trao đổi, đánh giá
– Trao đổi:
- Lắng nghe với thái độ cầu thị, ghi chép tóm lược câu hỏi hoặc ý kiến của người nghe.
- Trả lời giải thích ngắn gọn, rõ ràng câu hỏi, ý kiến của người nghe.
– Đánh giá:
- Trong vai trò của người nói, hãy tự đánh giá phần trình bày của mình.
- Trong vai trò của nghe, đánh giá phần trình bày của người nói.
* Hướng dẫn bài nói:
Xin kính chào thầy cô và các bạn, sau đây tôi sẽ giới thiệu về truyện “Thần Trụ Trời”. Đây là một trong những truyện thần thoại đặc sắc trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam.
Trước hết, “Thần Trụ Trời” thuộc nhóm thần thoại về nguồn gốc vũ trụ và các hiện tượng tự nhiên. Trong nhận thức của con người cổ, thế giới bao la được hình thành và sắp đặt dưới công của các vị thần.
Truyện được tóm tắt như sau: Thuở ấy, chưa có thế gian, chưa có muôn vật và loài người. Trời đất chỉ là một vùng hỗn độn, tối tăm và lạnh lẽo . Lúc đó, một ông thần có thân thể to lớn xuất hiện. Bỗng một ngày, thần Trụ Trời đứng dậy, ngẩng đầu đội trời lên, đào đất, đập đá, đắp thành một cái cột vừa cao, vừa to để chống trời. Hễ cột được đắp cao lên chừng nào, thì trời như một tấm màn rộng mênh mông được nâng dần lên chừng ấy. Thần hì hục vừa đào vừa đắp, chẳng bao lâu, cột cứ cao dần, cao dần và đẩy vòm trời lên phía mây xanh mù mịt. Từ đó, trời đất mới phân đôi. Khi trời cao và đã khô, thần phá cột đi, lấy đất đá ném lung tung khắp nơi. Mỗi hòn đá văng đi tạo thành một hòn núi hay một hòn đảo, đất tung tóe khắp nơi tạo thành gò, đống, dải đồi cao. Chỗ thần đào đất đắp cột tạo thành biển rộng. Cột trụ trời không còn nữa. Sau này, người ta nói rằng vết tích cột đó ở núi Yên Phụ vùng Hải Hưng. Người ta cũng gọi đó là cột chống trời. Vị thần Trụ Trời đó gọi là Trời hay Ngọc Hoàng. Sau thần Trụ trời còn có một số thần khác được phân công hoặc lên trời hoặc xuống đất để tiếp tục công xây dựng nên thế gian: thần Sao, thần Sông, thần Biển…
Về giá trị nội dung, “Thần Trụ Trời” đã lí giải quá trình tạo lập vũ trụ – trời và đất. Cách giải thích quá trình tạo lập thế giới của tác giả dân gian được xây dựng dựa trên trí tưởng tượng, cũng như cái nhìn trực quan của con người cổ, chưa có đầy đủ chứng cứ xác thực. Điều này phản ánh quan niệm của con người cổ về nguồn gốc của thế giới và đời sống con người. Điều này là hoàn toàn phù hợp khi ở thời điểm đó, khoa học chưa phát triển, con người coi thần linh là đấng tối cao, tạo ra thế giới và vạn vật.
Về nghệ thuật, truyện “Thần Trụ Trời” mang đầy đủ những nét đặc điểm của một thần thoại. Không gian trong truyện là không gian vũ trụ – “chưa có thế gian, chưa có muôn vật và loài người; “trời đất chỉ là một vùng hỗn độn, tối tăm và lạnh lẽo”. Còn thời gian thì không được xác định. Cốt truyện xoay quanh việc lí giải về quá trình tạo ra trời và đất. Nhân vật chính là một vị thần có ngoại hình, sức mạnh phi thường. Thần được miêu tả là một vị thần khổng lồ, bước một bước là có thể qua từ vùng này đến vùng nọ, từ đỉnh núi này sang đỉnh núi khác. Những hành động phi thường là “ đứng dậy, ngẩng đầu đội trời lên, đào đất, đập đá, đắp thành một cái cột vừa cao, vừa to để chống trời”, “hì hục vừa đào vừa đắp, chẳng bao lâu, cột cứ cao dần, cao dần và đẩy vòm trời lên phía mây xanh mù mịt”, “phá cột đi, lấy đất đá ném lung tung khắp nơi”… Thần Trụ Trời đã có công tạo ra trời và đất.
Như vậy, có thể thấy rằng, với truyện “Thần Trụ Trời” giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật đã có sự kết hợp hài hòa, hỗ trợ lẫn nhau. Trên đây là phần trình bày của tôi, cảm ơn thầy cô và các bạn đã lắng nghe.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Soạn bài Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của một truyện kể – Chân trời sáng tạo 10 Ngữ văn lớp 10 trang 29 sách Chân trời sáng tạo tập 1 của Pgdphurieng.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.