Phương Mai, sinh viên năm thứ tư ngành Kinh doanh Quốc tế, trở về Việt Nam hồi tháng 8, sau một học kỳ học trao đổi tại trường Kinh doanh ESB, Đại học Reutlingen, Đức. Sau chuyến đi, Mai xin được suất thực tập toàn thời gian tại Amazon Web Services (AWS), công ty con của Amazon cung cấp các nền tảng điện toán đám mây.
“Em sẽ rất tiếc nếu không tham gia chương trình trao đổi này”, nữ sinh quê Nha Trang nói, cho biết ấn tượng khi trường Kinh doanh ESB mời giám đốc và quản lý của các tập đoàn lớn ở nước này đến giảng dạy. Sinh viên được học hỏi từ kiến thức thực tế, được tham gia dự án, tiếp cận những công việc mà họ đang làm ở doanh nghiệp. Nhờ đó, khi ứng tuyển vào Amazon, Mai bắt nhịp nhanh.
Ngoài việc học, Nguyễn Lan Anh, sinh viên năm cuối Đại học Kinh tế Quốc dân, còn có thêm nhiều trải nghiệm về văn hóa khi sang trao đổi ở Humber College, Canada, cách đây bốn tháng.”Em đã du lịch nhiều nơi, khám phá cuộc sống của người dân ở đây, mở mang kiến thức và trưởng thành hơn”, nữ sinh quê Vĩnh Phúc chia sẻ.
Trao đổi sinh viên là hoạt động bình thưởng ở các đại học trên thế giới. Ở Việt Nam, việc này đang trở nên phổ biến, do hợp tác quốc tế trong đào tạo.
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Phó hiệu trưởng trường Đại học Hà Nội, cho hay với chương trình này, sinh viên được cử đi học ở một trường đối tác, thường trong một học kỳ và có thể được công nhận kết quả học tập khi trở về. Ngược lại, trường cũng tiếp nhận số sinh viên tương ứng từ phía đối tác. Sinh viên đóng học phí ở trường cử đi, chịu chi phí sinh hoạt trong thời gian ở nước ngoài, một số chương trình có hỗ trợ tài chính.
“Việc trao đổi sinh viên dựa trên cơ sở đối sánh chương trình đào tạo, đảm bảo sự tương đồng về nội dung, mục tiêu đào tạo, số lượng tín chỉ, giúp việc chuyển đổi kết quả học tập được thuận lợi”, tiến sĩ Dũng giải thích, cho biết hiện trường có khoảng 20 đối tác thường xuyên có suất trao đổi sinh viên, mỗi năm, khoảng 120 sinh viên được chọn đi trao đổi.
Theo thống kê, số sinh viên đi trao đổi theo học kỳ tại trường Đại học Quốc tế khoảng 50 – 70 em mỗi năm, tính từ năm 2017 đến nay. Còn tại trường Đại học Kinh tế quốc dân, bà Đào Thị Thu Giang, điều phối viên chương trình trao đổi sinh viên, cho biết năm 2022, hơn 80 sinh viên được cử đi, trường tiếp nhận khoảng 40 sinh viên quốc tế. Con số này ở trường Đại học Ngoại thương là 450 sinh viên được cử đi và tiếp nhận gần 1.000 sinh viên quốc tế. Những quốc gia mà sinh viên có cơ hội đến là Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đức, Pháp, Phần Lan, Thuỵ Điển, Nauy, Mỹ, Canada.
Trong khi đó, trường Đại học Việt Đức có khoảng 30% sinh viên sang Đức trao đổi mỗi khóa, trong đó sinh viên ngành Khoa học máy tính và Kỹ thuật điện và Máy tính phải có một học kỳ bắt buộc ở Đức. Tiến sĩ Vũ Quốc Huy, Phó phòng đào tạo và công tác sinh viên, cho hay trường có mô hình hợp tác đặc thù, duy nhất tại Việt Nam khi chương trình đào tạo tương đồng với các đại học Đức, mỗi chương trình có một trường đối tác ở quốc gia này. Vì thế, sinh viên có thể sang trường đối tác 1-2 học kỳ, kết quả học tập của các em sẽ được công nhận hoàn toàn. Nếu chọn học ở trường khác, Đại học Việt Đức sẽ công nhận những môn có trong chương trình.
“Lợi thế lớn nhất của các chương trình học trao đổi là trải nghiệm học tập mới mẻ, giúp sinh viên tiếp thu kiến thức, học hỏi kỹ năng, thay đổi tư duy và mở rộng quan hệ quốc tế”, tiến sĩ Dũng nói, cho biết sinh viên cũng có thể tìm được học bổng để học tiếp sau chuyến đi.
Để được tham gia, sinh viên cần có kết quả học tập và khả năng ngoại ngữ tốt, tùy yêu cầu của từng chương trình trao đổi. Với những chương trình mà số sinh viên đăng ký vượt chỉ tiêu, thông thường, các trường phải chọn dựa theo điểm học tập, rèn luyện, thành tích tham gia các hoạt động xã hội, đoàn thể.
Mai và Lan Anh cho hay chương trình mà hai em tham gia đều có học bổng. Mai nhận được học bổng TL-Stiftung (một công ty ở Đức) trị giá 5.200 Euro (hơn 130 triệu đồng), giúp trang trải mọi chi phí sinh hoạt, di chuyển. Chuyến đi của Lan Anh thì được học bổng của chương trình trao đổi học thuật của Chính phủ Canada trị giá 10.200 CAD (gần 180 triệu đồng), chi trả toàn bộ vé máy bay, chi phí sinh hoạt và di chuyển.
Tuy nhiên, nếu không có học bổng thì sinh viên nên cân nhắc chi phí sinh hoạt, di chuyển. Theo cán bộ về hợp tác quốc tế tại một trường đại học ở phía Nam, chi phí sinh hoạt cho các chuyến trao đổi một học kỳ trung bình 3.500 USD (83 triệu đồng) với các nước châu Á và 5.500 USD (trên 130 triệu đồng) nếu đi châu Mỹ và châu Âu. “Đa phần cũng phải có điều kiện một chút mới đi được. Nếu không, các em phải xin học bổng nhưng rất cạnh tranh”, người này nói.
Ngoài ra, sinh viên còn cần lưu ý về tiến độ học tập, bởi số tín chỉ được công nhận sẽ tùy theo chương trình đào tạo giữa trường cử đi và trường tiếp nhận, thậm chí có thể không được công nhận tín chỉ nào.
Để có thêm cơ hội cho sinh viên đi trao đổi, trường Đại học Hà Nội cho hay sẽ mở những ngành đào tạo mới và tăng cường chất lượng đào tạo. Trong khi đó, trường Đại học Kinh tế quốc dân đang mở rộng quan hệ hợp tác với các trường đại học ở châu Âu, Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản. Sinh viên của trường sẽ có thêm cơ hội được cấp học bổng để đi học trao đổi ở nước ngoài.
Cả Mai và Lan Anh đều cho rằng lợi ích lớn từ chương trình trao đổi khiến các em sẵn sàng chấp nhận việc đổi được ít tín chỉ và ra trường muộn hơn các bạn từ nửa học kỳ đến một năm. “Nhưng những gì em học được xứng đáng để đánh đổi”, Mai nói.
Bình Minh
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/sinh-vien-noi-nhieu-co-hoi-di-hoc-trao-doi-o-nuoc-ngoai-4551401.html