Công việc của Phong là nhân viên phục vụ trong một nhà hàng, mỗi ngày làm 8 tiếng. Đây là việc làm thêm của em từ khi ở Hậu Giang lên TP HCM nhập học vài tháng qua. Ngày thường, mỗi giờ làm việc Phong nhận được 27.000 đồng, nhưng từ ngày 23 tháng Chạp, em được tính thù lao gấp đôi. Theo Phong, trong ba ngày đầu tiên của Tết, em chỉ làm 6 tiếng, thù lao được được trả gấp bốn lần ngày thường (khoảng 650.000 đồng một ngày).
“Lương làm chục ngày đợt Tết khoảng 6 triệu, hơn cả tháng làm trước đây. Trước Tết, em đã về thăm nhà một lần nên muốn tranh thủ kiếm thêm, sau Tết em lại về chơi”, Hoàng Phong nói.
Tết năm nay, Quốc Tuấn, sinh viên năm thứ ba, trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cũng chọn làm thêm xuyên Tết, thay vì về quê ở Ninh Thuận. Khi bạn bè lục đục rời thành phố từ hai tuần trước, Tuấn nhận những công việc như quét sơn, vệ sinh công nghiệp, phụ hồ, bốc vác qua một nhóm đã quen từ trước. Trung bình, mỗi ngày thù lao của Tuấn khoảng 450.000 đồng. Đến 27 Tết, những công việc này cũng vãn dần, em tìm thêm việc giữ xe cho những cửa hàng còn mở cửa.
Quê tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội, Nguyễn Mai Kiều Khanh, sinh viên năm cuối, trường Đại học Mỏ – Địa chất, kết thúc ca làm việc cuối cùng của mình ở một siêu thị vào tối 20/1 (29 âm lịch). Công việc của Khanh là nhân viên ở quầy rau củ, cân hàng, dán tem và hỗ trợ khách các công việc khác. Nữ sinh cho biết mỗi ca làm việc kéo dài 8 tiếng, có thể chọn sáng, chiều hoặc ca gẫy (ca làm từ giữa buổi). Mỗi ca, Khanh được trả 200.000 đồng hoặc hơn, tùy thời điểm, tổng cộng tháng sát Tết, em nhận khoảng 7 triệu đồng.
Lý do làm thêm dịp Tết, theo cả ba sinh viên là vì muốn có thêm thu nhập trang trải học phí và hỗ trợ bố mẹ một khoản do Tết phải chi tiêu nhiều.
“Nhìn bạn bè kéo hành lý về quê, em cũng chạnh lòng, nhưng hoàn cảnh khó khăn nên phải cố gắng”, Tuấn nói, cho biết quê ở Ninh Thuận, gia đình có 5 anh chị em, bố mẹ rất vất vả. Còn Khanh dự tính đưa mẹ một khoản, đổi tiền để lì xì và mua ít bánh kẹo ở siêu thị để cả nhà dùng trong dịp Tết.
Trong khi đó, dù gia đình không quá túng thiếu, nhưng Hoàng Phong vẫn muốn tự trang trải cuộc sống ở thành phố. Nam sinh quê Hậu Giang cho rằng không nhất thiết phải về quê vào dịp Tết bởi khoảng cách tương đối gần TP HCM, em có nhiều dịp về thăm gia đình. “Nghe em báo Tết này không về, ban đầu ba mẹ không đồng ý. Nhưng em thuyết phục rằng làm dịp này lương cao, sau Tết về chơi tiết kiệm hơn”, Phong nói.
Ngoài thu nhập, Kiều Khanh và Hoàng Phong nhận định việc làm thêm giúp các em học cách quản lý, sắp xếp thời gian, cải thiện khả năng giao tiếp, sự kiên nhẫn và cách xử lý tình huống. Khanh đánh giá đây đều là những kỹ năng cần thiết với sinh viên năm cuối như em. Năm ngoái, nữ sinh cũng đi phát tờ rơi đến 28 âm lịch, làm trợ giảng tiếng Anh trong cả năm học.
Dù vậy, Khanh cho rằng nên cẩn trọng, tìm hiểu kỹ về địa điểm hoặc tổ chức cung cấp vị trí việc làm. “Thông tin đăng tuyển rất nhiều, nhưng cần tỉnh táo chọn lọc, kiểm tra thực tế. Không nên làm ở những nơi không có hợp đồng, hoặc không tìm được địa chỉ rõ ràng”, Khanh nói. Còn Phong và Tuấn chọn công việc, người giới thiệu đã quen từ trước để tránh rủi ro như nợ lương, quỵt lương.
TS Lê Xuân Thành, Trưởng phòng Công tác chính trị – Sinh viên, trường Đại học Mỏ – Địa chất, cho biết theo khảo sát sơ bộ, số sinh viên của trường làm thêm vào dịp Tết năm nay giảm khoảng 60% với năm ngoái. Ông Thành lý giải có thể do hai dịp nghỉ Tết dương lịch và âm lịch khá gần nhau, xen giữa lại là đợt thi kết học kỳ I. Ngoài ra, theo ông Thành, hiện có nhiều việc làm thêm từ xa, sinh viên vẫn có thể về nhà để làm, không nhất thiết ở lại.
Theo thạc sĩ Trịnh Hữu Chung, Phó hiệu trưởng trường Đại học Gia Định, Tết năm nay cả trường có 103 sinh viên ở lại thành phố. Trong đó, khoảng 19 em đi làm thêm dịp Tết để trang trải sinh hoạt, phụ giúp gia đình. Để hỗ trợ sinh viên tìm việc làm thêm uy tín, Trung tâm Trải nghiệm và Việc làm sinh viên của trường đã kết nối các doanh nghiệp cần lao động thời vụ dịp Tết và sinh viên có nhu cầu. Một số sinh viên có việc làm tốt, lương cao trong đợt Tết.
Tại trường Đại học Tôn Đức Thắng, đại diện nhà trường cho biết thường xuyên đăng tải việc làm thời vụ từ các đối tác tin cậy để hỗ trợ sinh viên. Tuy nhiên, phần lớn vẫn chủ động tìm việc làm. Trường chỉ lưu ý sinh viên nên bỏ qua những thông tin tuyển dụng không rõ ràng, tốt nhất là tìm những công việc, doanh nghiệp đã từng làm hoặc được bạn bè, người quen giới thiệu.
Vì ở lại làm thêm, một số sinh viên sẽ đón Tết trong ký túc xá. Nhiều trường đã tặng quà và tổ chức một số hoạt động ngày Tết để động viên tinh thần các em.
Ngày 26 tháng Chạp, ban giám hiệu trường Đại học Gia Định đến tận nơi làm thêm của sinh viên để chúc Tết. Trước đó, trường cũng tổ chức chương trình Vui Tết xa nhà gồm nhiều hoạt động như lì xì, hái lộc, gói bánh tét, một số trò chơi dân gian cho những sinh viên không về quê.
Trung tâm Quản lý Ký túc xá Đại học Quốc gia TP HCM họp mặt chúc Tết, tặng quà cho 60 sinh viên từ hôm 22 tháng Chạp, gồm một triệu đồng tiền mặt và quà trị giá 300.000 đồng. Lãnh đạo Trung tâm sẽ đến tận phòng ở chúc Tết và lì xì cho sinh viên vào mùng 1 Tết.
Nhận quà và sự động viên của nhà trường, Quốc Tuấn cảm thấy được an ủi phần nào. Sau khi các bạn cùng phòng về quê, em được ở ghép với hai bạn khác cũng ở lại thành phố làm thêm dịp Tết. “Có bạn cùng cảnh xa nhà nên em cũng đỡ buồn, tủi thân”, nam sinh nói, dự tính đêm giao thừa sẽ gọi điện về cho ba mẹ để cảm nhận không khí Tết của gia đình.
Nhật Lệ – Thanh Hằng
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/sinh-vien-lam-them-kiem-6-7-trieu-dong-dip-tet-4562467.html