Cuối tháng 3, dự án tranh mosaic, loại tranh được tạo thành nhờ kết hợp nhiều mảnh ghép, của nhóm PIXME giành giải nhất cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp (SV Startup) do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.
PIXME có năm thành viên, gồm Hoàng Hải Quyên, Nguyễn Hữu Phong, Hoàng Nguyễn Minh Giang, Nguyễn Minh Anh và Cao Thế Phong, đều là sinh viên năm hai và ba khoa Nội thất, trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.
Hải Quyên, người sáng lập dự án, cho biết ý tưởng bắt nguồn từ đề tài nghiên cứu khoa học, được nữ sinh thực hiện vào đầu năm 2022. Khi đó, Quyên nghiên cứu về chất liệu mosaic trong thiết kế nội thất. Nhận thấy tiềm năng của tranh mosaic khi được cá nhân hoá, PGS.TS Vũ Hồng Cương, Trưởng khoa Nội thất, và một số thầy cô đã động viên, hỗ trợ Quyên lập nhóm, phát triển nghiên cứu này thành ý tưởng khởi nghiệp.
Để làm tranh, cả nhóm cần tìm được chất liệu phù hợp. Lúc đầu, các thành viên thử nghiệm với giấy dó và mica, nhưng thất bại. Trưởng nhóm Hữu Phong cho biết mica không bền, dễ bị chảy khi trời nắng, còn giấy dó dễ bong. Vì thế, nhóm tìm tới những vật liệu cứng, dễ tạo hình hơn là gốm, thuỷ tinh, kính và thấy khả thi.
Giải quyết xong phần chất liệu, các thành viên tiếp tục gặp khó khăn với bước thiết kế ảnh. Quyên giải thích, do hướng tới tính cá nhân hoá, nhóm để khách hàng chọn ảnh chân dung hoặc phong cảnh yêu thích, sau đó chuyển ảnh gốc sang hình ảnh đồ hoạ dạng mosaic rồi mới thực hiện sản phẩm.
“Công đoạn này đòi hỏi tư duy thiết kế, kỹ năng sử dụng phầm mềm chỉnh sửa ảnh, trong khi đây không phải thế mạnh của sinh viên nội thất như bọn mình”, Quyên nói.
Ngoài ra, việc chọn số lượng viên mosaic cũng là thử thách. Chẳng hạn, một bức tranh được ghép từ 128 viên mosaic sẽ thể hiện được nhiều chi tiết, đường nét hơn so với 64 viên. Tuy nhiên, việc này còn phụ thuộc vào kích thước tranh. Theo Hữu Phong, không phải lúc nào sử dụng nhiều mosaic cũng tốt, nhóm cần tính toán để dùng vừa đủ, nhằm kích thích tư duy hình ảnh, đồng thời tạo sự độc đáo cho bức tranh.
Sản phẩm đầu tiên của PIXME là bức tranh một con mèo, kích thước 40 x 40 cm được ghép từ các viên mosaic bằng gốm. Nhận phản hồi rằng đường nét bức tranh khó nhìn, nhóm đã thu nhỏ kích thước mảnh ghép, giảm từ 1,5 cm xuống 1 cm, để thể hiện tốt các chi tiết hơn.
Cuối năm 2022, dự án rơi vào vào khủng hoảng vì thiếu vốn. Lúc đó, để hoàn thành hồ sơ tham dự SV Startup, nhóm cần có tối thiểu năm sản phẩm, nhưng mới làm được một. “Thực sự lúc đó bọn mình đã định bỏ cuộc”, Quyên nhớ lại.
Để vượt qua giai đoạn khó khăn, các thành viên tìm đến sự giúp đỡ của gia đình, được hỗ trợ hơn 50 triệu đồng. Có vốn, trong hơn một tuần trước khi hết hạn nộp hồ sơ, cả nhóm huy động toàn bộ nhân lực để hoàn thành đủ số sản phẩm mà ban tổ chức yêu cầu.
Khi dự án được biết đến nhiều hơn, PIXME bắt đầu nhận được tài trợ về nguyên vật liệu, xưởng gia công và tiền mặt. Tháng 1/2023, nhóm bán được sản phẩm đầu tiên, là tranh chân dung lãnh đạo của một công ty. Bức tranh được làm bằng kính, kích thước 80×100 cm, giá 10 triệu đồng.
Quyên cho biết khi muốn đặt hàng, khách liên hệ với nhóm và đưa hình ảnh. Dựa theo mong muốn của người đặt, nhóm sẽ tư vấn chất liệu, kích thước tranh và số lượng viên mosaic phù hợp. Hiện, một bức tranh mosaic gốm mất khoảng một tuần để hoàn thành, chất liệu kính sẽ nhanh hơn, khoảng bốn ngày đổ lại. Ngoài tranh treo tường, nhóm còn thiết kế các bộ sản phẩm tự làm cho trẻ em, tương tự các bộ lắp ghép. Đến nay, PIXME đã bán được 15 tranh, thu được khoảng 60 triệu đồng.
Theo các thành viên, nhiều doanh nghiệp đã làm tranh mosaic, nhưng các sản phẩm của PIXME khác biệt do có tính cá nhân hoá, chất liệu đa dạng. Trên thế giới có một số thương hiệu vẽ hoặc làm tranh mosaic trên tường, nhưng giá hàng ngàn USD. Trong khi sản phẩm của sinh viên Kiến trúc có giá từ vài trăm nghìn đồng, tính ứng dụng cao bởi có thể trang trí tại nhà, nơi làm việc.
Tham gia SV Startup, Phong thành thật “chỉ mong được giải ba”. Do đó, giây phút được xướng tên tại vị trí cao nhất cho lĩnh vực Kinh doanh tạo tác động xã hội, Phong và Quyên “nhảy cẫng vì vui mừng”.
Suốt một năm xây dựng và theo đuổi dự án, Quyên cảm thấy may mắn do lịch học trên trường không quá áp lực. Đều là sinh viên ngành Nội thất, nhóm đã ứng dụng tư duy thiết kế, kiến thức về màu sắc và hình ảnh – những phần thuộc chương trình chính khóa khi làm dự án. Ngoài ra, các thành viên học được thêm kỹ năng làm việc nhóm và mở rộng quan hệ xã hội.
Thầy Vũ Hồng Cương, người đồng hành cùng nhóm, đánh giá việc thương mại hoá tranh mosaic là khả thi, nhất là khi sản phẩm được cá nhân hoá. Về các học trò, thầy Cương nhận xét đã có sự trưởng thành rõ rệt trong quá trình đưa dự án tranh mosaic từ giấy đến sản phẩm hoàn thiện.
“Ngoài kiến thức trên lớp được vận dụng, các em đã có thêm kinh nghiệm giao tiếp, gọi vốn, làm việc với các đối tác, nhà tài trợ, hiểu thêm về lĩnh vực kinh doanh”, thầy Cương nói.
Trở về từ cuộc thi, Quyên cho biết thời điểm này nhóm tập trung trả các đơn hàng đã được đặt. Sau đó, các thành viên sẽ nghiên cứu, tìm nguyên liệu mới để đa dạng chất liệu tranh. Quyên bật mí một nhà đầu tư đã xác nhận rót vốn để đưa sản phẩm tranh mosaic ra thị trường một cách rộng rãi hơn.
“Sản phẩm đã được đăng ký sở hữu trí tuệ. Mình và Phong cũng dự định học thêm một lớp về khởi nghiệp để mang đứa con tinh thần ra thị trường. Bọn mình không muốn dự án này chỉ dừng ở cuộc thi”, Quyên nói.
Thanh Hằng
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/sinh-vien-kien-truc-khoi-nghiep-voi-tranh-mosaic-4590051.html