Giải bài tập Sinh 10 Bài 11: Tổng hợp và phân giải các chất trong tế bào sách Cánh diều giúp các em học sinh lớp 10 hiểu được kiến thức về mối quan hệ giữa tổng hợp và phân giải các chất trong tế bào. Đồng thời biết cách trả lời được các bài tập Sinh 10 trang 67 →72.
Giải Sinh 10 Bài 11 sách Cánh diều là tài liệu vô cùng hữu ích dành cho giáo viên và các em học sinh tham khảo, đối chiếu với lời giải hay, chính xác nhằm nâng cao kết quả học tập của các em. Vậy sau đây là nội dung chi tiết soạn Sinh 10 Bài 11: Tổng hợp và phân giải các chất trong tế bào, mời các bạn cùng theo dõi và tải tại đây.
I. Tổng hợp các chất và tích luỹ năng lượng trong tế bào
Câu 1 trang 67
Nêu khái niệm tổng hợp các chất trong tế bào và ý nghĩa của quá trình tổng hợp đối với sinh vật.
Lời giải
– Khái niệm tổng hợp các chất trong tế bào: Tổng hợp các chất trong tế bào là quá trình chuyển hoá những chất đơn giản thành những chất phức tạp diễn ra trong tế bào với sự xúc tác của enzyme.
– Ý nghĩa của quá trình tổng hợp đối với sinh vật: Giúp hình thành các chất để xây dựng tế bào, đồng thời tích lũy năng lượng cho tế bào (năng lượng được tích lũy trong các hợp chất hữu cơ).
Câu 2 trang 68
Nêu khái niệm, ý nghĩa của quá trình quang tổng hợp.
Lời giải
– Khái niệm quang tổng hợp: Quang tổng hợp (quang hợp) là quá trình tế bào sử dụng năng lượng ánh sáng (NLAS) để tổng hợp chất hữu cơ từ vô cơ.
– Ý nghĩa của quá trình quang tổng hợp:
+ Chuyển năng lượng ánh sáng thành năng lượng hoá học tích lũy trong các hợp chất hữu cơ (C6H12O6) → Cung cấp nguồn năng lượng cho sự sống của sinh vật.
+ Sản phẩm của quá trình quang tổng hợp là nguyên liệu cho quá trình tổng hợp khác → Cung cấp vật chất cho sự sống của sinh vật.
+ Giải phóng O2 vào khí quyển → Cung cấp dưỡng khó cho sự sống của sinh vật.
Câu 3 trang 68
Quang tổng hợp ở thực vật diễn ra ở bào quan nào của tế bào và gồm những pha nào?
Lời giải
– Quang tổng hợp ở thực vật diễn ra ở bào quan lục lạp.
– Quang tổng hợp được chia làm hai pha: Pha phụ thuộc ánh sáng (pha sáng) và pha không phụ thuộc ánh sáng (chu trình Calvin).
Câu 4 trang 68
Cho biết vị trí, nguyên liệu, sản phẩm của pha sáng.
Lời giải
– Vị trí của pha sáng: Pha sáng xảy ra ở màng thylakoid của lục lạp.
– Nguyên liệu của pha sáng: H2O, ADP, Pi, NADP+, năng lượng ánh sáng.
– Sản phẩm của pha sáng: ATP, NADPH, H+, O2.
Câu 5 trang 68
Năng lượng ánh sáng được chuyển hóa như thế nào trong pha sáng?
Lời giải
Sự chuyển hóa năng lượng ánh sáng trong pha sáng là từ quang năng thành năng lượng hóa học trong ATP, NADPH: Trong pha sáng, các sắc tố quang hợp nằm trên màng thylakoid thu nhận năng lượng ánh sáng và chuyển cho trung tâm phản ứng. Trung tâm phản ứng tiếp nhận năng lượng trở thành dạng kích động và truyền electron cho các chất trong chuỗi truyền electron để tổng hợp ATP, NADPH.
Câu 6 trang 69
Các yếu tố nào của môi trường sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của pha sáng?
Lời giải
Các yếu tố của môi trường ảnh hưởng đến hiệu quả của pha sáng là:
– Ánh sáng: Ánh sáng cung cấp năng lượng cho quang hợp. Mỗi loài có nhu cầu ánh sáng không giống nhau. Ánh sáng mạnh hoặc yếu và thời gian chiếu sáng có thể làm quang hợp của cây tăng lên hoặc giảm đi.
– Hàm lượng nước: Nước là nguyên liệu cho pha sáng của quang hợp. Khi thiếu nước, pha sáng sẽ bị ngưng trệ.
– Nhiệt độ: Nhiệt độ ảnh hưởng đến sự hoạt động xúc tác của enzyme trong pha sáng. Khi nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp đều ảnh hưởng đến hoạt tính của các enzyme quang hợp khiến pha sáng nói riêng và quá trình quang hợp nói chung đều bị giảm hoặc ngưng trệ.
Câu 7 trang 69
Hãy cho biết nguyên liệu của chu trình Calvin. Các nguyên liệu đó đã được sử dụng để tổng hợp chất hữu cơ như thế nào?
Lời giải
– Nguyên liệu của chu trình Calvin gồm: CO2, ATP, NADPH, RuBP.
– Sự tổng hợp các chất hữu cơ từ các nguyên liệu trên trong pha tối: Trong pha tối, ATP và NADPH cung cấp năng lượng và điện tử tham gia khử phân tử CO2 thành C6H12O6.
+ Đầu tiên, ribulose bisphosphate (RuBP) kết hợp với CO2 tạo ra 3-phosphoglycerate (3PG).
+ 3PG được khử thành glyceraldehyde-3-phosphate (G3P) với sự tham gia của ATP và NADPH được tạo ra từ pha sáng.
+ Một phần G3P sẽ được sử dụng cho tái tạo RuBP, phần G3P còn lại sẽ sử dụng để tổng hợp glucose.
Câu 8 trang 69
Vì sao glucose được tạo ra từ quá trình quang hợp cần thiết cho tổng hợp nhiều hợp chất hữu cơ của tế bào?
Lời giải
Glucose được tạo ra từ quá trình quang hợp cần thiết cho tổng hợp nhiều hợp chất hữu cơ của tế bào vì: Glucose được tạo ra từ quá trình quang hợp có công thức hóa học là C6H12O6 sẽ cung cấp mạch “xương sống” carbon trong tổng hợp nhiều chất hữu cơ khác cho tế bào như amino acid, acid béo,…
Câu 9 trang 70
Nêu điểm giống nhau và khác nhau giữa quang tổng hợp và hóa tổng hợp.
Lời giải
– Giống nhau:
+ Đều là quá trình tổng hợp chất hữu cơ đặc trưng cho cơ thể từ các chất vô cơ.
+ Đều giai đoạn khử CO2 thành glucose.
– Khác nhau:
Quang tổng hợp |
Hóa tổng hợp |
Là quá trình chuyển hóa năng lượng ánh sáng thành năng lượng hóa học tích lũy trong các hợp chất hữu cơ. |
Là quá trình tế bào chuyển hóa năng lượng hóa học trong các chất vô cơ thông qua phản ứng oxi hóa – khử thành năng lượng tích lũy trong các hợp chất hữu cơ. |
– Cần phải có ánh sáng mặt trời. |
– Không cần có ánh sáng mặt trời. |
– Nước là nguyên liệu cho quá trình. |
– Nước là sản phẩm của quá trình. |
– O2 là sản phẩm của quá trình. |
– O2 là nguyên liệu cho quá trình. |
Câu 10 trang 71
Quang khử và quang tổng hợp giống và khác nhau ở những điểm nào?
Lời giải
– Giống nhau:
+ Đều tổng hợp chất hữu cơ (C6H12O6) đặc trưng cho cơ thể từ các chất vô cơ (có CO2).
+ Đều có sự hấp thụ năng lượng ánh sáng bằng các sắc tố quang hợp.
– Khác nhau:
Quang tổng hợp |
Quang khử |
– Diễn ra ở thực vật, tảo và một số vi khuẩn có khả năng quang tổng hợp. |
– Diễn ra ở một số vi khuẩn. |
– Vẫn diễn ra khi môi trường có O2. |
– Diễn ra khi môi trường không có O2. |
– H2O là nguyên liệu của quá trình. |
– H2O là sản phẩm của quá trình, nguyên liệu H2X không phải là H2O. |
– Có giải phóng khí O2. |
– Không giải phóng khí O2. |
Câu 11 trang 71
Các phân tử lớn như protein, lipid, tinh bột, cellulose, glycogen được tế bào tổng hợp có vai trò gì?
Lời giải
Các phân tử lớn như protein, lipid, tinh bột, cellulose, glycogen được tế bào tổng hợp có vai trò tham gia xây dựng tế bào và cơ thể, dự trữ năng lượng và tham gia thực hiện các hoạt động sống của tế bào:
– Protein tham gia cung cấp năng lượng, là nguyên liệu xây dựng tế bào, tham gia điều hòa hoạt động sống, vận chuyển các chất và bảo vệ cơ thể,…
– Lipid có vai trò cung cấp và dự trữ năng lượng, tham gia cấu trúc màng tế bào,…
– Tinh bột, cellulose, glycogen có vai trò cung cấp năng lượng, cấu tạo nên tế bào và các mô.
II. Phân giải các chất và giải phóng năng lượng trong tế bào
Câu 12 trang 71
Nêu khái niệm phân giải các chất trong tế bào. Quá trình phân giải có ý nghĩa gì đối với tế bào sinh vật?
Lời giải
– Khái niệm phân giải các chất trong tế bào: Phân giải các chất trong tế bào là quá trình chuyển hoá các chất phức tạp thành các chất đơn giản diễn ra trong tế bào nhờ sự xúc tác của các enzyme.
– Ý nghĩa của quá trình phân giải đối với tế bào sinh vật:
+ Giải phóng ra năng lượng cung cấp cho các hoạt động sống của tế bào.
+ Tạo ra các phân tử nhỏ là nguyên liệu cho quá trình tổng hợp.
Câu 13 trang 72
Hô hấp tế bào là gì? Hô hấp tế bào diễn ra ở đâu và gồm những giai đoạn nào?
Lời giải
– Khái niệm hô hấp tế bào: Hô hấp tế bào là chuỗi các phản ứng phân giải hợp chất hữu cơ (glucose) diễn ra trong tế bào. Thông qua các phản ứng này, hợp chất hữu cơ được phân giải thành CO2 và H2O, đồng thời giải phóng năng lượng tích lũy trong các phân tử ATP.
– Vị trí diễn ra của hô hấp tế bào: Ở sinh vật nhân thực, quá trình hô hấp tế bào diễn ra trong bào tương và ti thể.
– Quá trình hô hấp tế bào gồm 3 giai đoạn: đường phân; oxi hoá pyruvic acid và chu trình Krebs (chu trình citric acid; chuỗi truyền electron).
Câu 14 trang 72
Nêu ý nghĩa của hô hấp tế bào?
Lời giải
Ý nghĩa của hô hấp tế bào:
– Giải phóng năng lượng dễ sử dụng ATP cung cấp cho các hoạt động sống của tế bào và cơ thể.
– Giải phóng một phần năng lượng nhiệt giúp duy trì thân nhiệt của sinh vật.
– Các sản phẩm trung gian của quá trình phân giải cung cấp nguyên liệu cho quá trình tổng hợp.
Câu 15 trang 72
Đường phân diễn ra ở đâu và hình thành nên các sản phẩm nào?
Lời giải
– Vị trí diễn ra: Đường phân diễn ra ở tế bào chất.
– Sản phẩm của quá trình đường phân: Kết quả của quá trình đường phân là từ 1 phân tử glucose sẽ tạo ra 2 phân tử pyruvic acid, 2 phân tử ATP, 2 phân tử NADH (thực tế đã tạo ra 4 phân tử ATP nhưng sử dụng mất 2 ATP để hoạt hóa glucose).
Câu 16 trang 73
Giai đoạn oxi hóa pyruvic acid và chu trình Krebs diễn ra ở đâu và có những sản phẩm nào được hình thành?
Lời giải
– Vị trí diễn ra: Giai đoạn oxi hoá pyruvic acid và chu trình Krebs diễn ra ở chất nền ti thể.
– Sản phẩm của giai đoạn oxi hóa pyruvic acid và chu trình Krebs: Kết quả tạo ra các sản phẩm là 6 CO2, 2 ATP, 8 NADH, 2 FADH2.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Sinh học 10 Bài 11: Tổng hợp và phân giải các chất trong tế bào Giải Sinh 10 trang 67 sách Cánh diều của Pgdphurieng.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.