Sau khi tìm hiểu trên mạng, anh Linh đặt một hộp sạc có bảng mạch, giắc cắm, chỉ cần lắp thêm các lõi pin tích điện (cell pin) là có thể hoạt động. Anh mua 10 cell pin cũ ngoài chợ trời với giá 15.000 đồng mỗi viên. Tổng chi phí cho hộp sạc dự phòng dung lượng 30.000 mAh là 200.000 đồng, trong khi hàng chính hãng thường có giá trên một triệu đồng.
Tuy nhiên, ngay từ những lần sạc đầu, anh nhận thấy thiết bị tích điện kém, chỉ nạp được hai lần cho chiếc điện thoại có pin 4.000 mAh. Ngoài ra, vỏ hộp rất nóng, một vài cell pin xuất hiện vết xém đen ở đầu cực. Anh phải ngừng sử dụng do lo sợ sự cố.
Trong khi đó, Xuân Hiếu, thợ cơ khí tại Thái Bình, cho biết chiếc quạt tích điện của anh bị cháy sau khi thay hộp pin tự chế. Trước đó, cell pin cũ bị phồng vỏ nên anh tự mua pin mới để thay. “Tôi dùng hàn thiếc nối các cell pin mới với nhau, sau đó đấu vào bảng mạch hộp pin tích điện. Có thể quá trình này mắc sai sót dẫn đến chập cháy”, anh nói.
Trên Google Search, người dùng có thể tìm thấy hàng nghìn nội dung về hướng dẫn làm sạc dự phòng, hộp tích điện tại nhà, trong khi các linh kiện quan trọng như cell pin, bảng mạch, hộp bảo vệ cũng được bán số lượng lớn trên các trang thương mại điện tử. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo người dùng nên tránh tự chế sạc khi không có kiến thức và máy móc chuyên dụng.
Vì sao sạc tự chế dễ gây cháy nổ?
Ông Nguyễn Thế Anh, thợ đóng pin tại Phú Thọ, cho biết sạc dự phòng, hộp tích điện có nguyên lý hoạt động giống nhau, gồm phần pin và mạch bảo vệ. Pin tạo bởi các cell nhỏ và giữ vai trò tích trữ điện năng, còn mạch bảo vệ sẽ kiểm soát việc sạc, xả của pin.
Bước đầu tiên khi chế sạc là lựa chọn cell pin đã tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ nếu người dùng không có sự trợ giúp của máy móc. Ba thông số chính của pin gồm điện áp, nội trở và dung lượng không thể kiểm tra bằng cảm quan mà phải dùng máy chuyên dụng.
Lắp nhầm một cell pin cũ, chất lượng kém sẽ làm giảm khả năng tích điện của cả hộp sạc dù những cell pin khác còn tốt. Đây là lý do nhiều sạc dự phòng tự chế chỉ cung cấp được một phần nhỏ dung lượng tính toán. Ngoài ra, cell cũ có thể phát nổ vì quá tải.
“Cell pin mới của các thương hiệu lớn có cơ chế tự bảo vệ khi quá tải, trong khi nhiều cell pin cũ bị mất hoặc không có tính năng này”, ông Thế Anh cho hay.
Cũng theo ông, giá cell pin 18650 mới của Panasonic hay Samsung khá cao, dao động quanh 100.000 đồng một viên. Cell pin “tháo khối” – lấy từ các hộp sạc bị hỏng bảng mạch – là loại phổ biến trên thị trường cũng có giá 35.000-50.000 đồng mỗi viên. Do đó, người dùng nên cẩn trọng với các cell pin giá rẻ 12.000-20.000 đồng rao bán trên mạng.
Ông Đinh Xuân Quý, chủ cửa hàng thiết bị điện trên đường Nguyễn Xiển (Hà Nội), cho biết công đoạn tiếp theo là ghép cell pin thành khối cũng có thể gây cháy nổ. Thông thường, chúng được nối với nhau bằng máy hàn thông qua nẹp kim loại. Người thợ phải tuân thủ quy tắc về ghép nối tiếp, song song hoặc hỗn hợp.
“Các cell pin bị nối ngược dẫn tới đoản mạch và gây cháy. Trường hợp khách tự nối cell pin mà không có lớp bảo vệ đầu cực cũng tăng khả năng cháy nổ, tương tự với bước nối khối cell pin vào mạch bảo vệ”, ông nói.
Một số người dùng tự chế pin tích điện chỉ gồm khối pin và không có mạch bảo vệ do tiết kiệm hoặc không tìm thấy mạch phù hợp. Đa phần có nhu cầu sử dụng để cung cấp năng lượng cho thiết bị điện loại nhỏ như đèn pin, quạt cầm tay, máy bơm mini. Tuy nhiên, ông Quý cho rằng khi không có mạch bảo vệ, pin tích điện và sạc dự phòng không khác gì “bom nổ chậm”.
“Nếu sạc nhầm bằng nguồn có điện áp cao hoặc bị quá tải, thiết bị chắc chắn sẽ phát nổ”, ông khuyến cáo.
Với các loại sạc dự phòng có kiểu dáng, màu sắc và dung lượng đa dạng nhưng không rõ thương hiệu trên thị trường, các chuyên gia cho rằng chất lượng và độ an toàn của chúng phụ thuộc rất nhiều vào thợ lắp ráp. Dù có kiến thức và máy móc chuyên dụng, thợ vẫn có thể mắc sai lầm trong quá trình sản xuất số lượng nhiều. Do đó, người dùng nên chấp nhận chi thêm tiền để mua sạc pin từ thương hiệu uy tín.
Hoàng Giang
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/rui-ro-khi-tu-che-sac-du-phong-4636481.html