Trả lời:
Rối loạn tiền đình là một thuật ngữ chung dùng để chỉ tình trạng rối loạn, giảm hoặc mất của hệ thống tiền đình, một trong ba hệ thống chủ chốt giữ vai trò thăng bằng cho cơ thể. Có rất nhiều nguyên nhân gây rối loạn tiền đình, nhưng chủ yếu phân làm hai nhóm lớn là rối loạn tiền đình trung ương (ở não) và rối loạn tiền đình ngoại biên (ở tai).
Có hai dạng đột quỵ gồm đột quỵ não và đột quỵ tim. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, đột quỵ não có thể liên quan đến rối loạn tiền đình trung ương, không phải tiền đình ngoại biên. Tuy vậy, các cơn chóng mặt cấp tính do rối loạn tiền đình ngoại biên có thể khiến người bệnh quay cuồng, buồn nôn, mất thăng bằng dẫn đến té ngã. Té ngã làm tăng nguy cơ đột quỵ não, cũng như gây nguy hiểm đến tính mạng, chẳng hạn khi cơn chóng mặt đột ngột xuất hiện trong lúc người bệnh đang điều khiển phương tiện giao thông. Như vậy, bệnh lý tiền đình ngoại biên có thể coi là một yếu tố nguy cơ gián tiếp của đột quỵ não.
Rối loạn tiền đình ngoại biên thường gặp ở 90-95% bệnh nhân rối loạn tiền đình do nhiều nguyên nhân. Các nguyên nhân bao gồm chóng mặt tư thế kịch phát lành tính, viêm thần kinh tiền đình, bệnh Ménière, viêm mê nhĩ, rò ngoại dịch, u dây thần kinh tiền đình ốc tai…
Các biểu hiện lâm sàng đa dạng tùy thuộc theo nguyên nhân. Nó có thể là các cơn chóng mặt thoáng qua, chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn, xuất hiện khi thay đổi tư thế như lắc đầu, từ tư thế nằm chuyển sang ngồi. Hoặc tình trạng chóng mặt thật nặng và kéo dài, người bệnh không thể đi đứng hay thay đổi từ nằm sang ngồi được.
Ngoài chóng mặt dữ dội, các bệnh nhân nặng còn xuất hiện các triệu chứng đi kèm như nôn ói nhiều và kéo dài, ù tai, giảm thính lực, nặng đầu, khó tập trung, rối loạn vận mạch khiến da tái xanh. Tình trạng giảm nhịp tim, vã mồ hôi, té ngã gây chấn thương do không kiểm soát được thăng bằng.
Bệnh tiền đình ngoại biên và rối loạn tiền đình nói chung nên được quản lý tốt nhằm hạn chế các rủi ro và phòng bệnh tiến triển nặng. Hiện nay, khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh có hệ thống máy đo chức năng tiền đình với ảnh động nhãn đồ giúp chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây rối loạn tiền đình ở tai (ngoại biên) hay ở não (trung ương), từ đó bác sĩ có thể đưa ra phương pháp điều trị phù hợp, triệt để.
Người bị rối loạn tiền đình nên đến thăm khám tại các bệnh viện uy tín có phòng đo chức năng tiền đình, để được điều trị chuyên sâu với các kỹ thuật hiện đại và các bài tập phục hồi chức năng tiền đình chuyên biệt.
ThS.BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng
Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/roi-loan-tien-dinh-co-gay-dot-quy-khong-4592020.html