Ngày 16/07/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 24/2021/QĐ-TTg về việc quy định quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm và quy trình xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022-2025.
Theo đó, quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo định kỳ hàng năm như sau:
- Lập danh sách hộ gia đình cần rà soát;
- Tổ chức rà soát, phân loại hộ gia đình; tổ chức họp dân để thống nhất kết quả rà soát;
- Niêm yết, thông báo công khai
- Báo cáo, xin ý kiến của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và công nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 24/2021/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 16 tháng 7 năm 2021 |
QUYẾT ĐỊNH 24/2021/QĐ-TTg
QUY ĐỊNH QUY TRÌNH RÀ SOÁT HỘ NGHÈO, HỘ CẬN NGHÈO HẰNG NĂM VÀ QUY TRÌNH XÁC ĐỊNH HỘ LÀM NÔNG NGHIỆP, LÂM NGHIỆP, NGƯ NGHIỆP VÀ DIÊM NGHIỆP CÓ MỨC SỐNG TRUNG BÌNH GIAI ĐOẠN 2022 – 2025
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015:
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ khoản 2 Điều 37 Luật Cư trú ngày 13 tháng 11 năm 2020;
Căn cứ Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm và quy trình xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022 – 2025.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Quyết định này quy định quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm và quy trình xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022 – 2025.
2. Đối tượng áp dụng
a) Hộ gia đình trên phạm vi cả nước.
b) Các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân tham gia công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình.
Điều 2. Phương pháp rà soát, xác định tiêu chí đo lường nghèo đa chiều
1. Phương pháp rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo là phương pháp khảo sát thu thập thông tin của hộ gia đình để ước lượng thu nhập và xác định mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo, hộ cận nghèo bảo đảm phù hợp với chuẩn nghèo theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025.
2. Phương pháp xác định hộ lâm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình là phương pháp xác định thu nhập của hộ gia đình trong vòng 12 tháng trước thời điểm rà soát, không tính khoản trợ cấp hoặc trợ giúp xã hội từ ngân sách nhà nước vào thu nhập của hộ gia đình.
Điều 3. Thời gian rà soát, xác định
1. Thời gian rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm như sau:
a) Định kỳ mỗi năm 01 lần: thực hiện từ ngày 01 tháng 9 đến hết ngày 14 tháng 12 của năm.
b) Thường xuyên hằng năm: mãi tháng 01 lần, thực hiện từ ngày 15 hằng tháng.
2. Thời gian xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình thực hiện từ ngày 15 hằng tháng
Điều 4. Quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo định kỳ hằng năm
1. Lập danh sách hộ gia đình cần rà soát
Ban Chỉ đạo rà soát cấp xã chủ trì, phối hợp với thôn, tổ dân phố, bản, buôn, khóm, ấp (viết tắt là thôn) và rà soát viên lập danh sách hộ gia đình cần rà soát, gồm:
a) Hộ gia đình thuộc danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo do Ủy ban nhân dân cấp xã đang quản lý tại thời điểm rà soát;
b) Hộ gia đình có Giấy đề nghị rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này.
2. Tổ chức rà soát, phân loại hộ gia đình
Ban Chỉ đạo rà soát cấp xã chủ trì, phối hợp với trưởng thôn và rà soát viên thu thập thông tin hộ gia đình, tính điểm, tổng hợp và phân loại hộ gia đình.
3. Tổ chức họp dân để thống nhất kết quả rà soát
a) Thành phần cuộc họp: Ban Chỉ đạo rà soát cấp xã, công chức được giao nhiệm vụ làm công tác giảm nghèo cấp xã, Trưởng thôn (chủ trì họp), Bí thư Chi bộ thôn, đoàn thể, rà soát viên và một số đại diện hộ gia đình qua rà soát, hộ gia đình khác; mời đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã giám sát.
b) Nội dung cuộc họp: Lấy ý kiến thống nhất của ít nhất 50% tổng số người tham dự cuộc họp về kết quả đánh giá, tính điểm đối với các hộ gia đình qua rà soát (chủ yếu tập trung vào các hộ nghèo, hộ cận nghèo mới phát sinh và hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo). Trường hợp ý kiến thống nhất dưới 50%, thực hiện rà soát lại theo quy định tại khoản 2, điểm a và b khoản 3 Điều này.
c) Kết quả cuộc họp được lập thành 02 biên bản, có chữ ký của chủ trì, thư ký cuộc họp và đại diện của các hộ dân (01 bán lưu ở thôn, 01 bản gửi Ban Chỉ đạo rà soát cấp xã).
4. Niêm yết, thông báo công khai
a) Niêm yết công khai kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo tại nhà văn hóa hoặc nhà sinh hoạt cộng đồng thôn và trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã; thông báo qua đài truyền thanh cấp xã (nếu có) trong thời gian 03 ngày làm việc.
b) Trong thời gian niêm yết, thông báo công khai, trường hợp có khiếu nại của người dân, Ban Chỉ đạo rà soát cấp xã tổ chức phúc tra kết quả rà soát theo đúng quy trình rà soát trong thời gian không quá 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại; niêm yết công khai kết quả phúc tra tại nhà văn hóa hoặc nhà sinh hoạt cộng đồng thôn và trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời gian 03 ngày làm việc.
c) Hết thời hạn niêm yết công khai và phúc tra (nếu có), Ban Chỉ đạo rà soát cấp xã tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã về danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo và danh sách hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo (sau khi rà soát).
5. Báo cáo, xin ý kiến của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện
a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo bằng văn bản, gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện về kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn.
b) Trong thời gian 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có ý kiến trả lời bằng văn bản.
6. Công nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, quyết định công nhận danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo và danh sách hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo trên địa bàn theo Mẫu số 02 và cấp Giấy chứng nhận cho hộ nghèo, hộ cận nghèo theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này.
Điều 5. Quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo thường xuyên hằng năm
1. Hộ gia đình có giấy đề nghị rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc giấy đề nghị công nhận hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo theo Mẫu số 04 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này, nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ đạo Ban Chỉ đạo rà soát cấp xã thực hiện rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo thường xuyên theo quy trình quy định tại khoản 2, 3 và 4 Điều 4 Quyết định này: quyết định công nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo; cấp Giấy chứng nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày bắt đầu rà soát theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 Quyết định này. Trường hợp không đủ điều kiện theo quy định, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Điều 6. Quy trình xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình
1. Hộ gia đình quy định tại khoản 2 Điều 37 Luật Cư trú làm việc trong các lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp và diêm nghiệp có giấy đề nghị xác nhận hộ có mức sống trung bình theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này, nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ đạo Ban Chỉ đạo rà soát cấp xã tổ chức xác định thu nhập của hộ gia đình; niêm yết, thông báo công khai kết quả tại trụ sở xã trong thời gian 05 ngày làm việc, tổ chức phúc tra trong thời gian 03 ngày làm việc (nếu có khiếu nại) và quyết định công nhận hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày bắt đầu rà soát theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Quyết định này. Trường hợp không đủ điều kiện theo quy định, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Điều 7. Chế độ báo cáo
1. Ngày 05 hằng tháng (từ tháng 02 đến tháng 9), Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo thường xuyên trên địa bàn (nếu có). Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
2. Trước ngày 15 tháng 11 hằng năm, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội báo cáo kết quả sơ bộ rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo định kỳ hàng năm trên địa bàn về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
3. Trước ngày 20 tháng 12 hằng năm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo chính thức kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo định kỳ hằng năm trên địa bàn về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Điều 8. Kinh phí thực hiện
Kinh phí thực hiện rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm và xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022 – 2025 do ngân sách nhà nước bảo đảm theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Điều 9. Trách nhiệm của các bộ, ngành ở trung ương
1. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
a) Ban hành văn bản hướng dẫn theo quy trình, thủ tục rút gọn về phương pháp rà soát, phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo; xác định thu nhập của hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình và mẫu biểu, báo cáo.
b) Chỉ đạo, tập huấn, hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm và quy trình xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022 – 2025.
c) Tổng hợp, công bố kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm trên toàn quốc.
d) Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về hộ nghèo, hộ cận nghèo; tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao cho các địa phương thực hiện.
2. Bộ Tài chính chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương trong việc bảo đảm kinh phí thực hiện công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình.
3. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương trong việc tổng hợp, báo cáo về hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình.
4. Các bộ, ngành liên quan phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện Quyết định này.
5. Đề nghị Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giám sát việc thực hiện quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm và quy trình xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022 – 2025.
Điều 10. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp
1. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:
a) Thành lập Ban Chỉ đạo rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cấp tỉnh do lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm Trưởng ban, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội làm Phó Trưởng ban, thành viên là lãnh đạo các Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo Cục Thống kê, Ngân hàng Chính sách xã hội, cơ quan, đơn vị liên quan.
Ban Chỉ đạo rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cấp tỉnh giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:
– Xây dựng kế hoạch tổ chức rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm trên địa bàn.
– Tổ chức tập huấn quy trình và bộ công cụ rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm và quy trình xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn.
– Chỉ đạo, tổ chức rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm và xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn; theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện.
b) Ban hành và chỉ đạo triển khai kế hoạch rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm trên địa bàn.
c) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức thực hiện kế hoạch rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn.
d) Tổng hợp, phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm trên địa bàn và báo cáo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội theo quy định tại Điều 7 Quyết định này.
đ) Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc rà soát, quản lý hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có mức sống trung bình trên địa bàn.
2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện
a) Thành lập Ban Chỉ đạo rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cấp huyện do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện làm Trưởng ban, lãnh đạo cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội làm Phó Trưởng ban, thành viên là lãnh đạo các đơn vị: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Giáo dục, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bộ phận Thống kê, phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện và các cơ quan, đơn vị liên quan.
Ban Chỉ đạo rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cấp huyện giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện:
– Xây dựng kế hoạch rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm trên địa bàn.
– Tổ chức tập huấn quy trình và bộ công cụ rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm và quy trình xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn.
– Chỉ đạo tổ chức rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm và xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn; theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện.
b) Ban hành và chỉ đạo triển khai kế hoạch rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm trên địa bàn.
c) Chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn.
d) Có ý kiến về báo cáo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã; tổng hợp, phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm trên địa bàn và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại Điều 7 Quyết định này.
đ) Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc rà soát, quản lý hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có mức sống trung bình trên địa bàn.
3. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã
a) Thành lập Ban Chỉ đạo rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cấp xã do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã làm Trưởng ban; công chức được giao nhiệm vụ làm công tác giảm nghèo cấp xã làm Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; công chức được giao nhiệm vụ làm công tác tài chính, y tế, giáo dục, xây dựng, thông tin và truyền thông, nông nghiệp và phát triển nông thôn, các trưởng thôn trên địa bàn và cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội được phân công theo dõi tại xã làm thành viên.
Ban Chỉ đạo rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cấp xã giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã:
– Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn.
– Phổ biến, tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, yêu cầu của công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm trên các phương tiện truyền thông; chủ động phát hiện hộ gia đình gặp khó khăn, biến cố rủi ro trong năm để hướng dẫn hộ gia đình đăng ký rà soát.
– Tổ chức lực lượng rà soát viên thực hiện công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn.
– Tổ chức thực hiện rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm và xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn theo quy định.
b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định công nhận danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo; danh sách hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo và cấp Giấy chứng nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo; công nhận hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình.
c) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện về kết quả rà soát nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo trên địa bàn theo quy định tại Điều 7 Quyết định này.
d) Tổ chức xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình khi nhận được giấy đề nghị của hộ gia đình.
d) Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc rà soát, quản lý hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có mức sống trung bình trên địa bàn.
Điều 11. Hiệu lực thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 9 năm 2021.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
……………….
Tải file tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết Quyết định
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Quyết định 24/2021/QĐ-TTg Quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo của Pgdphurieng.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.