Pin là bộ phận quan trọng đối với một chiếc laptop, giúp người dùng có thể mang thiết bị đi mọi nơi để sử dụng mà không quá phụ thuộc vào việc cắm sạc. Vậy bạn có biết chính xác pin laptop là gì và chúng có bao nhiêu loại không? Cùng tìm hiểu ngay nhé!
Pin laptop là gì?
Pin là một bộ phận thuộc phần cứng có chức năng cung cấp năng lượng cho laptop hoạt động mà không cần phải cắm điện trực tiếp để sử dụng như các loại máy tính để bàn.
Bộ phận này lưu trữ năng lượng dưới dạng hóa học, ngoài laptop ra thì pin cũng là một trang bị quan trọng trên hầu hết các loại thiết bị cầm tay khác như: điện thoại, máy tính bảng,…
Pin laptop được cấu tạo bao gồm những phần như sau:
- Cell: Mỗi Cell là một viên pin nhỏ, thường là loại Li-ion hoặc Li-po.
- Bo mạch: Là phần chứa các thông tin giúp cho laptop có thể nhận biết được viên pin phù hợp. Đồng thời, đây cũng là nơi chứa các mạch bảo vệ, mạch sạc, chip nguồn, role, đầu tiếp xúc để truyền năng lượng cho thiết bị hoạt động.
- Vỏ: Bộ phận này có nhiệm vụ liên kết và bảo vệ các cell pin, mạch điện thành một khối thống nhất.
Nguyên lý hoạt động
Pin laptop lưu trữ điện năng dưới dạng hóa học và truyền vào thiết bị thông qua các mấu nối. Bên cạnh đó, bộ phận này có thể sạc lại được khi năng lượng cạn, khác với loại pin trong các sản phẩm như: đồng hồ đeo tay, đồng hồ treo tường,…
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là pin laptop có thể sử dụng được mãi mãi. Bởi qua nhiều lần sạc thì viên pin sẽ bị hao mòn, hay ta thường gọi là hiện tượng “chai pin”, khiến thời lượng sử dụng bị sụt giảm hoặc không thể sạc được nữa.
Sự tương quan giữa cell pin và thời gian sử dụng
Xét về mặt lý thuyết, một viên pin laptop có càng nhiều cell pin thì đồng nghĩa với dung lượng càng lớn và thời gian sử dụng pin lâu hơn, điều này hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, trong thực tế thời gian sử dụng pin còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau.
Ngoài thông số cell, những yếu tố cũng quan trọng không kém quyết định đến thời gian sử dụng pin trên laptop còn nằm ở hiệu suất xử lý của CPU, các tính năng tiết kiệm pin thông minh được trang bị trên mỗi sản phẩm cụ thể.
Chính vì những lý do đó, khi chọn mua một chiếc laptop, bên cạnh việc quan tâm đến các thông số kỹ thuật của viên pin, số cell,… thì bạn cũng cần chú trọng đến các công nghệ khác được trang bị để có được sự lựa chọn phù hợp nhất.
Các loại pin laptop phổ biến
Pin Niken-Cadmium
Niken-Cadmium được phát minh vào năm 1899, là loại pin sạc được và sử dụng cho các thiết bị như laptop, máy khoan,… Loại pin này có 2 đầu điện cực: đầu âm làm từ Cadimi, đầu dương làm từ Niken Hydroxit và bên trong chứa dung dịch điện giải thường là Kali Hydroxit.
Ưu điểm lớn của pin Niken-Cadmium là chúng có độ bền cao, điện áp đầu ra nhất quán. Ngoài ra, loại pin này có thể chứa được nhiều điện năng hơn, cũng như có thể hoạt động tốt trong các điều kiện khắc nghiệt so với các loại pin khác.
Tuy nhiên, loại pin có nhược điểm là chúng rất độc hại và gây ô nhiễm môi trường. Hơn nữa, giá thành của pin Niken-Cadmium cũng khá cao khiến giá thành laptop tăng lên, đồng thời loại pin này cũng tỏa nhiệt lớn khi hoạt động, gây ảnh hưởng đến việc sử dụng thiết bị.
Pin Niken Hiđrua kim loại
Pin Niken Hiđrua kim loại (NiMH) cũng là một loại pin có thể sạc được, tương tự như Niken-Cadmium. Nhưng điểm khác biệt chính là loại pin này sử dụng dung dịch điện giải Hiđrua để thay thế cho chất Cadimi vốn gây hại cho môi trường cũng như sức khỏe người dùng.
Chính vì vậy, ưu điểm của pin NiMH là chúng thân thiện với môi trường hơn và cũng có dung lượng lớn hơn ( gấp 2-3 lần) so với pin Niken-Cadmium cùng kích thước. Tuy nhiên, loại pin này có nhược điểm là nhanh chai, dung lượng giảm sút sau nhiều lần sạc.
Pin Lithium Ion
Lithium Ion là loại pin sạc được và chúng sử dụng điện cực làm từ các hợp chất có cấu trúc tinh thể dạng lớp. Các ion Li sẽ xâm nhập vào các khoảng trống giữa các lớp trong quá trình sạc hoặc xả pin và thúc đẩy phản ứng hóa học, tạo ra năng lượng.
Loại pin này cũng có 2 cực. Trong đó, cực dương được làm từ các hợp chất oxit kim loại như: LiCoO2, LiMnO2,… và đối cực âm được làm từ graphite. Pin Li-ion thường được dùng cho những thiết bị điện di động như: laptop, smartphone, máy tính bảng, máy ảnh….
Pin Lithium Ion có ưu điểm lớn đó là không có hiệu ứng nhớ, nhờ đó mà chúng có thể hoạt động bền bỉ và lâu chai hơn. Ngoài ra, dung lượng lớn cùng giá thành rẻ cũng là những yếu tố giúp cho loại pin này được sử dụng rộng rãi trên thị trường.
Tuy nhiên, nếu sử dụng không đúng cách thì loại pin này có thể gây ra tình trạng cháy nổ, bởi chúng rất dễ bắt lửa. Bên cạnh đó, dung lượng pin cũng sẽ sụt giảm dần sau mỗi lần sạc, ảnh hưởng không ít đến trải nghiệm của người dùng.
Lithium Polymer
Pin Lithium Polymer có nguyên lý hoạt động tương tự như Lithium Ion, tuy nhiên chúng sử dụng chất điện phân dạng rắn. Phần này có hình dạng giống như một miếng nhựa mỏng, có nhiệm vụ ghép 2 cực của pin lại và cho phép chúng trao đổi ion để tạo ra điện năng.
Lithium Polymer là loại pin được ứng dụng công nghệ cao và được sử dụng rộng rãi trên các thiết bị như: pin dự phòng, laptop, máy tính bảng, điện thoại cao cấp,… Bên cạnh đó, loại pin này cũng xuất hiện trong các ngành vận tải, hàng không hay y tế.
Pin Lithium Polymer sở hữu khá nhiều ưu điểm như: chịu nhiệt tốt, dung lượng cao, đa dạng về hình dạng và kích thước. Tuy nhiên, chi phí sản xuất loại pin này khá cao khiến giá sản phẩm cũng tăng theo, thêm nữa là chúng vẫn bị chai nếu sử dụng không đúng cách.
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn những kiến thức bổ ích. Nếu vẫn còn bất kỳ thắc mắc nào, hãy để lại bình luận để được tư vấn nhé!