Hình ảnh phục dựng gương mặt của một người đàn ông sống cách đây 30.000 năm ở Ai Cập ngày nay có thể cung cấp manh mối về quá trình tiến hóa của con người. Năm 1980, các nhà khảo cổ học khai quật hài cốt của người đàn ông tại Nazlet Khater 2, di chỉ ở thung lũng sông Nile, Ai Cập. Phân tích nhân chủng học hé lộ người đàn ông trong độ tuổi 17 – 29 khi chết, cao khoảng 160 cm và có tổ tiên là người châu Phi. Bộ xương này là hài cốt cổ xưa nhất của người Homo sapiens ở Ai Cập và thuộc hàng lâu đời nhất thế giới, theo một nghiên cứu công bố hôm 22/3. Tuy nhiên, các chuyên gia biết rất ít về người chết ngoại trừ anh ta được chôn cùng một chiếc rìu đá.
Hiện nay, sau hơn 40 năm, một nhóm nhà nghiên cứu Brazilian tái tạo lại gương mặt người đàn ông, sử dụng hàng chục ảnh kỹ thuật số mà họ thu thập khi xem xét hài cốt nằm trong bộ sưu tập ở Bảo tàng Ai Cập tại Cairo, Live Science hôm 3/4 đưa tin.
Theo trưởng nhóm nghiên cứu Moacir Elias Santos, nhà khảo cổ học ở bảo tàng Ciro Flamarion Cardoso tại Brazil, bộ xương bị thiếu mất xương sườn, bàn tay, một phần xương chày bên phải và trái, bàn chân. Nhưng cấu trúc chính để phục dựng gương mặt là hộp sọ vẫn được bảo quản tốt.
Một đặc điểm của hộp sọ rất nổi bật với các nhà nghiên cứu là xương hàm và khác biệt với xương hàm hiện đại. Hộp sọ cũng bị thiếu một phần, nhưng nhóm nghiên cứu sao chép và mô phỏng lại, sử dụng nửa bên kia của hộp sọ và dữ liệu từ bản chụp cắt lớp vi tính từ người hiến tặng. Nhìn chung, hộp sọ có cấu trúc hiện đại, nhưng vẫn có những đặc điểm cổ xưa như xương hàm vạm vỡ hơn nam giới thời nay, theo đồng tác giả nghiên cứu Cícero Moraes, chuyên gia đồ họa Brazil.
Bằng cách xâu chuỗi hình ảnh trong quá trình kỹ thuật số mang tên phép quang trắc, nhóm nghiên cứu tạo ra hai mô hình 3D ảo của người đàn ông. Mô hình đầu tiên là ảnh đen trắng với đôi mắt đang nhắm trong khi mô hình thứ hai mang hơi hướng nghệ thuật hơn với hình ảnh người đàn ông trẻ với mái tóc sẫm màu rối bù và bộ râu cắt tỉa gọn.
“Những gì chúng tôi làm là ước đoán gương mặt với dữ liệu thống kê sẵn có và kết quả là một cấu trúc rất đơn giản. Tuy nhiên, nhân tính hóa gương mặt cá nhân luôn quan trọng, thông qua bổ sung mái tóc, màu da, giúp thôi thúc mong muốn nghiên cứu nhiều hơn về chủ thể”, Moraes chia sẻ.
Nhóm nghiên cứu hy vọng hình ảnh của người đàn ông cổ đại sẽ giúp các nhà khảo cổ hiểu rõ hơn con người tiến hóa như thế nào theo thời gian.
An Khang (Theo Live Science)
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/phuc-dung-guong-mat-nguoi-dan-ong-ai-cap-cach-day-30-000-nam-4589056.html