Theo Viện Lão khoa Quốc gia Mỹ, nguy cơ đau tim, đột quỵ hoặc bệnh tim tăng lên đối với tất cả đối tượng, cả nam và nữ giới khi già đi, đặc biệt với những người trên 65 tuổi. Đối với phụ nữ, nguy cơ mắc bệnh tim tăng lên theo tuổi tác có liên quan mật thiết với sự suy giảm nồng độ hormone estrogen xảy ra sau thời kỳ mãn kinh. Estrogen có nhiều tác dụng tích cực đối với sức khỏe tim mạch: giúp làm giảm cholesterol LDL (cholesterol có hại), tăng cholesterol HDL (cholesterol có lợi), giúp thư giãn, làm trơn tru và giãn mạch máu để tăng lưu lượng máu, hấp thụ các gốc tự do (là những phần tử có thể phá hủy các động mạch)…
Kết quả nghiên cứu được công bố vào tháng 1/2022 trên tạp chí thuộc Hiệp hội Mãn kinh Bắc Mỹ Menopause cho thấy, những phụ nữ ăn một mình có nguy cơ bị đau thắt ngực cao gấp 2,58 lần. Đau thắt ngực là cơn đau hoặc cảm giác khó chịu giống như áp lực hoặc bóp nghẹt trong lồng ngực, do thiếu máu đến tim và cũng là một triệu chứng của bệnh động mạch vành.
Để tìm hiểu mức độ ảnh hưởng của thói quen ăn một mình đến nguy cơ bệnh tim, các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu từ 590 phụ nữ mãn kinh (từ 65 tuổi trở lên) trong cuộc khảo sát kiểm tra sức khỏe và dinh dưỡng tại Hàn Quốc năm 2016. Những người tham gia nghiên cứu được chia thành hai nhóm: nhóm ăn một mình hơn hai bữa một ngày và nhóm ăn nhiều hơn hai bữa một ngày cùng những người khác.
Sau khi phân tích dữ liệu về thói quen ăn uống và nguy cơ mắc bệnh tim, các nhà nghiên cứu kết luận rằng những phụ nữ lớn tuổi ăn một mình không chỉ có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn mà họ còn ăn ít calo, carbohydrate, chất xơ, natri và kali hơn những người khác. Dựa trên những phát hiện này, các bác sĩ và chuyên gia cũng khuyến khích phụ nữ lớn tuổi duy trì các mối quan hệ xã hội.
Các chuyên gia nhận định, ăn một mình đôi khi có thể liên quan đến chứng trầm cảm. Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra mối liên hệ giữa tâm trạng và việc ăn một mình. Cụ thể, việc ăn một mình có thể liên quan đến các triệu chứng trầm cảm ở phụ nữ trong độ tuổi từ 60 đến 74.
Khi một người bị trầm cảm, họ có nhiều khả năng đưa ra những lựa chọn dễ dàng hơn về chế độ ăn uống kém lành mạnh, lười tập thể dục và uống nhiều rượu hơn. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, các yếu tố này đều có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe tim mạch.
Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, trầm cảm dường như có mối quan hệ hai chiều với sức khỏe tim mạch, tức là người trầm cảm có khả năng mắc bệnh tim cao hơn và ngược lại, người bị bệnh tim dễ bị trầm cảm hơn.
Nhắc đến các rủi ro về sức khỏe và lợi ích của việc ăn cùng người khác ở người lớn tuổi, các chuyên gia nhận định, thách thức lớn ở nhóm đối tượng này là kết nối xã hội, các yếu tố liên quan đến tâm trạng hoặc nhận thức và đặc biệt là thách thức của sự cô lập xã hội. Do đó, các chuyên gia khuyến khích người lớn tuổi nên có kết nối xã hội và tăng cường tương tác, ăn uống cùng người khác để cải thiện tâm trạng, giảm bớt cảm giác cô đơn.
Bảo Bảo(Theo Everyday Health)
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/phu-nu-lon-tuoi-an-mot-minh-de-mac-benh-tim-4591025.html