Đọc tin học sinh Hà Nội được nghỉ Tết Nguyên đán 8 ngày, chị Nguyễn Thị Thanh Hằng, 42 tuổi, sống tại quận Cầu Giấy cảm thấy hụt hẫng. Là mẹ của hai con trai học lớp 7 và 10, chị mong các con được nghỉ Tết nhiều hơn để cả gia đình đỡ cập rập khi về quê ở Thanh Hóa. Ra Hà Nội lập nghiệp đã 15 năm, chị Hằng vừa quản lý vừa đứng bếp, phục vụ trong quán ăn nhỏ của gia đình trên đường Xuân Thuỷ, quận Cầu Giấy. Quán ăn mở từ sáng đến tối nên chị không có ngày nghỉ, Tết Nguyên đán là dịp duy nhất trong năm chị và gia đình có thể về quê dài ngày. “Đây là mong muốn của tôi, cũng là của chồng và các con”, chị nói.
Năm nay, chị định sẽ ở nhà đến hết 28/1 (mùng 7 âm lịch). Nhưng theo kế hoạch của Hà Nội, hai con chị phải trở lại trường vào ngày 27. “Tôi không thể ở quê thêm hai ngày rồi để các con về Hà Nội trước, vừa tốn kém lại không thuận tiện, nên chắc cả nhà vẫn phải đi hôm 25 hoặc 26”, chị Hằng thở dài khi nhẩm tính chỉ có thể ở quê 5 ngày.
Võ Lương Vinh, lớp 11A2, trường THPT Nguyễn Gia Thiều, quận Long Biên cũng mong được nghỉ hết 29/1, tức thêm ba ngày so với kế hoạch của Hà Nội.
Mỗi dịp Tết, Vinh cùng bố mẹ và em gái thường về quê nội tại Nghệ An, sau đó ra nhà ngoại ở Hà Nam, rồi trở lại Hà Nội. Với Vinh, thời gian nghỉ 7-8 ngày “nghe thì dài”, nhưng “chạy” ba nơi thì “chẳng mấy mà hết”. “Nhiều khi em cũng muốn có thêm thời gian nghỉ để cả nhà đi du lịch cùng nhau, hoặc gặp bạn bè, thầy cô tại Hà Nội nhưng chưa làm được”, Vinh chia sẻ.
Nếu nghỉ thêm ba ngày như mong muốn của Vinh, em sẽ bị ảnh hưởng hai buổi học thứ 6 và 7 ngày 27-28/1. Dù vậy, nam sinh cho biết “sẵn sàng học bù”. “Em nghĩ kỳ nghỉ kéo dài 10 ngày liên tiếp rồi học bù vẫn thích hơn là trở lại trường học 1-2 buổi lại nghỉ”, Vinh nói và cho biết đây cũng là quan điểm của nhiều bạn trong lớp.
Theo lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2023 của học sinh Hà Nội được UBND thành phố thông qua chiều 14/12, hơn 2,3 triệu trẻ mầm non và học sinh phổ thông Hà Nội sẽ nghỉ Tết Quý Mão từ ngày 19 đến 26/1/2012 (28 tháng Chạp đến hết mùng 5 tháng Giêng âm lịch), quay trở lại trường vào thứ sáu. Năm ngoái, lịch nghỉ Tết của Hà Nội cũng 8 ngày, nhưng vì có một ngày chủ nhật sau đó, nên thứ hai, học sinh mới phải đến trường.
“Tôi muốn con nghỉ hết tuần vì đi học thêm một ngày cũng không giải quyết được gì, trong khi con đã thi xong học kỳ”, chị Nguyễn Thu Trang, phụ huynh có con học lớp 3, nói.
Chị Trang cho hay các phụ huynh trong lớp đều mong muốn con có thêm ngày nghỉ. Với những nhà có quê xa, lễ Tết hai bên nội, ngoại đã hết mùng 4, sau đó phải quay lại Hà Nội để ổn định nhà cửa, nghỉ ngơi thêm và các con chuẩn bị bài vở. Nhiều nhà sẽ vội vàng lên Hà Nội cho con đi học một buổi rồi lại nghỉ.
Theo chị Trang, nếu kỳ nghỉ kết thúc vào giữa tuần, các con đi học lại cũng phù hợp nhưng năm nay lại rơi vào cuối tuần nên chị thấy lịch nghỉ bất cập. “Các con sẽ thoải mái hơn nếu được nghỉ thêm thứ sáu. Việc học có thể bù vào một buổi nào đó hoặc nghỉ hè muộn lại một hôm”, bà mẹ 34 tuổi ở quận Thanh Xuân nói.
Có con ở tuổi mầm non và tiểu học, chị Đỗ Thị Phượng cũng ủng hộ Hà Nội cho học sinh nghỉ Tết đến hết ngày mùng 6 rồi nối luôn hai ngày cuối tuần thứ bảy, chủ nhật. Chị Phượng làm cho một công ty nước ngoài, nghỉ Tết theo lịch chung. Theo chị, trẻ tiểu học hầu như đã có thể tự ở nhà được, chỉ nhóm mầm non mới cần người trông. “Nhưng phần lớn sẽ sắp xếp được vì nhiều bố mẹ cũng chưa đi làm ngay ngày mùng 6. Năm nay, doanh nghiệp cũng nghỉ dài, không lo không có người trông con”, chị Phượng nói.
Cô Phạm Minh Thảo, Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình, cho biết khác với cấp THCS và THPT học thêm thứ bảy, học sinh mầm non và tiểu học chỉ học từ thứ hai đến thứ sáu. Kỳ nghỉ Tết kéo dài đến thứ năm nên phần lớn phụ huynh trong trường có nguyện vọng nghỉ thông đến hết tuần.
Theo cô Thảo, việc nghỉ này không khiến chương trình học bị ảnh hưởng. “Học sinh đến lớp thêm ngày thứ sáu cũng chỉ ôn tập và ổn định lại nền nếp”, cô cho hay.
Lý giải việc cho học sinh trở lại trường vào thứ sáu (27/1), ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, cho biết lịch nghỉ dự kiến của thành phố được thiết kế theo khung đã được Thủ tướng phê duyệt.
“Các em trở lại trường vào thứ sáu, gặp thầy cô, bạn bè dịp đầu xuân và làm quen trở lại với nhịp học, sau đó có thêm 1-2 ngày nghỉ cuối tuần rồi thứ 2 tuần tới vào guồng học cũ là hợp lý”, ông Tiến nói.
Hiệu trưởng một trường THCS ở quận Hoàn Kiếm cho hay lịch nghỉ hiện tại có lý vì bố mẹ đi làm, các con cũng đi học luôn sẽ khiến phụ huynh yên tâm hơn là để con ở nhà. Nhưng cô cũng nhận thấy lịch này có thể khiến các gia đình ở quê xa bất tiện trong việc di chuyển. Hơn nữa, giáo viên cũng muốn nghỉ ngơi thêm.
Theo khảo sát trên VnExpress từ 16h ngày 14/12 đến 14h hôm nay, trong hơn 2.500 người tham gia, hơn 1.900 phiếu (chiếm 76%) ủng hộ phương án cho học sinh Hà Nội nghỉ thêm ba ngày (27-29/1) so với lịch hiện tại, chỉ 273 phiếu (chiếm 11 %) đánh giá phương án lịch nghỉ Tết hợp lý vì trùng với lịch chung của cán bộ, viên chức.
Đến 14/12, Hà Nội là địa phương cho học sinh nghỉ Tết ít ngày nhất cả nước – 8 ngày, trong khi các tỉnh, thành còn lại cho học sinh nghỉ Tết phổ biến 10-14 ngày. Hồi đầu tháng, UBND TP HCM quyết định kéo dài thời gian nghỉ Tết của học sinh từ 9 lên 12 ngày, sau khi có phản hồi của phụ huynh và học sinh về thời gian nghỉ Tết ngắn.
“Không có người trông con nhưng nghỉ thêm một ngày cũng không khó khắc phục”, chị Trang nói, cho biết nếu được nghỉ thêm ngày thứ sáu, chị có thể cho con lên cơ quan khai xuân cùng.
Bình Minh – Thanh Hằng
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/phu-huynh-ha-noi-lo-cap-rap-khi-con-nghi-tet-8-ngay-4548331.html