Tuần trước, chị Hà, 46 tuổi, ở Hà Nam, đi họp phụ huynh cho con gái học lớp 12. Sau khi thông báo kết quả học, giáo viên chủ nhiệm phổ biến về “truyền thống tặng quà tri ân trường” của học sinh cuối cấp. Theo lời chị Hà, nội dung này giáo viên đã chia sẻ với ban phụ huynh lớp, được thông qua nên đưa ra cuộc họp.
“Cô giáo nói nên tặng quà thiết thực, cho biết trường đang muốn lắp camera ở một số vị trí quan trọng và gợi ý phụ huynh cân nhắc về món quà này. Mức đóng góp mỗi người là 100.000 đồng”, chị Hà kể.
Ngoài khoản này, ban phụ huynh kêu gọi thêm 140.000 đồng để mua quà tri ân các giáo viên chủ nhiệm, bộ môn. Đánh giá hoạt động tặng quà tri ân trường, thầy cô là hợp lý, nhưng chị Hà nói không thoải mái với việc cào bằng, chia đầu người mức đóng góp.
“Ban phụ huynh nói các khoản này tự nguyện và chỉ gợi ý mức đóng, nhưng dùng ‘trước nay vẫn thế’, ‘lớp mình không tham gia sẽ ngại với lớp khác’, ‘để lại ấn tượng xấu với trường’. Tự nguyện mà thấy như bị ép”, chị Hà nói.
Tuần qua phụ huynh của một số trường tiểu học, THCS tại TP HCM phản ánh việc được vận động để mua TV, thay cửa, mua sơn quét tường với số tiền chia đều cho từng người. Không rơi vào trường hợp này, nhưng chị Liên, TP HCM, cũng được phổ biến các khoản đóng góp tùy tâm dịp cuối năm học cho con trai lớp 3, gồm tiền cho học sinh tổng kết, tặng quà chia tay thầy cô, nhà trường.
Ban đầu, chị Liên định nộp 100.000 đồng, nhưng khi ban phụ huynh gợi ý “200.000-300.000 đồng mới đủ”, người mẹ với mức lương công nhân 6,5 triệu đồng một tháng cũng bấm bụng nộp 200.000. Còn một con trai lớp 10, chị Liên nói luôn áp lực trước mỗi dịp đầu và cuối năm học, vì nhiều khoản đóng góp.
“Nhiều lần định nộp ít tiền hơn, nhưng thấy mọi người đồng thuận, tôi cũng gắng theo, không muốn con xấu hổ”, chị Liên nói.
Việc phụ huynh không thoải mái trước các khoản đóng góp cuối năm học là tình trạng phổ biến nhiều năm qua, theo đánh giá của nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM Nguyễn Văn Ngai.
Từ nửa cuối tháng 5, trên các diễn đàn hàng chục nghìn thành viên ở Hà Nội, TP HCM, chủ đề về quỹ lớp, các khoản đóng góp cuối năm được bàn luận sôi nổi. Bình luận dưới mỗi bài đăng, nhiều người liệt kê danh mục và số tiền phải đóng, cho rằng mức thu cao, thể hiện sự bất bình.
Hiện, việc trường học huy động tài trợ được thực hiện theo Thông tư 16 năm 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Văn bản này nêu rõ “việc tài trợ phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch, không ép buộc hay quy định mức tài trợ bình quân, tối thiểu; không lợi dụng việc tài trợ để ép buộc đóng góp”.
Ông Ngai cho rằng dù không phải tất cả, nguyên nhân chính là một số trường đang có cách kêu gọi chưa phù hợp, dễ thấy nhất là ở thời điểm phát động quyên góp. Ông cho biết mỗi đầu năm học, hoặc khi học kỳ I kết thúc, các trường đều cần hoàn thiện báo cáo về cơ sở vật chất để gửi cấp quản lý. Nếu có nhu cầu sửa chữa, mua mới thiết bị, sử dụng ngân sách hay xã hội hóa, trường cũng cần lên kế hoạch từ thời điểm này.
“Cả một năm học không thông báo, tới cuối năm lại kêu gọi đóng góp thì không ổn, khiến phụ huynh khó chịu, đồng thời cho thấy trường làm việc không có kế hoạch”, ông nói. Chưa kể, vào cuối năm, học sinh lên lớp, chuyển cấp, việc vận động phụ huynh đóng góp cơ sở vật chất nhưng con họ chưa chắc được thụ hưởng tạo tâm lý dè dặt, không thoải mái.
Ngoài yếu tố thời điểm, nguyên nhân thứ hai là việc tuyên truyền từ trường tới lớp, từ lớp tới phụ huynh. Ông Ngai phân tích, thông thường ban đại diện cha mẹ học sinh mỗi lớp sẽ nắm thông tin từ giáo viên hoặc ban phụ huynh trường, rồi phổ biến lại cho phụ huynh trong lớp. Theo ông, có thể nhiều người chưa hiểu rõ về quy định tiếp nhận tài trợ, hoặc quá hăng hái vận động, dẫn tới việc tự nhẩm tính số tiền rồi chia đầu người, khiến các bố mẹ khác cảm thấy bị ép.
Chia sẻ với tâm trạng phụ huynh, song một giáo viên 20 năm kinh nghiệm tại TP HCM, trong đó 15 năm làm chủ nhiệm, cho rằng cũng nên chia sẻ với ban phụ huynh và thầy cô chủ nhiệm.
Cô giáo này nói không cầm tiền quỹ nhưng thường cùng ban phụ huynh tính toán việc mua đồ ăn liên hoan, khảo sát giá. Bản chất đây không phải trách nhiệm của giáo viên, ban phụ huynh cũng phải sắp xếp công việc cá nhân để tham gia. Việc cân đối số tiền có được, chi tiêu sao cho hợp lý rất mệt mỏi và mất thời gian, nên nếu không hài lòng, phụ huynh có thể trao đổi riêng với giáo viên hoặc trưởng ban phụ huynh, thay vì ấm ức, bức xúc.
Nhiều năm là thành viên ban phụ huynh, chị Nhung, quận Hà Đông, Hà Nội, nói đây là công việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, nhưng lại thường xuyên bị hiểu lầm.
“Có lần tính toán sao mà bị nhầm, hụt mất mấy trăm nghìn, hoặc cả lớp góp mà chưa đủ số cần để mua đồ, tôi và ban phụ huynh cũng chia nhau bù”, chị Nhung kể. Vì từng trải, sau này chị luôn vui vẻ với các khoản đóng góp. Chị cho biết mức đóng góp vài trăm đến khoảng 1-2 triệu đồng nằm trong khả năng, nên không lăn tăn.
“Chung quy cũng dùng cho con mình”, chị Nhung nói.
Đồng tình với quan điểm này, chị Thu, 43 tuổi, sống tại quận Long Biên, Hà Nội, cho rằng không nên quá khắt khe với những khoản thu cuối năm. Ít ngày trước, chị cũng mới nộp 650.000 đồng, gồm tiền tổ chức lễ bế giảng và quà chia tay thầy cô, nhà trường, cho con trai lớp 9. Người mẹ không nghĩ những chia sẻ, định hướng của ban phụ huynh hay giáo viên chủ nhiệm là sự bắt buộc. Trái lại, chị thấy việc này khá hữu ích, thiết thực.
“Ví dụ lớp tự mua một món quà rồi tặng trường, nhưng trường đã có hoặc ít dùng, thậm chí không có chỗ bày thì có lãng phí không?”, chị Thu đặt câu hỏi, cho rằng món quà tri ân sẽ ý nghĩa hơn khi dựa trên nhu cầu thực sự của người nhận.
Tuy nhiên, chị đồng tình việc không nên chia trung bình đầu người hay đưa ra con số gợi ý, mà để phụ huynh tự nguyện tùy theo khả năng kinh tế. Dựa vào số tiền thu được, ban phụ huynh sẽ chọn món quà có giá trị phù hợp.
Để phụ huynh thoải mái khi đóng góp, hiệu trưởng một trường THPT ở Hà Nội nhận định điều quan trọng nhất là sự minh bạch, từ chủ trương tới việc phổ biến, thực hiện.
Lường trước việc ban phụ huynh, giáo viên có thể truyền đạt không chính xác hoặc kèm thái độ dễ bị hiểu lầm, vị này thường đánh máy nội dung cần quyên góp. Trong văn bản này in đậm câu “không bắt buộc, số tiền đóng góp là tùy tâm” ở cuối trang. Với những hoạt động bế giảng, chia tay, cô hiệu trưởng cho rằng nên “có gì dùng nấy”, đảm bảo tính trang trọng, lịch sự, không biến tướng thành cơ hội để kêu gọi đóng góp.
Vì thế, các trường cần nắm bắt, sâu sát với hoạt động của ban phụ huynh, phát hiện và ngăn chặn việc lạm thu, lạm chi trái quy định.
Ông Ngai gợi ý việc các trường nên hạch toán chi phí cho các hạng mục cần sửa chữa, mua mới từ đầu năm, báo cáo Phòng, Sở Gáo dục và Đào tạo. Cấp quản lý có thể cân đối ngân sách và cho trường vận động xã hội hóa trong một mức nhất định.
Với chị Hà ở Hà Nam, sau khi hỏi phụ huynh các lớp và thấy khoản mua camera được phổ biến giống nhau, mỗi người 100.000 đồng, chị quyết định nộp tiền, không ý kiến. Ngoài khoản này, con gái chị xin thêm 100.000 đồng để liên hoan với lớp.
“Tôi nghĩ bố mẹ nào cũng muốn con mình bằng bạn bè, nên việc đóng góp dù lấn cấn ít nhiều, vẫn sẽ tham gia đủ. Cái chúng tôi cần là được thông tin rõ ràng”, chị Hà nói.
Thanh Hằng
*Tên phụ huynh đã được thay đổi
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/phu-huynh-bam-bung-truoc-nhieu-khoan-thu-cuoi-nam-hoc-4610166.html