Những tranh cãi vài ngày qua trên Diễn đàn Xe/VnExpress cho thấy hầu hết chúng ta đang bị quá bám vào từ “cồn”, mà đi xa khỏi bản chất của việc cần phạt gì và nên phạt thế nào.
Trước hết, nhìn vào kết quả khảo sát trên, hơn 90% ủng hộ việc nên có vùng xanh trong việc phạt vi phạm nồng độ cồn. Số đông không phải lúc nào cũng đúng. Nhưng trường hợp này thì nên theo số đông hay không? Hãy cùng nhau bỏ đi những nhận định cảm tính và nhìn thẳng vào một số điểm như sau để có thể tự đưa ra câu trả lời cho mình.
Vậy vì sao cấm nồng độ cồn từ 0?
Có thể hiểu, khi uống rượu, bia tới một mức độ nhất định, nồng độ cồn cao ảnh hưởng tới hệ thần kinh, tài xế không còn tỉnh táo. Lúc này, việc lái xe có thể gây nguy hiểm cho tài xế và những người khác. Vì vậy, luật pháp các nước đều cấm người điều khiển phương tiện sử dụng đồ uống có cồn, với các mức độ khác nhau.
Nhưng uống bao nhiêu thì bắt đầu ảnh hưởng tới hệ thần kinh? Bao nhiêu thì tài xế không còn điều khiển xe được tỉnh táo. Mỗi người một mức khác nhau, vì vậy không có đáp án chung cho câu hỏi này. Suy ra, cách dễ nhất là cứ chặn hết từ đầu. Tức là, cứ có cồn là phạt. Đây là cách dễ nhất, vì không phải nghiên cứu mức tối thiểu là bao nhiêu thì phù hợp với thể trạng người Việt. Và luật Việt Nam đang làm theo cách này. Cấm tiệt!
Nhưng cách làm này, chưa tính tới một số yếu tố ảnh hưởng, bất khả kháng. Đầu tiên, cồn không chỉ tồn tại trong bia, rượu mà còn có trong các thực phẩm, ví dụ đơn giản nhất là những chiếc socola nhân rượu mà chúng ta hay ăn. Tiếp theo, một người có thể uống rượu từ rất lâu rồi, đã hoàn toàn tỉnh táo, nhưng chưa đào thải hết cồn. Cuối cùng, điều tôi cho là quan trọng nhất: sai số của thiết bị đo.
Trên thế giới này, trong mọi lĩnh vực liên quan tới đo lường đều có sai số. Ngay cả luật về tốc độ tối đa cũng có sai số +/- 5 km/h, vậy thì căn cứ vào đâu để chắc chắn rằng máy đo cồn không có sai số.
Bởi vậy, nếu như thiết lập một chỉ số tối đa về mức nồng độ cồn được phép, sẽ giải quyết được hết các vấn đề này. Đó là chỉ số tính toán đúng sai số của máy móc, và cũng là ngưỡng mà cơ thể con người không bị tác động xấu bởi cồn.
Có độc giả cho rằng sẽ nảy sinh tiêu cực nếu đặt một ngưỡng “vùng xanh”. Nhưng hãy nhớ, tiêu cực không phải do lập pháp, mà do hành pháp. Luật từ 0 hay từ 0,5% cũng giống nhau nếu ai đó muốn tiêu cực.
Còn ý kiến khác cho rằng, ngưỡng này sẽ khiến các “con nhậu” vin vào để uống. Đây là ý kiến lo xa, vì đã là con nhậu, thì sẽ không uống theo kiểu “nhấp môi” để có nồng độ cồn nằm trong ngưỡng cho phép đâu.
Cuối cùng, tôi xin được nhấn mạnh, luật sinh ra để hạn chế tài xế bia, rượu, chứ không phải hướng tới cái chỉ số nồng độ cồn. Nồng độ cồn là công cụ mà thôi. Bởi vậy, hãy phạt tài xế bia, rượu, chứ đừng phạt tất cả nồng độ cồn, đó là chúng ta đang vơ đũa cả nắm rồi.
Thực ra, sử dụng nồng độ cồn thích hợp, thậm chí còn rất tốt. Trang web chính thức của trường Y tế công cộng Havard TH Chan viết rằng cồn vừa là thuốc bổ, vừa là thuốc độc. Nó là thuốc bổ khi sử dụng hàm lượng “vừa phải” mỗi ngày, có tác dụng tốt cho tim mạch, hệ tuần hoàn, chống sỏi mật, tiểu đường. Nếu uống nhiều hơn mức “vừa phải” thì nó là thuốc độ. Rõ rồi, gây ra rất nhiều thứ hại cho gan, thần kinh…
Vậy vừa phải là gì? Website này cho biết không có một quy chuẩn chung cho toàn thế giới vì cơ địa, thể trạng là khác nhau. Nhưng ở Mỹ, vừa phải được hiểu là 12 ounces bia (khoảng 355 ml, tức một chai), 5 ounces vang (gần 150 ml), và 1,5 ouncse rượu mạnh (khoảng 50 ml).
Như vậy có thể hiểu nếu dùng mỗi ngày chỉ từng đó rượu, bia thì rất tốt cho cơ thể. Nếu nó tốt như vậy, thì việc cấm tiệt rõ ràng là không hợp lý.
Độc giả Trí Phạm
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/phat-nong-do-con-tu-0-co-vo-dua-ca-nam-4569007.html