Nghiên cứu do nhóm chuyên gia Đại học Texas Southwestern thực hiện, kết quả đăng trên tạp chí Cell Metabolism, đầu tháng 3. Hormone tên là yếu tố tăng trưởng nguyên bào sợi 21 (FGF21), được sản xuất từ gan người và động vật, làm giảm một nửa thời gian để các con chuột thí nghiệm phục hồi sau khi uống rượu.
Theo nghiên cứu, FGF21 kích hoạt một phần não bộ kiểm soát sự tỉnh táo, chống lại tình trạng choáng váng, mất thăng bằng và phản xạ do ethanol gây ra.
Thông thường, ethanol tạo ra từ quá trình lên men tự nhiên của các loại đường đơn trong trái cây chín và mật hoa, có thể gây say, làm suy giảm khả năng vận động và phán đoán. Theo thời gian, gan của các loài động vật tiêu thụ đường fructose và các loại đường đơn, gồm cả con người, đã tiến hóa để phân hủy được ethanol. Hormone FGF21 được tạo ra trong gan sau quá trình chuyển hóa, là chất phản ứng mạnh mẽ với ethanol.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã cho chuột uống “quá chén” ethanol, khiến chúng mất “phản xạ điều chỉnh”, khả năng giữ thăng bằng cơ thể. Họ nhận ra chuột thiếu FGF21 mất nhiều thời gian hơn để phục hồi phản xạ và thăng bằng.
Trong một thí nghiệm khác, các chuyên gia cho những con chuột uống lượng lớn ethanol, sau đó tiêm FGF21 khi chúng bắt đầu ở trạng thái mất tỉnh táo. Sau mũi tiêm, các con chuột phục hồi phản xạ đứng thẳng trong vòng 1,5 giờ, ít hơn 50% so với chuột trong nhóm đối chứng không tiêm.
“Bằng cách tăng nồng độ FGF21 trong cơ thể qua đường tiêm, chúng ta có thể tăng tốc đáng kể quá trình phục hồi sau khi uống rượu”, tiến sĩ Steven Kliewer, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết.
Nếu hormone FGF21 được sử dụng, trong tương lai có thể giúp giảm các tác hại nguy hiểm do rượu bia, như tai nạn hoặc cứu các trường hợp ngộ độc do sử dụng đồ uống có cồn quá nhiều.
Kết quả nghiên cứu mới đưa ra trong bối cảnh số ca tử vong liên quan đến rượu tăng đột biến, đặc biệt khi đại dịch diễn ra. Số người chết tăng hơn 25% kể từ năm 2019 đến năm 2020.
Rượu ảnh hưởng đến mọi mô của cơ thể, gây viêm tuyến tụy, dạ dày hoặc gan. Uống nhiều rượu có thể khiến huyết áp cao, mất nước, giảm nồng độ natri, kali cũng như các khoáng chất và muối khác đến mức nguy hiểm. Uống rượu cũng gây nhiễm trùng phổi do ức chế, khiến chất nôn, nước bọt hoặc các chất khác đi vào phổi.
Thục Linh (Theo Science Daily)
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/phat-hien-hormone-giup-tinh-ruou-nhanh-gap-doi-binh-thuong-4580532.html