Những loài mới được đặt tên là Polycirrus onibi, Polycirrus aoandon và Polycirrus ikeguchii, thuộc chi Polycirrus trong lớp Giun nhiều tơ (Polychaeta), thường được tìm thấy ở vùng nước nông của sông suối Nhật Bản. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Nagoya đã công bố phát hiện của họ trên tạp chí Royal Society Open Science vào ngày 29/3.
Hình dạng quái dị cùng khả năng phát sáng trong bóng tối (màu xanh lam hoặc tím) khiến chúng trông giống như những bóng ma mờ ảo vào ban đêm. Sự tương đồng với những câu chuyện về quỷ Yokai trong văn hóa dân gian Nhật Bản đã tạo ra nguồn cảm hứng cho các nhà khoa học đặt tên cho hai trong ba loài giun này.
Cụ thể, “onibi” đề cập đến quỷ lửa Onibi, yêu quái có hình dạng như quả cầu phát sáng thường bay lơ lửng trên các vùng núi rừng hẻo lánh để dụ dỗ những người nhẹ dạ đi lạc, trong khi “aoandon” là hiện thân của nỗi kinh hoàng, một nữ quái mặc kimono màu trắng được tạo nên từ chính nỗi sợ hãi của những người hay tụ tập kể chuyện ma dưới ánh sáng của những chiếc đèn lồng màu xanh.
“Ikeguchi” là cái tên duy nhất không đề cập đến văn hóa dân gian Nhật Bản. Thay vào đó, nó tôn vinh cựu giám đốc thủy cung Notojima, người đã giúp phát hiện ra loài giun này.
Giun nhiều tơ là lớp sinh vật cổ đại đã xuất hiện trên Trái Đất từ ít nhất 505 triệu năm trước trong kỷ Cambri. Chúng đã sống sót qua 5 sự kiện tuyệt chủng hàng loạt trong lịch sử. Hiện nay có hơn 10.000 loài được mô tả trong lớp này.
Trong giai đoạn tiếp theo, các nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu về cơ chế phát sáng của ba loài giun mới. “Phát quang sinh học là một kho tàng hóa học thú vị. Hiểu được bản chất phân tử của hiện tượng này sẽ giúp ích cho khoa học đời sống và y tế”, tác giả chính của nghiên cứu Naoto Jimi, trợ lý giáo sư sinh học tại Đại học Nagoya, nhấn mạnh.
Đoàn Dương (Theo Live Science/EurekAlert)
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/phat-hien-ba-loai-giun-phat-sang-co-hinh-thu-quai-di-4587638.html