Nguyễn Lê Thị Mỹ Linh hiện là số ít nữ lập trình viên của team Frontend Engineer (FE), Trung tâm Lập trình Naver Vietnam (NVDC). Thừa nhận nghề lập trình nhiều thách thức, cô cho biết từng có lúc muốn bỏ nghề. “Ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi không thể hiểu các thuật toán, ngôn ngữ lập trình. Lúc đi làm lại ập vào đầu nhiều cái mới, dù cố gắng tìm tòi, tôi vẫn không thể hiểu rõ những kiến thức đó. Giai đoạn đấy, tôi rất mệt mỏi và muốn từ bỏ”, Linh nói.
Cũng giống Mỹ Linh, Đặng Thị Thuý An (9x, iOS Engineer – NVDC) từng có thời gian khó khăn ngay năm nhất đại học. Vừa vào trường An đã có ý định từ bỏ ngành học vì không thể hiểu các môn chuyên ngành, cảm giác như bị choáng ngợp. Sau nhiều lần suy nghĩ, cô tự hứa sẽ cho bản thân thêm một năm nữa. “Trong một năm này, tôi đã dành toàn bộ thời gian cho việc học, đi thư viện và cuối cùng cũng dần hiểu được và không còn thấy khó chinh phục nữa”, An nói.
Với Lê Thị Ngọc Thúy (9x, iOS Developer – NVDC), cô chưa từng có ý định từ bỏ nghề nghiệp mà bản thân theo đuổi gần 10 năm qua, nhưng nỗi lo sợ suốt quãng thời gian đầu theo đuổi IT là không tránh khỏi. Không những thế, thời điểm mới ra trường, cô phải định hướng sẽ làm ở mảng nào, cần học thêm gì để bổ trợ công việc. Thậm chí, cô cho biết phải làm thêm giờ và tự học ở nhà rất nhiều để theo kịp công việc…
Dù nhiều lo lắng, cả ba đều khẳng định, cập nhật kiến thức mới là khó khăn lớn nhất. Bởi công nghệ thay đổi hàng giờ, người làm nghề phải cập nhật, bổ sung kiến thức, phải tự phát triển bản thân thì mới không bị chính nghề nghiệp của mình đào thải. “IT đang là nghề hot, dễ tìm việc phù hợp, tìm công ty tốt nhưng trên tất cả, bạn phải có đam mê với lĩnh vực của mình. Nếu không có đam mê thì rất khó để kiên trì”, Mỹ Linh nói thêm.
Khi được hỏi về động lực giúp bản thân vượt qua khó khăn để theo đuổi nghề nghiệp, Mỹ Linh nói, sếp và các đồng nghiệp đã hỗ trợ cô rất nhiều. Họ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, chỉ cô cách tìm hiểu trên mạng và cách tự học để thích ứng.
“Đến thời điểm hiện tại học và làm về công nghệ thông tin là lựa chọn đúng đắn nhất của tôi. Tôi được kết giao với nhiều bạn giỏi, được làm việc trong môi trường công nghệ đầy cạnh tranh, thử thách và phát triển bản thân, hơn hết là mức lương phù hợp với mong muốn hiện tại”, cô cho hay.
Đồng quan điểm với Mỹ Linh, Lê Thị Ngọc Thuý nhận định nghề IT có thu nhập tốt và ổn định. Hiện nay có nhiều công ty để lựa chọn. Nếu công ty đó không còn phù hợp thì có thể dễ dàng đổi công ty khác. Ngoài ra, vì Dev nữ ít nên khi đi phỏng vấn và làm việc cũng được mọi người quan tâm, giúp đỡ nhiều.
Một yếu tố khác thu hút từ nghề Dev là cảm nhận của mỗi người khi thấy các đoạn code mình làm ra được áp dụng vào thực tế, nhiều người sử dụng hoặc giúp cho sản phẩm của công ty được người dùng đón nhận.
Nhắn nhủ các nữ đồng nghiệp, Ngọc Thúy nói: “Các bạn nữ có đam mê với ngành IT, Dev thì cứ quyết tâm theo đuổi, khi gặp khó khăn hãy tìm ra cách giải quyết và nhờ sự giúp đỡ từ mọi người xung quanh, đặc biệt là các sếp và đồng nghiệp”, cô nói.
Mỹ Linh chia sẻ thêm nếu bạn đang cân nhắc chọn ngành IT, hãy tìm hiểu kỹ thông tin từ các anh chị có kinh nghiệm trong nghề và thử tìm những khóa học, tìm kiếm cho bản thân một mentor (người hướng dẫn) giỏi. Bạn cần hành trang sự kiên nhẫn, khiêm tốn, luôn tò mò học hỏi, cập nhật kiến thức. Luôn phải tự phát triển bản thân cả về kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm như giao tiếp, kỹ năng nói chuyện trước đám đông…
Theo báo cáo thị trường IT năm 2022 của TopDev, sau thời gian đỉnh điểm Covid-19, 64,1% các công ty mở rộng nhóm phát triển với nhiều vị trí công nghệ. Vì vậy, nhu cầu tuyển dụng IT năm 2022 tăng cao so với năm 2021, từ 128.700 (năm 2021) lên 175.300 (2022). Riêng Trung tâm Lập trình Naver Vietnam đã tuyển dụng hơn 120 nhân sự Dev năm 2022, dự kiến, con số này sẽ lên 300 vào cuối năm 2023.
Tuy tuyển dụng nhiều, nhưng chênh lệch giới tại NVDC cũng như các công ty công nghệ, lập trình lại khá rõ rệt. Theo báo cáo thị trường IT năm 2021 của TopDev, chỉ có 7,85% lập trình viên là nữ, so với con số 92,05% nam, tuy nhiên, con số này tăng đáng kể so với năm trước đó.
Thế Đan
Nhằm mở rộng Vành đai Nghiên cứu và Phát triển AI toàn cầu và phát triển thị trường toàn cầu, Tập đoàn công nghệ đa quốc gia đến từ Hàn Quốc – Naver đã xây dựng trụ sở tại Việt Nam từ 2019. Mở đầu cho những hoạt động nghiên cứu CNTT tại Việt Nam, Naver đã hợp tác với các trường đại học công nghệ hàng đầu như ĐH Bách khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông và Đại học CNTT – Đại học quốc gia TP HCM.
Tiếp chuỗi thành công cùng kết quả khả quan từ các dự án mang lại, Naver đã thành lập Trung tâm Lập trình tại TP HCM và Hà Nội, dự kiến tuyển dụng trên 300 lập trình viên và đặt mục tiêu trở thành Dev Center hàng đầu châu Á về nghiên cứu AI.
Các vị trí tuyển dụng hiện nay gồm Front-End, Back-End, iOS-End … chi tiết tại đây. Ngoài ra, Naver Dev Center cũng đang mở đăng ký cuộc thi dành riêng cho các Fontend Engineer Naver Up Coding Challenge, các FE thử sức tại đây.
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/phai-nu-chia-se-ve-nganh-cong-nghe-thong-tin-4571235.html