Ôn tập giữa học kì II tuần 28 – SGK Tiếng Việt 5 tập 2 trang 100 giúp các em học sinh lớp 5 tham khảo, nhanh chóng trả lời các câu hỏi từ tiết 1 đến tiết 7, để ôn thi giữa học kì 2 lớp 5 thật hiệu quả.
Qua đó, còn giúp các em nắm được các kiến thức cơ bản để ôn thi giữa học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 5 đạt kết quả cao. Đồng thời, cũng giúp thầy cô tham khảo soạn giáo án cho học sinh của mình. Vậy mời thầy cô và các em cùng tham khảo nội dung chi tiết trong bài viết dưới đây để ôn thi giữa học kì 2 thật tốt:
Ôn tập giữa học kì II trang 100 – Tiếng Việt 5 tập 2 tuần 28
- Tiết 1
- Tiết 2
- Tiết 3
- Tiết 4
- Tiết 5
- Tiết 6
- Tiết 7
Tiết 1
Câu 1 (trang 100 SGK Tiếng Việt 5 tập 2)
Ôn luyện tập đọc và học thuộc lòng.
Trả lời:
Các em chủ động hoàn thành bài tập.
Câu 2 (trang 100 SGK Tiếng Việt 5 tập 2)
Tìm ví dụ điền vào bảng tổng kết sau:
CÁC KIỂU CẤU TẠO CÂU | Ví dụ | ||
Câu đơn | |||
Câu ghép | Câu ghép không dùng từ nối | ||
Câu ghép dùng từ nối | Câu ghép dùng quan hệ từ | ||
Câu ghép dùng cặp từ hô ứng |
Trả lời:
CÁC KIỂU CẤU TẠO CÂU | Ví dụ | ||
Câu đơn |
Trên bãi cỏ rộng, các em bé xinh xắn nô đùa vui vẻ. |
||
Câu ghép |
Câu ghép không dùng từ nối |
+ Mặt ao rộng, nước trong veo. + Mây trôi, gió cuốn. |
|
Câu ghép dùng từ nối |
Câu ghép dùng quan hệ từ |
+ Ông đã nhiều lần can gián nhưng vua không nghe. + Tấm chăm chỉ, hiền lành còn Cám thì lười biếng, độc ác. |
|
Câu ghép dùng cặp từ hô ứng |
+ Buổi chiều, nắng chưa nhạt, sương đã buông nhanh xuống mặt biển. + Thuỷ Tinh dâng nước cao bao nhiêu thì Sơn Tinh làm núi cao lên bấy nhiêu. |
Tiết 2
Câu 1 (trang 100 SGK Tiếng Việt 5 tập 2)
Ôn luyện tập đọc và học thuộc lòng.
Trả lời:
Các em chủ động hoàn thành bài tập.
Câu 2 (trang 100 SGK Tiếng Việt 5 tập 2)
Dựa theo câu chuyện Chiếc đồng hồ, em hãy viết tiếp một vế câu vào chỗ trống để tạo câu ghép:
a) Tuy máy móc của chiếc đồng hồ nằm khuất bên trong nhưng …
b) Nếu mỗi bộ phận trong chiếc đồng hồ đều muốn làm theo ý thích của riêng mình thì …
c) Câu chuyện trên nêu lên một nguyên tắc sống trong xã hội là : “Mỗi người vì mọi người và …”
Trả lời:
a) Tuy máy móc của chiếc đồng hồ nằm khuất bên trong nhưng chúng điều khiển kim đồng hồ chạy.
b) Nếu mỗi bộ phận trong chiếc đồng hồ đều muốn làm theo ý thích của riêng mình thì chiếc đồng hồ sẽ không hoạt động được.
c) Câu chuyện trên nêu lên một nguyên tắc sống trong xã hội là “Mỗi người vì mọi người và mọi người vì mỗi người”.
Tiết 3
Câu 1 (trang 101 SGK Tiếng Việt 5 tập 2)
Ôn luyện tập đọc và học thuộc lòng.
Trả lời:
Các em chủ động hoàn thành bài tập.
Câu 2 (trang 101 SGK Tiếng Việt 5 tập 2)
Đọc bài văn sau và trả lời câu hỏi:
Tình quê hương
Làng quê tôi đã khuất hẳn nhưng tôi vẫn đăm đắm nhìn theo. Tôi đã đi nhiều nơi, đóng quân nhiều chỗ phong cảnh đẹp hơn đây nhiều, nhân dân coi tôi như người làng và cũng có những người yêu tôi tha thiết, nhưng sao sức quyến rũ, nhớ thương vẫn không mãnh liệt, day dứt bằng mảnh đất cọc cằn này.
Làng mạc bị tàn phá những mảnh đất quê hương vẫn đủ sức nuôi sống tôi như ngày xưa, nếu tôi có ngày trở về. Ở mảnh đất ấy, tháng giêng, tôi đi đốt bãi, đào ổ chuột; tháng tám nước lên, tôi đánh giậm, úp cá, đơm tép; tháng chín, tháng mười, đi móc con da dưới vệ sông, ở mảnh đất ấy, những ngày chợ phiên, dì tôi lại mua cho vài cái bánh rợm; đêm nằm với chú, chú gác chân lên tôi mà lẩy Kiều ngâm thơ; những tối liên hoan xã, nghe cái Tị hát chèo và đôi lúc lại được ngồi nói chuyện với Cún Con, nhắc lại những kỉ niệm đẹp đẽ thời thơ ấu.
Theo NGUYỄN KHẢI
a) Tìm những từ ngữ trong đoạn 1 thể hiện tình cảm của tác giả với quê hương.
b) Điều gì đã gắn bó tác giả với quê hương ?
c) Tìm các câu ghép trong một đoạn của bài văn.
d) Tìm các từ ngữ được lặp lại, được thay thế có tác dụng liên kết câu trong bài văn.
Trả lời:
a) Những từ ngữ trong đoạn 1 thể hiện tình cảm của tác giả với quê hương là “đăm đắm nhìn theo”, “sức quyến rũ”, “nhớ thương mãnh liệt, day dứt”.
b) Những kỉ niệm tuổi thơ gắn bó tác giả với quê hương.
c) Bài văn có 5 câu. Tất cả các câu trong bài đều là câu ghép.
d) Các từ tôi, mảnh đất được lặp lại nhiều lần trong bài văn có tác dụng liên kết câu.
Các từ ngữ được thay thế có tác dụng liên kết câu là:
- Đoạn 1: Mảnh đất cọc cằn (câu 2) thay cho làng quê tôi (câu 1)
- Đoạn 2: Mảnh đất quê hương (câu 3) thay cho mảnh đất cọc cằn (câu 2). Mảnh đất ấy (câu 4,5) thay cho mảnh đất quê hương (câu 3).
Tiết 4
Câu 1 (trang 102 SGK Tiếng Việt 5 tập 2)
Ôn luyện tập đọc và học thuộc lòng.
Trả lời:
Các em chủ động hoàn thành bài tập.
Câu 2 (trang 102 SGK Tiếng Việt 5 tập 2)
Kể tên các bài tập đọc là văn miêu tả đã học trong 9 tuần vừa qua.
Trả lời:
Có ba bài tập đọc là văn miêu tả trong 9 tuần đầu của học kì 2 là:
- Phong cảnh đền Hùng
- Hội thổi cơm thi ở Đồng Vân
- Tranh Làng Hồ.
Câu 3 (trang 102 SGK Tiếng Việt 5 tập 2)
Nêu dàn ý của một bài tập đọc nói trên. Nêu một chi tiết hoặc câu văn mà em thích và cho biết vì sao em thích chi tiết hoặc câu văn đó.
Trả lời:
* Dàn ý bài Hội thổi cơm thi ở Đồng Vân
– Mở bài: Nguồn gốc hội thổi cơm thi ở Đồng Vân (Mở bài trực tiếp).
– Thân bài:
+ Hoạt động lấy lửa và chuẩn bị nấu cơm.
+ Hoạt động nấu cơm.
– Kết bài: Chấm thi – Niềm tự hào của những người đoạt giải. (Kết bài không mở rộng).
* Chi tiết hoặc câu văn em thích.
Em thích những câu văn tả hoạt động thổi cơm và đan xen uốn lượn trên sân đình vì đó là những câu viết rất giản dị dễ hiểu giúp người đọc hình dung rất rõ sự độc đáo, vẻ đẹp của hội thổi cơm thi.
* Dàn ý bài tập đọc Tranh làng Hồ
1. Mở bài:
- Giới thiệu về tranh của làng Hồ, lòng biết ơn của tác giả đối với những nghệ sĩ tạo hình cho tranh (mở bài gián tiếp).
2. Thân bài:
- Tả về nội dung tranh và cách để những người nghệ sĩ hình dung ra nội dung đó.
3. Kết bài:
+ Nêu cảm nghĩ của em về màu sắc trong tranh, cách làm màu của những người nghệ sĩ, những nét đẹp khi ngắm những màu sắc ấy (kết bài mở rộng).
- Đoạn 1: cảm nghĩ, tình cảm chung của tác giả đối với tranh làng Hồ ra sao?
- Đoạn 2: Sự độc đáo của nội dung tranh làng Hồ
- Đoạn 3: Sự độc đáo của kĩ thuật tranh làng Hồ ra sao?
Viết lại một chi tiết hoặc câu văn mà em thích. Cho biết vì sao em thích chi tiết hoặc câu văn đó?
Ở đoạn 2, tác giả nhận xét và nói lên được sự độc đáo của tranh làng Hồ, lối nhận xét rất lạ và mới .“Những khoáy âm dương rất có duyên” và. Đàn gà con tưng bừng như ca múa bên gà mái mẹ” nói lên sự yêu mến và quan sát rất kĩ những bức tranh làng Hồ của tác giả.
>> Tham khảo: Lập dàn ý bài tập đọc là văn miêu tả
Tiết 5
Câu 1 (trang 102 SGK Tiếng Việt 5 tập 2)
Nghe – viết:
Bà cụ bán hàng nước chè
Gốc bàng to quá, có những cái mắt to hơn cái gáo dừa, có những cái lá to bằng cái mẹt bún của bà bún ốc. Không biết cây bàng này năm chục tuổi, bảy chục tuổi hay cả một trăm tuổi. Nhiều người ngồi uống nước ở đây những lúc quán nước vắng khách đã ngắm kĩ gốc bàng, rồi lại ngắm sang phía bà cụ bán hàng nước. Bà cụ không biết bao nhiêu tuổi giời, không biết bao nhiêu tuổi lao động, bán quán được bao nhiêu năm. Chỉ thấy đầu bà cụ bạc trắng, trắng hơn cả cái mớ tóc giả của các diễn viên tuồng chèo vẫn đóng vai các bà cụ nhân đức.
Theo NGUYỄN TUÂN
Trả lời:
Các em làm theo yêu cầu bài tập.
Câu 2 (trang 102 SGK Tiếng Việt 5 tập 2)
Viết một đoạn văn khoảng 5 câu tả ngoại hình của một cụ già mà em biết.
Trả lời:
Bà năm nay đã ngoài sáu mươi tuổi. Dáng người nhỏ, gầy với mái tóc pha sương nay đã bạc màu mây trắng. Lưng bà đã bắt đầu còng xuống. Nước da bị nắng cháy sạm, có chỗ đã xuất hiện những chấm đồi mồi. Vì bà đã phải bươn chải, tần tảo buôn bán để nuôi mẹ, các cậu và các dì. Mắt bà không còn tinh tường như xưa nữa, con ngươi đã hơi đùng đục nhưng cái nhìn của bà thì vẫn như thuở nào: hiền hậu, yêu thương. Hai gò má của bà nhô lên, rám nắng, đôi môi khô và thâm lại theo năm tháng của cuộc đời. Trên khuôn mặt xuất hiện nhiều nếp nhăn ở đuôi mắt, khóe môi. Mỗi khi bà cười, những nếp nhăn ấy lại hằn sâu hơn. Những lúc buồn, đôi mắt bà đăm chiêu như phản chiếu những ngày lặn lội vất vả vì những miếng cơm manh áo cho con cái.
>> Tham khảo Viết đoạn văn ngắn tả ngoại hình của một cụ già mà em biết
Tiết 6
Câu 1 (trang 102 SGK Tiếng Việt 5 tập 2)
Ôn luyện tập đọc và học thuộc lòng.
Trả lời:
Các em chủ động hoàn thành bài tập.
Câu 2 (trang 102, 103 SGK Tiếng Việt 5 tập 2)
Tìm từ ngữ thích hợp với mỗi ô trống để liên kết các câu trong những đoạn văn sau:
a) Con gấu càng leo lên cao thì khoảng cách giữa nó và tôi càng gần lại. Đáng gờm nhất là những lúc mặt nó quay vòng về phía tôi: chỉ một thoáng gió vẩn vơ tạt từ hướng tôi sang nó là “mùi người” sẽ bị gấu phát hiện…xem ra nó đang say bộng mật ong hơn là tôi.
Theo Trần Thanh Địch
b) Lũ trẻ ngồi im nghe các cụ già kể chuyện. Hôm sau, …rủ nhau ra cồn cát cao tìm những bông hoa tím. Lúc về, tay đứa nào cũng đầy một nắm hoa.
Theo Trần Nhật Thu
c) Ánh nắng lên tới bờ cát, lướt qua những thân tre nghiêng nghiêng, vàng óng. Nắng đã chiếu sáng loà cửa biển. Xóm lưới cũng ngập trong… đó. Sứ nhìn những làn khói bay lên từ các mái nhà chen chúc của bà con làng biển. …còn thấy rõ những vạt lưới đan bằng sợi ni lông óng ánh phất phơ bên cạnh những vạt lưới đen ngăm trùi trũi. …sớm đẫm chiếu người Sứ. Ánh nắng chiếu vào đôi mắt …, tắm mượt mái tóc, phủ đầy đôi bờ vai tròn trịa của…
Theo Anh Đức
Trả lời:
a) Con gấu càng leo lên cao thì khoảng cách giữa nó và tôi càng gần lại. Đáng gờm nhất là những lúc mặt nó quay vòng về phía tôi: chỉ một thoáng gió vẩn vơ tạt từ hướng tôi sang nó là “mùi người” sẽ bị gấu phát hiện nhưng xem ra nó đang say bộng mật ong hơn là tôi.
Theo Trần Thanh Địch
b) Lũ trẻ ngồi im nghe các cụ già kể chuyện. Hôm sau, chúng rủ nhau ra cồn cát cao tìm những bông hoa tím. Lúc về, tay đứa nào cũng đầy một nắm hoa.
Theo Trần Nhật Thu
c) Ánh nắng lên tới bờ cát, lướt qua những thân tre nghiêng nghiêng, vàng óng. Nắng đã chiếu sáng loà cửa biển. Xóm lưới cũng ngập trong nắng đó. Sứ nhìn những làn khói bay lên từ các mái nhà chen chúc của bà con làng biển. Chị còn thấy rõ những vạt lưới đan bằng sợi ni lông óng ánh phất phơ bên cạnh những vạt lưới đen ngăm trùi trũi. Nắng sớm đẫm chiếu người Sứ. Ánh nắng chiếu vào đôi mắt chị, tắm mượt mái tóc, phủ đầy đôi bờ vai tròn trịa của chị.
Theo Anh Đức
Tiết 7
A. Đọc thầm
Mùa thu, trời như một chiếc dù xanh bay mãi lên cao. Các hồ nước quanh làng như mỗi lúc một sâu hơn. Chúng không còn là một hồ nước nữa, chúng là những cái giếng không đáy, ở đó ta có thể nhìn thấy bầu trời bên kia trái đất.
Những con nhạn bay thành đàn trên trời cao, như một đám mây mỏng lướt qua thôn làng. Gieo xuống những tiếng kêu mát lành, trong veo sương sớm, khiến tim tôi vang lên dịu dàng những câu thơ không nhớ đã thuộc từ bao giờ.
Trẻ con lùa bò ra bãi đê. Con đê rực lên màu vàng của đàn bò đủng đỉnh bước. Ngỡ đấy là một con đê vàng đang uốn lượn. Những cánh đồng lúa xanh mướt, dập dờn trong gió nhẹ; chúng đuổi nhau mãi, đuổi nhau mãi từ ven làng đến tít tắp chân đê.
Trong làng, mùi ổi chín quyến rũ. Những buồng chuối trứng cuốc vàng lốm đốm. Đâu đó thoảng hương cốm mới.
Bên bờ nông giang vắt qua cánh đồng, giữa những tốp trẻ con, bay lên những ngọn khói xanh lơ. Bọn trẻ xua xua tay vào ngọn khói và hát câu đầu dao cổ nghe vui tai:
Khói về rứa ăn cơm với cá
Khói về ri lấy đá chập đầu
Chúng cứ hát mãi, hát mãi cho đến lúc những ngọn khói tan biến vào không gian mênh mông. Không gian như một cái chuông lớn vô cùng treo suốt mùa thu, âm vang mãi tiếng ca của trẻ con và tiếng cựa mình của cây cối, đất đai.
Mùa thu. Hồn tôi hóa thành chiếc sáo trúc nâng ngang môi chú bé ngồi vắt vẻo trên lưng trâu. Và mùa thu vang lên những âm thanh xao động đồng quê.
TheoNguyễn Trọng Tạo
- Nông giang: sông đào phục vụ sản xuất nông nghiệp
- Rứa (tiếng Trung Bộ): thế, như thế
- Ri (tiếng Trung Bộ): thế này, như thế này
B. Dựa vào nội dung bài đọc, chọn ý trả lời đúng
1. Nên chọn tên nào đặt cho bài văn trên?
a) Mùa thu ở làng quê
b) Cánh đồng quê hương
c) Âm thanh mùa thu
Trả lời:
Ý a (Mùa thu ở làng quê)
2. Tác giả cảm nhận mùa thu bằng những giác quan nào?
a) Chỉ bằng thị giác (nhìn).
b) Chỉ bằng thị giác và thính giác (nghe).
c) Bằng cả thị giác, thính giác và khứu giác (ngửi).
Trả lời:
Ý c (Bằng cả thị giác, thính giác và khứu giác (ngửi))
3. Trong câu “Chúng không còn là hồ nước nữa.. chúng là những cái giếng không đáy, ở đó ta có thể nhìn thấy bầu trời bên kia trái đất”, từ đó chỉ sự vật gì?
a) Chỉ những cái giếng.
b) Chỉ những hồ nước.
c) Chỉ làng quê.
Trả lời:
Ý b (Chỉ những hồ nước)
4. Vì sao tác giả có cảm tưởng nhìn thấy bầu trời bên kia trái đất?
a) Vì bầu trời mùa thu rất cao nên tác giả có cảm tưởng đó là bầu trời bên kia trái đất.
b) Vì bầu trời mùa thu rất xanh nên tác giả có cảm tưởng đó là một bầu trời khác.
c) Vì những hồ nước in bóng bầu trời là “những cái giếng không đáy” nên tác giả có cảm tưởng nhìn thấy ở đó bầu trời bên kia trái đất.
Trả lời:
Ý c (Vì những hồ nước in bóng bầu trời là “những cái giếng không đáy” nên tác giả có cảm tưởng nhìn thấy ở đó bầu trời bên kia trái đất).
5. Trong bài văn có những sự vật nào được nhân hoá?
a) Đàn chim nhạn, con đê và những cánh đồng lúa.
b) Con đê, những cánh đồng lúa và cây cối, đất đai.
c) Những cánh đồng lúa và cây cối, đất đai.
Trả lời:
Ý c (Những cánh đồng lúa và cây cối đất đai).
6. Trong bài văn có mấy từ đồng nghĩa với từ xanh?
a) Một từ. Đó là từ: …
b) Hai từ. Đó là các từ: …
c) Ba từ. Đó là các từ: …
Trả lời:
Ý b (Hai từ. Đó là: “xanh mướt, xanh lơ”).
7. Trong các cụm từ chiếc dù, chân đê, xua xua tay, những từ nào mang nghĩa chuyển?
a) Chỉ có từ chân mang nghĩa chuyển.
b) Có hai từ dù và chân mang nghĩa chuyển.
c) Cả ba từ dù, chân, tay đều mang nghĩa chuyển.
Trả lời:
Ý a (Từ “chân” mang nghĩa chuyển).
8. Từ “chúng” trong bài văn được dùng để chỉ những sự vật nào?
a) Các hồ nước.
b) Các hồ nước, bọn trẻ.
c) Các hồ nước, những cánh đồng lúa, bọn trẻ.
Trả lời:
Ý c (Các hồ nước, những cánh đồng lúa, bọn trẻ).
9. Trong đoạn thứ nhất (4 dòng đầu) của bài văn, có mấy câu ghép?
a) Một câu. Đó là câu : …
b) Hai câu. Đó là cấc câu : …
c) Ba câu. Đó là các câu : …
Trả lời:
Ý a (Một câu. Đó là câu: “Chúng không còn là hồ nước nữa, chúng là những cái giếng không đáy, ở đó ta có thể nhìn thấy bầu trời bên kia trái đất”).
10. Hai câu “Chúng cứ hát mãi, hát mãi cho đến lúc những ngọn khói tan biến vào không gian mênh mông. Không gian như một cái chuông lớn vô cùng treo suốt mùa thu, âm vang mãi tiếng ca của trẻ con và tiếng cựa mình của cây cối, đất đai” liên kết với nhau bằng cách nào ?
a) Bằng cách thay thế từ ngữ. Đó là từ thay cho từ…
b) Bằng cách lặp từ ngữ. Đó là từ…
c) Bằng cả hai cách thay thế và lặp từ ngữ.
Trả lời:
Ý b (Bằng cách lặp từ ngữ). Đó là từ không gian.
Tiết 8
Tập làm văn: Em hãy tả người bạn thân của em ở trường.
Bài làm:
Trong cuộc sống, chắc hẳn ai cũng đều có một người bạn thân để chia sẻ, giãi bày tâm sự. Và em cũng có một người bạn như thế. Khánh Tú bằng tuổi em, nhà hai đứa lại ở gần nên chúng em chơi thân với nhau từ hồi còn học mẫu giáo.
Ở Tú toát lên vẻ hóm hỉnh, hài hước rất dễ mến. Mái tóc màu cà phê, được cắt gọn gàng. Bạn bảo màu tóc đặc biệt đó là được thừa hưởng từ mẹ. Dù là con trai, hay phơi nắng phơi mưa cùng tụi bạn trong xóm nhưng nước da Tú vẫn trắng hồng, cộng với gương mặt bầu bĩnh, trông thật là dễ thương. Cặp mắt to tròn, đen láy như hai hòn bi ve, lúc nào cũng mở lớn, ánh lên vẻ thông minh, lanh lợi. Đôi lông mày rậm cùng chiếc mũi thẳng nên ngoài những lúc cười thì trông Tú rất nghiêm nghị. Khuôn miệng luôn cười tạo thành hình trái tim, phô ra hai hàm răng trắng bóng. Đặc biệt Khánh Tú còn có hai má lúm đồng tiền. Mẹ em thường trêu rằng: “Tú hội tủ đủ mọi nét đẹp của con gái”. Tuy vậy, nhìn Tú vẫn ra dáng một cậu con trai nghịch ngợm mà đa tài.
Tú rất hiếu động, không lúc nào yên chân, yên tay. Giờ ra chơi, chỗ nào huyên náo nhất là chỗ đó có Tú. Cậu bạn thân của em có trí nhớ rất tốt, lại ham đọc sách nên thường kể lại cho chúng em nghe những gì cậu ấy đọc được. Nhờ khiếu kể chuyện cùng với lối pha trò tinh nghịch khiến mấy đứa chúng em, đứa nào cũng bò lăn ra mà cười. Tú luôn nghĩ ra những trò chơi thú vị. Trong các buổi diễn văn nghệ, Tú thường bắt chước tiếng kêu và hành động của các con vật, làm người xem lúc nào cũng thích thú.
Nghịch ngợm là thế nhưng khi chơi thể thao, cậu bạn ấy lại tỏ ra chín chắn, nghiêm nghị như người lớn. Khánh Tú chơi rất giỏi môn đánh cầu lông và thường xuyên được nhà trường chọn đi thi đấu các giải quan trọng của tỉnh, của thành phố. Ở trên lớp, Tú còn là một học sinh giỏi. Bạn khá các môn tự nhiên nên thường kèm các bạn khác học bài. Vì thế, qua các kì thi, điểm của mọi người khá dần lên và cuối học kỳ I vừa rồi, lớp em đã đạt được danh hiệu “Lớp xuất sắc”.
Hai đứa chúng em chơi với thân từ lúc còn học mẫu giáo nên từ sở thích, sở trường, sở đoản chúng em đều hiểu rõ của nhau. Em và Tú gắn bó với nhau như hình với bóng, mặc dù tính cách trái ngược nhau nhưng điều đó lại khiến chúng em khắc phục nhược điểm của bản thân và dễ dàng chia sẻ mọi tâm tư, tình cảm. Tú hay sang nhà em chơi, giúp em học bài và cùng tập tành sáng tác thơ văn, sáng tác nhạc. Em có một cây đàn ghi-ta cho anh trai tặng nhân dịp sinh nhật. Mỗi buổi chiều, chúng em lại ra hiên ngồi, nghêu ngao hát. Những giây phút ấy, tuy hai đứa không nói câu nào nhưng vẫn để lại trong em nhiều cảm xúc khó quên.
Khánh Tú, cậu bạn đáng mến của em. Em rất yêu quý và ngưỡng mộ Tú vì bạn không chỉ là một người con ngoan mà còn là trò giỏi, là tấm gương sáng để mọi người noi theo.
>> Tham khảo thêm: Tả một người bạn thân của em
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Ôn tập giữa học kì II trang 100 SGK Tiếng Việt 5 tập 2 Tiếng Việt Lớp 5 tập 2 – Tuần 28 của Pgdphurieng.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.