“Cam kết này là một bước đi đầy hứa hẹn, nhưng sẽ còn rất nhiều việc phải làm cùng nhau”, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói trong một sự kiện tại Nhà Trắng ngày 21/7. “Chúng ta phải sáng suốt và cảnh giác về các mối đe dọa từ công nghệ mới nổi đối với nền dân chủ Mỹ”.
Sự kiện có sự tham gia của đại diện những công ty lớn về trí tuệ nhân tạo như OpenAI, Google, Meta, Anthropic, Inflection, Amazon, Microsoft. Họ sẽ cùng phát triển một công cụ đánh dấu watermark tự động cho tất cả định dạng từ văn bản, âm thanh đến ảnh, video để người dùng phân biệt được nội dung do con người hay AI tạo ra dễ dàng hơn. Hiện các bên chưa bàn về cách watermark sẽ được hiển thị thế nào.
Ngoài ra, các công ty cũng hứa sẽ kiểm tra kỹ lưỡng các hệ thống AI trước khi phát hành, chia sẻ thông tin về cách giảm thiểu rủi ro cũng như sẽ đầu tư mạnh vào an ninh mạng. Họ cũng khẳng định tập trung vào việc bảo vệ quyền riêng tư và đảm bảo trí tuệ nhân tạo không thiên vị, phân biệt đối xử người dùng. Các cam kết khác gồm phát triển giải pháp AI hỗ trợ cho khoa học như nghiên cứu y tế hay giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Động thái trên được coi là một chiến thắng cho nỗ lực của chính quyền ông Biden trong việc kiểm soát AI tạo sinh, công nghệ đang bùng nổ cả về mức độ đầu tư và sự phổ biến với người dùng.
Kể từ khi AI tạo sinh như ChatGPT, Bard xuất hiện và gây sốt, các nhà lập pháp trên khắp thế giới đã bắt đầu xem xét các biện pháp để giảm nguy cơ của công nghệ mới này đối với an ninh cũng như nền kinh tế quốc gia
Ông Biden cho biết đang nghiên cứu xây dựng một sắc lệnh hành pháp về AI sau khi tiếp đón đại diện của 7 công ty công nghệ. Mỹ được đánh giá đang chậm trễ so với châu Âu trong việc đưa ra quy định AI. Vào tháng 6, các nhà lập pháp châu Âu đã ra bộ quy tắc dự thảo, yêu cầu các hệ thống như ChatGPT phải phân biệt nội dung AI tạo ra với nội dung thật và đảm bảo có biện pháp bảo vệ chống lại nội dung độc hại.
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/noi-dung-ai-se-duoc-danh-dau-watermark-4632788.html