Hồi tháng 2, tỉnh Tứ Xuyên ban hành chính sách “Khai sinh không cần đăng ký kết hôn”, tiếp tục cởi trói cho sinh đẻ và hôn nhân. Trong những năm gần đây chính sách dân số đã được nới lỏng nhiều nơi ở Trung Quốc. Chuyện phụ nữ chọn sinh con một mình cũng không còn hiếm.
Jenna, 43 tuổi, cho biết đã tự đến bệnh viện và sinh ra một đứa trẻ. Toàn bộ thai kỳ của cô suôn sẻ, chỉ tiếc quá trình trở dạ vì tuổi cao nên cổ tử cung mở rất chậm, sau cùng phải mổ. “Khi y tá bế đứa con đến tôi vô cùng xúc động. Thật tuyệt vời, con đã an toàn tới thế giới này và tôi cũng vậy”, cô chia sẻ.
Từ tuổi 20 tới trước lúc mang thai, Jenna chỉ biết công việc. Làm trong lĩnh vực đối ngoại, cô đi nhiều, gặp nhiều, tích lũy được tài chính và tri thức cho mình.
Khi 35 tuổi đột nhiên cô muốn có con. Đây là thứ cảm xúc khao khát và khẩn thiết chưa từng có trước đây. “Dường như một thứ tình mẫu tử đã được sinh ra từ thời đại – chỉ đơn giản là muốn kết nối với một sinh linh bé nhỏ”, cô chia sẻ.
Đến tuổi 40, ý tưởng này càng mạnh mẽ. Thời điểm đó, cô vẫn đang ở bên một người đàn ông tốt nhưng khi xem xét mối quan hệ này với tiêu chuẩn “muốn có một đứa con và một người bạn đời”, cô cảm thấy không phù hợp.
“Không phủ nhận có những đôi bên nhau hạnh phúc, nhưng sống đến tuổi này tôi biết rất ít người gặp được đúng người, phần lớn chỉ là kết hôn cho có. Tôi thà bỏ qua chứ không chọn nhầm”, cô chia sẻ.
Sau khi chia tay, Jenna bắt đầu đi làm thụ tinh ống nghiệm. Lúc này cô cảm thấy may mắn khi được sinh ra vào thập niên 1980, đúng thời kỳ đất nước phát triển nhanh chóng, cho phép sớm độc lập kinh tế. Người phụ nữ thành đạt bay qua Mỹ chọn tinh trùng. Cô cân nhắc rất kỹ, sức khỏe của người cung cấp tinh trùng, logic khoa học, tính cách, thể thao và ngoại hình đều quan trọng như nhau. Người này có bằng tiến sĩ khoa học và chuyên môn về bóng bầu dục. Một điều nữa cô đánh giá cao là người này yêu bóng đá cũng như thích thêu thùa – phẩm chất mà cô nghĩ là một giới tính rất cân bằng.
Tổng cộng cô chi khoảng 500.000 tệ (hơn 1,7 tỷ đồng) để sinh con, bao gồm chi phí y tế, chi phí sinh hoạt và đi lại.
“Sau khi tôi chia sẻ câu chuyện tự có con, nhiều chị em đã email cho tôi. Tôi khuyên họ nếu muốn đi con đường này cần phải chuẩn bị đầy đủ và cẩn thận, vì không chỉ mang một sinh linh đến thế giới này, mà còn trách nhiệm với bản thân từ nay về sau”, cô chia sẻ.
Jenna quyết định nghỉ việc trước quá trình thụ thai và sẽ toàn tâm toàn ý đồng hành cùng con trong giai đoạn đầu đời. Cuối năm 2020, cô đưa con từ Mỹ trở lại thành phố quê hương. “Thực ra tôi rất yêu công việc, nhưng tôi biết, ngoài kinh tế, điều con cái cần hơn cả là sự phong phú về tinh thần và tình cảm”, cô chia sẻ. Hiện tại, cô làm self-media để có thể đồng hành với con trong 6 năm đầu đời. Khi con đi học, cô có thể làm các công việc mình muốn.
Fenwick, 34 tuổi, cũng có một cặp song sinh.Năm 2017 khi du học Pháp, cô hay đi cùng một người bạn trong lớp trông một đứa trẻ hai tuổi rất dễ thương. Lúc đó Fenwwich đã nghĩ “giá mình cũng có một đứa con”.
Tốt nghiệp trở về nước, Fenwich quyết định tự sinh con vì nhiều năm nay vẫn chưa tìm được bạn đời vừa ý. Bố mẹ Fenwick là những người cởi mở, hoàn toàn ủng hộ con.
Trong nước, ngân hàng tinh trùng không cho phép phụ nữ độc thân thụ tinh ống nghiệm, nên cô chỉ còn một con đường duy nhất ra nước ngoài. Cô đã chọn nguồn tinh trùng có giá cao nhất 995 USD. Quá trình IVF cần bay qua Mỹ hai lần, một lần lấy trứng và cấy ghép, tổng chi phí 300.000 tệ (hơn một tỷ đồng).
“Tôi chọn tinh trùng của một kỹ sư có thành tích công việc xuất sắc. Tôi nghĩ anh ấy phải thông minh, dũng cảm, mạnh mẽ và có một đôi mắt xanh tuyệt đẹp. Tôi hy vọng các con tôi có thể thừa hưởng những phẩm chất tốt đẹp này ở một mức độ nào đó”, cô chia sẻ. Một trong những điều kiện của người hiến tặng này là khi đứa trẻ lớn có thể tìm người cha ruột, Fenwich ủng hộ nếu sau này con muốn.
Nuôi thành công 5 phôi, trong đó có một phôi gái. Fenwich đã luôn mong có con gái và vì truyền thống người Trung Quốc thích một cặp “long phụng”, nên cô đã chọn chuyển hai phôi.
Là một người đam mê thể thao, luôn chú trọng hình ảnh, nhưng cuối thai kỳ, bụng Fenwich to quá mức, da rạn, cô không thể nằm ngửa, đi lại phải ngồi xe lăn. “Đến khi nhìn hai sinh linh bé nhỏ chào đời, lòng tôi choáng ngợp và thậm chí cảm thấy tiếng gọi ‘mẹ’ có chút gì khó nói. Nhưng rồi rất nhanh, tôi đột nhiên nhận ra: Đây là các con tôi, tất cả, là của riêng tôi”, cô nhớ lại.
Một lúc chăm sóc hai con, kể cả khi có sự giúp đỡ của mẹ và người giúp việc vẫn rất vất vả. Thời gian bú của hai bé khác nhau, một bé bú hai tiếng một lần, bé bú ba tiếng, dù vậy Fenwich vẫn thường xuyên bị tắc sữa do có quá nhiều.
Sự xuất hiện của con cũng thay đổi hoàn toàn nhịp sống của Fenwich. Trước đó cô là người không bao giờ ngồi im một chỗ, nhưng trong ba năm qua, cuộc sống chỉ xoay quanh con. “Tôi lo lắng chế độ ăn mặc, dinh dưỡng, song ngữ của con. Tôi chỉ mong con nhanh lớn để đưa đi trượt tuyết, lướt sóng, lặn biển và mọi môn thể thao khác tôi thích”, cô nói.
Bởi vì Fenwich có ngoại hình trung tính nên rất bị chú ý khi dẫn hai con đi lại trên đường. Song đa phần họ đều thân thiện và tò mò. Có lần cô đưa các con xuống dưới chung cư chơi, một phụ nữ trung niên hỏi về bố đứa trẻ. Cô đã kể toàn bộ quá trình đi mua tinh trùng và làm IVF, sinh con một mình thế nào. Người phụ nữ lắng nghe một cách thích thú và không thể hiện một chút nào kỳ thị.
Nhưng vẫn còn một số bất cập. Thành phố của cô trợ cấp 30.000 tệ (hơn 100 triệu đồng) cho phụ nữ sinh con, song vì Fenwich làm mẹ đơn thân nên không được hưởng. “Tôi khá bức xúc. Mình cũng từng trải qua khó khăn giống nhau và có hai đứa con, vậy tại sao bị đối xử khác. Đối với mẹ đơn thân, 30.000 tệ có thể là một khoản tiền rất quan trọng”, cô nói.
Fenwich cũng cho biết thấy ngày càng nhiều phụ nữ chọn sinh con một mình. Khi làm blogger tại nhà, cô vẫn thường xuyên nhận được tin nhắn hỏi về quá trình tự sinh con.
“Tôi luôn nhắc nhở họ phải chắc chắn có nền tảng tài chính vững chắc, độc lập tài chính và tinh thần trước khi quyết định, bởi thực sự sinh một đứa trẻ là một thách thức rất lơn”, cô chia sẻ.
Luật sư Dong Xiaoying, Trung tâm Nghiên cứu Xã hội của Đại học Bắc Kinh cho biết tư tưởng “bỏ cha, giữ con” hiện nay phổ biến trong một bộ phận phụ nữ thành đạt Trung Quốc. Trong những năm gần đây, nhiều phụ nữ đã nhận ra rằng hệ thống hôn nhân và sinh đẻ truyền thống có thể tác động tiêu cực đến cuộc sống và sự nghiệp của họ. Với sự gia tăng địa vị kinh tế và sự tự nhận thức, nhiều phụ nữ cảm thấy rằng mình có thể có một đứa con và nuôi dạy tốt mà không cần một người cha.
“Nếu hai vấn đề hôn nhân và nuôi dạy con cái được cởi trói hơn nữa, tôi nghĩ những nhóm nuôi dạy con cái độc lập này sẽ ít bị phân biệt đối xử hơn”, luật sư Dong nói.
Một điều nữa có thể đang xảy ra từ từ là trật tự quan hệ tình dục, hôn nhân và sinh con có thể bị đảo lộn. Nhiều phụ nữ đang chọn sinh con trước rồi mới quyết định có nên gắn bó cả đời với một người hay không.
Bảo Nhiên (Theo Zhuanlan)
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/nhung-phu-nu-thanh-dat-mua-tinh-trung-sinh-con-4588570.html